Tại thành phố Đà Nẵng, vừa qua, Bộ GTVT và Tổng Công ty Cienco 5 đã tổ chức buổi giao lưu nhân dịp kỷ niệm 65 năm truyền thống của Ngành và 60 năm truyền thống TNXP Việt Nam. Nghe các nhân chứng nói chuyện, ai cũng bồi hồi xúc động. Khi chị Nguyễn Thị Kim Củng kể lại những ngày ở tuyến đường 16 đầy gian khổ, người nghe không cầm được nước mắt. Tôi theo chị Củng về nhà riêng ở phường Bắc Lý- TP Đồng Hới, được biết thêm, chị đã từng phục vụ tại khu hậu cần quan trọng, đó là khu "Chợ Đồng Xuân" ở Trường Sơn.
So với các tuyến đường chiến lược trên đất Quảng Bình như 12A, đường 20 thì đường 16 mở có muộn hơn nhưng cũng rất ác liệt. Năm 1968, Binh trạm bổ sung thêm Tiểu đoàn TNXP 119, với 3 đại đội gồm C751, 752 và 759, tiếp tục nối dài đường vào tận Sê Băng Hiêng. Nam nữ TNXP tuy còn trẻ nhưng đã trải qua 3 năm phục vụ chiến đấu, đặc biệt có C759 đã được phong Anh hùng trên đường 12A. Kim Củng được cử làm Tiểu đoàn phó, đơn vị hoạt động từ km 45 trở vào. Tại cây số 45 có một khu hậu cần tổng hợp, địa thế hiểm trở và bí mật. Đây vừa là nơi cất giữ, cấp phát hàng hóa, vừa là nơi tập kết quân để vào B5, nơi các đơn vị công binh, TNXP chốt giữ, mở đường và vận chuyển hàng ra mặt trận.
Kho hàng có nhiều loại như: Vũ khí, đạn dược, quân cụ, quân lương, đôi khi còn có cả đường sữa, dược phẩm, hàng Tết... Hàng hóa để đầy trong hang, dưới hầm, ven bờ suối. Quân vào quân ra ngày đêm "tíu tít", lính gùi thồ đặt tên đây là "Bến Đồng Xuân". Để chuẩn bị đánh lớn ở mặt trận Đường 9-Nam Lào, hàng hóa càng phong phú, nhiều kho nhiều điểm giao nhận, cánh lái xe lại gọi đây là "Chợ Đồng Xuân". Quản lý "chợ" là một trung đội gồm cả trợ lý quân khí, quân nhu, 2 tiểu đội bốc xếp và bảo quản, khi nhiều hàng thì điều TNXP hỗ trợ. "Đi chợ" chẳng cần mang tiền, chỉ cần hóa đơn do Binh trạm trưởng ký, vậy là có thể bốc cả mấy ô tô hàng, lúc nào cũng "vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi".
 |
Niềm vui TNXP chuyển hàng vào mặt trận. Ảnh tư liệu
|
Những người vào "Chợ Đồng Xuân" thường phải qua "Ngầm ông Te, khe bà Nhạn, dốc bà Củng". Nghe lạ tai quá, bà Củng kể ngọn nguồn: Ở cây số 43 có một cái ngầm, đá cuội trắng đẹp lắm, đó là nơi đóng quân của Đội cơ giới 18 do ông Te làm đội phó. Ông Te người Hải Dương, với bộ râu quai nón ít khi cạo và tính nóng, hay chửi thằng Mỹ thả bom nổ chậm, mấy cô TNXP thường gọi ông là "Trương Phi". Khe "bà Nhạn" là một con suối đẹp, chảy qua cây số 43 về Làng Ho. Bà Nhạn là đại đội phó C241, toàn gái Thanh Hóa, có nhiều cô xinh và ai cũng dũng cảm. Bà Nhạn nổi tiếng vì tuy đã nhiều năm "sống chung" với sốt rét, da tái môi thâm, tóc rụng gần hết, vẫn chỉ huy đơn vị bám trụ để đường 16 không bao giờ tắc. Cánh lái xe khi qua "khe bà Nhạn" thường không dám dừng lại, vì lính của bà thường hay "tắm tiên" dưới suối.
Còn "Dốc bà Củng"? Bà cười mà rằng: Trước đây thường gọi là Dốc Khỉ, bởi có rất nhiều khỉ. Dốc ở phía tây "chợ", lắm đá tai mèo. Ai cõng hàng qua dốc này đều thở cả ra tai, xe đạp thồ phải bỏ bớt hàng để tăng bo, xe ô tô phải cài số 1. Đây là nơi trú quân của N119, do ông Nguyễn Văn Hiển làm đội trưởng, bà Củng đội phó. Người gùi hàng đến lái xe, nếu vượt qua dốc Bà Củng, dốc Khỉ Ho, dốc Mẹ Ơi, là đã thở phào nhẹ nhõm. Hồi đó, lính giao liên và bộ đội lái xe qua lại nhiều ở tuyến này, ít khi gọi phiên hiệu đơn vị. Họ gọi luôn tên ông nọ bà kia chỉ huy. Quân của bà Củng rất gan lì và tinh nghịch, làm cọc tiêu sống ở ngầm ông Te, quần xắn đến bẹn trắng phau phau, lái xe nào cũng nhớ. Cả ba người: Ông Te, bà Nhạn, bà Củng đều là cấp phó, nhưng nổi tiếng quanh khu vực "chợ Đồng Xuân". Hết chiến tranh, ông Hiển đã mất do vết thương tái phát, ông Te về quê Hải Dương, bà Nhạn đang ở Thanh Hóa, đời sống nhiều khó khăn. Riêng bà Củng nay 69 tuổi, là thương binh hạng 4/4 với mảnh bom sượt đầu. Bà kể cho tôi nghe vụ "Cháy chợ Đồng Xuân", giọng nghẹn ngào nhớ thương đồng đội.
Chiều 30-7-1970, bom tọa độ nổ ầm ầm giữa khu vực cây số 45. Chúng đánh liên tục 5 giờ đồng hồ, rừng ngập chìm trong khói lửa. Đến hoàng hôn ngớt bom, mọi người chạy ra ứng cứu, khi đạn vẫn nổ đì đùng dưới suối, lửa cháy rừng rực trong kho. Đơn vị chia làm 3 mũi: Cứu người, cứu hàng và thông đường. Chị Củng chỉ huy đội cứu người, dùng tay bới tìm từ đầu hôm tới sáng. Làm trong điều kiện lửa vẫn cháy, bom vẫn nổ, OV10 quần trên đầu. Có 37 chiến sĩ hy sinh và 25 người bị thương, trong đó có 20 chiến sĩ công an bổ sung cho chiến trường. Máu của bộ đội, công an và TNXP hòa quyện vào nhau, chảy từ "Chợ Đồng Xuân" về "Khe bà Nhạn". Nỗi thương xót đồng đội đến tột cùng khi chỉ 5 ngày sau, lúc thi hài các anh chị đã được chôn cất chu đáo, máy bay lại đến ném bom. Người còn sống lại đi nhặt những gì còn lại của người đã mất, mai táng về địa điểm mới. Kỷ niệm về những ngày ở "chợ Đồng Xuân giữa chiến trường" không bao giờ phai trong ký ức của bà Củng và đồng đội.
Giữa năm 1971, Kim Củng được tham gia Đoàn đại biểu thanh niên Nam Bắc đi dự Đại hội thanh niên sinh viên thế giới tại Liên Xô. Về nước, do có nhiều năm ở chiến trường, tỉnh cho chị lựa chọn: Hoặc về Ty thương nghiệp công tác, hoặc đi học làm Tuyên giáo. Tương lai rộng mở nhưng chị đã cám ơn sự quan tâm của lãnh đạo, xin về lại Đường 16, nơi đồng đội của chị đang "tắm mưa gội đạn".
"Chợ Đồng Xuân" được khôi phục lại trong rừng sâu, nơi có hang đá rộng hơn, an toàn hơn. Trong những ngày làm "chợ" mới, chị Củng đã gặp anh Trần Văn Chánh, kỹ sư giao thông xung phong vào phục vụ chiến trường. Anh Chánh là quân của ông Te, chuyên nghiên cứu cách "chống lầy" ở Trường Sơn do máy bay Mỹ làm mưa nhân tạo. Chị Củng sau chuyến "đi Tây" về, tóc xanh trở lại, da dẻ hồng hào hơn. Qua nhiều lần phối hợp để thông đường, anh động viên chị "chống lầy" và tiện thể "cưa đứt" luôn. Sau 10 năm ở Trường Sơn, chị ra quân, cùng anh Chánh xây dựng hạnh phúc. Năm 2000, anh đột ngột qua đời, để lại chị vừa làm mẹ, vừa là cha 4 đứa con. Có thể vì trong các con có dòng máu Trường Sơn nên đứa nào cũng có chí. Bốn đứa đều thi đỗ đại học, luôn học khá giỏi và xin được việc làm. Con rể của bà cũng là một kỹ sư giao thông, đang thi công từ nhánh Tây đường Hồ Chí Minh theo đường 16 lên biên giới. Anh hứa rằng: Khi nào khánh thành đường, sẽ đưa mẹ Củng lên thăm lại Dốc Khỉ và "chợ Đồng Xuân".
Bài và ảnh : Xuân Vui