QĐND - Theo đánh giá của Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (C66) thuộc Tổng cục Cảnh sát Quản lý Hành chính về trật tự an toàn xã hội (Bộ Công an): Trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Ngọ vừa qua, số vụ cháy có tăng so với năm trước, nhưng đa số là các vụ cháy nhỏ. Tuy nhiên, dịp lễ hội đầu Xuân tập trung đông người, nguy cơ xảy ra cháy cao, cần có những biện pháp cảnh báo và nâng cao ý thức PCCC...
Thực trạng đáng quan tâm
Thống kê của Cục C66 cho thấy: Trong 9 ngày Tết Nguyên đán Giáp Ngọ (từ ngày 28-1 đến 5-2), cả nước đã xảy ra 96 vụ cháy, làm 1 người chết, 9 người bị thương, gây thiệt hại về tài sản trị giá hơn 7,8 tỷ đồng. So với dịp Tết Nguyên đán năm 2013, tăng 19 vụ cháy, giảm 1 người chết, tăng 5 người bị thương và thiệt hại tài sản tăng 0,6 tỷ đồng. Chỉ tính riêng 4 ngày Tết (từ 30-1 đến 2-2), cả nước có 29 vụ cháy, thiệt hại 2,196 tỷ đồng, tăng 45% số vụ so với cùng thời điểm năm 2013. Số vụ cháy trong dịp Tết vừa qua chủ yếu xảy ra ở nhà riêng của các hộ dân cư, mà nguyên nhân chính là do sơ suất khi sử dụng lửa, chập điện, hóa vàng, thắp hương… Điển hình là ngày 4-2, tại TP Đà Nẵng xảy ra vụ cháy ở số nhà 117, đường Ngô Quyền (quận Sơn Trà), nơi kinh doanh đồ phụ tùng xe máy, đồ điện. Vụ cháy đã thiêu rụi toàn bộ ngôi nhà 3 tầng...
Theo đánh giá của Cục C66, số vụ cháy trong 9 ngày Tết Nguyên đán Giáp Ngọ tuy có tăng so với năm trước, nhưng đa số là các vụ cháy nhỏ; đơn vị nhận tin báo cháy không phải tham gia chữa cháy nhiều, do lực lượng PCCC tại chỗ đã làm tốt công tác chữa cháy. Bên cạnh đó, ý thức chấp hành các quy định PCCC của người dân đã được nâng cao. Đặc biệt, Tết năm nay, cả nước không xảy ra vụ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Cận và sau Tết Nguyên đán, mùa cao điểm của các hoạt động buôn bán, lễ hội cũng là cao điểm của nguy cơ cháy nổ. Hàng hóa được tích trữ, tập trung tại các chợ nhiều hơn, nhu cầu sử dụng lửa cũng tăng cao hơn, tập trung đông người hơn, cộng với thời tiết hanh khô, nên rất dễ xảy ra sự cố cháy nổ nếu sơ suất. Đáng chú ý, các vụ cháy xảy ra tại các điểm kinh doanh tư nhân, nhà riêng thường gây thiệt hại về người lớn hơn các điểm tập trung công cộng. Thực tế này đã báo động về kỹ năng đối phó với hỏa hoạn của mỗi cá nhân. Lực lượng Cảnh sát PCCC đã tổ chức tuyên truyền, nhấn mạnh về việc mọi người đều phải có kiến thức về PCCC, vì nguy cơ cháy rình rập khắp nơi, ngay trong những sinh hoạt hằng ngày, nhưng đa phần người dân vẫn chưa thực sự ý thức được vấn đề.
Kết quả kiểm tra, khảo sát của các lực lượng chức năng trong dịp Tết, các khu chung cư, khu tập thể còn vi phạm rất nhiều những lỗi cơ bản về PCCC, như cửa thoát hiểm đáng lẽ phải đóng kín để tránh ngạt khói thì luôn được mở; nhiều hộ dân đốt vàng mã, đốt than tổ ong ngay tại cầu thang nhà chung cư. Việc thắp hương của nhiều hộ gia đình, hộ kinh doanh cũng là một nguy cơ dẫn đến cháy, nhất là khi bàn thờ ngày Tết thường tập trung nhiều vật liệu dễ bắt lửa như vàng mã, hộp bánh kẹo… Lực lượng chức năng đặc biệt khuyến cáo các hộ gia đình lưu ý khi sử dụng lửa trong những ngày lễ, Tết. Mặt khác, việc phát hiện và báo cháy chậm là nguyên nhân gây ra nhiều vụ cháy lớn.
 |
Tiểu đoàn 103 (Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội) phối hợp với lực lượng PCCC dập lửa ở nhà kho chứa hàng Tết tại phường Phúc Xá, quận Ba Đình, ngày 20-1-2014. Ảnh: Đàm Xuân An
|
Cảnh báo đến mọi người dân
Để đối phó với nguy cơ cháy, nổ trong mùa cao điểm lễ hội, Cục C66 đã tiến hành đồng thời nhiều công việc: Chủ động tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cấp, ngành tăng cường công tác PCCC; tổ chức các đoàn liên ngành kiểm tra công tác PCCC mùa hanh khô, Tết Nguyên đán và lễ hội; hướng dẫn các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC cho nhà dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh, chợ, trung tâm thương mại, nhà cao tầng… Cục C66 đặc biệt khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác, có trách nhiệm với từng hành vi hằng ngày để tránh xảy ra tai nạn đáng tiếc.
Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cũng đã mở đợt tổng kiểm tra an toàn PCCC, tập trung vào các cơ sở trọng điểm có nguy cơ cao về cháy nổ, chợ, trung tâm thương mại, cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng dễ cháy, kho tàng, nhà ga... Hướng dẫn các cơ sở tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn, củng cố phương án chữa cháy và phương tiện chữa cháy tại chỗ; tăng cường tuần tra, canh gác vào các thời điểm ngoài giờ hành chính, đặc biệt là ban đêm trong các ngày nghỉ. Nhiều sơ hở, thiếu sót, vi phạm về PCCC đã được phát hiện, yêu cầu chủ cơ sở, Ban quản lý khắc phục ngay. Cục 66 chỉ đạo cơ quan, đơn vị ra soát phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, xử lý tình huống cháy, nổ lớn, phức tạp; chủ động củng cố, bổ sung phương án và bố trí lực lượng, phương tiện, phối hợp thường trực chiến đấu cả về lực lượng và phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc cấm sản xuất, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán và đốt thả đèn trời, pháo nổ…
Đại tá Nguyễn Văn Tươi, Phó cục trưởng Cục C66 nhấn mạnh: Trong công tác PCCC thì phòng cháy có vai trò quyết định, chữa cháy chỉ là chốt chặn cuối cùng. Nếu đã xảy ra cháy, ắt sẽ có hậu quả, đặc biệt ở những khu vực tập trung đông người, nhà máy, chợ, trung tâm thương mại, chung cư cao tầng… Đặc biệt, mùa lễ hội sắp tới, Cục C66 khuyến cáo việc sử dụng lửa, phục vụ ăn uống khu chùa chiền, miếu mạo, cảnh giác khi trang trí các bóng điện, sử dụng hương khói và chú trọng đến các bãi gửi xe phải sắp xếp hợp lý, có các phương tiện chữa cháy ban đầu.
Cục 66 đã có văn bản chỉ đạo các địa phương tăng cường ứng trực, kiểm tra, nhắc nhở bà con cảnh giác với nguy cơ cháy. Các lễ hội lớn phải có xe ứng trực PCCC. Lãnh đạo Cục trực tiếp đi kiểm tra công tác PCCC ở các lễ hội truyền thống lớn như: Chùa Hương, Bái Đính, Yên Tử, Chùa Bà Đen (Tây Ninh)… Trong điều kiện vật chất và kỹ thuật chữa cháy của nước ta còn rất nhiều bất cập và khó khăn, chỉ có việc nâng cao ý thức của lãnh đạo các địa phương, của chủ doanh nghiệp, của mỗi người dân mới có thể hạn chế bớt nguy cơ cháy, nổ. Mọi người dân cần phải nâng cao trình độ, kiến thức về công tác PCCC; cần phải thấy rằng, nguy cơ cháy nổ luôn rình rập khắp mọi nơi, trong những hành vi sinh hoạt hằng ngày... để luôn thận trọng bảo vệ tài sản, tính mạng của chính mình và của cộng đồng.
Bài và ảnh: PHAN ANH