QĐND - Vừa qua, Báo Quân đội nhân dân nhận đơn của ông Phạm Văn Hòe ở thôn An Cư, xã Trầm Lộng, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội phản ánh căn nhà 2 tầng, giáp đường 426 của gia đình ông theo chỉ giới sẽ bị cắt vào một phần, nhưng Ban bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB) huyện Ứng Hòa (Hà Nội) bồi thường chưa đúng quy định pháp luật. Chúng tôi đã về địa phương tìm hiểu sự việc này.

Đâu là khung kết cấu chịu lực?

Được biết, Dự án xây dựng đường 426 được triển khai từ năm 2008 với tổng kinh phí chi cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng là 7,5 tỷ đồng. Số hộ dân có đất bị thu hồi là 288 hộ thuộc địa bàn 3 xã là Hòa Lâm, Đồng Tân, Trầm Lộng (Ứng Hòa, Hà Nội), trong đó có hộ ông Phạm Văn Hòe và 5 hộ nữa đều thuộc xã Trầm Lộng đến nay chưa nhận tiền đền bù.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Khoa, Phó trưởng Ban BTGPMB huyện Ứng Hòa cho biết: Diện tích bị cắt vào nhà của nhà ông Hòe là 21,1m² thuộc phòng khách tầng 1. Diện tích này là nhà một tầng, mái bằng. Theo Quyết định 40/2008/QĐ-UBND ngày 22-10-2008 của UBND thành phố Hà Nội thì nhà một tầng có đơn giá bồi thường là 2.512.000 đồng/m², nhưng Hội đồng BTGPMB huyện đã áp giá của nhà 2 đến 3 tầng là 4.035.000 đồng/m². Cộng thêm kinh phí cải tạo mặt tiền, sân bê tông, tường rào, tường chắn sân, ông Hòe sẽ được bồi thường tổng cộng hơn 111 triệu đồng. Thế nhưng, ông Hòe vẫn không đồng ý với mức giá đền bù này.

Một phần căn nhà của gia đình ông Phạm Văn Hòe nằm trong diện bị cắt xén, giải tỏa.

Ông Khoa cho biết thêm, bây giờ nếu gia đình ông Hòe đến nhận tiền sẽ hỗ trợ thêm tiền cắt xén, xây trát để công trình sử dụng được bình thường. Còn việc yêu cầu bồi thường đến hết diện tích phòng khách tầng một vì cho rằng, vị trí đó mới là khung kết cấu chịu lực gần nhất là không thể được. Chúng tôi chỉ bồi thường đến đúng chỉ giới cắt xén vì cách đó khoảng 60cm là vị trí xây lên tầng 2. Vị trí này chắc chắn phải có phần chịu lực thì mới xây lên được tầng 2, nên sau khi cắt được gia cố thêm thì căn nhà vẫn không bị ảnh hưởng.

Về vấn đề này, ông Phạm Văn Hòe khẳng định: “Gia đình tôi không hề thắc mắc về việc đền bù đất, mà chỉ thắc mắc về việc tính toán bồi thường công trình nhà ở bị phá dỡ trên đất. Theo bản thiết kế, tại vị trí xây lên tầng 2 của căn nhà là dầm treo chứ không có khung, cột chịu lực. Do vậy, không thể gọi đây là khung chịu lực gần nhất tính từ điểm bị cắt. Nếu không tin có thể đập ra là rõ, chứ không thể chỉ dựa vào phỏng đoán mà đưa ra kết luận như thế. Còn việc Ban BTGPMB cho rằng, đã “nhân nhượng” áp giá của nhà 2-3 tầng, nhưng trên thực tế, cách tính này thiệt hại nghiêm trọng đến quyền lợi của gia đình tôi. Đề nghị Ban BTGPMB tính đúng đến khung chịu lực gần nhất là tại vị trí hết phòng khách tầng một và áp giá đúng pháp luật. Cùng với đó, khi cắt xén, phải cắt rời hẳn móng, cách móng còn lại của nhà khoảng 30cm để xe siêu trường, siêu trọng đi qua không làm bẩy đổ nhà”.

Ý kiến từ phía chuyên môn

Tại Khoản 5 Điều 31 Quyết định 108/2009/QĐ-UBND ngày 29-9-2009 của UBND thành phố Hà Nội quy định: “Đối với nhà khung bê tông cốt thép hoặc kết cấu khung thép thì diện tích sàn xây dựng được bồi thường bổ sung tính từ chỉ giới cắt xén theo quy hoạch đến khung kết cấu chịu lực gần nhất”.

Đối chiếu điều khoản trên với căn nhà của ông Hòe, thì đâu là khung kết cấu chịu lực gần nhất? Điều này rất cần được kết luận và làm rõ để có chính sách đền bù thỏa đáng, đúng quy định của pháp luật.

Theo ông Trần Hiếu, Kỹ sư thiết kế công trình thuộc Công ty Cổ phần tư vấn xây dựng thủy lợi Hà Tây: Nếu căn nhà của gia đình ông Hòe là nhà có khung kết cấu chịu lực, trong đó phòng khách tầng 1 có 4 cột tại 4 góc và các thanh nằm ngang nối các cột với nhau như đơn ông trình bày, thì khi chỉ giới cắt xén vào sâu 2,4m, phần còn lại của phòng khách là 3,6m nhưng đã bị cắt mất 2 cột trong tổng số 4 cột chịu lực.

Ông Trần Hiếu phân tích thêm: Nếu cách chỉ giới cắt xén 60cm chỉ là dầm treo (thanh chịu lực nằm ngang bắc lên cột) để đội tầng 2 như đơn ông Hòe trình bày, thì dầm treo này là để gánh sàn tầng 2. Trong quy tắc xây dựng, dầm treo bắt buộc phải bắc lên thanh nằm ngang bắc trên 4 cột tại 4 góc của phòng khách tầng 1. Khi 2/4 cột bị cắt bỏ, thì dầm treo không còn khả năng gánh đỡ sàn tầng 2, mà càng đè nặng lên hàm ếch tầng 1, không bảo đảm an toàn cho người sử dụng. Do vậy dầm treo này không phải khung chịu lực gần nhất. Như vậy, bồi thường đến hai cột còn lại trong phòng khách của ông Hòe là có cơ sở.

Đôi điều kiến nghị

Dự án cải tạo, nâng cấp đường 426 Quàn Xá-Thái Bằng là một trong những công trình quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của toàn vùng. Thế nhưng, hiện nay một số chỗ vẫn chưa giải phóng được mặt bằng nên công trình vẫn chỉ thi công được trên lòng đường cũ.

Chúng tôi cho rằng, việc xác định rõ đâu là khung kết cấu chịu lực gần nhất theo quy định tại Khoản 5 Điều 31 Quyết định 108 không khó. Mấu chốt vấn đề hiện nay là Ban BTGPMB huyện Ứng Hòa cần trưng cầu ý kiến của các nhà chuyên môn một cách công khai, công tâm và trách nhiệm để xác định vấn đề này. Trên cơ sở đó có phương án giải quyết quyền lợi của người dân và của tập thể một cách hài hòa thì mới tạo được sự đồng thuận. Có như vậy, việc BTGPMB mới thuận lợi và tiến độ công trình mới được bảo đảm.

Bài và ảnh: VIỆT PHƯƠNG-KIM DUNG