QĐND - Sông Đào chảy qua thị trấn Lam Sơn (huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) có đông người dân sinh sống hai bên bờ, có nhà dân cách bờ sông chỉ khoảng 4, 5m. Bờ sông Đào phía Khu 1, 2 có đường bê tông, lan can kiên cố bảo vệ. Tuy nhiên, bờ sông bên kia Khu 4, 5, xã Thọ Lâm... không có lan can và đường đất, gây nguy hiểm cho người dân.

Anh Nguyễn Văn Tâm,  Tổ trưởng tổ dân phố Tiểu khu 1, Khu 4 cho biết : Đường đê dọc bờ sông dân sinh ở không có lan can bảo vệ dài khoảng 3km. Đặc biệt, riêng Tiểu khu 1 đã có hơn 200 nhân khẩu trong đó có khoảng 60 trẻ nhỏ. Việc không có lan can bảo vệ bờ sông rất nguy hiểm.

Lòng sông Đào tuy không rộng nhưng độ sâu thẳng đứng khoảng 4m, gấp đôi chiều cao người trưởng thành. Mặt khác, tốc độ dòng chảy tương đối mạnh nên khi người rơi xuống sông gặp xoáy nước sẽ bị cuốn trôi. Ông Phạm Văn Vi, Tổ phó Tiểu khu 1, Khu 4, thị trấn Lam Sơn cho biết: “Ai rơi xuống sông nếu không biết bơi là rất nguy hiểm, bởi không có gì mà nắm giữ, hai bên bờ sông được kè đá, nước lại chảy xiết”.

Người dân làm lan can bảo vệ bằng cây tre.

Tổ trưởng Nguyễn Văn Tâm kể, mới đây nhất là trường hợp hai cháu nhỏ mới 3, 4 tuổi ở Tiểu Khu 1 do mải chơi, chạy theo quả bóng lăn nên rơi xuống sông. Nước sông chảy mạnh, cuốn trôi cháu bé khỏi khu vực, mấy hôm sau người nhà mới tìm thấy ở kè ngăn cuối dòng.

 Anh Lê Đình Hưng ở Tiểu khu 1 kể về trường hợp của người đàn ông tên Bảy ở thôn Tân Lâm rơi xuống sông chết đuối. Lúc đó, ông Bảy vì đi xe đạp lúc chập choạng tối vấp phải hòn đá nên văng cả xe lẫn người xuống sông Đào. Khoảng 4, 5 năm trước, có chiếc ô tô từ nơi khác về thị trấn Lam Sơn, đang đi trên đường đê thì lật nhào xuống sông, khiến hai phụ nữ thiệt mạng...

Ông Phạm Văn Vi dẫn chúng tôi đi dọc đường đê sông Đào quan sát và kể lại lần ông tham gia vớt xác hai cháu nhỏ trong khu chết đuối. Một lần khác, rất may ông cứu sống được hai cháu khác. Một cháu tên Kiên người thôn Đoàn Kết, đi chăn bò do lỡ chân rơi xuống sông. Thấy Kiên ngấp ngoái giữa dòng nước xiết, ông Vị vội chạy vào nhà hàng xóm, lấy cái cộc tre ở chuồng lợn, bơi ra sông để Kiên bám lấy rồi kéo cháu vào.

Đường đê dọc bờ sông Đào tuy không còn lầy lội nhưng vẫn là đường đất, chưa có lan can bảo vệ nên hiểm nguy vẫn rình rập. Sau đám tang các cháu nhỏ, người dân dọc bờ sông Đào đã tự bảo vệ mình bằng cách trồng cây chè làm rào cản, làm hàng rào bằng tre đan... nhưng cũng có đoạn đường trống trơn không có gì che chắn. Người dân còn lắp thêm bóng đèn soi sáng đường đi.

Nhà ông Lê Văn Hoàng (Tiểu khu 1, Khu 4) làm lan can bảo vệ bằng tre đan dài mấy chục mét, cao quá đầu người trưởng thành. Mấy năm trước, cháu trai ông do mải chạy theo quả bóng nghịch mà rơi xuống sông Đào. Sau cái chết của cháu, gia đình đã làm lan can bảo vệ cẩn thận bởi riêng nhà ông giờ đã có tới 6 cháu nhỏ. Tuy nhiên, việc người dân làm hàng rào bảo vệ bằng tre nứa, chè tàu... chỉ là giải pháp tạm thời, không an toàn tuyệt đối.

Trao đổi với chúng tôi, Tổ trưởng Nguyễn Văn Tâm nói : “Chúng tôi chỉ cố gắng tự làm lan can, đổ đường bê tông thì không có kinh phí, hơn nữa đất đê thuộc quản lý của phía thủy lợi Bái Thượng nên chúng tôi  trồng cây bên bờ sông để trẻ đi học đỡ sợ thì lại bị họ yêu cầu chặt vì ảnh hưởng tới tuyến đê. Gần đây, có dự án của Công ty đường Lam Sơn làm Khu du lịch sinh thái ở xã Thọ Lâm nên chúng tôi mong chờ sẽ được làm đường, lan can bảo vệ nhưng nghe đâu dự án lại bị phá sản”.

Đề nghị chính quyền huyện Thọ Xuân và UBND tỉnh Thanh Hóa sớm quan tâm, xem xét nguyện vọng chính đáng của người dân bên bờ sông Đào.

Bài và ảnh: PHAN HUYỀN