Có một danh ngôn rằng “Phía sau thành công của một người đàn ông thường có bóng dáng một người phụ nữ”. Điều đó có lẽ đúng với đa số những người đàn ông thành đạt trên thế gian này. Nhưng với Anh hùng Lao động Lê Văn Kiểm, người phụ nữ của ông không chỉ đứng “phía sau” mà luôn luôn sát cánh bên cạnh ông suốt cuộc hành trình “đường đi và đích đến”.

Anh hùng Lao động Lê Văn Kiểm là Chủ tịch HĐQT-Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư và kinh doanh golf Long Thành, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam. Ông không chỉ là một doanh nghiệp tiêu biểu thời kỳ đổi mới mà còn là một nhà ngoại giao nhân dân đã có đóng góp tích cực trong vai trò Phó chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Cam-pu-chia. Đặc biệt, ông là “sứ giả của lòng nhân ái” như lời khen tặng của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trong lễ trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cho ông... Những điều ấy, hẳn nhiều người đã rõ. Nhưng câu chuyện về người phụ nữ “bên cạnh” ông thì chắc nhiều người chưa biết, một phần cũng bởi như bao người phụ nữ Việt Nam, chị luôn luôn khiêm nhường lặng lẽ vì chồng con…

Vợ chồng Lê Văn Kiểm-Trần Cẩm Nhung đoàn tụ tại Thành phố Hồ Chí Minh cuối năm 1975

Từ đám cưới… tiệc chim sẻ

Năm 1954, cô bé 8 tuổi Trần Cẩm Nhung, quê ở Sơn Tịnh-Quảng Ngãi một mình theo các cô chú tập kết ra Bắc vì ba má cô được lệnh ở lại quê hương hoạt động. Những năm tháng học tập dưới mái trường học sinh miền Nam trên đất Bắc đã gắn kết tình bạn giữa Trần Cẩm Nhung và Lê Văn Kiểm, để đến tuổi trưởng thành, họ đã đi đến tình yêu và hôn nhân như một lẽ tự nhiên. Tốt nghiệp đại học, Lê Văn Kiểm nhiều lần viết đơn xin vào bộ đội nhưng cấp trên không đồng ý vì anh là con trai duy nhất của liệt sĩ. Tháng 5-1970 chàng kỹ sư thủy lợi Lê Văn Kiểm được toại nguyện nhập ngũ về Nam chiến đấu. Lúc này kỹ sư hóa chất Trần Cẩm Nhung cũng vừa từ nước ngoài về nhận công tác ở Hà Nội. Hai người quyết định tổ chức lễ cưới trước ngày anh đi “Bê”. 

Trong cuốn an-bum của gia đình hiện nay vẫn lưu giữ tấm giấy đăng ký kết hôn của anh chị mà mặt sau là những chữ ký duyệt mua tiêu chuẩn giường chiếu, chăn màn, xoong nồi… Đám cưới chỉ có chè xanh Thái Nguyên, thuốc lá Tam Đảo, kẹo Hải Hà… Riêng mấy mâm cỗ mời những người thân yêu nhất và bà con ruột thịt thì từ trước đó hơn chục ngày, tối nào hai người cũng đi “soi” chim sẻ trên những vòm sấu Hà Nội, rồi chị trổ tài kỹ sư hóa để tẩm ướp bảo quản dành cho hôm cưới. Tiết kiệm triệt để như vậy, nhưng sau lễ cưới hai người chỉ đủ tiền chụp một bức ảnh duy nhất tại hiệu ảnh Bờ Hồ. Tấm ảnh ấy nay vẫn còn như minh chứng cho tình yêu và lòng chung thủy của hai người trong những năm tháng gian lao thiếu thốn.

Vẫn chưa hết chuyện gian khó: Tuần trăng mật, anh chị thuê được một căn gác xép trên phố Khâm Thiên. Căn gác chỉ đủ kê chiếc giường, chật chội, nóng bức, mất điện… anh chị phải thay phiên quạt cho nhau…

Đến bếp lửa nướng… khoai

Sau Đại thắng mùa Xuân năm 1975, từ căn cứ B2, Lê Văn Kiểm về tham gia Ủy ban quân quản Sài Gòn, rồi ổn định công tác lâu dài tại TP Hồ Chí Minh. Anh đón vợ con vào đoàn tụ gia đình. Cả hai anh chị đều cùng công tác ở Cục Cầu đường bộ miền Nam. Đất nước vừa trải qua chiến tranh còn muôn vàn khó khăn, lại thêm những mặt trái của chế độ bao cấp tác động sâu sắc đến đời sống kinh tế xã hội, khiến chuyện cơm áo gạo tiền trở thành nỗi lo lắng thường trực trong mỗi gia đình.

Đầu những năm 80 thế kỷ trước, nền kinh tế thị trường đa thành phần manh nha hình thành và được “ngầm” thừa nhận, vợ chồng Lê Văn Kiểm bàn nhau xin ra khỏi biên chế nhà nước để làm kinh tế tư nhân với ý chí “thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”. Gia tài đáng giá nhất là chiếc xe Honđa 67 cũ được bán đi để làm vốn xây dựng Xưởng chế biến thức ăn gia súc Huy Hoàng.

Sản phẩm của Huy Hoàng bán chạy, lập tức bị hàng chục cơ sở khác làm nhái, khiến cơ sở Huy Hoàng lao đao. Một ngày chủ nhật nọ, cả nhà đi dã ngoại thư giãn trong rừng cao su Đồng Nai. Bữa đó vợ chồng con cái cùng vun lá cao su nướng khoai lang “điểm tâm”. Từ bếp than hồng thỉnh thoảng lại bắn ra những tia sáng rất đẹp. Kiểm tra kỹ, thì ra đó là những hạt cao su bị cháy. Lập tức, một ý tưởng vụt lóe lên trong đầu nữ kỹ sư hóa chất. Công nghệ sản xuất dầu pha sơn-một loại phụ gia nhập ngoại rất đắt thời ấy-của cơ sở Huy Hoàng đã được ra đời từ ngọn lửa nướng khoai lang hôm ấy, đánh dấu một cái mốc quan trọng trong công cuộc làm giàu của vợ chồng Lê Văn Kiểm-Trần Cẩm Nhung. Để rồi dăm năm sau đó, Công ty cổ phần may và xây dựng Huy Hoàng ra đời, trở thành một thương hiệu nổi tiếng gần suốt thập niên 90 của thế kỷ trước. Sản phẩm của Huy Hoàng không chỉ “tràn ngập” thị trường trong nước mà còn vươn ra nhiều nước khác, nhất là ở châu Âu.

Chị Trần Cẩm Nhung tặng học bổng cho học sinh nghèo vượt khó ở Long Thành - Đồng Nai, tháng 2-201. Ảnh: Đoàn Hoài Phương

Và một… ân nhân duyên kiếp!

Cuối thập niên 90 của thế kỷ 20, cơn lốc suy thoái tài chính châu Á tràn vào nước ta, quật ngã nhiều đại gia như: Tamexco Tân Bình, Epco, Minh Phụng. Công ty Huy Hoàng cũng xác xơ bên bờ vực thẳm, cứ thêm mỗi ngày là thêm hàng trăm triệu đồng lãi suất ngân hàng chồng lên khoản nợ khổng lồ 700 tỷ đồng. Nhiều doanh nhân nổi tiếng đã phải vào tù và chịu những mức án cao nhất. Lê Văn Kiểm chưa bị bắt nhưng trước sức ép của thời vận, căn bệnh viêm gan từ những năm ở B2 lại tái phát, men gan tăng lên 600 đơn vị, cao gấp 12 lần mức bình thường…

Trong cơn bĩ cực ấy, ngoài niềm tin vào lẽ phải, vào sự sáng suốt của Đảng và Nhà nước, chỗ dựa vững chắc nhất cho Lê Văn Kiểm là gia đình mà trực tiếp là người vợ thủy chung, người đồng chí-đồng nghiệp tận tụy và bản lĩnh. Chị đã lặn lội tìm thầy tìm thuốc chữa bệnh cho anh. Chị đã trực tiếp đến “kêu” với các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước đề nghị không hình sự hóa những doanh nghiệp đang gặp khó khăn về sản xuất kinh doanh. Chị đã một mình lặn lội sang tận đất nước Ba Lan xa xôi để đòi bằng được món nợ 12 triệu đô-la mang về cho Công ty Huy Hoàng trước khi đất nước này chìm đắm vào cơn “chính biến”…

Đón nhận chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc cho phép những công ty có tài sản thế chấp được giãn nợ để ổn định sản xuất-kinh doanh, chị Trần Cẩm Nhung đã “xắn tay áo” cùng chồng sắp xếp, tổ chức lại sản xuất; tạo thêm việc làm và thu nhập cho công nhân để họ yên tâm gắn bó với doanh nghiệp, cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tiếp tục phát triển. Không chỉ là tác giả của nhiều công thức hóa học trong “bí quyết” sản xuất thức ăn gia súc và vật liệu xây dựng, của nhiều mẫu mã hàng may mặc được thị trường ưa chuộng, chị Trần Cẩm Nhung còn là tác giả của bài tham luận nổi tiếng về việc đề nghị cho phép đảng viên làm kinh tế tư nhân đọc tại hội nghị do Tổng bí thư Đỗ Mười trực tiếp chủ trì cuối năm 1997 ở Thành phố Hồ Chí Minh. Sau này, khi Công ty Huy Hoàng và Công ty Long Thành mở rộng đầu tư ra nước ngoài, chị còn là nhà ngoại giao và nhà đàm phán giúp công ty thực hiện thành công nhiều hợp đồng giá trị. Với những nỗ lực đóng góp của mình, kỹ sư Trần Cẩm Nhung đã được Đảng và Nhà nước ta tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba; được Nhà nước Lào tặng Huân chương phát triển đất nước Lào hạng ba và Huân chương Quân công hạng hai…

Nói về người vợ thân yêu của mình, Anh hùng Lao động Lê Văn Kiểm tâm sự: “Chúng tôi sinh ra và lớn lên trong chiến tranh, yêu thương nhau và đồng cam cộng khổ cùng nhau suốt mấy chục năm trời. Trong gia đình, bà ấy là người yêu chia sẻ, người vợ thủy chung. Trong làm ăn, bà ấy là người cộng sự đắc lực. Trong cuộc sống, bà ấy không chỉ là người vợ, người bạn tin cậy sống chết có nhau mà còn là một người thầy thuốc hết sức tận tụy của tôi!”.

Ghi chép của Trọng Nghĩa