QĐND - Mọi người đều đi lại bằng đôi chân, còn với chàng trai Lưu Văn Phương lại bằng… đôi bàn tay. Đôi chân em bị teo tóp, mềm oặt như bún, song suốt 20 năm nay, bằng nghị lực phi thường của mình, đôi tay của em đã thay thế cho đôi chân, tự kiếm việc làm lấy tiền ôn thi đại học...
Tuổi thơ nghiệt ngã
Lưu Văn Phương sinh ngày 05-01-1988 trong một gia đình thuần nông ở thôn Hồng Hồ, thị trấn Thanh Lãng, Bình Xuyên (Vĩnh Phúc). Cất tiếng khóc chào đời, mọi người trong gia đình Phương vỡ òa trong hạnh phúc. Nhưng...
“Ở cái thôn Hồng Hồ này, thằng Phương tật nguyền ai mà chẳng biết, nó hiền lành và tốt bụng lắm cô chú à”, một bà cụ tận tình dẫn đến tận nhà vừa đi vừa kể cho chúng tôi nghe. Thấy có khách, từ trong nhà một chàng trai vội vã… bò ra mở cổng cho chúng tôi. Vồn vã và thân thiện, Phương mời chúng tôi vào nhà uống nước. Trái với tưởng tượng của tôi, em rất vui vẻ, nụ cười tươi sáng, yêu đời luôn nở trên môi. “Anh chị thông cảm! Uống tạm chén nước nguội, từ sáng em bận nên chưa kịp đun nước”, chàng trai ngại ngùng nói.
 |
Dù phải đi lại bằng đôi tay thật khó khăn...
|
Nhìn quanh mọi thứ trong nhà chả có gì đáng giá, có lẽ nhiều và quý nhất là rất nhiều giấy khen, bằng khen treo trên tường. Nhấp chén nước, Phương kể về cái ngày định mệnh mà suốt đời em không thể quên được. Lên ba tuổi, em hồn nhiên vui chơi như bao đứa trẻ khác. Vào một buổi trưa, Phương bỗng dưng bị sốt nặng, co giật rồi bất tỉnh. Ngay trong ngày hôm đó, em được mọi người chuyển lên Bệnh viện nhi Thụy Điển để chữa chạy. Bác sĩ bảo em bị sốt rét ác tính, nguy cơ bị liệt nửa người là rất cao. Quá bàng hoàng, mẹ Phương, cô Phạm Thị Xuất gào thét vật vã đau đớn ngất lên ngất xuống, lúc tỉnh lúc mê. Số tiền thuốc thang, điều trị cho Phương quá sức với hoàn cảnh của gia đình. Mọi thứ có giá trị trong nhà chú Sơn, bố của Phương đều mang đi bán để chạy chữa cho con trai. Từ chiếc ti-vi, đài cát-xét đến bộ bàn ghế cứ dần dần đội nón ra đi. Anh em, hàng xóm người dăm ba nghìn, người vài chục gom góp lại nhưng tất cả đều như… muối bỏ bể.
Trong khi đó, em của Sơn là Lưu Văn Trung mới tròn một tuổi, cô Xuất nuốt nước mắt vào trong, ở nhà chăm đứa con út. Nhiều lần nhớ Phương quá, cô bế cả Trung xuống Hà Nội mặc cho anh em chòm xóm ngăn cản vì Trung còn quá nhỏ. Bao khó khăn, nhọc nhằn đè nặng lên đôi vai bé nhỏ của đôi vợ chồng khổ đau. Suốt 4 năm trời đi lại, thuốc thang cho Phương, trong nhà em không còn bất kỳ cái gì đáng giá. Bữa rau, bữa cháo, 4 năm trôi đi, bao nhiêu tiền bạc của gia đình cứ thế dồn vào chạy chữa bệnh cho em.
Không buông xuôi
Ngày Phương được xuất viện, rất nhiều anh em họ hàng đến tận phòng bệnh để đón. Nụ cười mếu máo, mặn chát càng làm cho không khí thêm não nề. Nhìn đứa con mà mình đặt biết bao hy vọng giờ đây liệt nửa người, cô Xuất như đứt từng khúc ruột. “Nhiều lúc, em muốn chết cho xong chứ không thể làm gánh nặng cho cha mẹ cả đời được”, Phương nói giọng ngậm ngùi. Đến đây, em không nói được nữa, đôi mắt đỏ hoẻn rưng rưng như chực trào ra. Nghe Phương kể mà cổ họng tôi nghẹn đắng lại, sao cuộc đời lại quá bất công với em như thế. Ý định tự tử đã nhiều lần thoáng qua trong tâm trí Phương. Nhưng em nghĩ bây giờ mà chết thì bố mẹ sẽ sống ra sao, mình đã làm được gì để đền đáp công ơn của cha mẹ!.
Nghĩ là làm, hằng ngày em bắt đầu luyện tập. Ban đầu, em bám theo thành giường, lần từng tí một. Quen dần, em vịn vào tường lần qua các song cửa để di chuyển. Từng bước sao đối với em khó nhọc đến thế. Nhiều lần mất thăng bằng, em bị ngã dúi dụi xuống nền nhà và chảy rất nhiều máu. Một lần, do ngã từ trên giường, Phương đã bị sai khớp tay. Sau tai nạn đó, em phải nghỉ tập mất cả tuần liền. Những vết sẹo trên tay chân chằng chịt như chứng minh cho sự khổ luyện của em. Miệt mài hai năm liền luyện tập, Phương đã có thể tự đi lại được nhưng lại… bằng đôi tay. Nhìn con đi lại khó khăn, đau đớn, cha mẹ em đau đớn như bị cắt từng thớ thịt. Nhiều lần cô Xuất khóc mà phải ngoảnh mặt đi để em khỏi nhìn thấy lại tủi thân.
 |
Nhưng mỗi ngày Phương vẫn đi làm mộc kiếm được 30.000 đồng để tự nuôi mình và ôn thi.
|
Nhớ lại những năm tháng đi học, Phương ngỡ như là một giấc mơ. Khi em đã có thể tự di chuyển, bố mẹ xin cho em vào trường để học. Nhưng nhà trường lại xếp em vào lớp trẻ khuyết tật. Tự an ủi mình, Phương nỗ lực học tập không biết mệt mỏi. Năm đó, em được trao giấy khen tiên tiến xuất sắc và chuyển sang lớp học như các bạn bình thường khác. 5 năm cấp I, ngày hai buổi em trai cõng Phương đến trường trên con đường đất trơn trượt. Nhiều hôm trời mưa, Phương và em trai bị ngã dập giụi, quần áo lấm lem bùn đất. Hai anh em nhìn nhau mà nước mắt rưng rưng. Lên cấp II, cấp III, vì trường xa nên hai anh em đến trường bằng xe đạp. Mỗi lần lên, xuống xe như một cực hình đối với Phương. “Nếu không có ai đỡ là vồ ếch ngay!”, em cười buồn. Còn số lần bị ngã xe thì nhiều không nhớ nổi, giờ nhìn lại chiếc xe đạp mà Phương thấy “sởn cả da gà”.
Trong suốt mười hai năm học, Phương luôn đạt danh hiệu học sinh tiên tiến xuất sắc. Căn nhà cấp bốn Phương đang ở không rộng rãi, nhưng sạch sẽ. Trong nhà, tài sản quý giá nhất của gia đình là chiếc ti-vi cũ, còn với riêng Phương lại là những tờ giấy khen suốt từ hồi học lớp 1 đến lớp 12 và những thành tích, danh hiệu đã được Đoàn thanh niên, địa phương trao tặng. Năm 2001, Phương đạt giải nhất cuộc thi xe lăn dành cho người khuyết tật tỉnh Vĩnh Phúc. Với những đóng góp trong phong trào thanh niên, văn hóa văn nghệ trong nhiều năm qua, mới đây Phương còn được tỉnh Đoàn Vĩnh Phúc và huyện Đoàn Bình Xuyên ghi danh là “Đại biểu thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác”. Nhìn lại thành quả mà mình nỗ lực, ánh mắt em như ánh lên niềm tin vào cuộc sống, vào tương lai.
Ước mơ giảng đường
Cộng dồn các khoản nợ vay nặng lãi thuốc thang cho Phương trong 4 năm ròng càng đè nặng lên đôi vai của bố mẹ. Chú Sơn, bố em phải đi làm phụ hồ tận Lai Châu, cô Xuất mưu sinh mãi trên Tuyên Quang bằng nghề đồng nát. Em trai Phương thì đang học nghề tại Phú Thọ. Cả năm, gia đình chỉ sum vầy trong những dịp lễ, Tết, giỗ chạp… Thiếu thốn tình cảm, không ai chăm sóc, mọi việc Phương đều tự xoay xở. Từ những việc nhỏ như vệ sinh cá nhân đến cho gà vịt, lợn gà ăn… em làm rất thành thục. “Cũng phải nuôi ít gà, vịt, rồi chăm con lợn chứ anh, đến Tết cũng đỡ được khoản mua thức ăn mà”, Phương cười vui vẻ. Nhìn chàng trai mặt mũi khôi ngô sáng sủa mà ai cũng xót xa. Hằng ngày em gửi tiền hàng xóm đi chợ rồi về nấu ăn.
Phương tự đi học nghề và kiếm tiền bằng chính đôi tay của mình. Gần một năm nay, em theo học nghề mộc tại cơ sở của anh Nguyễn Văn Cường cùng làng. Mỗi ngày công, em kiếm được 30.000 đồng. Với số tiền này, Phương tiết kiệm được một khoản nho nhỏ mua sách vở, tài liệu để ôn thi đại học. Anh Cường, chủ xưởng mộc cho biết, Phương là một người sống rất có nghị lực, vui vẻ hòa đồng, rất được mọi người quý mến. Năm vừa rồi, em thi Đại học Công nghiệp Hà Nội nhưng bị thiếu điểm. Không chịu bỏ cuộc, năm nay Phương lại quyết tâm ôn thi để thỏa ước mơ được đứng trên giảng đường. Nhìn cái dáng ngồi làm việc “không giống” ai của em tôi thấy cảm phục nhiều hơn là đáng thương. Mong sao cho ước mơ của em sớm thành hiện thực. Chia tay em tại xưởng mộc mà ánh mắt em như níu chân tôi. Bên tai tôi vẫn nghe tiếng đục đẽo “lách cách” cứ xa dần, xa dần nhưng vang vọng như ước mơ vươn lên của chàng trai bất hạnh không bao giờ tắt...
Bài và ảnh: PHẠM KẾ TOẠI