Ngày 19-3, Công an TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, vừa bắt giữ đối tượng Nguyễn Minh Vũ (sinh năm 1990 và Hoàng Thanh Sang (sinh năm 2000), cùng trú tại tỉnh Quảng Trị vì có hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Thủ đoạn của hai đối tượng này là hack (chiếm quyền sử dụng) tài khoản MXH của người khác, sau đó giả danh là người thân để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Cụ thể, Vũ và Sang hack tài khoản Facebook người thân của anh L. (sinh năm 1985, trú tại phường Phước Vĩnh, TP Huế) đang ở nước ngoài. Sau đó, các đối tượng nhắn tin cho anh L. với nội dung sẽ chuyển tiền từ nước ngoài về và cung cấp cho anh L. một đường link, yêu cầu nhập thông tin tài khoản, mã OTP (mã xác thực của ngân hàng). Sau khi thực hiện theo hướng dẫn, tài khoản anh L. bị trừ 50 triệu đồng. Với thủ đoạn tương tự, hai đối tượng này đã chiếm đoạt 74,5 triệu đồng của anh H. (sinh năm 1975, trú tại phường Phú Nhuận, TP Huế); 1,1 tỷ đồng của một người trú tại quận Cầu Giấy, TP Hà Nội. Trước đó, ngày 1-2, Công an huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa bắt giữ 3 đối tượng gồm: Phan Phong Phú (19 tuổi), Trương Minh Hiền (31 tuổi) và Nguyễn Văn Chung (26 tuổi), cùng trú tại tỉnh Quảng Trị về hành vi chiếm đoạt tài sản. Thủ đoạn của các đối tượng là lập tài khoản Facebook có tên “Dũng Hòa” hỏi mua hàng rồi đề nghị người bán gửi số tài khoản ngân hàng để chuyển khoản. Sau đó, các đối tượng nhắn tin và gửi cho người bán một đường link yêu cầu đăng nhập, nhập mã OTP rồi chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng của họ. Chỉ tính từ đầu tháng 1-2021 đến khi bị bắt, 3 đối tượng trên đã chiếm đoạt của hàng trăm nạn nhân trên địa bàn cả nước với tổng số tiền là 2,4 tỷ đồng... Đây chỉ là hai trong số rất nhiều vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua MXH được lực lượng công an cả nước triệt phá trong thời gian qua.

Công an TP Huế bắt giữ 2 đối tượng Nguyễn Minh Vũ và Hoàng Thanh Sang để điều tra làm rõ hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ảnh: laodong.vn.

Ông Đào Xuân Mừng, chuyên gia về bảo mật của Công ty Phát triển phần mềm và Hỗ trợ công nghệ (Misoft) cho rằng, số lượng người sử dụng các MXH như: Facebook, Zalo, Instagram... ở nước ta rất lớn, đó là điều kiện thuận lợi để các đối tượng xấu lợi dụng thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Có rất nhiều hình thức lừa đảo trực tuyến, nhưng phổ biến nhất là sử dụng ứng dụng (App), đường link clip, hình ảnh "nóng"... để đánh cắp thông tin và hack tài khoản của người khác, sau đó hỏi vay tiền, nhờ nạp tiền điện thoại để chiếm đoạt; kết bạn qua MXH và hứa hẹn gửi quà có giá trị rồi yêu cầu nạn nhân chuyển tiền nộp thuế hoặc lệ phí hải quan; gửi tin nhắn thông báo trúng thưởng và đề nghị nộp phí để nhận thưởng. Tinh vi hơn nữa, các đối tượng tạo thành một nhóm cùng đưa ra những thông tin giả ăn khớp với nhau, làm cho nạn nhân không thể biết được thông tin nào là thật, thông tin nào là giả. Ông Đào Xuân Mừng lưu ý thêm: “Người sử dụng MXH phải luôn tỉnh táo, cảnh giác. Khi có người nhắn tin hỏi vay tiền, nhờ nạp tiền điện thoại... thì phải gọi điện trực tiếp kiểm tra, xác minh. Không tin vào những chiêu trò nhận thưởng qua mạng với yêu cầu nạp tiền qua thẻ điện thoại hoặc chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng để làm thủ tục nhận thưởng. Tìm hiểu kỹ thông tin khi kết bạn với những người lạ trên MXH, đặc biệt là những người hứa hẹn cho, tặng số tiền lớn, những món quà đắt tiền. Tuyệt đối không truy cập các đường link, liên kết trong tin nhắn/email lạ hoặc không rõ nguồn gốc; không cung cấp mã OTP do ngân hàng gửi cho bất kỳ ai, kể cả nhân viên ngân hàng. Không công khai ngày/tháng/năm sinh, số chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng... lên các trang MXH để tránh bị các đối tượng lợi dụng khai thác, sử dụng để lừa đảo...”.

Luật sư Nguyễn Văn Thắng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết thêm: “Khi thấy có biểu hiện nghi vấn, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an để kịp thời ngăn chặn, xử lý. Nếu bị lừa đảo, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, cần làm hồ sơ gửi công an cấp quận/huyện để được giải quyết kịp thời. Hồ sơ gồm có: Đơn trình báo công an; bản sao chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu của bị hại (nếu có); chứng cứ kèm theo để chứng minh (video, hình ảnh, ghi âm có chứa nguồn thông tin của hành vi phạm tội...)”.

LINH AN