Mạo danh bác sĩ để... bán hàng
Khám, chữa bệnh online nếu tìm đúng bác sĩ có chuyên môn, có tâm thì người bệnh sẽ hạn chế được việc đi lại mà vẫn có được những chẩn đoán sơ bộ về tình hình sức khỏe và những lời khuyên hữu ích. Thế nhưng, tư vấn y tế online hiện nay đang có mặt trái là mạo danh, lừa đảo để bán hàng. Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) từng khuyến cáo người tiêu dùng cẩn trọng với thông tin quảng cáo thổi phồng thực phẩm chức năng Hạ khang đường có khả năng đặc trị bệnh tiểu đường trên một số website. Mới đây, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ SHB, có trụ sở tại tòa nhà 162 Phương Liệt (quận Thanh Xuân, TP Hà Nội)-cơ sở chuyên bán thực phẩm chức năng Hạ khang đường cùng một số sản phẩm chữa hôi miệng Deetox Nano, chữa sỏi thận (Đả Thạch Vương, viên sủi Diabet), liệu trình cho bệnh tiểu đường (Hạ đường Tâm An, Hạ khang đường plus)... bị phát hiện các “bác sĩ online” tư vấn, kê đơn như những bác sĩ, chuyên gia dày dạn kinh nghiệm thực tế chỉ là đội ngũ bán hàng tuổi mới ngoài đôi mươi. Sản phẩm hầu hết là thực phẩm chức năng nhưng luôn được những người này cam kết là điều trị dứt điểm!
Hiện tượng mạo danh để bán thuốc, thực phẩm chức năng... trên mạng xã hội cũng khá phổ biến khiến không ít người "tiền mất tật mang". Chị Nguyễn Thị Phương (Đống Đa, Hà Nội) là một trường hợp. Mới đây, Facebook của chị xuất hiện thông tin Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 có bán thuốc điều trị bạc tóc, thuốc trị nám, sản phẩm làm đẹp. “Tôi nhắn tin đặt mua một liệu trình thuốc trị nám, sau đó, thuốc được chuyển phát nhanh đến nhà. Sản phẩm quảng cáo trên Facebook có tem mác đầy đủ, có hình ảnh bác sĩ chuyên ngành thẩm mỹ nổi tiếng của bệnh viện nhưng khi nhận, lọ thuốc trông rất sơ sài nên tôi nghi ngờ. Vài ngày sau, tôi nhờ người hỏi và được biết Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 không sản xuất và bán sản phẩm nào có tên như vậy. Tìm lại người bán hàng, vừa hỏi vài câu, tôi đã bị họ chặn Facebook...”-chị Phương chia sẻ.
 |
Hình ảnh cảnh báo của Bệnh viện Da liễu Trung ương về một số tổ chức, cá nhân mạo danh bệnh viện để tư vấn sức khỏe và bán thuốc. |
Thời gian qua, nhiều bệnh viện lớn như Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Da liễu Trung ương, Bệnh viện Tai-Mũi-Họng Trung ương... đã phát đi cảnh báo về việc mạo danh như vậy. TS, bác sĩ Phan Bích Nga, Giám đốc Trung tâm Khám và Tư vấn dinh dưỡng trẻ em (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) từng chia sẻ trên Facebook: “Khi phát hiện một trang web sử dụng hình ảnh, tên tuổi của mình để dụ dỗ các bà mẹ mua sản phẩm dinh dưỡng trẻ em, tôi đã vào trang web này yêu cầu quản trị viên xóa ảnh, xóa thông tin cá nhân của tôi... Trang web này đã phải thực hiện theo yêu cầu nhưng lại sử dụng hình ảnh, tên tuổi của một bác sĩ khác”.
Thủ đoạn của các “bác sĩ online” rởm là khi khách hàng còn phân vân về tác dụng của sản phẩm thì tìm mọi cách khẳng định sản phẩm đã được Bộ Y tế thẩm định, đã được quảng cáo trên truyền hình Trung ương, đồng thời chêm vào những câu hù dọa do nắm bắt được tâm lý người bệnh đang lo lắng. Khi khách hàng phản ánh không khỏi, họ sẽ bịa ra phác đồ điều trị kéo dài và khi hết liệu trình kéo dài thì... chặn điện thoại, mạng xã hội để khách không thể liên lạc hoặc đổ lỗi do cơ địa khách hàng, khách hàng không kiêng khem trong quá trình điều trị... Đặc biệt, hàng luôn được các đối tượng chuyển qua dịch vụ chuyển phát nhanh mà không giao trực tiếp nên việc kiểm soát rất khó khăn. Khi xác minh được địa chỉ IP, số điện thoại lừa đảo thì đối tượng đã chuyển đi hoặc bỏ sim điện thoại đó...
Để tránh bị lừa
Hậu quả của việc người bệnh cả tin, không kiểm chứng thông tin khi tìm đến các "bác sĩ online" là bị tư vấn rởm, mua phải sản phẩm không đạt chất lượng hoặc hết hạn sử dụng, gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng. Cá biệt có trường hợp đã tử vong do ngộ độc, nhiễm trùng huyết, suy gan, suy thận... Đối với các bệnh viện và các bác sĩ bị mạo danh, đó là một sự bôi nhọ, làm tổn hại uy tín và danh dự.
Theo TS, bác sĩ Phan Bích Nga, trên các trang web, trang fanpage, Facebook, Zalo... có đưa tên cơ sở y tế là bệnh viện công hoặc tên các bác sĩ có tiếng trong ngành y để quảng cáo bán hàng thì hầu hết là mạo danh. Người dân muốn được tư vấn online thì cần vào trang web chính thức của các cơ sở y tế để có số điện thoại chính xác, tránh bị lừa.
Luật sư Đỗ Viết Hải, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Hợp danh Sự thật, cho rằng: “Để không rơi vào bẫy lừa đảo, điều quan trọng là người dân cần nâng cao hiểu biết, cảnh giác trước những lời quảng cáo thổi phồng, lời hứa hão qua mạng. Bên cạnh đó, các cơ sở y tế cần cung cấp, phổ biến thông tin chính thống để khi có nhu cầu, người dân có thể dễ dàng liên lạc. Đối với ngành chức năng, cần tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; đồng thời cần bổ sung, hoàn thiện hành lang pháp lý, không để tình trạng mạo danh tên tuổi bác sĩ, cơ sở y tế diễn ra như hiện nay”.
KIM DUNG