QĐND - Thời gian gần đây, tại các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN - KCX) khu vực phía Nam liên tiếp xảy ra những vụ ngộ độc tập thể, nguyên nhân được xác định là do nguồn thức ăn không bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm. Thực trạng này không những đe dọa trực tiếp đến sức khỏe người lao động mà còn tác động tiêu cực đến kinh tế và an sinh xã hội.

Những bất cập trong cung cấp, quản lý thực phẩm

Theo số liệu thống kê mới nhất, hiện cả nước có hơn 3 triệu lao động đang làm việc tại 256 KCN-KCX. Nhằm duy trì nhịp độ sản xuất và sức khỏe cho người lao động, nhiều doanh nghiệp đã tổ chức bữa ăn tập thể tại chỗ. Tuy nhiên, do chưa thực hiện đúng các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) nên số vụ ngộ độc thực phẩm (NĐTP) tại các doanh nghiệp thời gian qua diễn ra đáng lo ngại. Giai đoạn 2010 - 2015, toàn quốc đã xảy ra gần 90 vụ NĐTP tập thể khiến hơn 6.000 người nhập viện, trong đó tập trung chủ yếu tại các KCN-KCX phía Nam. Riêng từ đầu năm 2015 đến nay, tại khu vực phía Nam có đến hơn 1.000 nạn nhân bị NĐTP, điển hình như: Vụ NĐTP tại Công ty TNHH Giày Vĩnh Nghĩa, phường Hòa Lợi, thị xã Bến Cát, Bình Dương (ngày 21-10),  Công ty TNHH United Mechanical, KCN Mỹ Phước 2, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương (ngày 26-8),  Công ty May mặc Likenlion, phường Trường Thạnh, quận 9, TP Hồ Chí Minh (ngày 10-6), Công ty TNHH Túi xách Simone , KCN Long Hậu, Long An (23-4)…

Công nhân Công ty TNHH Giày Vĩnh Nghĩa (Bình Dương) bị ngộ độc thực phẩm ngày 21-10.

Từ tìm hiểu thực tế, chúng tôi nhận thấy, do điều kiện nhân công, mặt bằng hạn chế, nhiều doanh nghiệp không tổ chức nấu ăn mà hợp đồng mua suất ăn với các cơ sở bên ngoài. Việc bảo đảm ATVSTP hoàn toàn phó thác cho các cơ sở chế biến. Hiện chưa có quy định nào về mức chi cho mỗi suất ăn của người lao động nên các doanh nghiệp có mức chi khác nhau, đa phần là khá thấp, có nơi chỉ 10.000 - 15.000 đồng/suất ăn. Với số tiền ấy, để có lợi nhuận, các cơ sở cung cấp thức ăn công nghiệp thường sử dụng nguyên liệu rẻ tiền, quá thời hạn, không bảo đảm an toàn.

Theo ông Nguyễn Văn Đạt, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh Bình Dương, bên cạnh vấn đề “nguyên liệu bẩn” thì một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến NĐTP tập thể là do quá trình chế biến, bảo quản thức ăn không bảo đảm vệ sinh. Một số chủ cơ sở không trang bị đầy đủ các thiết bị bảo quản thực phẩm, dụng cụ đựng thức ăn không sạch sẽ, quá trình sơ chế, rửa, nấu nướng, vận chuyển không bảo đảm vệ sinh, thời gian để thực phẩm quá lâu cộng với thời tiết nóng ẩm khiến cho thực phẩm dễ bị nhiễm khuẩn.

Mặc dù các vụ NĐTP tập thể liên tục xảy ra nhưng công tác kiểm tra, ngăn ngừa của các cơ quan chức năng vẫn còn nhiều bất cập. Nhiều địa phương có quy định, nếu kiểm tra, thanh tra đối với các doanh nghiệp nằm trong KCN-KCX phải thông báo trước cho ban quản lý và doanh nghiệp. Do đó, khi có đoàn kiểm tra tới, doanh nghiệp thực hiện khá tốt để đối phó, sau khi đoàn kiểm tra thì đâu lại vào đấy. Cơ quan chức năng chỉ phát hiện vi phạm của doanh nghiệp sau khi xảy ra NĐTP. Việc quản lý, kiểm soát các cơ sở chế biến thức ăn còn gặp nhiều khó khăn do số lượng nhiều, liên tục thay đổi, có cơ sở chỉ thuê địa điểm lúc ban đầu để có được giấy phép kinh doanh và giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP, sau đó lại di dời đến nơi khác (địa điểm và cơ sở tạm để nấu), nhiều cơ sở cung cấp thức ăn cho các doanh nghiệp nhưng lại không đăng ký với cơ quan chức năng...

Kiểm soát chặt chẽ bữa ăn tập thể

Đặc thù lao động công nghiệp khiến nhu cầu tổ chức bếp ăn tập thể của các doanh nghiệp trong KCN-KCX không ngừng gia tăng. Thực tế tại các KCN-KCX các tỉnh phía Nam thời gian qua cho thấy, để tránh xảy ra các vụ NĐTP cần có những giải pháp kiên quyết và đồng bộ, trong đó việc kiểm soát nguồn thực phẩm trong các bữa ăn tập thể là vấn đề then chốt. Bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó chi cục trưởng Chi cục ATVSTP TP Hồ Chí Minh nêu kinh nghiệm: Thành phố đã xây dựng và triển khai thực hiện đề án mô hình thí điểm chuỗi thực phẩm an toàn, tổ chức ký cam kết giữa các bếp ăn tập thể trong KCN-KCX với cơ quan quản lý về việc thực hiện ATVSTP. Sở Y tế thành phố triển khai công tác tập huấn, cung cấp “bộ test” nhanh an toàn thực phẩm, hướng dẫn thực hiện hệ thống tự kiểm tra hai cấp tại KCN-KCX. Ngoài ra, Sở Y tế thành phố cũng phối hợp với các ban, ngành xây dựng bếp ăn tập thể đạt chuẩn trong một số KCN-KCX, từng bước nhân rộng mô hình này đối với toàn bộ KCN-KCX trên địa bàn.


Bà Phạm Thị Bạch Yến, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng cho biết, UBND tỉnh đã có công văn gửi ngành y tế và các địa phương yêu cầu thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh về bảo đảm ATVSTP và phòng, chống NĐTP, tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp nâng cao hiệu quả phối hợp kiểm tra liên ngành, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Tại hội thảo “Bảo đảm an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể tại KCN-KCX” vừa tổ chức tại Tiền Giang, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế nhấn mạnh: Trách nhiệm của các chủ doanh nghiệp trong vấn đề này là hết sức quan trọng. Doanh nghiệp phải xác định sức khỏe công nhân là “sức khỏe” doanh nghiệp, tuyệt đối không để cơ sở chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP cung cấp suất ăn cho người lao động. Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo liên ngành ATVSTP tại mỗi địa phương cần nâng cao trách nhiệm, hiệu lực, hiệu quả quản lý, huy động sự phối hợp tham gia của các đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội. Chi cục ATVSTP  các địa phương cần phối hợp Ban quản lý KCN-KCX tổ chức các lớp tập huấn, cập nhật kiến thức về ATVSTP cho người trực tiếp chế biến, người quản lý. Cơ quan chức năng cũng tiến hành tổ chức các đoàn thanh, kiểm tra đột xuất các bếp ăn tập thể tại doanh nghiệp để kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm. Doanh nghiệp nên thành lập các tổ tự quản, giám sát trực tiếp các cơ sở chế biến thức ăn, cung cấp tên, địa chỉ của nhà cung cấp suất ăn cho Chi cục ATVSTP quản lý, đồng thời, xây dựng mô hình kiểu mẫu cung cấp suất ăn cho công nhân trong các KCN-KCX…

Bài và ảnh: ĐÌNH ĐÔNG - HÙNG KHOA