QĐND - Đã từng bay trên bầu trời của vùng sông nước Cửu Long rất nhiều lần, nhưng mỗi khi được bồng bềnh trong không gian thanh bình ấy, tôi vẫn cảm thấy như mới lạ, để rồi ngỡ ngàng, bâng khuâng và đắm say mê mẩn. Cuối tháng Tư, đầu tháng 5, xuất hiện nhiều cơn mưa ngúng ngẩy, nhưng lại làm cho không khí miền Tây dịu mát hơn. Mưa cũng như muốn thử tài những cánh bay trực thăng của Trung đoàn Không quân 917 hai lần được tuyên dương Đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân, khi thực hiện các khoa mục huấn luyện trong điều kiện thời tiết phức tạp.
 |
Cùng ngắm máy bay bay huấn luyện từ nhà giàn DK 1/10. |
“Tôi đã bay trên nhiều vùng trời của đất nước, nhưng chưa thấy nơi nào mây trắng đẹp như ở miền Tây” - Đại tá Trần Văn Quang, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 917 nhận xét. Mây trắng miền Tây thường co thành những đụn nhỏ, dắt díu và đan quyện vào nhau giống hình những con rồng đang phun nước xuống miệt vườn. Có chỗ, mây mỏng dính, sau đó tản ra như những sợi bông lả tả, cảm giác khi đang ngồi trên khoang lái của trực thăng, có thể thò tay ra để vơ chúng vào lòng.
Còn nhớ vào mùa nước nổi năm 2000, tôi bay cùng các anh xuống các huyện Hồng Ngự, Tân Hồng (Đồng Tháp), Tân Châu (An Giang)… để cứu trợ đồng bào bị ngập úng. Sau những ngày mưa dữ dội ở Lào, rồi mưa lũ ở Cam-pu-chia, khiến nước sông Mê Kông chảy vào cửa sông Tiền và sông Hậu cuồn cuộn, làm cho vùng Tứ giác Long Xuyên trắng xóa nước. Có chỗ nước sâu tới 3-4m. Hàng ngàn căn nhà của đồng bào bị chìm trong dòng nước. Không ít nhà bị chìm hết cả đồ dùng sinh hoạt và lương thực, người dân phải kéo nhau lên những bờ đê, gò đất cao để tránh lũ. Nhiều đứa trẻ đói ăn, khát nước khóc đỏ cả mắt, người lớn cũng mệt mỏi rã rời. Theo đề nghị của lãnh đạo các địa phương bị thiên tai, Chính phủ đã chỉ đạo cho Bộ Quốc phòng điều máy bay trực thăng chở lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc men… đến cứu trợ. Suốt một tuần bay trên biển nước, có khi còn phải bay trong làn mưa nhạt nhòa, Trung đoàn 917 đã thực hiện hàng chục chuyến bay, thả hơn 20 tấn hàng hóa, kịp thời giúp bà con vùng lũ vượt qua khó khăn, từng bước ổn định lại cuộc sống.
Trong ngày bay cuối cùng thả hàng cứu trợ trên bầu trời huyện Hồng Ngự, thời tiết bỗng nhiên có nắng. Từ sáng sớm, mặt trời đã rải một màu tơ hồng lấp lánh lên đồng nước và những vườn cây trái. Bay cùng tổ bay của Thiếu tá Nguyễn Xuân Thủy - lái chính, tôi có dịp ngắm những đụn mây trắng cuộn vào nhau, tạo thành một vòng xòe lồng lộng ngay trên đỉnh đầu. Anh em không quân nói vui: “Mây tạo vòng xòe để chúc mừng thành công đợt bay cứu trợ của anh em mình đấy”. Cảnh đẹp của mây quyến rũ đến nỗi những cánh bay của chúng tôi sau khi thả hàng cứu trợ xong đã nâng độ cao lên hơn 1000m để chiêm ngưỡng…
“Lần này xuống miền Tây, chúng tôi tập trung vào các khoa mục huấn luyện quan trọng như: Bay ra nhà giàn DK1, bay tập ngắm bắn mục tiêu mặt đất, bay không vực, bay đường dài chuyển sân, đào tạo lái chính, đào tạo giáo viên bay, chuyển loại dẫn đường, bay đào tạo học viên cho Trường Sĩ quan Không quân, huấn luyện tìm kiếm, cứu nạn…” - Thượng tá Lê Quang Vinh, Phó Trung đoàn Trưởng Trung đoàn 917 cho biết. Cả một khối lượng công việc huấn luyện bay đồ sộ. Vì thế, đơn vị đã phải cơ động 2/3 lực lượng của mình từ Tân Sơn Nhất xuống Cần Thơ. Từ tháng 3 đến hết tháng 6 năm nay, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất thực hiện công tác sửa chữa, bảo quản một trong hai đường băng, trong khi cường độ các loại máy bay lên xuống thì không hề giảm. Nếu bay huấn luyện ở Tân Sơn Nhất, trung đoàn không thể đẩy nhanh tiến độ được. Vả lại, mỗi khi cất, hạ cánh đều phải phụ thuộc vào hàng không, có khi phải bay vòng vèo vài chục phút chờ đợi, sẽ tiêu hao nhiều lượng xăng, dầu.
 |
Huấn luyện cất, hạ cánh tại nhà giàn DK1. Ảnh: Kim Phượng. |
Bay ở miền Tây, bầu trời thật thênh thang rộng mở. Cứ 6 giờ là bay khí tượng, đến 10 giờ là hoàn thành 100% ban bay rồi. Còn các ban bay đêm cũng vậy, anh em phi công, thợ máy, sĩ quan và nhân viên phục vụ mặt đất… cứ theo kế hoạch mà thực hiện. Còn các giáo viên bay của đơn vị, như: Trần Văn Quang, Đỗ Thanh Hồng, Ngô Vi Sơn, Đặng Văn Ngữ, Nguyễn Trung Lưu, Nguyễn Văn Khải… thì tha hồ kèm cặp, uốn nắn học viên bay của mình. Thượng tá Ngô Vi Sơn cho rằng: “Bay huấn luyện ở miền Tây, chúng tôi không chỉ thực hiện tốt các bài bay, mà còn tiết kiệm được rất nhiều nhiên liệu. Dù bay ngày, hay bay đêm, cả giáo viên hay học viên đều rất yên tâm với địa hình, thời tiết và công tác bảo đảm mặt đất”.
Thú vị hơn cả có lẽ là những chuyến bay ra nhà giàn DK. Bay ra nhà giàn, Trung đoàn 917 chọn hai chiếc máy bay tốt nhất, trên đó chở nhiều tổ phi công để thay nhau bay tập hạ, cất cánh trên nóc nhà giàn. Khi mặt trời rải nắng vàng trên thành phố “Tây Đô”, là những chiếc trực thăng bắt đầu cất cánh. Bay qua bầu trời Sóc Trăng, Bạc Liêu thì hạ cánh xuống sân bay Cà Mau tiếp thêm dầu để bay tiếp ra nhà giàn. Sau khi lướt trên những cánh rừng đước, rừng tràm của vùng U Minh Hạ, hai chiếc máy bay như hai con chuồn chuồn nhỏ xíu, nối đuôi nhau bay trên mặt đại dương bao la để đến với đồng đội nơi chân trời, góc biển. Với những người “ngoại đạo” thì khó phát hiện ra nhà giàn khi ở độ cao vài trăm mét và cách xa hơn 1km, còn “dân” không quân chúng tôi thì nhìn thấy nó chỉ sau một, hai phút. Thấy máy bay của ta, các chiến sĩ nhà giàn ùa ra lan can vẫy vẫy. Và chỉ sau vài phút, cuộc gặp gỡ của những người canh trời, giữ biển đã dào dạt giữa trùng khơi. Hơn một giờ ngắn ngủi với các chiến sĩ Hải quân, nhưng có bao nhiêu chuyện được kể, được chia sẻ. Nào là chuyện vợ con, chuyện về tình hình đất liền, rồi cả chuyện sửa chữa giúp nhau cái ti vi, cái đài đến chuyện yêu đương nữa… Anh em Không quân còn thỏa sức ra ngắm những chậu rau xanh mướt do các chiến sĩ nhà giàn trồng. Thôi thì đủ loại: Rau muống, rau dền, mùng tơi, cải thẻ… và cả những loại gia vị như ớt, húng lìu, mùi tây cũng có. Họ quấn quýt, chụp ảnh lưu niệm, hể hả chuyện trò, để đến khi máy bay chao liệng chào nhà giàn, người ở trên trời, người trên mặt biển mới thấy bâng khâng, lưu luyến.
Trở về Tân Sơn Nhất trong những ngày này, Trung đoàn 917 lại say mê huấn luyện các khoa mục chiến đấu, tham gia một số hoạt động diễn tập, cơ động lực lượng của quân chủng và các đơn vị quân đội ở phía Nam. Đặc biệt, đơn vị đang tích cực huấn luyện công tác tìm kiếm, cấp cứu, cứu hộ, cứu nạn trong thiên tai khi mùa mưa bão sắp bắt đầu. Dự kiến từ nay đến cuối năm, trung đoàn tiếp tục cơ động xuống huấn luyện ở miền Tây Nam bộ. Đây là một dịp tốt để đội ngũ phi công, thợ máy, các thành phần phục vụ mặt đất được về với sông nước Cửu Long, thỏa sức huấn luyện nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Những cánh bay của Đoàn Không quân Đồng Tháp anh hùng lại bồng bềnh cùng mây trắng miền Tây…
Ghi chép của LÊ PHI HÙNG