QĐND -  Công trình nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 14, đoạn phía nam TP Buôn Ma Thuột (Đắc Lắc), triển khai từ giữa năm 2009, dự kiến hoàn thành trong tháng 12-2013. Thế nhưng, đến thời điểm này vẫn còn 7 hộ dân chưa chấp thuận nhận tiền đền bù và không bàn giao mặt bằng, dẫn tới công trình khó về đích đúng kế hoạch.

Được biết, đây là công trình thuộc Dự án đường Hồ Chí Minh, có chiều dài 13,5km, được nâng cấp từ quy mô đường rộng 17m (11m mặt đường, 6m vỉa hè) lên rộng 30m (trong đó có 19m mặt đường, 9m vỉa hè và 2m dải phân cách). Công trình có tổng kinh phí đầu tư 437 tỷ đồng, khởi công ngày 6-9-2009. Theo kế hoạch ban đầu, công trình hoàn thành vào tháng 4-2011. Tuy nhiên, do kinh phí đầu tư bị cắt giảm, nên công trình bị dừng thi công một thời gian dài. Mới đây, công trình được khởi động lại và mục tiêu đề ra là hoàn thành trong tháng 12-2013. Thế nhưng, sau những khó khăn về nguồn kinh phí, hiện công trình lại vướng mắc một điểm về giải phóng mặt bằng, dẫn tới nguy cơ chậm tiến độ một lần nữa.

Ngày 2-12-2013, ông Lê Đức Hải, Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất TP Buôn Ma Thuột cho biết: “Để có mặt bằng mở rộng 13,5km Quốc lộ 14, đoạn phía nam TP Buôn Ma Thuột, tổng kinh phí đền bù là 237 tỷ đồng, đến nay đã thực hiện được 141,5 tỷ đồng; chưa thực hiện 95,5 tỷ đồng, trong đó 80,5 tỷ đồng là đền bù các công trình như đường điện, công trình cấp nước, cáp quang của các doanh nghiệp và 15 tỷ đồng đền bù đất và công trình trên đất cho các hộ dân”.

Đoạn đường các hộ dân chưa chịu bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.

Được biết, ngày 23-12-2011, UBND TP Buôn Ma Thuột ban hành Quyết định số 7783/QĐ-UBND, “Về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất để xây dựng công trình: Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 14, đoạn phía Nam TP Buôn Ma Thuột”- (gói thầu 1, đợt 2, địa bàn phường Ea Tam). Theo quyết định này, phường Ea Tam có 57 hộ dân, từ số nhà 413 đến số nhà 530 đường Lê Duẩn phải di dời, tháo dỡ công trình trên đất, bàn giao mặt bằng cho mở rộng Quốc lộ 14, với tổng kinh phí đền bù cho 57 hộ là 6 tỷ 461 triệu 521 nghìn đồng. Quyết định trên nêu rõ, từng hộ có nguồn gốc đất thế nào, được bồi thường, hỗ trợ mức nào, đất nào và công trình gì được bồi thường; đất và công trình nào chỉ được hỗ trợ; đồng thời từng hộ phải thực hiện nghĩa vụ tài chính nộp ngân sách Nhà nước khoản thuế thu nhập cá nhân sau khi nhận tiền bồi thường. Hiện hầu hết các hộ đã chấp nhận phương án đền bù, nhận tiền và bàn giao mặt bằng. Tuy nhiên, tại khối 3 vẫn còn 7 hộ dân chưa chịu nhận tiền đền bù, khiến tiến độ thi công bị ảnh hưởng.

Sở dĩ 7 hộ dân còn có thắc mắc là do, việc xác định loại đất, công trình xây dựng trên đất để được đền bù hay chỉ được hỗ trợ, cũng như cách tính diện tích đất đền bù, hỗ trợ cho từng hộ của Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Buôn Ma Thuột đã không thống nhất, chưa tuân thủ quy định của pháp luật, gây thiệt hại cho người dân.

Thứ nhất, về cách tính diện tích đất thu hồi và việc áp dụng Nghị định của Chính phủ về Điều lệ bảo vệ đường bộ: Trung tâm Phát triển Quỹ đất TP Buôn Ma Thuột đã không căn cứ trên thực tế sử dụng đất của các hộ dân để tính diện tích đất thu hồi, mà căn cứ vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) các hộ dân được cấp những năm gần đây, khi mà Quốc lộ 14 đã quy hoạch rộng 30m; thậm chí có thời điểm quy hoạch rộng tới 36m để tính là chưa phù hợp.

Thứ hai, phương án đền bù mà UBND TP Buôn Ma Thuột phê duyệt đã xác định nguồn gốc đất của 7 hộ, khối 3, đường Lê Duẩn còn khiếu nại như sau: Đối với ông Ngô Thanh Long, số nhà 481, có nguồn gốc đất khai hoang từ trước năm 1975. Các hộ Phạm Văn Hải, số nhà 483; Nguyễn Cao Chiếm, số nhà 487; Ngô Đại Anh, số nhà 493 có cùng nguồn gốc đất là nhận chuyển nhượng lại của hộ Đặng Thị Luyến được cấp năm 1985. Các hộ Mạc Văn Long, số nhà 495; Nguyễn Minh Đức, số nhà 497; Huỳnh Thị Tín, số nhà 501 có cùng nguồn gốc đất nhận chuyển nhượng của hộ bà Bùi Thị Rợi được cấp năm 1985. Như vậy, từ nguồn gốc đất nêu trên, theo Khoản 1, Điều 50 và Khoản 1, Điều 87 Luật Đất đai năm 2003, diện tích đất thực tế các hộ dân đang sử dụng đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở (sổ đỏ). Ở đây, UBND TP Buôn Ma Thuột căn cứ vào diện tích đất ở ghi trong sổ đỏ để tính đền bù cho các hộ dân là không đúng với thực tế sử dụng đất và không tuân thủ những quy định tại Khoản 1, 2, 3 Điều 8 Nghị định số 197/2004/NĐ-CP, ngày 3-12-2004 “Về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất” và Khoản 1, Điều 14 Nghị định số 69/2009/NĐ-CP, ngày 13-8-2009 của Chính phủ “Quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư”.

Cụ thể, hộ ông Mạc Văn Long, có diện tích nhận chuyển nhượng từ năm 1998 là 240m², từ năm 1998 đến 2013 ông Long nộp thuế nhà và đất ở đô thị là 240m², nhưng khi đo đạc đền bù giải phóng mặt bằng, UBND TP Buôn Ma Thuột chỉ công nhận 220,2m², trong đó có 6,9m² trong phạm vi giải phóng mặt bằng không được đền bù đất ở mà chỉ được bồi thường đất nông nghiệp và hỗ trợ 60% đất vườn có nhà ở trong cùng thửa đất. Hộ ông Ngô Thanh Long, có nguồn gốc đất khai hoang trước năm 1975, nhưng không được đền bù cho diện tích 9,3m² với lý do nằm ngoài sổ đỏ cấp năm 2009. Với 5 hộ còn lại cũng được tính toán đền bù và hỗ trợ tương tự, là không tuân thủ quy định của Luật Đất đai năm 2003 về xác định đất ở.

Để đẩy nhanh tiến độ công trình, đề nghị UBND tỉnh Đắc Lắc và UBND TP Buôn Ma Thuột sớm xem xét, điều chỉnh lại việc đền bù cho 7 hộ dân ở khối 3, phường Ea Tam theo đúng quy định của pháp luật.

Bài và ảnh: KIỀU BÌNH ĐỊNH