QĐND - Vừa qua, cơ quan thường trú Báo Quân đội nhân dân tại Khánh Hòa nhận được đơn kiến nghị của ông Lê Ba (trú tại tổ dân phố Phan Bội Châu 1, thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa), đề nghị các cơ quan chức năng xem xét thẻ thương binh của cha mình là ông Lê Cho. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã tới tìm hiểu sự việc và xin thông tin để bạn đọc rõ.

Hiện nay, gia đình ông Lê Ba vẫn còn lưu giữ tấm thẻ thương binh gần như còn nguyên vẹn, có ghi: “Lê Cho, Đội viên, Đại đội 3, Tiểu đoàn 17, Trung đoàn 96. Sinh năm 1925, tại xã Phú Khánh, huyện Vĩnh Xương, tỉnh Khánh Hòa. Số sổ hưu bổng 217. Số huy hiệu 217. Tỷ lệ thương tật 30%”. Thẻ do Phó chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính miền Nam Trung bộ Trần Đình Tri ký ngày 11-4-1952.

Theo nội dung đơn trình bày của ông Lê Ba thì năm 1945, ông Lê Cho tham gia chiến dịch 101 ngày đêm tại Mặt trận Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) thuộc Chi đội 2 Độc Lập. Năm 1946, đơn vị chuyển ra Đà Nẵng thành lập Trung đoàn 96. Ông được biên chế ở Đại đội 3, Tiểu đoàn 17, Trung đoàn 96. Năm 1951, ông Lê Cho bị thương, được đưa về xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi để điều trị và chăm sóc. Tại đây, ông được bà Nguyễn Thị Bạch Mai, cán bộ phụ nữ xã Tịnh Khê trực tiếp chăm sóc. Sau khi lành vết thương, do không còn đủ sức khỏe công tác, năm 1952, ông Lê Cho xuất ngũ rồi lập gia đình với bà Phạm Thị Khay và sinh sống tại gia đình nhà vợ ở xã Tịnh Khê (huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi).

Thẻ thương binh của ông Lê Cho.

Đầu năm 1968, ông Lê Cho đưa vợ con về quê nội ở huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa để tìm bố mẹ và em trai. Lúc này, ông được biết bố mẹ mình đã mất, còn em trai (ông Lê Văn Thành) đã đi tập kết ra miền Bắc năm 1954. Ông Lê Cho sợ bị chính quyền Sài Gòn phát hiện đã tham gia cách mạng nên sống lặng lẽ, không nói gì cho các con biết về chuyện mình đã tham gia kháng chiến và bị thương như thế nào. Từ đó, ông cùng vợ con sinh sống tại dốc Chợ Thành, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa.

Năm 1972, ông Lê Cho mất do tai nạn giao thông. Năm 1975, sau khi đất nước thống nhất, bà Phạm Thị Khay (vợ ông Lê Cho) đã kể với các con mình về việc ông tham gia hoạt động cách mạng và bị thương năm 1951. Nhưng lúc ấy, toàn bộ giấy tờ cá nhân của Lê Cho đã bị thất lạc hết.

Năm 2011, gia đình ông Lê Ba sửa lại nhà thì mới phát hiện thẻ thương binh của ông Lê Cho được ép vào trong tủ thờ. Biết cha mình từng tham gia hoạt động cách mạng, có thẻ thương binh, em trai ông Lê Ba là Lê Phước mang thẻ thương binh lên Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Diên Khánh hỏi thì được trả lời: Thẻ thương binh này đã lâu, đơn vị trong thẻ hiện không có, cần phải có thời gian xác minh mới kết luận được. Được sự hướng dẫn của một số CCB, gia đình ông Lê Ba đã đi tìm lại những người cùng đơn vị với cha ông. Đó là hai CCB cùng Trung đoàn 96 và người phụ nữ đã trực tiếp chăm sóc ông Lê Cho khi ông bị thương năm 1951.

Đại tá Ngô Long, sinh năm 1928, hiện sống tại 56/5 phường Phương Sài, TP Nha Trang (Khánh Hòa) người đã cùng tham gia 101 ngày đêm tại Mặt trận Nha Trang với ông Lê Cho viết: “Sau khi tham gia 101 ngày đêm tại Mặt trận Nha Trang tháng 8-1945, tôi theo đơn vị chuyển quân ra Đà Nẵng thành lập Trung đoàn 96 theo quyết định của trên vào tháng 4-1946. Trung đoàn 96 có 3 tiểu đoàn 17, 18 và 19. Tôi được phân công làm Trưởng ban Chính trị Trung đoàn 96 (tháng 7-1946) cho đến Toàn quốc kháng chiến (tháng 12-1946). Qua thẻ thương binh của đồng chí Lê Cho, tôi thấy nội dung là chính xác: Chiến sĩ thuộc phiên hiệu Đại đội 3, Tiểu đoàn 17, Trung đoàn 96 do đồng chí Lê Kích làm Tiểu đoàn trưởng”.

Đại tá Đỗ Anh Tịnh, sinh năm 1924, hiện sống tại số nhà 17/6 Nguyễn Thị Minh Khai, TP Nha Trang (Khánh Hòa) cũng viết: “Năm 1946-1947, tôi là Chính trị viên Đại đội 2, Tiểu đoàn 19, Trung đoàn 96. Qua xem thẻ thương binh của đồng chí Lê Cho tôi thấy nội dung chính xác”.

Đặc biệt, bà Nguyễn Thị Bạch Mai, sinh năm 1929, là người trực tiếp chăm sóc vết thương cho ông Lê Cho năm 1951 viết: “Tôi là đảng viên 60 năm tuổi Đảng, hiện nay là cán bộ hưu trí, trú tại tổ dân phố 2 Phan Bội Châu, thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Năm 1951, cấp trên đưa một số thương binh về xã chăm sóc, trong đó có đồng chí Lê Cho bị thương nặng. Tôi là người trực tiếp cùng các đồng chí trong đoàn thể mặt trận xã được phân công chăm sóc thương binh. Qua thời gian chữa trị, được biết Lê Cho chưa vợ nên tôi gợi ý, giới thiệu cô Phạm Thị Khay cùng thôn để hai người tìm hiểu nhau. Cuối năm 1952, tôi được điều đi công tác nơi khác. Thời gian sau, tôi gặp đồng hương cùng quê cho biết, ông Lê Cho và bà Khay lấy nhau đã sinh được con gái đầu lòng”.

Trước khi ra về, ông Lê Ba nói với chúng tôi: “Cha tôi đã mất lâu rồi. Mẹ tôi cũng đã mất năm 2005. Gia đình tôi chỉ mong cơ quan chức năng sớm xác định cha tôi có phải là thương binh không? Nếu đúng cha tôi là thương binh thì sớm giải quyết cho gia đình về chế độ chính sách theo quy định của Đảng và Nhà nước”.

Bài và ảnh: NGUYỄN VĂN CHUNG