QĐND - Trong đội ngũ hùng hậu của những người làm dầu khí, có rất nhiều người lính rời tay súng đến với những công trường, những dàn khoan ở phía đại dương. “Chúng tôi vẫn là một “binh đoàn” khi hiện có hơn 3000 hội viên CCB”, con số và hình ảnh mà anh Nguyễn Văn Minh, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) của tập đoàn đưa ra, gợi cho chúng tôi ngược dòng lịch sử để tìm hiểu đóng góp thầm lặng của những người lính trong sự nghiệp “đi tìm lửa” cho Tổ quốc.
Lớp cha trước, lớp con sau
Chẳng phải đâu xa, ông Chủ tịch Hội CCB Tập đoàn Dầu khí cũng từng là một người lính, lính chiến Quảng Trị hẳn hoi chứ chẳng phải “tráng men” hơi hướng chiến trường. Có một câu chuyện mà cho đến bây giờ, cánh “cựu binh” ở tập đoàn vẫn kể nhau nghe về biệt danh ngồ ngộ của anh: “Minh đàn”. Chuyện rằng, gần đến kỷ niệm ngày thành lập Quân đội năm 1973, ở Quảng Trị có cuộc thi văn nghệ, anh Minh có chút năng khiếu, được đơn vị giao tham gia một tiết mục. Anh miệt mài chuẩn bị rồi hôm liên hoan, người dẫn chương trình đọc lời giới thiệu thật “giật gân”: “Nghệ sĩ Văn Minh sẽ độc tấu đàn... tự chế, bài “Tiến về Sài Gòn”, bảo đảm không hay vẫn... phải khen!”. Đến lúc Minh ôm đàn ra diễn, cả hội trường cứ ngớ người ra vì đàn gì mà nghe phảng phất như đàn bầu, trông hơi giống... tỳ bà, lại hao hao đàn nguyệt. Đến khi diễn xong, anh quay ngược đàn, mọi người mới vỡ lẽ khi thấy “đàn” là một cái mũ sắt của lính ngụy mà quân ta vừa thu được hôm trước, Minh đã khéo léo gò, sửa, buộc dây cước tạo thành đàn. Lính ta vỗ tay như sấm, anh được trao giải “đặc biệt”.
 |
Dáng dấp quân phục trong đội ngũ những người thợ dầu khí đầu tiên.
|
Câu chuyện văn nghệ đầy chất lính của anh Minh lại khiến tôi nhớ thời bao cấp, khi tôi còn là phóng viên Chương trình Phát thanh Quân đội nhân dân, tôi cũng từng được đi nhờ xe một “vị tướng dầu khí” yêu văn nghệ. Ông là Trung tướng Nguyễn Hòa, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 1, sau là Tổng cục trưởng Tổng cục Dầu khí. Hôm ấy, Quân đoàn 1 tổ chức kỷ niệm ngày thành lập. Buổi chiều trời chuyển bão, gió mạnh dần. Tôi đang đi liên hệ tìm xe để về Hà Nội thì gặp tướng Nguyễn Hòa được mời về dự lễ kỷ niệm từ sáng, đang còn ngồi nói chuyện với mấy cán bộ quân đoàn ở phòng khách. Tôi và Trung Hiền (lúc đó là phóng viên Báo QĐND) vào xin ông cho đi nhờ xe. Ông cười sang sảng vỗ vai: “Yên tâm đi! Xe của Nhà nước chứ có phải của tớ đâu. Tớ chỉ ngồi hết một chỗ thôi, còn lại dành cho các cậu đấy. Dăm phút nữa ta lên đường nhỉ”. Xe chạy đến cầu Gián Khẩu thì gặp sự cố. Mặt cầu vỡ nham nhở, một bánh sau lọt xuống khe hở rộng tới 40cm. Một tiếng "kịch" khá mạnh, xe nằm im trên cầu. Hai chúng tôi và anh lái xe nhảy xuống xem, thấy gầm xe tỳ xuống mặt cầu. Trời lất phất mưa, gió giật từng hồi đền cấp 5, cấp 6 rồi. Đường vắng tanh, không có bóng người và xe qua lại. Tướng Nguyễn Hòa bước xuống, ngó nghiêng rồi quyết định: Lái xe tăng ga mạnh lên và đồng thời ba thầy trò khiêng đít xe. Chiếc Von-ga đen vọt lên được, đi tiếp. Tướng Nguyễn Hòa quay sang nói với chúng tôi: "Hôm nay mà không có hai cậu đi cùng thì mình phải nằm lại giữa đường với mưa bão rồi". Bây giờ qua anh Minh, anh Cường ở Hội CCB Tập đoàn, tôi mới biết, khi về làm Tổng cục trưởng, vẫn với tác phong nhà binh, nói đi đôi với làm, ông đã có công rất lớn trong việc phát triển sự hợp tác Việt-Xô, xây dựng Vietsopetro Vũng Tàu thành một đơn vị chủ lực của ngành dầu khí Việt Nam.
Cũng vào những năm 80 của thời “đêm trước đổi mới ấy”, sự ra đời của “Binh đoàn Dầu khí” đã ghi dấu ấn đóng góp của người lính cho một hướng đi chiến lược của đất nước. Ngày 26-6-1980, Bộ Chính trị có nghị quyết giao cho quân đội khai thác dầu khí thì chỉ hai ngày sau, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã có quyết định điều Sư đoàn 318 đi làm dầu khí tại Vũng Tàu, ít ngày sau thành lập Binh đoàn Dầu khí trực thuộc Bộ, mang tên Binh đoàn 318. Quân số ban đầu của binh đoàn có khoảng 8.500 người, tướng lĩnh, sĩ quan ưu tú được cử về thực hiện những công việc “khai thiên lập địa” như Thượng tướng Đinh Đức Thiện, Trung tướng Nguyễn Hòa, Thiếu tướng Tô Ký, các đại tá: Phan Tử Quang, Phạm Văn Diêu, Đặng Quốc Tuyển... Quyết định điều động cả một binh đoàn sang làm dầu khí quả là một tầm nhìn chiến lược. Người lính vừa rời tay súng đã cầm ngay cuốc xẻng, vượt gian khó, lao động cật lực, đổ mồ hôi và cả máu để xây dựng hạ tầng ban đầu cho ngành dầu khí non trẻ.
Trong số những người lính mở đường ấy, có lẽ Thượng tướng Đinh Đức Thiện là cây đại thụ đầu tiên của ngành dầu khí. Ngẫm thế sự xoay vần sao có nhiều trùng hợp. Gần đây, báo chí đưa tin nói nhiều về ông Đinh La Thăng, lãnh đạo ngành dầu khí được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải với nhiều ý tưởng đột phá. Nhưng trước ông Thăng, tướng Đinh Đức Thiện từng phụ trách ngành dầu khí từ năm 1976, đến năm 1980 được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và năm 1982 lại giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Vị tướng có công lớn trong mở đường Trường Sơn và công tác hậu cần này tiếp tục được coi là một trong những người có công lao lớn nhất cho ngành dầu khí. Bản thảo cuốn lịch sử ngành dầu khí sắp xuất bản tới đây có dòng viết về ông, là người “đã để lại những dấu ấn mang “cá tính Đinh Đức Thiện” trong lịch sử ngành dầu khí Việt Nam". Cá tính ấy là gì? Hỏi anh Minh, anh Cường, mọi người đều nói: Đó là “chất lính”, chất Bộ đội Cụ Hồ trong công việc của những người làm dầu khí, sự nhiệt tình, trách nhiệm, kỷ cương, tính kỷ luật cao, coi thương trường như chiến trường... Lớp cha trước, lớp con sau, có một sự kế tục đáng tự hào và thật thú vị: Con gái vị tướng họ Phan này (Đinh Đức Thiện), chị Phan Thị Hòa, Ủy viên HĐTV Tập đoàn, nay là Phó chủ tịch Hội CCB Tập đoàn. Một người con trai của ông, anh Phan Đình Đức cũng là Ủy viên HĐTV, là lãnh đạo một doanh nghiệp thuộc tập đoàn.
Ngày ấy, ngành dầu khí chưa phải là nơi “ăn ra làm nên” như bây giờ, có người còn coi việc bị điều vào Vũng Tàu làm việc chẳng khác gì đi “lính thú” ngày xưa. Ông Đỗ Ngọc Ngạn, cán bộ nghỉ hưu ngành dầu khí, sau này kể lại: “Ông Thiện khi lựa chọn cán bộ trong quân đội sang làm dầu khí, ngoài phẩm chất của một người lính Cụ Hồ, còn đòi hỏi phải có trình độ văn hóa, chuyên môn; đối với cán bộ cấp cao còn phải biết hai ngoại ngữ”. Ông cũng có biệt tài sử dụng cán bộ, khi trên có ý định cho Thiếu tướng Tô Ký nghỉ hưu, ông đã “xin” để tướng Tô Ký sang làm trợ lý cho ông vì tướng Tô Ký có uy tín rất lớn đối với đồng bào Nam Bộ, đã giúp cho Tổng cục Dầu khí được rất nhiều công việc. Cũng theo ông Đỗ Ngọc Ngạn thì vào năm 1981, ở Vũng Tàu cần tuyển 1000 công nhân tay nghề cao, trong khi đi khắp nơi tìm rất khó có người đạt yêu cầu. Ông Đinh Đức Thiện đã “mách nước”: Phải tìm lực lượng kỹ thuật của quân đội, lái xe nên lấy từ quân đội...
Còn nhiều, rất nhiều những người lính thuộc thế hệ đầu nhiều chiến công như Đại tá Phan Tử Quang, từ Cục trưởng Cục Xăng dầu, không chỉ có công lớn trong xây dựng đường ống dầu khí những năm chiến tranh mà thời bình, sang làm Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dầu khí, ông như một con thoi đi khắp Bắc - Nam chỉ đạo sản xuất, cải tiến tiêu chuẩn, nâng cao đời sống người lao động... Hay như Đại tá Phạm Văn Diêu, nguyên Phó tư lệnh Công binh, Phó chủ nhiệm Tổng cục Xây dựng kinh tế khi sang làm Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dầu khí, đã có công lớn chỉ đạo xây dựng cầu đường, phục vụ xây lắp giàn khoan và các căn cứ dịch vụ dầu khí ở Vũng Tàu...
Nghĩa tình người lính
 |
Hoạt động giao lưu giữa CCB Tập đoàn Dầu khí với Báo Quân đội nhân dân tại Đền Hùng (năm 2009).
|
Mang đậm chất lính trong từng công việc nhưng vì nhiều lý do, phải đến năm 2009, Hội CCB của Tập đoàn mới chính thức được thành lập. Tính đến nay, hội đã có 18 tổ chức cơ sở hội trực thuộc với hơn 3.040 hội viên. Hai năm gần đây, hội đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như về Thành cổ Quảng Trị viếng các liệt sĩ, tổ chức Lễ cầu siêu cho các anh hùng, liệt sĩ ở Đường 9; tri ân thương binh, bệnh binh, giúp đỡ Bà mẹ Việt Nam anh hùng, xây trường học, đóng góp hàng tỷ đồng cho các em nhỏ bị nhiễm chất độc da cam ở Làng trẻ Hữu Nghị, phối hợp với tập đoàn tặng 1 tỷ đồng cho 1000 anh hùng và Bà mẹ Việt Nam anh hùng… Có những việc tưởng như nhỏ mà thấm đẫm chất nhân văn như việc Hội CCB đã cùng với các đối tác trao tặng kinh phí để khắc bia mộ cho hơn 2000 ngôi mộ liệt sĩ ở Hải Lăng (Quảng Trị). Vẫn là chất lính, là tình đồng đội tỏa sáng khi Đảng ủy, Hội đồng thành viên, Ban Tổng giám đốc phát động toàn thể cán bộ, công nhân viên của ngành nhiệt tình tham gia làm thêm vào thứ bảy để ủng hộ “Quỹ nghĩa tình đồng đội”, nhờ vậy đã có nguồn kinh phí thiết thực trợ cấp cho các hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bị bệnh hiểm nghèo...
Người lính dầu khí luôn nghĩ tới đồng đội nơi biên giới, hải đảo còn khó khăn, thiệt thòi. Anh Lê Quang Toán, Thường trực Văn phòng Hội CCB Tập đoàn cho biết: Gần đây, chúng tôi đã tham gia ủng hộ chương trình tặng báo cho chiến sĩ do Báo Lao động phát động để góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho bộ đội nơi biên giới, hải đảo xa xôi, tặng báo cho 200 đồn biên phòng.
Nghe tôi kể chuyện năm ngoái, chúng tôi cùng lãnh đạo Báo Quân đội nhân dân về xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các gia đình chính sách ở Thái Bình, có gia đình nghèo tới mức chỉ mơ ước có một cái ti vi. Vậy mà khi chúng tôi mang ti vi về tặng, họ nhận rồi ôm khư khư, lúng túng vì trong nhà còn chưa có cả bàn, ghế hay chỗ nào có thể đặt nó. Nghe tôi kể, anh Cường, cán bộ thường trực Hội CCB Tập đoàn lặng đi hồi lâu rồi nói: “Chúng tôi được biết Thái Bình là tỉnh những năm chiến tranh đóng góp sức người sức của nhiều nhất, nay còn nhiều đối tượng chính sách nhất miền Bắc. Thái Bình cũng là một trong những cái nôi ra đời ngành dầu khí thời thăm dò địa chất lúc còn chiến tranh. Thời gian tới, chúng tôi hy vọng sẽ phối hợp với Báo Quân đội nhân dân thực hiện được nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa thiết thực ở Thái Bình”.
Những hành trình đầy nghĩa tình của người lính dầu khí không dừng lại, dù công việc “đi tìm lửa” ngày càng bộn bề. Đúng như đồng chí Phùng Đình Thực, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam nói: “Ngày nay, trong ngành dầu khí có hàng ngàn đồng chí cựu chiến binh công tác ở các cương vị, lĩnh vực khác nhau, đang tiếp tục phát huy bản chất cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ, cống hiến trí tuệ, công sức cho sự nghiệp phát triển của ngành dầu khí Việt Nam”.
Đức Toàn - Nguyên Minh