Năm 1969, đơn vị pháo cao xạ 37mm Đoàn 559 được giao nhiệm vụ bảo vệ tuyến đường thuộc Binh trạm 35, từ Ngầm Bạc đến sân bay Chà Vằn, nằm trên địa phận giáp ranh giữa hai tỉnh Kon Tum của ta và A-tô-pư của nước bạn Lào. Khẩu đội chúng tôi (K3 thuộc B2, C4) có 5 chiến sĩ, vốn là những pháo thủ dày dạn kinh nghiệm chiến đấu, từng lăn lộn nhiều năm ở chiến trường Tây Nguyên. Trong một trận đánh đầu năm 1969, toàn khẩu đội đề ra quyết tâm sáu lần nổ súng phải hạ được một máy bay địch. Nhưng trong trận đó, ngay loạt đạn đầu, chúng tôi đã bắn rơi một máy bay F8U của Mỹ. Chiến công đó được cấp trên biểu dương, khen ngợi.
Bước vào mùa khô 1969 - 1970, đơn vị lại giao cho khẩu đội tôi và khẩu đội 4 (K4) nhiệm vụ bảo vệ cao điểm 54, xây dựng ở đây một “Pháo đài thép” để chặn đứng mọi cuộc tấn công đánh phá của máy bay địch.
Cao điểm 54 có hệ thống giao thông uốn lượn quanh núi đồi, vượt qua khe suối, luồn sâu trong các hẻm núi. Đây là một đoạn của con đường huyết mạch, có tầm chiến lược chạy men phía Tây dải Trường Sơn, mang tên “Đường Hồ Chí Minh” lịch sử, được bộ đội Đoàn 559 xây dựng từ những năm trước với không biết bao nhiêu xương máu của chiến sĩ ta đổ xuống. Giặc Mỹ đã cho máy bay ngày đêm đánh phá ác liệt nhằm cắt đứt sự chi viện của miền Bắc cho chiến trường miền Nam, thực hiện âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta.
Trận địa pháo của K3 chúng tôi chỉ có hai khẩu 37mm đặt sát cao điểm. Những lần địch đánh phá, bom nổ ngay cạnh vị trí đặt pháo, đất đá bị cày xới tung lên, trở thành hầm hố, có chiến sĩ bị vùi lấp hoặc bị hất tung lên. Nhưng chúng tôi vẫn giữ vững trận địa, xứng đáng với cái tên “Pháo đài thép” mà cấp trên trao tặng. Bất cứ lúc nào, máy bay địch đến đánh phá, chúng tôi đều bắn chặn đầu. Chúng điên cuồng quay sang phản pháo liên tục vào trận địa của ta.
Suốt một tuần đầu tháng 12, máy bay địch với đủ các loại như “thần sấm”, “con ma” liên tục đến đánh phá. Sau những trận oanh kích dữ dội của phi pháo địch, cây cối bị dập đổ, trận địa của chúng tôi đã bị lộ, hai khẩu pháo nằm trơ trong hai công sự trống hoác, không còn một cành lá ngụy trang. Chúng thả xuống hàng loạt các loại bom phá, bom bi, bom phát quang... hòng đập nát trận địa của chúng tôi. Nhưng K3 và K4 vẫn hiên ngang đứng vững, không ngừng bắn trả. Anh nào anh ấy quần áo tả tơi, mặt mày sạm đen khói đạn, mắt luôn hướng về mục tiêu.
Ngày 8-12, khẩu đội tôi bắn hết gần một xe đạn. Tối đến lại có ngay một xe khác đổ đạn dưới chân đèo cạnh bờ suối. Anh em trong khẩu đội lại tranh thủ đêm tối, che mắt địch xuống gùi đạn lên trận địa. Trên một đoạn đèo dốc, anh nào anh ấy ì ạch, hơi thở ra tai, vì phải cố sức gùi cho hết số đạn. Sang ngày 9-12, địch thay đổi cách đánh.
Chúng đến vào đầu giờ chiều, giữa lúc ánh nắng mặt trời chói nhất. Cái nắng của Tây Trường Sơn trong những ngày hanh khô như quất vào da thịt, làm chói mắt chiến sĩ ta, gây ra sai lệch hướng nhìn, bẻ cong đường ngắm.
Trận chiến đấu hôm đó diễn ra vô cùng ác liệt. Máy bay phản lực của Mỹ hết tốp này đến tốp khác thay nhau quần thảo, rồi trút bom đạn xuống đầu chúng tôi. Tuy sẵn sàng đón nhận cái chết, nhưng tôi không khỏi có lúc thoáng nghĩ: “Chắc mình sẽ hy sinh trong trận này, khi tuổi đời vừa tròn 22. Chưa phải nuối tiếc cho một mối tình nào dang dở, chỉ thương bố mẹ già ở quê ngày đêm mong đợi. Cái làng quê nghèo (nay là xã Tứ Yên, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc) bên bờ con sông Lô hiền hòa với biết bao kỷ niệm đã theo mình suốt cuộc đời chinh chiến...”. Chỉ còn vài ngày nữa là vừa một trăm ngày Bác mất, chúng tôi bảo nhau, phải quyết đánh thắng trận này để lập công dâng lên Người.
Sang ngày 10-12. Ngay từ sáng, chúng tôi chưa kịp ăn uống gì thì OV10 đã lượn vè vè trên đầu. Mọi người nuốt vội miếng lương khô nghẹn tắc ở họng rồi lao về vị trí chiến đấu. Khoảng 30 phút sau, một tốp F100D hùng hổ lao đến quần thảo. Khi chiếc đi đầu vừa bổ nhào xuống trận địa, tôi ra lệnh nổ súng. Một loạt bom rơi sát ngay hầm pháo. Tiếng nổ inh tai. Đất bụi và khói đặc trùm lên kín cả trận địa, mọi người căng mắt vẫn không nhìn thấy gì. May quá! Vừa lúc ấy thì một ngọn gió ào tới cuốn đi khói bụi để cho các pháo thủ ta nhìn rõ mặt kẻ thù. Liền sau đó, hai chiếc khác lại lao xuống, vừa tầm ngắm, chúng chưa kịp cắt bom thì tôi hô: “Bắn!”. Một chùm lửa đỏ rực màu lân tinh lóe lên, bám sát một chiếc F100D, làm cho nó đứt rời một cánh. Tôi sung sướng hô lên: “Trúng rồi!”. Và ngay lập tức, chiếc “thần sấm” oai danh của không lực Hoa Kỳ lao cắm đầu xuống đất, mang theo cả một bụng chứa đầy bom nổ tung ngay giữa trận địa pháo cao xạ của chúng tôi. Lửa cháy ngùn ngụt. Khói bom khét lẹt, cay sè. Đất đá rào rào... Bị đánh phủ đầu, những chiếc còn lại hốt hoảng bay lảng ra ngoài rồi chuồn thẳng.
Trong niềm vui sướng đến tột độ, mọi người tạm quên đi cái chết luôn rình rập. Ngay lúc đó, tôi nghĩ đến tên giặc lái. Ngẩng lên thì đã thấy chiếc dù đỏ xòe ra lơ lửng trên đầu. Các xạ thủ vội vàng quay nòng pháo về phía chiếc dù. Tôi ra lệnh ngừng lại và nhắc anh em về chủ trương của cấp trên là không bắn phi công mà phải tìm cách bắt sống để thực hiện chính sách nhân đạo của ta. Mục tiêu của chúng ta là tiêu diệt máy bay giặc, một khi phi công đã ra khỏi máy bay có nghĩa là chúng đã thất bại. Ta bắt nó là để cứu sống nó, cho nó có cơ hội về với gia đình. 12 năm sau, chính người phi công mang quân hàm cấp tá đó đã trở lại Việt Nam. Anh ta tìm gặp các đồng chí ở Bộ Quốc phòng và hỏi lý do: “Tại sao lúc đó các ông lại không bắn? Hay là các ông hết đạn?”.
Sau chiến thắng của khẩu đội chúng tôi, đồng chí Nguyễn Tiến Sửu, chỉ huy trưởng D32 pháo cao xạ Đoàn 559, người từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ đã nhận định: “Đây là chiến công có tính lịch sử của bộ đội pháo cao xạ Việt Nam, lần đầu tiên bắn rơi máy bay phản lực địch cắm xuống ngay trận địa”.
Vậy là trong năm 1969, khẩu đội của chúng tôi đã bắn rơi 3 máy bay Mỹ, trong đó có 2 chiếc rơi tại chỗ. Kết thúc mùa khô 1969 - 1970, đơn vị tôi được phong danh hiệu Đơn vị Quyết thắng điển hình của Đoàn 559. Bộ Tư lệnh Đoàn 559 đã phát động toàn đoàn phong trào thi đua học tập gương điển hình của C4 chúng tôi…
Đất nước đang bước vào thời kỳ đổi mới, làm thay đổi cuộc sống và số phận của mỗi con người. Con đường Trường Sơn đã trở thành huyền thoại. Riêng bản thân tôi, trở về với tấm thẻ thương binh hạng 2/4, cùng vợ con tần tảo mưu sinh ở thành phố Việt Trì (Phú Thọ). Nhìn bên ngoài, tuy cơ thể vẫn lành lặn, chỉ vài vết thương phần mềm ở chân, nhưng sức ép của những trận bom thù 40 năm trước đã để lại di chứng trong não bộ của tôi là căn nguyên gây ra những cơn đau dữ dội, luôn đe dọa đến tính mạng, là nỗi lo thấp thỏm của vợ con.
Mỗi khi nghĩ tới những năm tháng ác liệt ấy, lòng tôi lại xao xuyến bồi hồi, không cầm được nước mắt tưởng nhớ đến các đồng chí đã nằm lại chiến trường, thịt xương tan vào lòng đất. Và tôi lại nhớ đến các đồng chí trong cùng khẩu đội, mỗi người mỗi tính, mỗi quê nhưng cùng chung một ý chí quyết tâm đánh địch, sẵn sàng hy sinh để giữ vững trận địa. Anh Toản đã hy sinh năm 1971. Còn anh Biểu quê ở Hà Nam, anh Tùy quê Quảng Bình, anh Sỏi, anh Um quê Phú Thọ. Các anh giờ ở đâu? Cuộc sống ra sao? Ai còn ai mất?
Một cuộc gặp mặt sau nửa thế kỷ đang chờ đón chúng ta, những người tự hào mang danh Đoàn 559 vẻ vang, trong đó có bộ đội pháo cao xạ C4.
Hồi ức của NGUYỄN CÔNG TÚY