QĐND - Thượng tá, nhà quay phim, nhà báo Chu Ngọc Minh, sinh năm 1932, tại xã Tứ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội. Kháng chiến chống Pháp, ông vào Đội Thiếu niên nhi đồng cứu quốc, hoạt động trong Chi Tình báo Song Hà. Ông nhập ngũ năm 1949, vào Ban Chính trị Trung đoàn 148, viết bài cho tờ “Giải phóng Tây Bắc” (nay là Báo Quân khu 2). Sau đó, ông làm trợ lý văn nghệ Quân khu Tây Bắc. Năm 1959, ông vào học trường Cao đẳng Điện ảnh sân khấu, rồi công tác ở Xưởng phim Quân đội, cán bộ tuyên huấn Tổng cục Hậu cần, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng.

Trong hơn 30 năm làm phim tài liệu, ông tham gia nhiều bộ phim nổi tiếng như: “Chiến thắng Điện Biên Phủ” - 7 cuốn, “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” - 4 cuốn, “ Chiến thắng Xuân 1975” - 6 cuốn…

Chúng tôi hỏi ông về một kỷ niệm sâu sắc của mình. Ông tâm sự:

“Năm 1972, đế quốc Mỹ dùng không quân, có cả pháo đài bay chiến lược B52 đánh phá miền Bắc rất ác liệt. Ngoài những mục tiêu như trận địa pháo phòng không, tên lửa, đường giao thông, cầu cống, nhà ga, kho tàng, bến cảng của ta, chúng ném bom  xuống phá cả đê điều, đồng lúa chín, các nhà máy, cơ sở kinh tế. Những xí nghiệp quốc phòng sản xuất vũ khí, đạn dược, hàng quân dụng cung cấp cho các chiến trường thì càng là mục tiêu tìm diệt của máy bay địch. Để phản ánh tinh thần chiến đấu, phục vụ chiến đấu và sản xuất của quân và dân miền Bắc, chúng tôi làm bộ phim tài liệu “Tấm lòng người thợ súng”, dài 60 phút, tập trung vào những nhà máy sản xuất hàng công nghiệp quốc phòng. Đoàn đã đi nhiều nơi, quay được những cảnh như: Chỉ bằng đôi vai trần của nam, nữ công nhân mà di chuyển hàng triệu tấn máy móc, nguyên vật liệu từ thành phố, đồng bằng sơ tán lên rừng núi an toàn. Có nhà máy còn đào hầm sâu đưa thiết bị xuống sản xuất trong lòng đất. Cảnh vừa chiến đấu, vừa sản xuất những viên đạn, khẩu súng chi viện cho chiến trường tiêu diệt quân thù rất sinh động. Nhưng chúng tôi thiếu một cảnh khóc thương những mất mát hy sinh khi máy bay địch ném bom vào nhà máy, dù nhiều cơ sở sản xuất bị bom phá hủy, nhiều cán bộ, công nhân viên quốc phòng hy sinh ngay trên bệ máy. Có người được chôn cất hôm trước, hôm sau bom giặc lại đào lên. Đoàn làm phim đã chia nhiều tổ về các địa phương có xí nghiệp quốc phòng để chờ sẵn mà chưa quay được.

Chiều hôm ấy, được tin Nhà máy Z1 trên Yên Bái bị máy bay Mỹ đánh phá ác liệt, chúng tôi vội vàng mang hai máy quay phim nhựa cỡ 35 ly đi ngay. Trước đó, Nhà máy Z1 bị ném bom vài lần, hư hại đều khắc phục được ngay để ổn định sản xuất kịp thời. Trận bom hôm ấy đã giết chết anh Nguyễn Đăng Phúc, thợ cơ khí bậc 4/7. Anh Phúc quê ở Thái Bình, nhà đông con nên anh đưa cháu Nguyễn Nhân lên nuôi đỡ cho vợ. Nhân là con trai thứ hai mới 7, 8 tuổi nhưng "gan cóc tía", được biết suốt buổi làm ma bố, cháu chỉ ngồi một chỗ, đôi mắt ráo hoảnh. Cho nên quay được cảnh cháu khóc bố là một việc không dễ chút nào. Được sự giúp đỡ của lãnh đạo và công đoàn nhà máy, tôi phác thảo một kế hoạch. Ngày thứ nhất, tôi “bí mật” xem mặt cháu. Ngày thứ hai, tôi đến nhà ăn tập thể, ăn cơm cùng mâm với cháu. Trong khi ăn, tôi làm quen rồi gợi những kỷ niệm của hai bố con trước đây như những lần được mua quần áo mới, hai bố con cùng đọc thư của mẹ gửi lên, bố đưa đi chơi, cõng qua suối… để cháu chuẩn bị tâm lý, rồi ngỏ ý muốn cháu đưa ra mộ thắp hương cho bố. Buổi ấy hai đồng chí quay phim được bố trí ra mộ trước ngoài bìa rừng, một máy nằm ẹp phía bên kia mộ, một máy chui vào bụi cây, hai góc bí mật để quay cảnh cháu Nhân khóc. Đúng như ý định, khi tôi và cháu Nhân dừng lại trước ngôi mộ đất mới còn vương vãi, hoa cỏ héo hon, thì một chị công nhân thắt cái khăn xô lên đầu cháu rồi nói khẽ: “Con thắp hương rồi gọi bố về đi”. Liền đó cháu bật khóc, quỳ xuống vái lạy rồi tức tưởi kể lể một hồi, khuôn mặt non tơ đầm đìa nước mắt, khiến chúng tôi cũng không cầm nổi lòng mình”.

Những thước phim quay được ở Nhà máy Z1, sau đó đã được đoàn làm phim chia làm hai trường đoạn để tố cáo tội ác của đế quốc Mỹ. Khi cuốn phim được chiếu rộng rãi đã tạo nên làn sóng căm thù giặc, tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng. Ở trong nước cũng như trên thế giới, dư luận phản đối chiến tranh của Mỹ dâng cao, dâng cao ngay tại nước Mỹ. Cuối năm 1973, bộ phim “Tấm lòng người thợ súng” được Bộ Văn hóa và Tổng cục Chính trị chọn chiếu và vẽ quảng cáo cho tháng phim Việt Nam kỷ niệm 29 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, tác giả Ngọc Minh đã được tặng bằng khen.

Tô Kiều Thẩm