Thế nhưng thực tế cho thấy, để tổ chức công đoàn làm tốt vai trò đại diện cho tiếng nói, quyền lợi hợp pháp của người lao động còn cần sự thống nhất đồng bộ trong các văn bản pháp luật.

Quy định pháp luật còn chồng chéo

Theo số liệu từ BHXH Việt Nam, tính đến ngày 31-10-2016, tổng số tiền nợ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) của BHXH các tỉnh, thành phố trên cả nước đã lên tới 14.237 tỷ đồng. Nợ BHXH kéo theo quyền lợi an sinh chính đáng của người lao động bị xâm phạm. Quy định trao quyền khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH cho tổ chức công đoàn được dư luận xã hội đánh giá cao, bởi nó phù hợp với tình hình mới và là dịp để tổ chức công đoàn thực hiện tốt vai trò đại diện cho tiếng nói, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người lao động. Tuy nhiên, việc khởi kiện này đang gặp không ít khó khăn bởi quy định của luật còn chồng chéo. Theo thông tin từ Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, đến tháng 12-2016, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã nộp hồ sơ tại tòa án 34 vụ, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được hồi âm từ phía các tòa án đã tiếp nhận giải quyết 34 vụ đó. 

Trao đổi với chúng tôi, TS Trần Thị Thanh Hà, Phó trưởng ban Quan hệ Lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết: “Theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2012, việc khởi kiện tranh chấp lao động tập thể do công đoàn cơ sở thực hiện, công đoàn cấp trên muốn khởi kiện phải được công đoàn cơ sở ủy quyền. Tuy nhiên thực tế cho thấy, không ít tổ chức công đoàn cơ sở rất “ngại” đối đầu với chủ doanh nghiệp nên không ủy quyền".

leftcenterrightdel
Bàn tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý miễn phí cho người lao động. 

Mặt khác, theo quy định của Bộ luật Lao động, hành vi trốn đóng, nợ, chiếm đoạt tiền BHXH của doanh nghiệp được quy định là tranh chấp lao động tập thể về quyền, lại là hành vi vi phạm pháp luật lao động, pháp luật BHXH rất rõ ràng, tình tiết vụ việc đơn giản, xâm phạm quyền lợi hợp pháp, chính đáng của tập thể người lao động, nhưng tòa án chỉ thụ lý các vụ tranh chấp lao động tập thể về quyền đã được hòa giải viên lao động tiến hành hòa giải không thành; hoặc hòa giải thành nhưng các bên không thực hiện; hay quá thời hạn hòa giải mà hòa giải viên không tiến hành thì sẽ được chủ tịch UBND cấp huyện giải quyết. Trường hợp không đồng ý với quyết định của chủ tịch UBND cấp huyện hoặc quá thời hạn mà chủ tịch không giải quyết, thì các bên mới có quyền yêu cầu tòa án giải quyết.

Đã thế Tòa án Nhân dân (TAND) Tối cao lại chưa có hướng dẫn cụ thể về trình tự và thủ tục khởi kiện các vụ án lao động. Còn Bộ luật Lao động năm 2012 quy định, việc giải quyết tranh chấp về BHXH thực hiện theo quy định của Luật BHXH. Luật BHXH quy định, hành vi không đóng BHXH thuộc thẩm quyền của thanh tra BHXH nên việc giải quyết tranh chấp về BHXH không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án. Thế nhưng, theo quy định tại khoản 8 Điều 10 Luật Công đoàn năm 2012, khoản 2 Điều 187 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, Điều 11 Nghị định số 43/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Điều 10 của Luật Công đoàn thì công đoàn có quyền đại diện cho tập thể người lao động khởi kiện trong trường hợp cần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể người lao động hoặc khi được người lao động ủy quyền. Do vậy, khi doanh nghiệp không đóng BHXH, tổ chức công đoàn có quyền khởi kiện doanh nghiệp ra tòa án.

Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã thực hiện một cuộc khảo sát nhỏ về những khó khăn khi công đoàn cơ sở tham gia khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH. Hầu hết cán bộ công đoàn cơ sở và tập thể người lao động đều cho biết là “khó” đứng đơn khởi kiện doanh nghiệp vì họ đều là người làm công ăn lương trong chính doanh nghiệp đó. “Ngoài việc ngại kiện chủ sử dụng lao động thì cán bộ công đoàn cơ sở còn thiếu tự tin về kiến thức pháp luật và chế độ chính sách”, anh Nguyễn Minh Mạnh, Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng A. (quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) cho biết.              

Khẩn trương tháo gỡ vướng mắc

Thực tế cho thấy, quy định về khởi kiện có tác dụng răn đe rất lớn. Nhiều doanh nghiệp sợ bị khởi kiện sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh của công ty nên tích cực hơn trong việc nộp bảo hiểm.

Ngay sau khi Luật BHXH năm 2014 có hiệu lực, phía Tổng LĐLĐ Việt Nam đã triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện. Cụ thể là, tháng 6-2016 đã ban hành hướng dẫn công đoàn các cấp tiến hành khởi kiện theo Luật Công đoàn, Luật BHXH năm 2014, Luật An toàn vệ sinh lao động; cùng với đó, tổ chức các lớp tập huấn về biện pháp tiến hành khởi kiện những đơn vị nợ đọng BHXH cho đội ngũ cán bộ công đoàn các tỉnh. Tháng 9-2016, Tổng LĐLĐ Việt Nam ký kết Chương trình phối hợp về việc thụ lý khởi kiện các vụ án về lao động nói chung, về BHXH nói riêng với TAND Tối cao và ký kết Quy chế phối hợp về trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu trong việc khởi kiện ra tòa án đối với các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN với cơ quan BHXH Việt Nam. Bên cạnh đó còn phối hợp với cơ quan BHXH Việt Nam chọn 15 tỉnh, thành phố để thí điểm triển khai công tác khởi kiện; phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức đoàn giám sát liên ngành, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Bình Dương.

TS Trần Thị Thanh Hà cho biết: “Tổng LĐLĐ Việt Nam đã chỉ đạo LĐLĐ các tỉnh, thành phố tiếp tục tăng cường phối hợp với cơ quan BHXH cấp tỉnh thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, truy thu nợ BHXH; xây dựng hồ sơ khởi kiện các doanh nghiệp nợ BHXH có đầy đủ tài liệu, chứng cứ, có khả năng thi hành án và nộp hồ sơ đến TAND có thẩm quyền thụ lý vụ việc trên tinh thần chọn những doanh nghiệp còn hoạt động, nợ BHXH từ 3 tháng trở lên với số tiền lớn, có khả năng thi hành án. Riêng đối với những đơn vị phá sản, sẽ báo cáo Thủ tướng xin ý kiến chỉ đạo, nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động. Trường hợp TAND có thẩm quyền yêu cầu công đoàn thực hiện khởi kiện theo trình tự, thủ tục của pháp luật tố tụng dân sự, các LĐLĐ tỉnh, thành phố thực hiện theo hướng dẫn của TAND cùng cấp và báo cáo tình hình về Tổng LĐLĐ Việt Nam. Với hồ sơ nào tòa án không thụ lý phải yêu cầu tòa án có văn bản trả lời lý do cụ thể, báo cáo Tổng LĐLĐ Việt Nam để tổng hợp, làm việc với TAND Tối cao nhằm tháo gỡ”.

Thực hiện chỉ đạo này, sau 3 tháng triển khai (tính đến ngày 10-12-2016), cả nước đã có 40 LĐLĐ cấp tỉnh, thành phố thực hiện tiếp nhận 819 hồ sơ do BHXH cùng cấp chuyển sang. Theo báo cáo của 35/63 địa phương, đến ngày 30-11-2016, có 5 LĐLĐ cấp tỉnh, thành phố (Sơn La, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Nghệ An, Hà Nội) đã nộp đơn khởi kiện đến các cấp tòa án 134 vụ doanh nghiệp nợ BHXH. Báo cáo của các địa phương cũng đưa ra dự kiến đến ngày 30-12-2016, 16 LĐLĐ tỉnh, thành phố tiến hành khởi kiện 79 doanh nghiệp vi phạm pháp luật BHXH để đòi quyền lợi cho người lao động, đưa tổng số vụ khởi kiện lên hơn 110 vụ.

Để phát huy tốt vai trò của các tổ chức công đoàn cơ sở trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đưa tiêu chí thực hiện công tác khởi kiện doanh nghiệp nợ đọng BHXH vào đánh giá, bình xét thi đua năm 2016 của tổ chức công đoàn các cấp. Thế nhưng, để giải quyết kịp thời quyền lợi chính đáng của người lao động thì ngoài nỗ lực của các cấp công đoàn, rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng trong việc tháo gỡ những vướng mắc, chồng chéo của các văn bản quy phạm pháp luật.

Bài và ảnh: KIM DUNG