QĐND - Đó là phi công, Anh hùng LLVT nhân dân Đinh Tôn, một chàng trai to cao, cường tráng, điển trai, quê xứ dừa Bình Định. Tài bay xuất sắc cùng tư chất thông minh, nổi trội của anh trên mọi lĩnh vực đã thu phục được lòng mến phục của thế hệ phi công đầu tiên chúng tôi.
 |
Đại tướng Võ Nguyên Giáp bắt tay phi công Đinh Tôn.
|
Năm 1957, Đinh Tôn cùng một số cán bộ, chiến sĩ được tuyển chọn sang học bay ở Brô-nô, Tiệp Khắc. Với tài năng thiên bẩm và nghị lực phi thường, Tôn hoàn thành sớm nhất chương trình huấn luyện bay nhào lộn thể thao, một chương trình đòi hỏi lòng dũng cảm cao cùng sự nắm bắt kỹ thuật nhanh nhạy. Chỉ với hơn một năm huấn luyện, anh đã được cấp bằng tốt nghiệp xuất sắc rồi được đặc cách học bay thêm một loại máy bay du lịch thể thao. Và anh cũng giành được kết quả tối ưu.
Đinh Tôn cùng đoàn học bay bên nước bạn trở về nước đúng lúc bọn phản động phái hữu trong quân đội Vương quốc Lào gây xung đột tranh chấp biên giới ở vùng Hướng Lập. Bộ Tổng tham mưu lệnh cho bộ đội không quân lập đường bay liên lạc và vận chuyển các phái viên quân sự, ngoại giao ta vào miền Trung để giải quyết nhanh vụ xung đột. Để tiện cho việc lãnh đạo, chỉ huy điều hành, xử lý vụ việc, Bộ Tổng tham mưu yêu cầu phi công ta trực tiếp bay làm nhiệm vụ.
Đinh Tôn là phi công đầu tiên tự nguyện không nghỉ phép theo chế độ sau đợt du học để tranh thủ thời gian luyện bay loại máy bay ta hiện có. Thông thường, theo điều lệnh bay nghiêm ngặt, Tôn phải được huấn luyện viên bay kèm một thời gian rồi mới được kiểm tra để bay đơn. Nhưng mới chỉ bay kèm Tôn một vòng cất, hạ cánh, chuyên gia bạn đã đặc cách kiểm tra sát hạch anh ngay. Và, ông rất hài lòng với vòng bay sát hạch cất, hạ cánh ấy của Tôn, vui vẻ ký ngay vào giấy cho phép anh tự bay độc lập. Với tinh thần chạy đua với thời gian, Tôn cùng kíp bay bám trụ liên tục trên sân bay để ôn luyện tay lái. Trong một thời gian rất ngắn đã đạt kết quả, khiến thanh tra bay phải công nhận, đề nghị cấp trên phê chuẩn Tôn làm Cơ trưởng máy bay Aêrô-45. Noi gương anh, số bạn học bay cùng trang lứa, cũng đã rút ngắn được thời gian luyện tập, hoàn thành chương trình huấn luyện để kịp đáp ứng nhu cầu cần kíp của đất nước.
 |
Anh hùng LLVT nhân dân Đinh Tôn. Ảnh tư liệu
|
Ngày 20-8-1958, một ngày không thể quên, ước mơ chinh phục bầu trời từ bao đời nay đã thành hiện thực. Hồi 9 giờ 15 phút, từ sân bay Gia Lâm, kíp bay Việt Nam trên chiếc Aêrô-45 do Cơ trưởng Đinh Tôn điều khiển đã lẹ làng chuẩn xác bay lên bầu trời Thăng Long-Hà Nội, rồi hướng về miền Trung đưa Tư lệnh Quân khu 4 vào Đồng Hới, Quảng Bình, thực hiện phương án tác chiến của Bộ Tổng tham mưu trong thời gian ngắn nhất.
Sau đó, Đinh Tôn được điều về Trường Không quân huấn luyện đào tạo lớp phi công đầu tiên ở trong nước. Với cơ sở vật chất và phương tiện giảng dạy khó khăn, thiếu thốn nhiều bề, Tôn cùng các đồng nghiệp đã sáng tạo vượt khó tìm ra nhiều cách giảng dạy huấn luyện đơn giản, dễ hiểu thích hợp với trình độ, thể lực của lớp học viên phi công khóa đầu tiên mà tuyệt đại đa số là cán bộ, chiến sĩ nông dân mặc áo lính.
Ngày 1-5-1959, với danh nghĩa Câu lạc bộ Hàng không, Trường Không quân mở hội biểu diễn bay trước hơn một vạn nhân dân thành phố cảng Hải Phòng. Trên tầng thấp dưới 1000m, với chiếc máy bay thể thao Trenner, Tôn biểu diễn bay những pha nhào lộn tài nghệ, mạo hiểm. Có lúc anh điều khiển máy bay như một chiếc lá rơi theo hình xoắn ốc xong lại cải ra bay bằng sát sàn sạt mặt đất; rồi cho máy bay lao lên chiếm độ cao, thắt vòng nơ, cả vòng xuôi cũng như vòng ngược, đuôi và mũi máy bay như sắp chạm xuống đất, làm bao người thót tim. Tài nghệ điêu luyện ấy đã chinh phục những nam thanh nữ tú đất Cảng. Nhất là với Hồng, cô nữ sinh xinh đẹp của Trường học sinh miền Nam càng đem lòng yêu mến người bạn trai cùng quê. Tình yêu đôi lứa ngày một sâu sắc, phát triển cùng với tình yêu bầu trời và cũng trải qua không ít thử thách sóng gió. Nhưng tình yêu chân thành và nồng cháy cùng lòng vị tha của người phi công tài ba đã cứu cánh cho tình yêu đôi lứa ấy vượt qua mọi thử thách.
Cuối năm 1960, Đinh Tôn cùng một số huấn luyện viên bay và toàn bộ học viên bay Khóa 1, Trường Không quân được điều về Trung đoàn Không quân vận tải 919, bay chuyển loại sang các máy bay vận tải do Liên Xô viện trợ. Tôn được đưa về Phi đội máy bay vận tải Li-2. Và, cũng chỉ phải trải qua 3 vòng bay kiểm tra trên máy bay mới, Tôn đã được chuyên gia bay Xô-viết phê chuẩn cho bay đơn. Anh nhanh chóng được biên chế vào phân đội bay giúp nước bạn Lào.
Phát huy truyền thống đoàn kết chiến đấu Việt-Lào trong kháng chiến chống Pháp trước đây, toàn Trung đoàn Không quân vận tải 919 nêu cao tinh thần quyết chiến, quyết thắng: "Đánh địch mà tiến, mở đường mà bay!": Súng đại liên Ka-li-nốp đồng loạt được lắp lên hai bên hông máy bay sẵn sàng nhả đạn không chiến với máy bay tiêm kích địch mở đường bay tới đích.
Một lần xuyên mây bay ra, Tôn bỗng phát hiện một chiếc chiến đấu cơ địch lao đến từ phía bên phải, đang liệng vòng bay chéo sang tiếp cận máy bay anh. Tôn phán đoán nhanh: "Nếu cứ tiếp tục bay thẳng địch dễ bám đuôi tấn công". Anh lệnh ngay cho Trần Nam, sĩ quan kỹ thuật máy kiêm xạ thủ nổ súng chặn đánh địch, đồng thời ngoặt gấp máy bay sang phải bay đối đầu với tên địch. Tốc độ tiếp cận của cả hai bên cộng lại nhanh vùn vụt. Tên giặc lái chắc không chịu nổi ngón đòn căng thẳng vội kéo thốc máy bay lên cao bỏ chạy. Trận nổ súng đầu tiên trên trời cao và dũng mãnh đối đầu với máy bay tiêm kích địch hôm ấy đã nêu một tấm gương sáng trong toàn trung đoàn về ý chí quyết tâm làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả: "Đánh địch mà tiến, mở đường mà bay!".
Năm 1966, Đinh Tôn được chỉ định dẫn đầu một đoàn học viên sang đất nước Xô-viết học lái máy bay MIG 21. Tuy là phi công chuyên bay loại máy bay cánh quạt tốc độ chậm nhưng với tay lái kinh nghiệm trên một nghìn giờ bay cộng với tài năng thiên bẩm, Tôn tiếp thu rất nhanh kỹ thuật lái máy bay phản lực siêu thanh MIG 21. Thầy dạy Tôn là một phi công kiện tướng công huân. Ông rất hài lòng ngay từ vòng bay kèm anh đầu tiên, nhất là khi bước vào khoa mục bay nhào lộn. Ông yêu mến, khen anh hết lời: "Một phi công tuyệt vời không chê được điểm nào". Sau mỗi chuyến bay kèm anh, ông lại giơ cao ngón tay cái, miệng thốt lên phấn khởi: Xuất sắc! Ông tin cậy trao cho anh tất cả các ngón sở trường và bí quyết bay kỹ thuật đặc biệt độc đáo của mình ngoài cả chương trình huấn luyện. Sau này về nước, Tôn đã vận dụng một cách tài nghệ kỹ thuật bay độc đáo đó dẫn biên đội thần tốc tiến công hạ đo ván nhiều tên giặc lái sừng sỏ khiến chúng không kịp đối phó. Cô giáo trẻ dạy tiếng Nga, vợ huấn luyện viên của anh, được chồng cho biết người học trò xuất sắc của ông, đã tỏ lòng rất ngưỡng mộ. Hễ biết tin Tôn sẽ bay kỹ thuật đặc biệt trên đỉnh sân bay là cô lại năn nỉ chồng bố trí cho mình và các bạn gái được tận mắt chiêm ngưỡng. Những pha bay nhào lộn chuẩn xác, điêu luyện vừa đẹp mắt vừa hú tim của Tôn khiến các cô gái xứ Bạch dương không khỏi xao xuyến, mến mộ. Tuy biết vậy, nhưng Tôn vẫn rất khiêm nhường, nhã nhặn và luôn ứng xử chuẩn mực không vượt qua giới hạn cho phép, giữ trọn thủy chung với người yêu quê nhà, khiến các bạn học mến phục noi gương.
Năm 1968, giặc Mỹ tụt thang chiến tranh phá hoại xuống dưới vĩ tuyến 20. Quân chủng Phòng không-Không quân được lệnh triển khai lực lượng vào miền Trung. Một số sân bay dã chiến phải sửa chữa nâng cấp để đón máy bay phản lực chiến đấu. Đinh Tôn vừa về nước với bằng đỏ xuất sắc luôn được giao nhiệm vụ bay thử các sân bay dã chiến đường băng đất nện, ngắn hẹp, tĩnh không nguy hiểm. Anh đã hạ cất cánh thành công ngay từ vòng đầu bay thử, rút ra các tham số bay hạ cất cánh an toàn phổ biến cho các phi đội MIG 21 chuẩn bị vào chiến đấu ở miền Trung.
Sau đó, Tôn dẫn một biên đội MIG 21 đầu tiên bay vào sân bay Sao Vàng. Biên đội hạ cánh an toàn xuống đường băng lát ghi với nhiều đoạn ghi sắt cong vênh, gồ ghề do địch vừa ném bom đánh phá. Ngay ngày hôm sau, anh đã cùng Nguyễn Tiến Sâm (Anh hùng LLVT nhân dân) xuất kích mở đầu trận không chiến trên dải đất hẹp, một bên là núi cao, một bên là biển cả, hạm tàu Mỹ triển khai dày đặc sẵn sàng phóng tên lửa đối không. Anh dẫn đội bay trên tầng cực thấp để che mắt ra-đa trên các hạm tàu địch ngoài khơi. Được sở chỉ huy chỉ thị mục tiêu, anh đã phát hiện sớm toàn bộ đội hình địch, lập tức dẫn Sâm vừa bay vọt gấp lên chiếm độ cao hơn địch vừa ngoặt gấp 180 độ, nhanh chóng chiếm lĩnh bán cầu phía sau đội hình địch, rồi bổ nhào ngay xuống công kích chiếc F.4-D đầu đàn. Tên trung tá chỉ huy phi đội F.4-D bị trúng tên lửa, rơi ngay tại chỗ. Mất chủ tướng, đội hình địch bị phá tan trước khi đến mục tiêu Cầu Cấm (Nghệ An). Trận thắng giòn giã diễn ra cấp tập chưa đầy 4 phút, kể từ khi Tôn phát hiện và tiếp cận bắn rơi tại chỗ tên trung tá dẫn đầu đội hình địch. Sau đó, lại với động tác kịch liệt như biểu diễn bay nhào lộn, anh dẫn Sâm nhào vụt xuống giảm nhanh độ cao vừa cơ động hướng gấp kịp thời tránh được mấy quả tên lửa Ta-lốt từ hạm tàu địch phóng lên, về hạ cánh an toàn tại sân bay xuất phát.
Do thành tích chỉ huy phi đội và trực tiếp chiến đấu, đặc biệt là tài năng sáng tạo trong chiến thuật nâng cao hiệu suất chiến đấu, Đinh Tôn được đề bạt Phó trung đoàn trưởng trực tiếp chỉ huy Phi đội MIG 21 bay đêm vào phục đánh B-52 ở chiến trường để rút kinh nghiệm cho bộ đội không quân chuẩn bị tham gia đánh lớn bảo vệ Hà Nội và Hải Phòng. Trải qua nhiều trận cùng đồng đội săn hụt B-52, Đinh Tôn nhạy bén rút ra một điều: Hễ ta bật ra-đa sục sạo và đo cự ly giữa ta và B-52 là chúng phát hiện được ngay, lập tức gọi bọn tiêm kích F.4 đến ứng cứu đồng thời bay đổi hướng lảng tránh xa. Nhưng anh cùng đồng đội đã tìm thấy chỗ sơ hở chí tử của B-52: Nặng nề, cơ động chậm, sợ va quệt nhau, nên phải bật đèn khá sáng ở cánh và đuôi. Tôn và đồng đội nghiên cứu cách đánh không dùng ra-đa, dùng mắt thường quan sát phát hiện B-52 trong đêm dưới sự trợ giúp chỉ thị mục tiêu của ra-đa mặt đất và sở chỉ huy. Ngày 20-11-1971, phi công Vũ Đình Rạng đã chứng minh lối đánh hiệu quả đó, bắn trọng thương chiếc B-52, khiến nó phải bức hạ xuống đất Thái Lan, hư hỏng toàn bộ, phải tháo bỏ.
Trong mấy năm gian khổ săn tìm B-52, Tôn cùng đồng đội đã thu được nhiều kinh nghiệm vô giá, đúc kết nên phương án chiến đấu thực thi để không quân ta giành chiến công tuyệt vời, góp phần diệt B-52 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không có ý nghĩa quyết định trên bầu trời Hà Nội.
Đại tá, phi công VŨ THÀNH