QĐND - Trước, trong và sau ngày toàn thắng 30-4-1975, những người lính Trung đoàn 1 U Minh (Quân khu 9) đã làm gì, ở đâu? Lằn ranh giữa cái sống và cái chết, niềm vui ngắn chẳng tày gang, lính đồng bằng bỗng nhiên xông pha nơi biển đảo... Nhân dịp kỷ niệm 37 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đã dành cho phóng viên Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần cuộc trò chuyện về ngày toàn thắng…
Ngày ấy, ở miền Tây
Đại tướng Phạm Văn Trà kể: Tôi chiến đấu nhiều năm ở địa bàn Quân khu 9, nơi mà sau Hiệp định Pa -ri, tập trung lực lượng địch rất nhiều. Nhiều nơi im tiếng súng sau năm 1973 nhưng Quân khu 9 thì không. Có lúc khu vực U Minh – Hậu Giang tập trung tới 75 tiểu đoàn địch, riêng lực lượng đối đầu với Trung đoàn 1 U Minh do tôi làm trung đoàn truởng lên tới 18 tiểu đoàn. Chúng muốn đẩy chủ lực ta ra khỏi miền Tây, bình định Tây Nam Bộ…
 |
Đại tướng Phạm Văn Trà. ảnh: Nguyễn Hòa
|
Những ngày cuối tháng 4-1975, trung đoàn tôi đang tập trung chặn cắt, khống chế địch ở lộ 4, sẵn sàng giải phóng Vĩnh Long thì tôi nhận lệnh về Bộ tư lệnh tiền phương của Quân khu họp. Buổi sáng hôm ấy, chừng 18-20 tháng Tư, tôi cùng một số anh em bí mật cuốc bộ đi họp thì lọt vào ổ phục kích của địch. Hàng trăm tên địch bất ngờ nhảy xổ ra từ các lùm cây, nổ súng định tiêu diệt và đuổi theo chúng tôi. Mỗi người một hướng, tôi và mấy anh em chạy ngược lại phía sở chỉ huy trung đoàn. Chúng tôi chạy thục mạng, mặc đạn bay vù vù bên tai xen lẫn tiếng reo hò của bọn địch: “Bắt sống Ba Trà, bắt sống Ba Trà!”…May mà chúng vừa đuổi vừa bắn nên không chính xác. Tôi chạy về tới gần sở chỉ huy trung đoàn thì đã thấy thấp thoáng các tay súng đồng đội trong lùm cây sẵn sàng chi viện cho mình. Biết rõ điều đó, tôi vội lăn xuống đất. Lập tức hàng chục cây súng của ta nhả đạn. Bọn địch nhiều tên bị trúng đạn, số còn lại kinh hoàng quay đầu bỏ chạy. Cho đến bây giờ tôi vẫn không thể hiểu tại sao mình có thể thoát chết trong tình huống cực kỳ nguy hiểm đó, lại trước ngày toàn thắng chỉ hơn chục ngày.
Trưa 30-4, trung đoàn tôi ở thị xã Vĩnh Long. Lúc này mặc dù ở Sài Gòn, Tổng thống Dương Văn Minh đã tuyên bố đầu hàng. Sau đó, vào 2 giờ chiều, tướng Nguyễn Khoa Nam, Tư lệnh vùng 4 chiến thuật và Quân đoàn 4 ngụy đã đầu hàng song tại Vĩnh Long, địch vẫn ngoan cố chống cự, buộc chúng tôi phải vừa đánh vừa tích cực gọi hàng. Phải đến xế chiều 30-4, sau khi trinh sát thông tin của ta bắt được sóng đài địch, qua điện đài, ta kêu gọi tên tỉnh trưởng Vĩnh Long đầu hàng, nếu không sẽ phải đền tội dù cách mạng không muốn điều đó. Mãi đến 5 giờ chiều 30, tên này mới chấp nhận đầu hàng sau khi xin ta giữ lời hứa bảo toàn tính mạng…
Hòa bình, biển Tây Nam lại nổi sóng
Toàn thắng, trung đoàn tôi về đứng chân ở bến phà Mỹ Thuận, chưa hưởng trọn niềm vui cùng bà con cô bác Vĩnh Long thì lại bất ngờ nhận mệnh lệnh lên đường chiến đấu. Thì ra, chỉ 3 ngày sau khi “ngụy nhào”, ngày 3-5-1975, vùng biển Tây Nam bất ngờ nổi sóng, tập đoàn phản động Pôn Pốt đưa quân đánh chiếm phần phía bắc đảo Phú Quốc, các đảo Hòn ông, Hòn Bà, Thổ Chu, giết hại hơn 500 đồng bào ta sống lâu đời ở đây. ít ai ngờ rằng thời điểm kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ đã gắn với điểm khởi đầu của một cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc không kém phần ác liệt như thế…
Ngày 25-5, trung đoàn tôi hành quân tới Rạch Giá, Kiên Giang để đi tàu ra Phú Quốc chiến đấu. Lần ra trận này không phấn chấn như những ngày đánh Mỹ mà trĩu nặng ưu tư, trăn trở. Trước đó, mặc dù hải quân và quân khu đã giải phóng đảo Thổ Chu, bắt 300 tên địch, nhiệm vụ của chúng tôi là giải phóng đảo Hòn ông, Hòn Bà. Khó khăn lớn nhất với chúng tôi là không một ai biết hòn đảo này như thế nào, nằm ở đâu, tình hình địch ra sao. Phải qua 2 ngày trinh sát, dựa vào dân, tìm được một lão ngư phủ đã ra hai đảo này đánh cá trước đó vài tháng, chúng tôi mới hiểu được sâu hơn về hai hòn đảo. Qua trinh sát, ta cũng nắm được lực lượng địch gồm 2 tiểu đoàn và nhiều vũ khí như ĐKZ 82mm, 75mm, cối, đại liên… Để tác chiến, chúng tôi được giao phối hợp chặt chẽ với hải quân và không quân bàn cách đánh và triển khai nhiệm vụ. Lúc này, hải quân ta mặc dù đã có các hạm đội nhưng trang bị còn rất mỏng, cả hạm đội chỉ có hai chiếc tàu cao tốc, mấy khẩu 12, 7mm và 37mm, vài tàu “há mồm”… Lái tàu lại là lính ngụy trước đây, nay được ta giáo dục để họ nhận nhiệm vụ…
Giải phóng Hòn ông, Hòn Bà đã để lại cho tôi nhiều bài học kinh nghiệm quý trong chỉ đạo tác chiến cũng như xây dựng lực lượng hải quân sau này. Lúc đó, phía các anh hải quân cho rằng quân Pôn Pốt rất yếu, cùng lắm chỉ bằng quân ngụy trước đây nên ta có thể đánh “bài bản”, đổ bộ trực tiếp vào bãi cát rộng rồi dùng hỏa lực, xung lực tiến công địch. Nhưng tôi cho rằng ta chưa nắm chắc tình hình địch, hỏa lực, trang bị của ta cũng mỏng, quân Pôn Pốt lại rất thâm hiểm nên muốn thắng địch phải thận trọng, đánh chắc, tiến chắc. Tôi nói là tôi chưa ra biển bao giờ, nhưng tôi sẽ “đánh theo cách của tôi”. Tranh cãi mãi, các anh hải quân cũng “chịu thua”. Trung đoàn sẽ hành quân đêm, vòng xuống phía nam đảo đi ngược lên, lợi dụng ngược gió để địch không nghe được tiếng máy tàu, rồi đổ bộ nơi bão đá hiểm trở, chứ không phải bãi cát. Khi ta nổ súng, nơi bãi cát đúng là chỗ địch bố trí trận địa phòng ngự hỏa lực mạnh, anh Hán, chỉ huy hải quân xúc động nói với tôi:
- May quá, nhờ có anh chưa ra biển bao giờ mà lại đi guốc trong bụng chúng!
Sau nhiều ngày chiến đấu, đến ngày 14-6-1975, trung đoàn đã tiêu diệt và bắt sống toàn bộ quân địch, riêng số bị bắt là 782 tên, thu hàng nghìn khẩu súng. Trung đoàn tôi hy sinh 18 đồng chí và bị thương hơn 80 đồng chí. Vậy là hòa bình chưa đầy hai tháng mà những người lính trung đoàn U Minh đã phải tiếp tục hy sinh, đổ máu vì nền độc lập, tự do của dân tộc. Qua đó cũng thấy được vấn đề chủ quyền biển đảo luôn “nóng” nếu chúng ta thiếu quan tâm, thiếu đi chiến lược xây dựng và bảo vệ.
Lòng dân là vũ khí mạnh nhất
PV: Sau 37 năm nhìn lại ngày toàn thắng, Đại tướng thấy tâm huyết nhất điều gì?
Đại tướng Phạm Văn Trà: Điều tôi tâm huyết và trăn trở nhất là phải làm sao giữ được “thế trận lòng dân”. Miền Tây không có dân thì bộ đội không sống được. Dân là tường thành, là chỗ dựa vững chắc, lòng dân mênh mông như nước sông Tiền, sông Hậu. Không có dân, tổ chức Đảng cũng không tồn tại được. Trung đoàn tôi không có dân thì đã bị 18 tiểu đoàn ngụy “nhổ cỏ” từ lâu. Miền Tây sình lầy, trống trải, sông ngòi chằng chịt không thích hợp với tác chiến hiệp đồng quy mô lớn mà rất phù hợp với chiến tranh nhân dân, chiến tranh du kích. Dựa vào dân nên chúng tôi “lai vô ảnh, khứ vô tung” như Bác Hồ đã dạy. Dựa vào dân nên Tư lệnh Quân khu Lê Đức Anh cũng ở sát bốt địch mà địch đâu biết, cứ ngỡ ổng ở mãi U Minh. Vì vậy, bây giờ hòa bình rồi là lúc phải nghĩ đến dân, lo cho dân. Quân đội tham gia xây dựng nông thôn mới hiện nay lại ở gần dân nơi vùng sâu, vùng xa, phải làm sao giúp dân được nhiều nhất.
PV: Vậy để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN hiện nay, cần lưu ý đến những vấn đề gì nhất?
Đại tướng Phạm Văn Trà: Muốn đất nước vững chỉ xây dựng quân đội mạnh thì chưa đủ. Quân đội Liên Xô cũ mạnh thế mà cũng để mất chế độ. Trong nền quốc phòng toàn dân, thứ nhất là phải xây dựng Đảng thật mạnh, Đảng được lòng dân, có chính sách cho dân. Thứ hai, chính quyền phải vì dân. Thứ ba, kinh tế phải phát triển, mọi người dân được hưởng từ thành quả phát triển đó. Thứ tư, giáo dục quốc phòng, truyền thống yêu nước. Thứ năm, phải chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang. Thứ sáu, xây dựng công nghiệp quốc phòng, tiềm lực quốc phòng. Thứ bảy, xây dựng các công trình phòng thủ mạnh.
Cần chú trọng xây dựng công nghiệp quốc phòng mạnh để hiện đại hóa quân đội. Nếu không sản xuất được, cái gì cũng phải đi mua thì không bao giờ đủ tiền. Một quả tên lửa có bao nhiêu sắt, thép đâu mà tới 2 triệu USD, máy bay tiêm kích giá hàng chục triệu USD… Phải chủ động sản xuất thì mới có tiềm lực. Công nghiệp quốc phòng cũng chi phối, hỗ trợ công nghiệp khác trong nước, giúp phát triển kinh tế.
PV: Thế hệ của Đại tướng đã hoàn thành sứ mệnh đánh đuổi ngoại xâm, thu non sông về một mối nhưng vừa qua, cũng đây đó còn có người phân tâm, đòi “xét lại quá khứ” hoặc có những phát ngôn, hành xử chưa tốt, không có lợi cho sự nghiệp cách mạng chung? Đại tướng có suy nghĩ gì về hiện tượng này?
Đại tướng Phạm Văn Trà: Số đó không nhiều, chỉ là cá biệt. Bởi tôi nghĩ đã là người sĩ quan, người Đảng viên Cộng sản thì phẩm chất hàng đầu là trung thành với Đảng. Không giữ được cái đó thì anh không xứng đáng ở trong hàng ngũ rồi. Trong một vài vụ việc có người phát ngôn, hành xử chưa phù hợp theo tôi cái tâm của họ cơ bản vẫn là tốt, mong muốn vì sự phát triển của đất nước nhưng có thể do thiếu thông tin nên xử lý chưa tốt, lại bị kẻ xấu tung tin hỏa mù, kích động nữa nên việc xử lý thông tin càng hạn chế. Tôi thấy các cựu chiến binh, cán bộ hưu trí hiện nay còn thiếu thông tin nhiều, thiếu cả báo để đọc nữa. Trong chống tham nhũng, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 hiện nay cũng vậy, cần phải có thông tin đúng, đừng để kẻ xấu lợi dụng kích động lên là quá mù ra mưa, hỏng việc và gây thiệt hại khó lường…
PV: Xin cảm ơn và kính chúc Đại tướng mạnh khỏe!
Nguyên Minh – Nguyễn Hòa