QĐND – LTS: Quân đội Nhân dân cuối tuần xin trân trọng giới thiệu hồi ức của ông Trịnh Xương, người từng giữ chức Trưởng nhóm thiết kế tàu không số của Bộ Giao thông vận tải.

Một thời “thiếu và yếu”

Năm 1954, hoà bình được lập lại trên miền Bắc, quân viễn chinh Pháp ở lại Hải Phòng thêm 100 ngày mới rút hết. Khi quân đội Pháp rút khỏi, cảng Hải Phòng là cảng không tàu. Mọi phương tiện vận tải biển và phục vụ trong cảng, quân Pháp đều đem đi hết. Trước yêu cầu phục hồi kinh tế, nhờ viện trợ của các nước XHCN, lúc này nước ta cũng chỉ mới có được một số phương tiện vận tải chính như: Tàu vận tải 600 tấn chạy tuyến Hải Phòng – Bến Thuỷ mang tên “Hoà bình và Hữu nghị” nhập từ CHDC Đức; tàu hoa tiêu phục vụ cảng, tàu kéo 360 mã lực cùng đoàn sà lan 200 tấn chạy sông, nhập từ Trung Quốc; sà lan 100 tấn và 200 tấn, nhập từ Ru-ma-ni; tàu cuốc nhập từ Liên Xô, tàu vỏ gỗ đánh cá lắp máy 100 mã lực nhập từ CHDC Đức.           

Trừ hai tàu hàng 600 tấn được đưa về bằng đường biển, các tàu còn lại đều cắt thành phân đoạn chở về rồi lắp ráp tại Việt Nam, mất thời gian và vô cùng tốn kém. Khó nhưng lực bất tòng tâm, vì Việt Nam lúc bấy giờ chưa có nhà máy đóng tàu, cũng chưa có cán bộ kỹ thuật tàu thuỷ, đương nhiên là chưa có cơ quan thiết kế tàu thuỷ.

Năm1959, một số cán bộ đóng tàu đi học ở nước ngoài về nước, ngành đóng tàu non trẻ của ta dần được xây dựng. Cuối năm 1959, ta khởi công nhà máy đóng tàu Hải Phòng (sau đổi tên thành nhà máy đóng tàu Bạch Đằng). Một số xưởng đóng tàu được thành lập thời bấy giờ gồm có: Xưởng đóng tàu 1: chuyên đóng tàu vỏ gỗ. Xưởng đóng tàu 2: chuyên đóng sà lan vỏ sắt chạy sông. Xưởng đóng tàu 3: Chuyên đóng tàu kéo, tàu khách, tàu vận tải cỡ nhỏ. Xưởng đóng tàu 4: chuyên đóng tàu khách chạy ven biển, sà lan biển. Xưởng cơ khí Hải Phòng: Chuyên đóng sà lan chạy sông cùng sản xuất một số thiết bị như máy neo, máy lái...          

Ra biển lớn. Ảnh: Hoàng Kim Đáng

Thiếu tàu trong khi nhu cầu vận tải lớn cũng là nguyên nhân dẫn đến hai vụ lật, chìm tàu khách vô cùng thảm thương đã xảy ra. Vụ chìm tàu khách Sinh Thành tại sông Kiến An làm 30 người chết. Vụ lật chìm tàu khách tại bến tàu Cẩm Phả (Quảng Ninh) do hành khách tranh nhau lên tàu quá đông trong dịp về quê ăn Tết, làm chết hàng trăm hành khách.          

Tự lực vươn lên          

Chính vì nhu cầu cấp thiết đó mà Đảng, Nhà nước đã sớm quan tâm phát triển ngành đóng tàu. Có thể kể tên những đứa con đầu lòng của ngành đóng tàu đã ra đời vào những năm đầu thập niên 60 thế kỷ 20 gồm: 

Tàu lai chạy sông 135 mã lực kéo được đoàn sà lan trọng tải 800-1000 tấn, chuyên chở than, mía, vật liệu xây dựng, giấy cho các khu công nghiệp ở Hà Nội, Việt Trì.

Sà lan 200 tấn chạy sông, sà lan biển 500 tấn chuyên chở than cho nhà máy điện Bến Thuỷ và chở gỗ từ Bến Thuỷ về Hải Phòng.

Tàu chở khách vỏ gỗ chạy tuyến Hải Phòng – Nam Định.

Đặc biệt, thời gian này ta đã thiết kế, cải tạo và thi công thành công tàu khách chạy sông của Công ty Bạch Thái Bưởi thiết kế để lại và nâng cấp để chạy tuyến Hải Phòng – Quảng Ninh, chở được tới 400 hành khách. Tàu đã được giao cho Công ty vận tải hành khách Hải Phòng khai thác và được phong danh hiệu “tàu chở khách XHCN”. Nhân dân Nam Định bằng lao động XHCN cũng đã đào được 2 tàu chạy bằng hơi nước mang tên “Léo” và “Khâm sai đại thần”, cải tạo thành công tại Xưởng đóng tàu 3.

Quy mô của các loại tàu còn chưa lớn, nhưng tính chất kỹ thuật và công nghệ rất đa dạng: Chạy sông, chạy biển, chở hàng, chở khách, vỏ sắt, vỏ gỗ, máy hơi nước, máy đi-ê-zen, có thiết kế mới, có cải tạo...

Trong những năm đánh Mỹ, chúng tôi, với tư cách là cơ quan thiết kế đóng tàu đã tham gia thiết kế các loại tàu vận tải cỡ nhỏ, chạy tuyến ven biển từ Hải Phòng vào tận mũi Cà Mau. Có hai loại tàu chính gồm:

Ngoài số tàu không số do ta tự đóng, về sau, theo yêu cầu của Việt Nam, các nước bạn đã trang bị cho ta những tàu sắt 100 tấn, được lắp những bộ phận giảm thanh hiện đại, đảm bảo trong vòng ngoài 200 mét không nghe thấy tiếng máy chạy. Tính đến năm 1975, tổng số tàu vận tải hải quân được nước bạn viện trợ là: Trung Quốc - 127 chiếc, Liên Xô - 21 chiếc. (Theo Đặng Phong, 5 đường mòn Hồ Chí Minh, NXB Tri Thức-2001)

Một là, tàu vỏ sắt, trọng tải 100 tấn có thể chịu được sóng gió cấp 8-9, có đủ nhiên liệu chạy trên biển tới hơn 20 ngày đêm. Ngoài vũ khí hạng nặng, tàu còn chở được 10-20 thuyền viên, chịu được sóng gió, chạy cả trong thời tiết xấu. Chúng tôi đã cử một tổ chuyên gia thiết kế có kinh nghiệm trực tiếp chỉ đạo quá trình thi công tại Xưởng đóng tàu 3.

Hai là, tàu vỏ gỗ (theo kiểu thuyền đánh cá Gò Công), trọng tải nhỏ hơn, có hai đáy làm nơi giấu vũ khí và cán bộ. 

Về tàu phục vụ vận tải thời chiến tại miền Bắc, thời đó cũng được đóng khá nhiều, gồm:

Thuyền vận tải giả dạng tàu đánh cá: Khi phát hiện máy bay địch đêm nào cũng bắn pháo sáng để chặn đánh các thuyền vận tải từ Bắc vào Nam tại vùng biển Lạch Quèn, Quỳnh Tiến, Quỳnh Lưu, Nghệ An, ta đã cho đóng gấp rút loại thuyền vận tải vỏ gỗ, giả dạng là thuyền đánh cá của dân mà máy bay Mỹ không đánh, để chuyên chở vũ khí vào tuyến trong. Trong một thời gian ngắn, ta đã huy động 12 tỉnh thành miền Bắc có nghề đóng thuyền, đóng hàng nghìn chiếc thuyền đánh cá loại trọng tải 3-5 tấn, theo mẫu thuyền đánh cá tỉnh Nghệ An. Chiến dịch có tên là T5 được tổ chức và đội vận tải tiền phương bằng thuyền thô sơ đã ra đời.

Ngoài ra, loại thuyền buồm gắn máy giả dạng tàu đánh cá vùng Cửa Đài (Quảng Ninh) cũng được chúng tôi nghiên cứu và đóng tại Nhà máy đóng tàu Tiên Yên theo đơn đặt hàng của Bộ tư lệnh Công an vũ trang. Thuyền được công an vũ trang trà trộn và thuyền của dân để phá hoại các hoạt động chống phá của địch trên vùng biển Đông Bắc nước ta.

Tàu vận tải chạy ven biển nguỵ trang thành tàu chạy buồm. Lúc đầu, tàu kết hợp vừa chạy buồm vừa chạy máy. Đó là đoàn tàu Tự Lực chạy Bắc – Nam từ Hải Phòng đến Sông Gianh (Quảng Bình). Sau ngày thống nhất, tàu Tự Lực có tuyến hình gãy góc dễ đóng, trọng tải ban đầu 100 tấn nâng lên 150 tấn, được tiếp tục sản xuất với số lượng gần 400 chiếc, trở thành loại tàu vận tải cỡ nhỏ có số lượng được đóng cao nhất tại Việt Nam.

Đoàn tàu đẩy với sà lan mặt boong là tiến bộ lớn trong ngành vận tải đường sông thời ấy, làm thay đổi công nghệ vận tải trong sông từ lai dắt sang đẩy, giúp năng suất bốc xếp tăng lên rất cao. Loại sà lan này còn kết hợp dùng làm cầu phao thời chiến.

Tàu xi măng lưới thép 300 tấn đi ven biển. Thời chiến, ta thiếu trầm trọng thép đóng tàu. Bộ GTVT đã nghiên cứu dùng xi măng lưới thép để làm vỏ tàu sông, tàu chở khách, tàu đánh cá. Đặc biệt, ta còn làm cả tàu xi măng lưới thép chạy ven biển trọng tải 300 tấn, sau trở thành tàu nghiên cứu khoa học biển.

Những ngày con tàu sắp hạ thủy, công nhân phải làm ca đêm. Tôi có cái may mắn - giữa cảnh đêm khuya khoắt, trong khoảnh khắc giải lao được nghe anh công nhân trẻ thốt lên lời hai nhân vật chính trong cuốn “Con đường đau khổ” của Êrenbua: “Năm tháng sẽ trôi qua, các cuộc chiến tranh sẽ chấm dứt, các cuộc cách mạng sẽ thôi gầm thét! Chỉ còn lại bất diệt tấm lòng dịu dàng trìu mến đầy tình thương của em!”. Đấy! Chỉ những chi tiết vụn vặt không đâu ấy cũng lắng đọng trong tôi những kỷ niệm của cả một thời - thời ban đầu trong thiết kế - không phải chỉ có gỗ, sắt, thép, máy móc mà còn sâu rộng, phong phú hơn nhiều. Đó là những nét văn hóa, những con người, những hoài bão luôn xoắn xuýt, hòa quyện với thiết kế, nâng cao tầm vóc chúng ta! (Lương Văn Triết – Hồi ký “Trên các nẻo đường thiết kế”)

Khát vọng ngày thống nhất

Trong hội nghị kiểm tra chương trình trọng điểm quốc gia về phát triển khoa học – kỹ thuật do đồng chí Lê Duẩn và Đại tướng Võ Nguyên Giáp chủ trì, tổ chức vào năm 1976, đề tài cấp Nhà nước mang mã số 34-02 về “Phát triển ngành đóng tàu Việt Nam” đã được báo cáo. Viện Khoa học – công nghệ tàu thuỷ khi đó đã đề xuất chiến lược xây dựng Việt Nam thành một quốc gia hàng hải với 4 mục tiêu: Có một nền kinh tế biển phát triển; có một hạm đội mạnh; có một đội thương thuyền mạnh; chấp nhận và thực thi sự phân công của bà mẹ Âu Cơ: 50 con lên rừng, 50 con xuống biển. Điều thú vị là tại hội nghị này, các nhà khoa học còn đưa ra những dẫn chứng về việc hàng nghìn năm trước, Việt Nam từng có một hạm đội mạnh, một đội thương thuyền, một ngành đóng thuyền phát triển. Cụ thể: Từ thời Hai Bà Trưng, Việt Nam đã có thuyền chiến. Vào thời Lý, Lý Thường Kiệt đã chỉ huy hàng trăm chiến thuyền đánh thắng quân địch ở phía Nam. Vua Quang Trung từng chỉ huy đội chiến thuyền tiêu diệt 4 vạn thuỷ quân Xiêm La. Vào đầu thế kỷ 17, một nhà truyền giáo người Ý lần đầu đến Kẻ Chợ (Hà Nội ngày nay) đã ví: “Kẻ Chợ như thành phố Venise của Ý. Thật là trên bến dưới thuyền, thuyền bè đậu san sát, nhiều đến nỗi muốn lên bờ từ giữa sông người ta chỉ cần bước từ thuyền này sang thuyền kia”...

Các đồng chí Lê Duẩn và Võ Nguyên Giáp rất tán thành với những đề xuất trên. Đồng chí Lê Duẩn còn khẳng định mong muốn sau này tất cả các tỉnh miền duyên hải đều có xưởng đóng tàu, tỉnh nào có sông có biển đều có đội vận tải tàu thuỷ.

Nguyên Minh ghi

Trịnh Xương (Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ tàu thuỷ Việt Nam)