QĐND - Năm 1946, Bộ trưởng Lê Văn Hiến, người mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trân trọng gọi là "nhà cách mạng lẫm liệt nhiều năm", tiếp nhận công việc điều hành Bộ Tài chính của Chính phủ Kháng chiến. Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa non trẻ, cùng một lúc phải đối phó với 3 thứ giặc: Giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Ngân khố hầu như trống rỗng, trong khi các thế lực phản động ra sức tăng cường các hoạt động phá hoại tận gốc nền kinh tế dân chủ nhân dân mới hình thành.
 |
Bộ trưởng Lê Văn Hiến và bà Lê Thị Xuyến tại ATK năm 1948. Ảnh tư liệu
|
“Nhà cách mạng lẫm liệt”
Từ xuất phát điểm là một người không có kiến thức chuyên sâu về tài chính, nhưng với ý chí quyết tâm cao độ, không ngừng học hỏi, tìm tòi cả trong lý thuyết và thực tiễn, Bộ trưởng Lê Văn Hiến đã lãnh đạo ngành Tài chính hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, không những góp phần đảm bảo đầy đủ cơ sở vật chất cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp giành thắng lợi quyết định, mà còn chuẩn bị đủ vật lực cho sự nghiệp khôi phục kinh tế sau ngày hòa bình lập lại, tạo cơ sở vững chắc cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong những năm kháng chiến, dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng Lê Văn Hiến, việc xây dựng và chấp hành ngân sách nhà nước đã được tiến hành hết sức chặt chẽ, với tinh thần trách nhiệm cao. Bên cạnh các khoản thu được tích cực động viên khai thác, các khoản chi đã được bố trí, sắp xếp theo tinh thần hợp lý, giới hạn ở mức tối cần thiết.
Sau ngày hòa bình lập lại và bước vào giai đoạn khôi phục kinh tế, dưới sự chỉ đạo của ông, mọi chính sách thu chi ngân sách đã luôn được thiết kế theo hướng vừa thiết thực góp phần phục hồi và thúc đẩy sản xuất, vừa thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí.
Chính vì ngân sách được xây dựng và chấp hành với tinh thần triệt để tiết kiệm như vậy, nên một số ngành, một số địa phương đã phản ứng, kêu ca là ông quá chặt chẽ, khắt khe, thậm chí còn gọi ông là "dân cá gỗ hạng nặng”.
Dù trên cương vị lãnh đạo ở cơ quan hay trong cuộc sống thường ngày, Bộ trưởng Lê Văn Hiến luôn thể hiện tính năng động tháo vát, tinh thần dũng cảm, tiên phong, gương mẫu, sẵn sàng hy sinh quên mình vì lợi ích chung, vì đồng đội. Trong ký ức của lớp cán bộ được sống và làm việc cùng Bộ trưởng Lê Văn Hiến, ông là một người khoan hòa, gần gũi, với ánh mắt tươi vui và vầng trán thông minh trí tuệ, luôn thương yêu, dìu dắt cán bộ, nêu gương sáng về đạo đức, ý chí cách mạng, bản lĩnh, trách nhiệm.
Từ các việc lớn liên quan đến lợi ích của quốc gia, dân tộc đến các việc nhỏ trong sinh hoạt hằng ngày, dù là trong điều kiện sống ở vùng ATK Việt Bắc thời kỳ kháng chiến, hay ở giữa lòng Thủ đô thời kỳ hòa bình, ông đều nhất quán, kiên trì thực hiện triệt để tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí.
Một ngày bình thường của ông bắt đầu từ lúc 4 giờ sáng. Thức dậy, ông ngồi ngay vào bàn, hoặc làm việc, hoặc nghiên cứu học tập. Đến 6 giờ, đứng lên đi tập thể dục và lao động tăng gia sản xuất. Sau đó, từ 7 giờ 30 phút đến 5 giờ chiều là hai buổi làm việc chính thức sáng chiều như mọi người, trong đó có giờ nghỉ trưa. Buổi tối, vẫn là làm việc hoặc nghiên cứu học tập và thường là rất khuya, đến 11 giờ đêm, có khi hơn.
Gần 14 năm gắn bó với ngành Tài chính Việt Nam, Bộ trưởng Lê Văn Hiến thực sự là người đi đầu trong việc xây dựng nền móng phát triển ngành, là tấm gương mẫu mực theo chuẩn mực đạo đức của người cán bộ mà Bác Hồ đã dặn: "Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư". Bộ trưởng Lê Văn Hiến đã để lại nét son truyền thống cho ngành Tài chính và trở thành niềm tự hào của ngành trong thời đại Hồ Chí Minh. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trân trọng gọi ông là: "Một nhà cách mạng lẫm liệt nhiều năm".
Trong một đoạn nhật ký, ông đã tự kiểm điểm nhân cách của mình, trong đó chủ yếu đề cập đến đạo đức cách mạng: "… Theo lời dạy của Hồ Chủ tịch về cần, kiệm, liêm, chính, mình tự xét mình chưa có gì đáng thẹn với bốn chữ ấy. Chỉ ngại thiếu tài, chứ sự siêng năng cần mẫn thì chắc có. Về tính tiết kiệm, khỏi lo ai nói mình bốc rời xa xỉ mà chỉ nghe người ta thường cho mình là cá gỗ hạng nặng. Về liêm khiết và chính trực, tự vấn lương tâm thật không có gì đáng thẹn. Đây là bốn điểm quan trọng đối với mình…”.
Vài câu chuyện về ông
Có lần, ông đến làm việc với Bác Hồ. Công việc xong xuôi, chuẩn bị ra về thì cơn mưa ập xuống. Người khuyên ông nên nán lại, chờ mưa tạnh. Ông thưa với Người: "Thưa Cụ, gió mưa lâu nay đã là bạn thân của chúng tôi, thường gặp nhau liên tiếp, ngày này qua ngày khác trên đường rừng, nếu không gặp buổi sáng thì cũng gặp buổi chiều. Cho nên đã ra khỏi nhà thì không thể không gặp người bạn cố tri và cũng là bất đắc dĩ ấy. Vậy chúng tôi xin phép Cụ, đi ngay để sớm gặp lại người bạn quý hóa ấy". Nghe ông trả lời, Người vừa cười rất vui, vừa bắt tay thật chặt tạm biệt ông, để ngay sau đó ông lên đường trong lúc gió đang thổi mạnh, mưa đang nặng hạt.
Những năm đầu kháng chiến, cuộc sống ở ATK rất khó khăn, thiếu thốn. Cán bộ thường không có đủ quần áo cả mùa hè lẫn mùa đông. Bản thân Bộ trưởng Lê Văn Hiến ăn mặc tiết kiệm giản dị, nhưng lại sẵn sàng dùng tiền lương của mình mua một số quần áo tặng cho các anh chị em để giúp họ có thêm quần áo thay đổi thường ngày, đặc biệt là để chống rét về mùa đông. Đến nay có người trong số đó vẫn còn giữ được 1 - 2 bộ quần áo ấy để làm kỷ niệm về một thời gian khó đã qua và về mối ân tình sâu nặng của Bộ trưởng đối với mình.
Một ngày đầu hè năm 1960, một số cán bộ, nhân viên ATK Việt Bắc đến thăm ông và vợ là bà Lê Thị Xuyến (Chủ tịch đầu tiên của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) tại nhà riêng. Thấy bà đang phơi một cái vỏ chăn cũ bằng vải diềm bâu nâu bạc màu từ những năm kháng chiến ở ATK, họ đã hỏi bà sao không thay bằng cái mới và đẹp hơn?! Ông cười, trả lời thay bà: “Phàm cái gì còn chưa hỏng, chưa nát, chưa rách, thì dù đã cũ và không đẹp, vẫn nên tiếp tục sử dụng để khỏi lãng phí”.
Trong tất cả các chuyến đi, từ đi bộ, đi xe đạp đến đi ngựa, ông đều tự mang tài liệu, hồ sơ và quần áo tư trang của mình trong một chiếc ba lô con cóc, không bao giờ giao cho những nhân viên tùy tùng mang giúp. Chiếc ba lô của ông thường rất nặng, thậm chí nặng hơn nhiều so với ba lô của người khác. Trong số mấy anh em đi tháp tùng ông, không một người nào có thể đeo nổi chiếc ba lô ấy.
Một hôm, Bộ trưởng Lê Văn Hiến cùng thư ký Nguyễn Dược đạp xe từ Sơn Dương - Tuyên Quang đi Đại Từ - Thái Nguyên. Không may, đến đúng chân đèo Khế (con đèo nổi tiếng về độ cao, độ dốc, chiều dài và nhiều khúc quẹo, nằm án ngữ giữa ranh giới hai tỉnh Tuyên Quang và Thái Nguyên, xe của đồng chí Dược bị đứt cả hai phanh. Lên tới đỉnh đèo, Bộ trưởng đã dừng lại, giao cho đồng chí Dược chiếc xe còn nguyên vẹn cả hai phanh của ông, còn ông sẽ xuống đèo bằng chiếc xe không phanh, với lời giải thích rằng, ông có nhiều điều kiện thuận lợi hơn đồng chí Dược về sức khỏe và về kinh nghiệm đi xe, cho nên chắc chắn sẽ không thể có điều gì xấu xảy ra. Kết quả rất tốt đẹp là hai người đã đổ dốc an toàn suôn sẻ. Con ngựa sắt bất kham không cương dưới sự điều khiển tài tình của đôi cánh tay thép của ông đã ngoan ngoãn vâng lời.
Từ năm 1950, có khá nhiều cán bộ nữ được điều đến làm việc ở Bộ Tài chính. Hàng ngày, chị em vừa phải bảo đảm công việc của cơ quan, vừa phải lo chu đáo cuộc sống của gia đình. Có chị phải nhốt cháu vào cũi ở nhà, có chị phải buộc cháu vào một chiếc ba lô đặt ở giữa giường cho khỏi ngã, rồi đi làm, mặc cho các cháu khóc đến khản cả cổ. Trước tình hình đó, Bộ trưởng đã quyết định thành lập một nhà trẻ trông giữ các cháu, nhà trẻ đầu tiên tại cơ quan, để mẹ các cháu có điều kiện làm việc và học tập, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chung. Nhà trẻ này đã tồn tại suốt thời gian kháng chiến ở ATK và đến mấy chục năm sau ở khu tập thể Bộ Tài chính số 1 phố Lê Phụng Hiểu, Hà Nội và đã có những đóng góp cơ bản vào việc nuôi dưỡng nhiều thế hệ con em cán bộ nhân viên Bộ Tài chính trưởng thành và thành đạt sau này.
Trong số các chị em ở cơ quan, hoàn cảnh khó khăn nhất là đồng chí Nguyễn Thúy Uyên không may chồng mất sớm, con mới được 6 tháng tuổi, gầy còm, suy dinh dưỡng vì thiếu sữa mẹ. Bản thân đồng chí Uyên vừa lo nghĩ buồn phiền, vừa ốm đau bệnh tật. Thấu hiểu tình cảnh này, ngoài việc quan tâm giúp đỡ về các mặt công tác, sinh hoạt cho đồng chí Uyên, ông còn chỉ thị cho bộ phận hành chính quản trị mỗi buổi sáng cung cấp cho cháu bé một ca sữa tươi vắt từ con bò sữa do cơ quan nuôi.
Thể theo chính sách nhân đạo của Đảng và Chính phủ, Bộ trưởng Lê Văn Hiến đã quyết định mức sinh hoạt phí bình quân 200 đồng/người/tháng cho tù binh Pháp, kể cả nam nữ, già trẻ, vợ con, gia đình họ đi theo, trong khi mức sinh hoạt phí của bộ đội là 150 đồng/tháng, lương tối thiểu của cán bộ, nhân viên là 180 đồng/tháng, lương Bộ trưởng là 600 đồng/tháng và giá thóc là 250 đồng/tạ. Ông còn lưu ý đồng chí cán bộ phụ trách công tác tù binh của Chính phủ là cần điều tra nghiên cứu thêm, nếu thấy mức sinh hoạt phí 200 đồng/người/tháng không đủ chi thì có thể đề nghị xét cấp thêm, với ý nghĩa là chúng ta có thể chịu đựng được kham khổ, còn đối với họ thì nên giải quyết rộng rãi trong phạm vi điều kiện cho phép, để thể hiện chính sách nhân đạo của Đảng và Chính phủ.
MINH HUYỀN