QĐND - Từ Thành phố Hồ Chí Minh, qua Long An, Tiền Giang, Bến Tre để đến Trà Vinh, rồi đi tiếp xuống Vĩnh Long, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu để về Cà Mau, những cánh sóng ra-đa cứ làm tôi lâng lâng, ngất ngây như được bay đi khắp vùng sông nước Cửu Long tươi đẹp. Có lẽ cũng vì thế mà Đại tá Bùi Văn Tiệp, Sư đoàn trưởng Sư đoàn Phòng không 367 phải thốt lên: “Miền Tây Nam Bộ mượt mà, ngọt ngào và hấp dẫn như một câu dân ca”.

Chiến sĩ ra-đa Trạm 23 (Cà Mau) bảo quản khí tài.      

Nếu không mặc quân phục, Thiếu tá Đoàn Thanh Hải, Chính trị viên Trạm 34 giống như một anh chủ nhiệm hợp tác xã, hay anh đội trưởng đội sản xuất nào đó. Anh tâm sự: “Tuy ở nơi xa xôi, hẻo lánh, điều kiện ăn ở còn nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi luôn đoàn kết, hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý vùng trời của Tổ quốc”. Tôi biết nhiều đài, trạm ra-đa của Sư đoàn 367, nhưng chưa thấy nơi nào heo hút như ở đây. Cách Thành phố Hồ Chí Minh 260km và thành phố Trà Vinh 50km, Trạm 34 được coi như đang chốt giữ ở nơi “ốc đảo” của vùng duyên hải. Xa xôi, cách trở nhưng không có nghĩa là lạc lõng. Người chiến sĩ luôn duy trì tốt các chế độ, nền nếp sinh hoạt, công tác và tổ chức huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) rất bài bản, quy củ. Những chiếc đài ra-đa, hệ thống máy phát điện được anh em bảo quản, bảo dưỡng chu đáo từng ngày. Khi tôi đang trò chuyện với Thiếu tá Phạm Mạnh Hùng, Đài trưởng, người đã gắn bó với Trạm 34 hơn 20 năm, thì kẻng báo động vang lên. “Tất cả vào vị trí SSCĐ” – Mệnh lệnh của Đại úy Cao Trọng Chính – Phó trạm trưởng về quân sự phát ra đanh, gọn. Các chiến sĩ máy nổ nhanh chóng thao tác quy trình khởi động máy. Binh nhất Tống Quốc Hưng, nhà ở đường Lạc Long Quân, phường 3, quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh thoăn thoắt đôi tay. Chưa đầy 4 phút, chiếc máy do anh phụ trách đã nổ giòn tan. Cũng chỉ sau ít phút, những cánh sóng ra-đa đã phủ sóng lên bầu trời, "bắt gọn" tất cả các vật bay trên vùng trời do trạm quản lý.

Sau lệnh hạ cấp SSCĐ, các chiến sĩ bước ra khỏi vị trí của mình với những nụ cười tươi như hoa. Lau vội những giọt mồ hôi ướt đầm gương mặt, trắc thủ Phạm Văn Tùng, quê ở tỉnh Thanh Hóa hồn nhiên nói: “Mỗi lần vào ca, chúng em như được “mát-xa, xông hơi” ấy. Những ngày nóng, nhiệt độ trong xe lên tới 420C”.

Cuộc sống của người chiến sĩ miền duyên hải luôn đầy ắp niềm vui. Ngày nghỉ, giờ nghỉ của anh em sôi động với những trận bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, cờ tướng, cờ vua. Buổi tối thì quây quần xem ti vi, ca hát vang trời và kể chuyện về quê hương cho nhau nghe. Những ngày lễ, tết, họ còn tổ chức giao lưu với Trường Đại học Trà Vinh, Trường THPT Duyên Hải. Đơn vị không có đất, chỉ huy liên hệ mượn được gần 1000m2 đất của dân để trồng rau muống, nuôi cá, trồng chuối. Sống trên vùng đất cát mà bữa ăn của đơn vị lúc nào cũng có 4, 5 món, trong đó rau xanh không bao giờ thiếu. Để trồng rau, anh em phải ủ phân từ trước, xây bờ chắn không cho cát trôi, rồi trộn phân vào cát mới gieo hạt. Dù Trạm 34 đã có nhiều cố gắng, nhưng Thượng tá Hán Văn Ngự - Chủ nhiệm Hậu cần Sư đoàn 367 vẫn nhắc nhở anh em cần phải quy hoạch khu tăng gia, sản xuất quy củ hơn nữa, nhất là hệ thống chuồng heo, chuồng gà, vịt. Chỉ có tích cực tăng gia sản xuất hiệu quả, đơn vị mới nâng cao được chất lượng bữa ăn cho bộ đội và có nguồn thu để sử dụng vào các hoạt động khác.

Khí hậu miền Tây nóng bức, nắng cuối ngày vàng như mật ong phủ kín sân bay Cà Mau. Chúng tôi đến Trạm 23, Đại úy Phạm Văn Thiện, Phó trạm trưởng về quân sự có vợ là nhân viên của một công ty hải sản ở phường 8, thành phố Cà Mau tâm sự: “Trạm có 9 anh em đã xây dựng gia đình đang định cư ở thành phố Cà Mau, nhưng hơn 3/4 là phải thuê nhà để ở với giá 450.000 đồng/tháng, chưa kể tiền điện, nước”. Vất vả là vậy, mà chẳng ai kêu than, nản chí. Tất cả vẫn bám trạm, bám đài để hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý bầu trời Đất Mũi.

Cũng như khi đến Trạm 34, Đại tá Bùi Văn Tiệp và các cán bộ Sư đoàn 367 đi đến từng đài ra-đa, từng phòng ở của chiến sĩ và hệ thống bếp ăn để kiểm tra. Thượng tá Đỗ Văn Đức nói: “Anh em ở đây làm chuyên môn rất tốt, hệ thống sổ sách đăng ký, ghi chép chu đáo, đúng quy định”. Từ đầu năm đến nay, đơn vị đã mở máy gần 450 phiên, quản lý chặt chẽ vùng trời được phân công, duy trì chế độ huấn luyện, SSCĐ tốt, được cấp trên biểu dương, khen thưởng.

Mê nhất ở Trạm 23 là hệ thống vườn rau, ao cá. Trên diện tích đất hẹp chừng 200m2, mà các giàn bầu, bí, mướp, mùng tơi cứ mơn mởn vươn lên. Xung quanh ao cá nhỏ, những cây đu đủ quả mọc từ gốc tới ngọn. Theo báo cáo của chỉ huy trạm, trong 6 tháng đầu năm, đơn vị đã hoàn thành 56% chỉ tiêu về rau xanh, 60% về nuôi cá. Còn về nuôi lợn, bình quân mỗi cán bộ, chiến sĩ chăm sóc một con. Binh nhất Nguyễn Văn Thực, quê ở tỉnh Thanh Hóa nói rằng: “Ăn cơm ở đơn vị, các món ăn nhiều và phong phú hơn ở nhà…”.

… Bốn giờ sáng hôm sau, chúng tôi rời Cà Mau về với mảnh đất Tây Đô, tới Trạm ra-đa 50. Nằm ở thành phố Cần Thơ, nhưng Trạm 50 vẫn vươn cánh sóng của mình lên vùng biên giới của các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang. Nhiều năm qua, những cánh sóng Tây Đô luôn quản lý chặt chẽ vùng trời, không để xảy ra sai sót, lọt chậm, hoang báo mục tiêu. Thiếu úy, QNCN Đào Ngọc Hưng, nhân viên sở chỉ huy cho biết: “Được trang bị các loại khí tài hiện đại, quản lý vùng trời rộng, anh em đơn vị duy trì công tác huấn luyện, SSCĐ rất chặt chẽ và nghiêm túc”. Có lẽ vì thế mà kết quả huấn luyện 6 tháng đầu năm của trạm khá cao, với 100% đạt yêu cầu, trong đó 82,4% khá, giỏi.

Đứng giữa sân bay Cần Thơ lồng lộng, tôi cảm giác như bầu trời miền Tây cứ ngày càng mênh mang, rộng dài ra, tươi đẹp hơn cùng những cánh sóng ra-đa ngày càng vươn xa.

Bài và ảnh: Lê Phi Hùng