QĐND - Hàng trăm chiếc quan tài cổ nằm sâu trong những dãy núi cao thuộc khu vực thị trấn Hồi Xuân (huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa). Nhiều năm qua, nơi đây từng được coi là khu động táng bí ẩn của người Thái cổ với những “lời nguyền” đáng sợ…

Khám phá “động ma”

“Hang ma” theo tiếng Thái gọi là hang Phi. Hang Phi có từ bao giờ không ai biết, chỉ biết rằng nơi đó là vùng “đất thiêng” với những “lời nguyền” và những câu chuyện bí ẩn được truyền lại tự bao đời ở chốn thâm sơn cùng cốc này. Hang được phân làm 2 khu. Khu phía dưới nằm ven dòng suối Khó, dưới chân ngọn núi Pha Cáng, người dân địa phương gọi là hang Phi, thuộc địa phận xã Nam Xuân. Khu phía trên nằm giữa mây mù, lưng chừng ngọn Pha Cáng, được gọi là hang Hòm, vì trên này có hang động chứa rất nhiều cỗ quan tài, thuộc địa phận thị trấn Hồi Xuân...

Hang Hòm nằm trên lưng chừng ngọn núi Pha Cáng.

Khu vực hang động này nằm sâu trong vùng rừng núi Hồi Xuân, được dòng suối Khó bao bọc bên ngoài, vào mùa khô mới có thể lội qua được. Nhưng để vào được hang Hòm phía trên, người ta phải trèo qua những vách núi tai mèo thẳng đứng cao khoảng 400m, nếu trật tay thì vô cùng nguy hiểm...

Hang được một người chăn dê phát hiện ra vào năm 1997. Khu hang động này rộng chừng 30m, cao khoảng 10m, trong động có hơn 80 cỗ quan tài độc mộc. Cỗ lớn có chiều dài gần 3m, rộng 50cm. Quan tài làm bằng thân gỗ lớn, khoét rỗng bên trong với hai đầu nhỏ dần, khúc giữa phình to. Hai đầu khúc gỗ có hai cái núm như chuôi vồ (có thể dùng để khiêng). Mỗi mảnh quan đều có những khấc gỗ dùng để ghép hai nửa thân gỗ đã khoét với nhau. Hầu như không có cỗ quan tài nào còn nguyên vẹn cả hai phần. Nhiều mảnh quan tài đã vỡ vụn, mục ruỗng, phủ đầy rêu.

Theo nhà khảo cổ học Nguyễn Gia Đối - Viện Khảo cổ học và nhiều nhà nghiên cứu khác đã từng đến khu hang động này cho hay thì khu động táng này ra đời vào khoảng thời đại Kim khí và kéo dài tới thế kỷ XV. Tục động táng, đưa quan tài người chết vào những hang động trên vách núi cao tương đối phổ biến của nhiều tộc người ở vùng Đông Nam Á.

Ông Cao Bằng Nghĩa - Trưởng ban Tuyên giáo huyện Quan Hóa kể lại: Vào những năm 1990 của thế kỷ trước, ông và những người bạn trong khi đi rừng cũng phát hiện các cỗ quan tài cổ và đã mở ra xem. Bên trong những cỗ quan này có rất nhiều lụa, nhiễu, cờ hình tam giác màu vàng có viền đỏ và những đồng tiền Khai Nguyên Thông Bảng (dưới thời Mai Hắc Đế - đầu thế kỷ thứ VIII). Thế nhưng chỉ đem ra không khí khoảng 30 phút sau thì những mảnh lụa, nhiễu đều vụn nát, chỉ có những lá cờ là còn nguyên vẹn. Có những cỗ quan tài bên trong còn có cả hạt cườm, thanh kiếm lưỡi sắt có chuôi chạm trổ hình lưỡng long chầu nguyệt và những mảnh gốm, sành, sứ... tùy táng theo.

Những mảnh gỗ quan tài nằm chỏng trơ bên trong hang Hòm.

Những điều chưa lý giải

Ông Hà Văn Tuyên - Trưởng phòng Văn hóa huyện Quan Hóa cho biết: “Cũng trên ngọn núi Pha Cáng này, vừa qua chúng tôi còn phát hiện thêm một hang động nữa. Bên trong hang động này có khoảng 30 chiếc hòm cổ có kích thước và chất liệu như bên hang Hòm. Vì mới phát hiện, nên những chiếc quan tài này gần như còn khá nguyên vẹn. Như vậy, bên cạnh khu động táng trên núi Pha Cáng, bên kia con sông Luồng cũng tồn tại hệ thống khu động táng hang Pha Ké và hang Đầu Lâu. Ở khu vực này, trước kia có khoảng 60 bộ quan tài, đến nay vẫn còn hơn 20 bộ trong động. Có thể suy đoán, trước kia nơi đây là khu động táng lớn của người Thái cổ”.

Năm 2007, nơi đây từng được chương trình truyền hình “Chuyện lạ Việt Nam” về đưa tin. Bằng cách nào mà hàng trăm năm trước, người ta có thể đưa những cỗ quan tài lên được vách núi cao như vậy? Phải chăng nơi đây xưa kia chỉ những người có quyền lực trong xã hội người Thái cổ mới được yên nghỉ? Vì họ cho rằng, người chết cần được yên nghỉ gần nơi Mường Trời!

Những hiện vật ông Cao Bằng Nghĩa sưu tầm được từ khu động táng.

Khu động táng này đã được lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa chú ý và lập hồ sơ xếp hạng công nhận di tích cấp tỉnh. Những người có trách nhiệm ở huyện Quan Hóa cũng nhìn thấy tiềm năng to lớn trên vùng đất nghèo quê mình và tích cực xây dựng một dự án lớn lao nhằm đổi thay cho vùng đất này.

Một câu hỏi nữa là cách thức mai táng này khá kỳ lạ ở Việt Nam đã xuất phát từ quan niệm nào và tại sao đến giờ không còn lưu truyền? Trong tất cả các bộ quan tài ở hang Hòm, cho dù giới săn tìm cổ vật có “nhanh tay” cuỗm đi những đồ tùy táng quý giá, thì đâu rồi những bộ xương? Phải chăng có ai đó, có thể theo bản đồ, gia phả, họ đã bí mật đến và thâu lượm xương cốt người quá cố rồi mang đi hết. Chứ không có tên trộm nào, con thú nào, hay sự tàn phá nào có thể làm cho những bộ xương bị biến mất một cách nhanh chóng và sạch trơn đến thế!

Những câu hỏi đó cho đến nay vẫn chưa được lý giải bởi sự chậm chân của các cơ quan chức năng so với những đối tượng săn tìm cổ vật. "Hang ma" đang đứng trước nguy cơ dần trở thành phế tích.

Đứng trước sự de dọa và lãng quên, khu di tích động táng kỳ lạ nhất Việt Nam đang dần bị hủy hoại. Đừng để mất đi một di tích mà cho đến nay loài người vẫn chưa lý giải được vì sao và bằng cách nào những chiếc hòm to lớn lại có thể “bay” lên trên vách núi nằm câm lặng hàng nghìn năm.

Bài và ảnh: Công Sơn