Cái cổng làng phía Tây của thôn Cổ Điển A, xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì hiện nay, đã có từ hàng mấy trăm năm về trước và nó thuộc về làng Cổ Điển, tổng Cổ Điển, Thường Tín phủ, Hà Đông tỉnh. Nhưng sau Cách mạng Tháng 8 năm 1945, thì 4 làng: Cổ Điển, Cương Ngô, Đồng Trì và Văn Điển hợp lại thành ra cái xã Tứ Hiệp ngày nay.
 |
Thiếu nữ Hà Thành bên văn miếu. Ảnh:Khánh Linh
|
Cả cái làng Cổ Điển xưa gồm 400 hộ dân, không ai là người không biết nhiều chi tiết về bà Hàm "rau". Tên thật của bà dì tôi là Chử Thị Hợp, dạng người thấp đậm, có cái yết hầu to bằng quả ổi, cái bướu bã đậu phình ra quanh năm, khiến cái cổ như bị ngắn lại và khi phát âm nó đùng đục khó nghe. Gia tài chỉ có hơn một mẫu ruộng và hai con trâu, nhưng đến mùa gặt thì dì tôi dùng cái chổi bằng nửa cái gộc tre, rồi lê la bới thóc rơi ở các lỗ nẻ, các khe bờ ruộng và moi cả ở con đường làng lát gạch nghiêng đã bong mạch. Về mùa thu hoạch khoai lang (tháng 5, tháng 6 ta), hễ có mưa rào là dì tôi đeo bị đi khắp cánh đồng để đào những củ còn bị bỏ sót hoặc bị gãy lại một phần.
Chưa hết, bà còn có cách tảo tần rất độc đáo, ấy là rọc hẳn một bên của tàu lá chuối, rồi bó lại từng bó, gánh lên tận chợ Mơ, chợ Hà Đông, chợ Bằng bán cho dân gói bánh tẻ, gói giò…
Nhìn cung cách làm ăn của bà thì tưởng bà sẽ rất tùng tiện, tiêu pha chi li… nhưng tôi biết, từ ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, bà đã tặng cho đội múa rồng và đội múa sư tử của làng mỗi đội 4 gánh gạo để bán lấy tiền mua sắm quần áo biểu diễn. Riêng với đội thiếu niên, nhi đồng của làng mang tên "Nhi đồng Mai Hắc Đế", bà gọi anh Đội trưởng Trần Đình Lâm đến tận nhà nhận 40 vuông vải nâu và tiền công may 40 cái mũ ca-lô (chào mào). Cái hình măng non mọc thẳng thêu bằng kim tuyến.
Tết Độc lập đầu tiên (Ất Dậu) bà Hàm "rau" tặng Đội tuần cảnh một nửa con lợn để gói bánh chưng, gói giò xào và nấu đông để những người đi trực trong những ngày Tết như đi tuần trên các cánh đồng làng, gác đêm ở hai cổng làng và giữ trật tự ở các chiếu xúc xắc, cua cá, thò lò, chọi gà… có sẵn bữa ăn!
Vào khoảng giữa năm 1947, một số gia đình tản cư của làng tôi, được lệnh về lại vùng địch hậu để giữ đất, giữ ruộng và làm cơ sở nuôi giấu cán bộ. Với bộ mặt không thanh thoát cho lắm nhưng rất được việc có ý nghĩa cứu quốc, dì tôi giấu công văn, mệnh lệnh của thượng cấp vào đáy kép của hai mê thúng, hoặc hai mê nón rách, thậm chí nhét vào cạp váy rách, rồi cứ "tự nhiên" qua sông, qua cả trước mặt các bốt Chùa Thông, bốt Ngọc Hồi, bốt Văn Điển… để đưa tới đặt vào những gốc cây, khe miếu, góc đình, cổng chùa mà trên quy định.
Không chỉ một lần, mà là nhiều lần, thằng quan ba Tây lùa, xếp bốt Chùa Thông đã "tóm cổ" dì tôi đưa về đồn, đánh đập, tra tấn dã man, nhưng dì tôi sẵn có khuôn mặt như người mất trí, nên đánh chán mà không khai thác được gì, chúng đành phải thả "con mẹ già ngớ ngẩn" ấy về với xóm làng.
Trong cái vườn chuối và bờ tre rộng khoảng một sào Bắc Bộ, dì đào được 4 cái hầm bí mật để nuôi giấu cán bộ từ ngoài vùng tự do trở vào hoặc từ trên thành phố xuống nằm vùng.
Bà Hàm "rau" đã cùng bà Trưởng Chí, bà Bình "lọ", bà Cuốn thầu… thay nhau thổi cơm, nấu nướng thức ăn để nuôi anh Chủ tịch Chử Văn Dong, anh Bí thư chi bộ Trương Văn Kiến, anh Hội "lùn" (cán bộ công an quận Thanh Trì) hàng năm trời.
Mỗi khi chuyển hầm bí mật cho cán bộ thì chỉ một mình bà dì tôi được biết và cũng chỉ một mình dì tôi được đưa cơm hằng ngày.
Tháng 10-1954, về tiếp quản Hà Nội, tôi được một số người tốt bụng kể lại "lõm bõm" chiến tích của bà dì, nhưng khi tôi trực tiếp đặt vấn đề: "Tại sao chính quyền cách mạng không khen thưởng cho dì?", bà dì tôi chỉ ư… hừm… không giải thích, không ca thán.
Mãi hàng năm sau tôi mới vỡ lẽ là trong làng có những người rất sợ thiên hạ hơn mình, họ đã "thống nhất" tung tin rằng bà Hàm "rau" vận động một số bà con công giáo xuống Hải Phòng (trong đợt 300 ngày) để theo Pháp di tản vào Nam!
Thế là bà dì tôi chẳng những không có công mà còn có tội phản quốc!? Cái "bệnh chủ nghĩa thành phần" đã làm một số đảng viên, cán bộ không công tâm! Đó là mối nguy hiểm khôn lường!
Với một người dân thực lòng yêu nước thì huân, huy chương, huy hiệu, bằng khen, lễ tôn vinh... không phải là mục đích hành động của lòng yêu nước mà họ thể hiện.
Có lẽ bà dì tôi cũng có suy nghĩ đơn giản, dân dã như vậy nên chẳng bực mình, chẳng kêu ca, trách móc gì ai, sống vui vẻ với các con, các cháu và ngày ngày lại đập đất, tát nước, bón phân cho lúa, cho khoai, đặc biệt chẳng khi nào dì tôi phải uống thuốc, dù chỉ là một viên thuốc cảm!
*
* *
Rồi 11 năm trôi qua, khi bà xây xong hai ngôi nhà ngói 5 gian cho hai người con rể là Tư Nghĩa và Cả Thuận, thì đế quốc Mỹ dùng không quân đánh ra Hà Nội lần thứ nhất (1965). Tại cánh đồng làng tôi có hai trận địa pháo 37mm, bố trí tại Nhà Bùi và cạnh Đài nghĩa trang liệt sĩ để góp sức bảo vệ các mục tiêu: Kho Tổng hợp Bách hóa Văn Điển, Nhà máy Pin Văn Điển, nhà ga Giáp Bát...
Không còn khỏe như thời chống Pháp, nhưng bà dì tôi lại có cách "đánh Mỹ" của riêng mình: Cứ hai, ba ngày bà lại gánh mấy gánh tàu lá chuối cắt ở vườn, tặng các chiến sĩ pháo thủ để lợp nhà, tránh nắng, tránh mưa và tránh cả sương muối (thời đó chưa có ni lông, loại bạt dã chiến của bộ đội cũng eo hẹp nên khi đã rách vẫn phải dùng!).
Những gánh nước lá vối khô của bà làm trận địa dịu mát những buổi trưa hè và đôi khi là những nồi lá hương nhu, lá sả, lá bưởi... để "xông" cho những pháo thủ bị cảm gió, cảm nắng. Bà bảo: "Người ta xa bố, xa mẹ, mình làm lấy phúc lấy đức sau này!".
Còn sau những trận đánh, bao giờ bà cũng có chuối, có bưởi hoặc gánh khoai lang luộc để "úy lạo" chiến sĩ đã dũng cảm đối mặt với kẻ thù.
*
* *
Đến năm 1972 thì trận địa ở cánh đồng làng tôi có 4 khẩu pháo 57mm, cùng đài ra-đa dẫn đường cho pháo, nên Trung đội dân quân của thôn Cổ Điển A chịu trách nhiệm cung cấp đủ cây xanh để ngụy trang pháo, ra-đa và đặt một vọng gác trên cây gạo 27m để quan sát số lượng bom của không lực Mỹ rải xuống địa bàn.
Không được ra trận địa, bà dì tôi lại có cách yêu nước khác: Bà động viên anh con trai thứ hai-Nguyễn Văn Thảo-đã tốt nghiệp y sĩ, xung phong tòng quân vượt Trường Sơn vào Nam đánh Mỹ.
Năm 1979, Nguyễn Văn Thảo được ra quân với quân hàm trung úy! Dì tôi hả hê cưới vợ cho anh và đứa cháu nội được bà đặt tên là Nguyễn Trường Sơn. Khi dì tôi đã có tới hai chắt ngoại thì bà mới qua đời.
*
* *
Mãi tới khi Nhà nước có chính sách về "Người có công với nước" thì cũng phải 3 năm sau đó, Đảng ủy và Ủy ban nhân dân xã Tứ Hiệp (Thanh Trì, Hà Nội) mới đề nghị trên truy tặng Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng 3 cho dì tôi.
Tôi viết mấy dòng này thay nén nhang cầu chúc vong linh dì thanh thản!
Ngọc Minh