QĐND -  “Vượt cạn” lần đầu
Tôi đưa vợ đi sinh con đầu lòng tại Trung tâm Y tế thị xã Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Bao nhiêu niềm vui, hy vọng, hạnh phúc và cả những lo lắng giờ đó như mới thật sự đến …

Mãi rồi mà vợ tôi vẫn không đau hơn. Cô ấy đi lại, nói cười bình thường trong khi tôi thì lo lắng quá vì nghe người ta nói “con so” thường sinh sớm hơn ngày dự kiến. Giữa trưa hôm sau, tự dưng, vợ nói thèm ăn dưa hấu và uống nước mía quá! Tôi nói: Em cứ nghỉ ngơi đi để anh đi mua. Nhưng vợ tôi không chịu, muốn đi cùng, lại còn đòi đi bộ cho dễ sinh. Đến chợ, hai vợ chồng mua nào là dưa hấu, nhãn, nho… tính dư ra để cho chị em ở phòng chờ sinh cùng ăn. Vừa đi vừa trò chuyện, trêu đùa và nghỉ, nên đến khoảng 15 giờ hai vợ chồng mới về đến phòng. Bác sĩ siêu âm cho lần nữa, kết luận: Phải mổ ngay vì thiếu nước ối, nếu không sẽ ảnh hưởng tới sự an toàn của cháu bé!

Tấm ảnh gia đình hạnh phúc của Thượng úy Hiếu, do em vợ chụp tặng.

Đứng ngoài phòng mổ, tôi vừa lo lắng, sốt ruột, vừa vui mừng, hồi hộp đan xen nên đứng ngồi không yên. Khi cô y tá đẩy xe ra, có một em bé ở trong, tôi vội vàng chạy theo nhưng nhìn thì chẳng thấy quen đứa trẻ này, trong đầu nghĩ không phải, chắc đứa trẻ tiếp theo mới là con mình đây. Nhưng đứa trẻ thứ hai được đưa ra, tôi nhìn cũng cảm thấy không phải. Phải đến đứa thứ ba, đưa ra lúc 15 giờ 33 phút thì mới nhìn tôi đã cảm nhận là con mình và… chạy theo ngay. Ôi, nó khóc khiến cái trán hơi nhăn nhăn sao giống bố tôi đến thế…

Cô y tá gọi: Ai là người nhà của Đàm Thị Duyên? Tôi vừa đẩy xe cùng cô y tá vừa trả lời: Dạ! Có em đây rồi! Cô y tá ngạc nhiên, nói nhấn mạnh lại: Đàm Thị Duyên! Tôi đáp: Vâng ạ, em đây rồi mà! Cô ấy cười rất tươi và hỏi: Sao lại nhanh vậy? Lúc này, tôi cũng chẳng trả lời được nữa mà cứ bám theo ngắm “cục cưng” của mình. Phải nói đó là khoảnh khắc hạnh phúc nhất trong cuộc đời của tôi. Tôi nhìn con mà cứ ngỡ như mình được sinh ra lần thứ hai vậy.

Sau một thời gian ở lồng kính, con tôi mới được về với mẹ. Nhưng khi hai mẹ con sắp sửa được gặp nhau, lại xảy ra một chuyện bất ngờ. Mẹ tôi vào phòng đón cháu nhưng không thấy đâu. Bà nháo nhác, hoảng hốt. Tôi lao đến phòng đó tìm con thì gặp một ông bố ẵm một cháu bé. Nhìn thấy tôi, ông ấy đưa cháu bé cho tôi luôn. Đúng con anh đây này! Thì ra, người đó đã mang nhầm con tôi về cũng để cho vợ bế. Vợ anh ấy đã phát hiện ra không phải con gái của họ nên ông chồng mới đem trả lại. Thật hú vía, tí nữa là tôi lạc mất con mình.

Cả đêm ấy, tôi thức trắng bồng con, dù vẫn còn rất lóng ngóng vì lần đầu bế trẻ sơ sinh. Vợ tôi sinh mổ nên cả đêm đó không có sữa, tôi phải pha sữa vào bình rồi cho cháu bú. Nhìn nó bú bình sữa móp hết cả má mà tôi thấy thương con và thấy yêu hai mẹ con vô cùng.

Có bác đến trông con gái sinh ở cùng phòng vợ tôi nói với tôi rằng: Đúng là chỉ có bộ đội mới làm được như vậy, chứ cháu nhìn xem, trong phòng, chẳng thấy bóng ông chồng nào nữa, chỉ có bà ngoại chăm cháu ngoại thôi.

Mong ngóng từ biển khơi

Chủ nhân của câu chuyện trên là Thượng úy Đặng Quốc Hiếu, người dân tộc Dao, hiện đang là Chính trị viên của Điểm B Đảo Phan Vinh, Trường Sa. Hiếu quan niệm, trong cuộc sống, hạnh phúc đôi khi phải cảm nhận bằng trái tim mà không thể diễn đạt bằng lời nói. Thế nào được coi là hạnh phúc? Điều đó còn phụ thuộc vào quan điểm và sự cảm nhận tinh tế của mỗi người. Và câu chuyện về lần vượt cạn đầu tiên của vợ với Hiếu đã gắn liền cùng những điều này.

Bốn năm trôi qua, Hiếu vẫn nhớ từng chi tiết nhỏ của ngày vợ “vượt cạn” ấy, 5-8-2009. Thời gian gần đây, câu chuyện, tâm trạng lần đầu làm bố đó lại trở về da diết hơn bao giờ hết, khi chỉ ít ngày nữa vợ Hiếu sẽ "vượt cạn" lần hai. Nhưng không phải vì thế mà tóc Hiếu bạc. Màu tóc này đã được di truyền từ đời cha. Đang ở đảo xa, nên Hiếu chia sẻ nhiều với vợ nhất có lẽ là ý nghĩ. Hiếu nhớ nhiều chuyện lắm.

Nào là nhớ cái lần rời thôn Làng Ẻn, xã Trì Quang, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai lên trọ học ở thành phố để từ sự cố gắng vượt khó đó, Hiếu đã có điều kiện được học tiếp lên bậc đại học, ở Trường Sĩ quan Tăng-Thiết giáp. Nhà Hiếu ở vùng sâu nhưng rất hiếu học, có 5 anh chị em thì 4 người đỗ đại học.

Nào là nhớ những dấu mốc cuộc đời, từ ngày nhập ngũ, 20-9-2001, cho đến ngày đầu tiên biết mặt “một nửa” của mình, 30-7-2003. Khi đó cũng là vô tình, Hiếu đi cùng người em họ, là lính biên phòng đến chơi nhà một người đồng đội. Nhìn thấy người em gái anh ấy, Hiếu đã cảm mến ngay. Rồi sau, nhờ gần 200 lá thư viết tay mang tâm sự, suy nghĩ, sự chờ đợi và những lời động viên nhau trong học tập, trong cuộc sống, họ đã nên duyên vợ chồng vào đầu năm 2008.

Hiếu tâm sự: Chuyện tình cảm của chúng em cũng có nhiều sóng gió. Sóng gió ở đây không phải là “sứt mẻ” mà là sự xa cách về địa lý, những khó khăn về điều kiện thời gian để gặp nhau bởi em học ở Trường Sĩ quan Tăng-Thiết giáp, vợ em học Trường Trung cấp Sư phạm Mẫu giáo Trung ương ở Hà Nội. Mà môi trường học tập trong quân đội thì đâu có dễ để có thể đi thăm người yêu. Thế nên, mỗi tháng, cô ấy đều lên thăm em một đến hai lần. Khi cảm thấy rằng không thể sống thiếu nhau nên chúng em đã quyết định đi đến hôn nhân.

Khi vào Khánh Hòa công tác, Hiếu đưa vợ theo. Họ thuê một căn nhà nhỏ để ở. Ngày ngày, Duyên đi dạy trẻ ở một trường tư thục cách nhà 6km. Khi bố vợ mất, Duyên và con trai về quê ở với mẹ đẻ còn Hiếu đi học chuyển loại chính trị ở Học viện Hải quân. Ra trường, Hiếu về lại đơn vị cũ một năm rồi ra đảo công tác. Hiếu bảo: Em đi ra đảo một năm rồi, lần này là lần thứ hai, mới được hơn 2 tháng... Tuy rằng phải xa vợ con nhưng về sau này có điện thoại để liên lạc chứ không như thời yêu nhau chỉ bằng thư từ cho nên cũng cảm thấy gần gũi nhau hơn. Vợ chồng em  động viên nhau nhiều lắm và luôn đặt niềm tin ở nhau, con trai của chúng em là cầu nối hạnh phúc vững chãi nhất. Giờ vợ em đang dạy học ở vùng cao, tại Trường Mầm non Phìn Ngan, xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát. Chúng em cùng nhau cố gắng để hoàn thành tốt nhiệm vụ, dung hòa công việc với gia đình. Vợ em vất vả hơn em nhiều vì sắp tới, chúng em lại chào đón cháu thứ hai. Lần “vượt cạn” này sẽ không có em ở bên. Chắc Duyên sẽ rất buồn, sẽ rất cần em những lúc như vậy, nhưng em tin Duyên sẽ mạnh mẽ vượt qua… Mai này, mong được về công tác tại quê nhà, em sẽ cố gắng bù đắp…

Với tấm lòng của Hiếu, chắc hẳn Duyên sẽ lại rất tự tin trong chuyến "vượt cạn" lần hai.

Không chỉ ngoài khơi kia, Thượng úy Hiếu và đồng đội mong mỏi, mà chúng tôi, cùng nhiều người lính của đất liền, cũng chúc cho Duyên sẽ bình an "vượt cạn", đong đầy hạnh phúc….

QUỲNH LINH