“Ngày 2-9-1959, xe “Chiến Thắng” được xếp vào đội hình diễu binh qua quảng trường Ba Đình lịch sử, trước bao con mắt ngạc nhiên của nhiều đoàn khách quốc tế và nhân dân. Đó là chiếc xe ôtô Made in Việt Nam đầu tiên do bàn tay những người lính chế tạo, “đàng hoàng” chạy ngang hàng với các loại xe nước ngoài hiện đại. Chúng tôi đứng trên quảng trường, dõi theo xe với niềm hạnh phúc dâng trào...”.
Sĩ quan cao cấp đi... “ngắm xe”
Gần 50 năm đã trôi qua, Đại tá, kỹ sư Hồ Mạnh Khang, nguyên Giám đốc nhà máy Z157 - Cục Quản lý xe máy vẫn nhớ như in ký ức về chiếc xe ôtô đầu tiên trong ngày Quốc khánh năm ấy…
Những năm đầu hòa bình lập lại ở miền Bắc, nhu cầu giao thông vận tải tăng cao khiến nhiều cán bộ ngành xe máy quân đội trăn trở: Tại sao các nước sản xuất được ôtô? Ta công nghệ lạc hậu nhưng vẫn tự sản xuất được nhiều loại vũ khí làm cho quân thù khiếp sợ, liệu có làm được ôtô?
Năm 1958, lãnh đạo Tổng cục Hậu cần và Cục Quản lý xe máy quyết định giao cho nhà máy Z157 thiết kế, sản xuất một chiếc xe ôtô con gắn với một nhiệm vụ chính trị quan trọng: tặng Bác Hồ kính yêu! Ông Hồ Mạnh Khang nhớ lại ngày đầu nhận nhiệm vụ: “Chúng tôi là những người lính, người thợ từ chiến trường về, nghe nói đến làm xe ôtô tặng Bác Hồ, mừng khôn xiết. Ai cũng muốn được góp công nhỏ vào “món quà” vô giá. Tôi được giao nhiệm vụ thiết kế mẫu xe. Nước mình chưa bao giờ sản xuất xe ôtô, nên với “con mắt” nghề nghiệp, sau khi đi sưu tầm báo chí, tài liệu nước ngoài nói về sản xuất xe ôtô, tôi đề xuất với Ban giám đốc nhà máy, tạo điều kiện cho tôi được đến các đại sứ quán: Liên Xô, Ba Lan, In-đô-nê-xi-a… “quan sát” xe con của họ”.
Thế là, ông Khang trong vai sĩ quan cao cấp mang bộ quân phục bốn túi mượn của một vị lãnh đạo. Đến lãnh sự quán In-đô-nê-xi-a, đích thân phó đại sứ mời ông lên chiếc xe Dodge chạy một vòng quanh hồ Hoàn Kiếm, giới thiệu các tính năng ưu việt của xe. Đại tá Khang phác thảo ngay trong đầu: “Chiếc xe chở Bác Hồ nên hình thức xe và các phần trang trí phải đẹp, tiên tiến mà vẫn mang đường nét dân tộc, với các đường cong lượn kiểu dáng Á Đông chứ không vuông thành sắc cạnh theo kiểu châu Âu. Xe Bác đi cũng cần phải êm, có tốc độ cao...”. Từ ý nghĩ đó, ông vẽ phác thảo “đại cương” bằng tay ra khổ giấy A1, trình xin ý kiến lãnh đạo.
Từ bản vẽ tay “đại cương”, ông Khang và một số cán bộ kỹ thuật tiếp tục “vẽ tinh” những bản thiết kế cụ thể từng cụm bộ phận. “Tôi tự thiết kế kiểu đèn chiếu sáng, đèn hậu, đèn xin đường, các nẹp mạ trang trí, chắn đòn trước, sau. Phù điêu phía trước và sau có chữ “Chiến Thắng”. Riêng mô hình “anh bộ đội tay cầm cờ đỏ sao vàng tiến lên” của họa sĩ Diệp Minh Châu tạo mẫu bằng thạch cao, sau đó đúc bằng đồng gắn ở đầu xe. Chính hình tượng này, tạo thêm ý nghĩa chiếc xe mang tên “Chiến Thắng”. Phần trong xe, có ghế trước, ghế sau duỗi ra thành giường. Cửa xe đóng chặt mới bật được đèn, mở được máy. Hệ thống giảm xóc có thể tự điều chỉnh tùy trọng tải, có ra-đi-ô bắt được các đài xa gần...” - kỹ sư Khang thuật lại rất chi tiết.
Vất vả nhất, hóc búa nhất là sản xuất thân máy, nắp máy, chế hòa khí, bơm xăng, bơm dầu... Các tay thợ chiến trường phải mày mò tìm mẫu, tạo khuôn mẫu trước, sau đó đúc gang rồi mới đưa lên cắt gọt, gia công cơ khí cho thật tinh xảo. Có những chi tiết phải đúc đi, đúc lại rất nhiều lần mới thành công. Nguyên liệu chủ yếu lấy từ đống phế liệu chiến tranh của Pháp “nấu” đúc lại. Đến phần chế tạo trục guồng của máy bàn qua, tính lại mãi mà vẫn… “bó tay”. Chúng tôi nảy ra sáng kiến, dùng bánh trục tàu hòa thay thế. Sau khi cử cán bộ sang Nhà máy xe lửa Gia Lâm “xin” một trục bánh tàu hỏa, chúng tôi đo đạc lấy kích thước, vẽ mẫu chuẩn. Chỉ riêng cái “trục guồng quay” này, cả tổ tiện, nguội, mài... phải “đánh vật” lăn lộn làm suốt đêm ngày mất gần hai tuần lễ. Như vậy, toàn bộ chiếc xe “Chiến Thắng” duy nhất chỉ 5 chi tiết chúng tôi chưa tự sản xuất được phải lắp “hàng ngoại”: kính chắn gió, nến điện, các loại bóng đèn và săm lốp. Còn lại, tất cả các phụ tùng đều tự làm - ông Khang tự hào kể.
“Thương binh cần xe hơn Bác”
“Gần 500 con người nỗ lực ngày đêm, quên ăn, quên ngủ để thực hiện bằng được một công việc mang tính lịch sử của ngành xe máy quân đội. Ngày 21-12-1958, chiếc xe “Chiến Thắng” mang biển số QS 0001 rời xưởng. Anh Tạ Công Nông, cầm lái cho xe chạy quanh nhà máy mấy vòng, trước sự xúc động trào nước mắt của hàng trăm con người vây quanh”.
Ngay ngày hôm sau, đúng dịp kỷ niệm 14 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Cục trưởng Cục Quản lý xe Vũ Văn Đôn, Chính ủy Nguyễn Văn Lực cùng ông Khang đưa chiếc xe ôtô “Chiến Thắng” lên báo cáo với Bác Hồ. Thấy bộ đội đã chế tạo được ôtô, Người rất mừng. Bác đi quanh chiếc xe quan sát rất kỹ. Người dừng lại phía trước, phía sau, ngắm nghía, kiểm tra các bộ phận. Bác nói với mọi người: “Ta đã sản xuất được xe con. Từ nay về sau cần nghiên cứu, sản xuất xe vận tải để phục vụ đất nước”. Chợt Người dừng lại, giọng trầm hẳn đi: “Bác cảm ơn các chú đã quan tâm đến Bác, tặng Bác chiếc xe này. Nhưng hiện nay, Bác đã có xe đi rồi. Vậy các chú giúp Bác tặng lại chiếc xe này cho thương binh. Các chú ấy cần chiếc xe mới và tốt thế này hơn Bác!”.
Sau khi phục vụ thương binh, ngày Quốc khánh 2-9-1959, xe “Chiến Thắng” lại vinh dự được tham gia đội hình đoàn xe diễu binh tại quảng trường Ba Đình, sánh vai cùng nhiều chiếc xe do nước ngoài sản xuất. Có nhà báo nước ngoài sau khi “săm soi” chiếc xe đã thốt lên: “Bộ đội Việt Nam giỏi quá! Xe này đẹp kém gì cái Pô-bê-đa Mo-skô-vích đâu?”. Khi nghe kể chuyện Bác Hồ tặng lại xe cho thương binh, ông ấy thốt lên: “Chủ tịch Hồ Chí Minh đúng là người cha thân yêu của lực lượng vũ trang!”.
Lê Hải Luận