Tiến sĩ hay ông… chăn vịt?
Về Bình Thuận, mảnh đất in dấu ấn văn hóa Chăm-pa lâu đời bây giờ, bên cạnh những thứ nổi tiếng như nước mắm Phan Thiết, nước khoáng Vĩnh Hảo mà công chúa Huyền Trân xưa say đắm đặt tên “tốt đẹp ngàn đời”, còn có một thứ không lâu đời nhưng nổi tiếng chẳng kém: Trái thanh long! Và đi kèm trái thanh long, dân Bình Thuận lại có thêm một thứ nổi tiếng nữa: Cảnh nhà nông nhưng lại xài điện nhiều nhất nhì cả nước. Cũng từ đây, xuất hiện nhiều cách tiết kiệm điện đáng nể kiểu... nông dân Bình Thuận!
 |
Mỗi thửa ruộng có tới hàng nghìn bóng điện
|
Vừa từ miền Bắc vô Nam, tôi đã quá quen với cảnh những làng quê Bắc Bộ bị cắt điện liên miên thời cả nước “đói điện”, trừ thành phố, thị xã, hầu hết làng xóm thôn quê cứ 9-10 giờ đêm mới được chút điện vỗ về giấc ngủ. Vì vậy, một tối đầu tháng sáu tới xã Hàm Thạnh, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận khi những cánh chim cuối ngày đã uể oải bay về núi Đá Chát, tôi bỗng giật mình “hơi bị sốc” trước cảnh những cánh đồng điện sáng như sao sa. Đi khắp chợ cùng quê ở Hàm Thuận Bắc, chẳng hề thấy cảnh mất điện mà ngoài đồng, mỗi thửa ruộng có tới hàng nghìn bóng điện thắp chi chít, soi thấu những hàng thanh long đang trổ hoa đỏ tía tựa râu tôm hùm vẫy chào ánh điện thâu đêm.
Điện thắp cho thanh long đấy! Ông Nguyễn Sa, nông dân sản xuất giỏi cấp huyện nhiều năm vừa hối hả mắc thêm hai cái “bình” cho mấy héc-ta thanh long đang vào vụ, vừa rủ rỉ: “Mỗi bình gần 200 triệu đồng, mắc thấy mồ nhưng vì thanh long đang được giá. Mà muốn thanh long ra trái phải thắp điện. Muốn thắp điện phải xài “bình” chú ơi!”. Đâu đâu cũng thấy những ruộng thanh long san sát. Đường điện cao thế ngang dọc khắp thôn xóm. Mỗi ruộng đều có trạm biến áp nhỏ treo trên cột điện mà người dân gọi nôm na là “bình”.
Dễ có đến hàng chục năm nay, dân Bình Thuận thắp điện trồng thanh long. Ông Nguyễn Sa kể với tôi nguồn cơn chuyện này bắt đầu từ chỗ một cha nội nào đó chăn vịt. Cạnh chuồng vịt ông này trồng mấy khóm thanh long. Thế rồi đàn vịt đến mùa đẻ trứng, cha nội này phải thắp điện cho vịt đẻ, dễ bề nhặt trứng. Cha nội thắp hoài đến bữa nọ chán ăn trứng thì hắn bỗng ngó tới mấy khóm thanh long. Mèng đéc ơi! Mấy khóm ra hoa, đậu quả búa xua, khác hẳn lũ thanh long trồng ngoài ruộng. Cha nội sinh nghi, thử đem bóng điện ra thắp ngoài ruộng thì thấy chỗ đó thanh long ra trái nhiều hơn. Thế là…
Chuyện hấp dẫn thế nhưng ông Vũ Vệ Yên, Tổng thư ký Hiệp hội Thanh long Bình Thuận, người đã có nhiều năm nghiên cứu về thanh long thì lắc đầu quầy quậy. “Đâu có cha nội nào… lãng đãng chiều đông Hà Nội” thế. Chuyện này có địa chỉ hẳn hoi đó nghen! Cây thanh long thật ra có nguồn gốc từ châu Mỹ, cũng mới du nhập vào Việt Nam chưa lâu. Tiến sĩ Nguyễn Công Thiện, một Việt kiều hồi hương quê ở Mỹ Tho, Tiền Giang khám phá ra việc thắp đèn kích thích thanh long ra hoa trái vụ nhờ tình cờ trồng thanh long bên chuồng vịt thắp sáng cho chúng đẻ trứng. Còn tại Bình Thuận, ông Trần Văn Hai ở xã Hàm Hiệp, huyện Hàm Thuận Bắc là người đầu tiên ứng dụng từ năm 1993. Thấy khả thi, UBND tỉnh Bình Thuận cũng đã chủ động thuê một nhà khoa học nghiên cứu nhưng đề tài đang triển khai thì bỏ dở nên đến nay vẫn chưa lý giải được hiện tượng này. Song thấy “được thì cứ làm”, việc ứng dụng vẫn phát triển rộng rãi ở Bình Thuận, Long An và Tiền Giang.
“Làm mẫu” để nhà nông học tiết kiệm điện
Theo số liệu của ngành điện Bình Thuận, trong tổng số 200MW nhu cầu điện toàn tỉnh thì có đến 135MW dùng cho trồng thanh long, chiếm 67,5%. Tuy nhiên, khả năng đáp ứng của ngành điện chỉ 160MW. Nếu như các cánh đồng cùng thắp sáng thì sẽ quá tải, gây ra sự cố đầu nguồn. Đã có lúc điện yếu hoặc vì cúp điện thường xuyên, nông dân thắp sáng tốn kém tiền của mà thanh long không chịu ra trái, chỉ còn biết kêu trời và kêu… Hiệp hội. Hiệp hội thanh long đã kiến nghị Sở Công thương, trực tiếp là Phòng Quản lý điện hỗ trợ bà con. Điện lực Bình Thuận cũng có nhiều biện pháp giải quyết như thay đổi hình thức, thời gian cung cấp điện, đề nghị Trung ương cấp điện nhiều hơn, xây dựng thêm đường dây trung thế, trạm hạ thế. Nhiều cách làm tiết kiệm điện đã ra đời…
Ông Trần Đức Lợi ở thị trấn Hàm Thuận Nam từng rất dè dặt trước lời kêu gọi sử dụng bóng đèn tiết kiệm điện. “Tui nghe mấy ổng trên sở điện nói có vẻ “ngon”. Bình quân mỗi trụ một bóng, chiếu sáng khoảng 6 - 10 giờ mỗi đêm, liên tục 13-20 đêm thì ngừng để cây ra nụ, trổ hoa. Mỗi héc-ta phải thắp cả ngàn bóng điện. Nếu xài bóng tròn sợi đốt thì mỗi trụ thanh long mất một bóng 60-75 “oát”, còn nếu xài bóng “com-pắc” thì đỡ tốn hai phần ba, chỉ mất 20 “oát”, nghe cũng lợi lắm nhưng không dám xài ngay. Thắp bóng công suất yếu hơn, thanh long không chịu ra trái, tiền mất tật mang rùi tính sao?” – ông Lợi thật thà tâm sự.
 |
Biến áp loại nhỏ được treo trên các ruộng thanh long ở Bình Thuận.
|
Để thuyết phục được những nông dân như ông Lợi, chân lý phải là “cái lý có… chân”, không thể hô hào chung chung. Được sự hỗ trợ của Bộ Công Thương, Sở Công Thương Bình Thuận và Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông, Hội Nông dân tỉnh đã phải bắt tay làm một dự án xây dựng mô hình sử dụng bóng đèn Compact thay bóng đèn dây tóc, kích thích thanh long ra hoa trái vụ để “làm mẫu” cho nông dân. Qua kết quả thử nghiệm ở xã Hàm Mỹ và Hàm Thắng cho thấy đèn tròn trung bình cho 26,9 hoa/trụ; đèn compact 25,5 hoa/trụ. Số trái trên một trụ cũng tương đương nhau (đèn tròn 22,7 trái và đèn compact 21,2); năng suất trên trụ cũng tương đương nhau (đèn tròn 10,8 kg/trụ và compact 10,2kg/trụ). Nếu tính giá bán thanh long bình quân 7.500 đồng, và giá điện 1.000 đồng/Kw, thì một trang trại chong đèn khoảng 5.000 trụ sẽ tiết kiệm được số tiền lên tới hơn 22 triệu đồng. Chi phí điện dùng bóng đèn compact ít hơn so với bóng đèn dây tóc 70%. Do đó, có thể mở rộng diện tích thanh long lên 3 lần trong bối cảnh còn thiếu điện. Các mô hình này tuy chưa phải là đề tài khoa học song đã thuyết phục được người nông dân hưởng ứng nhiều hơn so với dự kiến, đạt 44.206 bóng, gần gấp đôi con số mục tiêu 24.000 bóng đề ra.
Nông dân Bình Thuận còn nhiều kiểu tiết kiệm điện rất… nông dân như hai gia đình chung một “bình” biến áp, dồn điền chung ruộng lớn, ươm trồng cùng thời điểm để thắp điện cho hiệu quả. Đơn giản hơn là hai ruộng kề nhau cùng bắt tay là đã bớt đi được một hàng đèn!
Cây thanh long đang phát triển mạnh, hiện là nông sản chủ lực của Bình Thuận và là một trong 12 loại trái cây có ưu thế cạnh tranh để xuất khẩu của Việt Nam. Trong bối cảnh Bình Thuận vẫn còn thiếu điện thì chuyện tiết kiệm điện trên cánh đồng thanh long không chỉ giúp nông dân làm ăn có lãi hơn mà còn cần thiết để có thể mở rộng thêm nhiều cánh đồng thanh long hơn nữa…
Phóng sự của MINH CƯỜNG