QĐND - Vừa qua, UBND huyện Gia Lâm có chủ trương di dời trường học và bãi đỗ xe chợ Nành (xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm) để lấy đất xây dựng Trung tâm thương mại (TTTM). Chủ trương này đã khiến dư luận hết sức bất bình. Các hộ tiểu thương đồng loạt đóng cửa chợ, còn các bậc phụ huynh thì cho con nghỉ học. Để làm rõ sự việc, phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã về địa phương tìm hiểu và thông tin để bạn đọc được rõ.
Từ khi UBND thành phố Hà Nội có văn bản số 8685/UBND-KH&ĐT về việc triển khai dự án xây dựng TTTM tại xã Ninh Hiệp, khiến bầu không khí ở địa phương này nóng lên. Các nhà đầu tư: Công ty TNHH Tập đoàn thương mại Tuấn Dung, Công ty CP Đầu tư và Tư vấn Kim Điền đã đề nghị di chuyển bãi đỗ xe của chợ Nành và phá bỏ Trường THCS Ninh Hiệp để thực hiện dự án.
 |
Khu đất nằm giữa Trường THCS Ninh Hiệp và bãi giữ xe chợ Nành được dùng để xây dựng TTTM, đã triển khai giải phóng mặt bằng.
|
Dư luận địa phương cho rằng, việc di dời bãi giữ xe và trường học là không phù hợp với nguyện vọng của người dân. Bãi giữ xe mới cách chợ hơn 1km sẽ gây khó khăn, tốn kém trong vận chuyển hàng hóa và bất tiện cho đi lại của khách hàng. Còn trường mới sẽ nằm xa khu dân cư, khiến các em học sinh đi học vất vả. Hơn nữa, hiện trên địa bàn xã Ninh Hiệp đã có TTTM Phú Điền và Long Sơn đi vào hoạt động, việc xây dựng một TTTM nữa là rất lãng phí. Bởi vì cả hai TTTM đều mới chỉ sử dụng khoảng 30% công năng. Không ít người dân địa phương đã đặt câu hỏi: Trên địa bàn một xã mà có tới ba TTTM thì sẽ khai thác ra sao?
Để phản đối chủ trương này, các hộ tiểu thương đã đồng loạt dừng kinh doanh và các bậc phụ huynh đã cho con em họ nghỉ học, rồi kiến nghị đòi chính quyền địa phương giải thích. Chính động thái này đã gây nên tình trạng lộn xộn, mất an ninh trật tự trên địa bàn. Gần đây nhất, vào ngày 9-3, người dân địa phương đã kéo đến đồn Công an Bắc Đuống nhờ giải quyết việc có một nhóm người lạ mặt tìm đến các hộ dân phản đối việc xây TTTM để đe dọa.
Trường THCS Ninh Hiệp đã được công nhận là trường chuẩn quốc gia vào năm 2012, vì vậy, chủ trương phá bỏ ngôi trường này, lấy đất để xây dựng TTTM đã khiến các thầy giáo, cô giáo, học sinh và nhân dân trong vùng bất ngờ và có nhiều bức xúc. Thế nhưng, phía UBND xã Ninh Hiệp, UBND huyện Gia Lâm đã không tổ chức đối thoại trực tiếp và lấy ý kiến của người dân về chủ trương này. Điều đáng quan tâm hơn, trong khi mọi việc còn đang lình xình thì có tới 13 ki-ốt đã được âm thầm xây dựng trong khuôn viên trường mà người dân địa phương không hề hay biết. Sự việc chỉ vỡ lở khi doanh nghiệp đầu tư đưa các giấy tờ liên quan đến dự án, mời người dân mua ki-ốt.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, một người dân thôn 9, Ninh Hiệp cho biết: Chúng tôi không tán thành quyết định này. Nếu lấy đất để xây dựng các công trình xã hội phục vụ nhân dân thì chúng tôi nhất trí, còn để xây dựng TTTM là không cần thiết. Hiện tại, hai TTTM trên địa bàn xã mới ngồi kín tầng 1, giờ xây nữa thì ai sử dụng?
Tại thời điểm chúng tôi có mặt ở địa phương thì UBND xã Ninh Hiệp đã cho xây bịt lại 13 ki-ốt. Tuy nhiên, mọi việc chỉ được giải quyết sau những phản ứng quá quyết liệt của người dân. Ông Nguyễn Bá Khánh, Chủ tịch UBND xã Ninh Hiệp cho biết: Thông báo 397 của UBND thành phố Hà Nội có nội dung là chuyển trường đi nơi khác để nhường vị trí xây TTTM. Trong thông báo, thành phố cũng đã chỉ định nhà đầu tư. Chính quyền xã khi nhận được chủ trương này chỉ biết chấp hành.
Còn ông Nguyễn Huy Việt, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm cho biết: Chủ trương xây dựng thêm TTTM là nằm trong dự án triển khai xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã Ninh Hiệp, đã được UBND thành phố Hà Nội chỉ định nhà thầu từ năm 2013. Tuy nhiên, dự án mới được chấp thuận về mặt chủ trương; mọi thủ tục đều chưa hoàn thiện nhưng chủ đầu tư đã tiến hành giải phóng mặt bằng, khiến hàng trăm người dân bức xúc, không đồng thuận với việc triển khai dự án...
Trước kiến nghị của người dân xã Ninh Hiệp, UBND thành phố Hà Nội đã giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng UBND huyện Gia Lâm vào cuộc, tìm hiểu và làm rõ. Thế nhưng, đến thời điểm hiện nay, người dân địa phương vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng nào từ phía các cơ quan chức năng.
Trước thực trạng nêu trên, chính quyền địa phương và ngành giáo dục-đào tạo đã vận động được gần 200 học sinh trở lại trường học tập bình thường. Song, tâm trạng của các em học sinh và phụ huynh học sinh vẫn vô cùng lo lắng, không biết lúc nào thì bị chuyển trường. Để góp phần giữ ổn định tình hình trên địa bàn, các cấp có thẩm quyền cần sớm có câu trả lời thỏa đáng tới người dân.
Bài và ảnh: NGUYỄN HUYỀN TRANG