QĐND - Chúng tôi tới thăm Bảo tàng Phòng không-Không quân, xem trưng bày 17 trận đánh độc đáo. Mỗi bức ảnh, mỗi người lính, mỗi khẩu pháo, mỗi quả tên lửa, mỗi chiếc máy bay của một thời rực sáng đều gợi những điều bổ ích cho hôm nay.
Ôn cố để tri tân
Đại tá Nguyễn Hữu Đạc, Giám đốc Bảo tàng Phòng không-Không quân thật là một giám đốc biết làm nhiều việc buộc tên lửa, máy bay, ra-đa đang nằm ngổn ngang phải... “sống lại”. Giữa lúc người ta đang mải lo bàn cãi chuyện dạy sử, học sử sau sự cố hàng nghìn điểm 0 thì Nguyễn Hữu Đạc vẫn cứ có cách làm của riêng mình. Năm ngoái, anh đã gây ấn tượng mạnh với giới trẻ Thủ đô khi trưng bày “Mâm cơm giữa chiến trường Điện Biên Phủ”. Một cách giáo dục truyền thống thật nhẹ nhàng mà hấp dẫn, ấn tượng mà không... tốn kém! Năm nay, anh lại làm tiếp “Trưng bày 17 trận đánh độc đáo của bộ đội Phòng không- Không quân”.
 |
Một góc trưng bày 17 trận đánh độc đáo trên bầu trời .
|
Cuộc trưng bày này bắt nguồn từ chính... đơn đặt hàng của khách đến bảo tàng. Có một câu hỏi mà rất nhiều bạn trẻ từng hỏi anh Đạc, hỏi các thuyết minh viên: “Cháu xem ti vi thấy bây giờ máy bay, tên lửa nước ngoài hiện đại thế. Nếu có chiến tranh, ta chiến thắng được không?”. Lại cũng có người thẳng thắn: “Ngày xưa thời cụ Nguyễn Tuân, Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi nhưng cách đánh ngày ấy, liệu còn vận dụng cho bây giờ được mấy chục phần trăm?”. Thế rồi chuyện I-rắc, chuyện Áp-ga-ni-xtan, chuyện chiến tranh đây đó mỗi ngày trên ti vi khiến anh Đạc cứ thao thức. Cần một cuộc triển lãm để nhân những trận đánh xưa nói cách đánh hôm nay, nhân nói chuyện cũ để củng cố niềm tin...
“Thắng” vì... “chỉ có ở Việt Nam”!
Hà Nội của những ngày cuối tháng Mười, mở đài, mở ti vi, mở sách báo, đâu cũng nói đến chuyện Đường Hồ Chí Minh trên biển. Ấy vậy mà trong bảo tàng của lính “canh trời”, hôm chúng tôi đến, cũng bắt gặp dăm ba màu áo hải quân. Hóa ra là những sĩ quan đang học ở Học viện Chính trị đến tham quan. Một chàng trai đang giương máy ảnh kỹ thuật số chụp lia lịa. Anh là Thiếu tá Mai Xuân Hưởng, cán bộ tuyên huấn của Vùng 3 Hải quân. Thì ra, anh đang chụp những hình ảnh về trận biên đội Mig-17 của Trung đoàn không quân 921 đánh hạm tàu Mỹ ở vùng biển Quảng Bình ngày 19-4-1972. “Thật tuyệt vời vì những năm chiến tranh, nhất là sau năm 1965, khi vụ Vũng Rô làm lộ chuyện Tàu không số, 40% Hạm đội 7 được huy động cho vùng biển Việt Nam. Thế mà không quân ta dưới sự hợp đồng của ra-đa, những chiếc Mig nhỏ bé vẫn hiên ngang lao ra biển, tiếp cận ở độ cao 50m, đánh chìm tàu Mỹ và trở về an toàn. Một chiến thắng vẻ vang ít người biết tới khi mà không quân ta còn non trẻ vẫn chia lửa với hải quân. Hiểu về trận đánh này, càng thêm niềm tin vào sự hiệp đồng, lớn mạnh của không quân, hải quân ta ngày hôm nay” - anh Hưởng tâm sự.
Những bức ảnh đen trắng đã ố màu thời gian, những trang sổ tay tác chiến, những hiện vật mũ áo của giặc lái... đang kể cùng chúng tôi điều diệu kỳ từ 17 trận đánh năm xưa. Tôi dừng lâu trước ảnh liệt sĩ, phi công Hà Văn Chúc. Một gương mặt phi công thật trẻ với nụ cười rất hiền. Anh chính là người đã lập nên chiến công phi thường, nói chính xác hơn thì đó là một kỷ lục thế giới. Chiều 3-1-1968, anh Chúc đang bảo dưỡng máy bay thì 36 chiếc máy bay Mỹ gồm cả cường kích và tiêm kích ào ạt bay từ phía Sơn La về hướng Hà Nội. “Đánh! Phải đánh thôi!” - trung đoàn sôi sục. Nhưng ngặt một nỗi, cả trung đoàn lúc này chỉ còn duy nhất một chiếc máy bay, số còn lại đang thực hiện nhiệm vụ khác.
 |
Hiện vật sổ đăng ký chiến đấu của bộ đội Không quân thời chống Mỹ. Ảnh: NGỌC HƯNG
|
Mà theo nguyên tắc của không quân, đội hình xuất kích phải có 5 chiếc. Cho một chiếc đơn thương độc mã lên trời đánh địch là điều chưa từng có trong sách vở, cũng chưa hề có tiền lệ. “Còn một chiếc cũng đánh!” - một mệnh lệnh thật táo bạo được triển khai. Chúc lái chiếc Mig-21 lao lên bầu trời, bay về hướng "bầy quạ dữ". Một tốp F-4 từ phía khác phát hiện ra máy bay ta liền lao tới đón đầu. Nhờ sĩ quan dẫn đường Nguyễn Văn Chuyên dẫn dắt tài tình, anh bay lượn tránh chúng, từ Sơn La bám đuổi tới vùng trời Tam Đảo, mưu trí tấn công tốp 8 chiếc F-105, hạ ngay chiếc chỉ huy do Đại tá Giêm-i-lít-bin, Phó chỉ huy Liên đội không quân Mỹ tại Cò Rạt-Thái Lan “cầm đầu” tốp 36 máy bay. Đội hình địch tan vỡ, bỏ chạy, Chúc hạ cánh an toàn, trước khi bộ đội tên lửa ta hạ tiếp hai chiếc khác.
Nghe kể về kỷ lục có một không hai trong lịch sử không quân thế giới này, các bạn trẻ có mặt ở bảo tàng hôm ấy đều ồ lên kinh ngạc. Có tiếng hỏi lao xao: “Anh Chúc giờ còn sống không?”. Thượng úy Phạm Bá Hoàn, hướng dẫn viên bảo tàng trầm giọng: “Rất tiếc là chỉ 16 ngày sau khi lập chiến công, anh Chúc đã hy sinh. Nhưng chiến công của anh thì còn mãi, nó chứng minh sự thật rằng, một chiếc Mig nhỏ bé có thể dám đánh, biết đánh và đánh thắng 36 máy bay địch, toàn loại hiện đại, nhiều loại nay vẫn trên... ti vi trong nhiều chương trình thời sự mà các bạn thường xem. Câu chuyện anh Hà Văn Chúc tiếp tục cổ vũ niềm tin của thế hệ phi công Việt Nam hôm nay, tin vào trang bị và cách đánh của mình”.
Câu chuyện về trận đánh ngày 5-7-1972, biên đội Mig-21 của hai anh Nguyễn Tiến Sâm - Hạ Vĩnh Thành bắn rơi hai chiếc F-4 nghe như huyền thoại. Sau này, khi đã trở thành những cán bộ lãnh đạo ở Cục Hàng không, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Tiến Sâm đã kể lại với nhà báo Nguyễn Như Phong: “Ở độ cao 4000m, phát hiện địch, Sâm ra lệnh vứt thùng dầu phụ, bật tăng lực và xông vào công kích tốp F-4. Còn cách một chiếc F4 khoảng 2000m, Sâm phóng tên lửa. Quả tên lửa nổ hơi xa, khiến chiếc F-4 bị thương, nhưng vẫn bay được. Sâm lao vào gần nữa và phóng tiếp quả thứ hai, ở khoảng cách hơn 1000m. Quả tên lửa chui tọt vào động cơ chiếc máy bay F-4 và nổ tung... Vì cự ly quá gần nên chiếc Mig-21 của anh cũng lao luôn vào quả cầu lửa... Hạ Vĩnh Thành bay yểm trợ phía sau thót tim tưởng bạn mình cũng hy sinh, anh reo lên khi thấy máy bay của Nguyễn Tiến Sâm vọt ra, nhưng đen trũi như một chú cá quả. Thành đuổi theo một chiếc F-4 khác và phóng tên lửa diệt luôn chiếc này. Trận không chiến chỉ xảy ra chưa đầy 5 phút, hai chiếc Mig-21 hạ hai chiếc F-4 làm đội hình cường kích F-105 của địch vội quẳng bom bừa bãi và chuồn thẳng. Khi máy bay của Sâm về sân bay, mọi người ùa ra xem vì thấy “con én bạc” nay trở thành “con én đen”. Các chuyên gia Liên Xô cũng hết sức ngạc nhiên và không thể nào giải thích được tại sao chiếc Mig-21 chui vào điểm nổ như vậy mà chỉ bị... ám khói!”.
Tôi tìm đến nơi trưng bày những hiện vật về trận đánh ngày 27-12-1972 của Tiểu đoàn 72, Trung đoàn 285. Ta đã bắn rơi tại chỗ máy bay B52 duy nhất trong tổng số 16 chiếc rơi tại chỗ còn nguyên bom đạn, một phần rơi xuống hồ Hữu Tiệp, một phần rơi ngay trên đường phố Hà Nội. Trong số hình ảnh về những người lập nên chiến công, có một ô còn để trống với hàng chữ: “Nguyễn Văn Dựng (hiện đang sưu tầm ảnh)”. Tôi giật mình!
Một cái tên nghe rất quen. Anh Dựng chính là nhân vật trong bài viết “Cung lửa bên sườn Hà Nội” đăng trên Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần số cuối tháng 12-2007 với cảnh đời nghiệt ngã của người lính quê Bắc Giang sau hòa bình này. Cả hai vợ chồng ra đi quá sớm để lại đàn con nheo nhóc. Sau đó, báo đăng tiếp bài về chuyện hoàn cảnh đáng thương của con gái anh bị bệnh tâm thần, nằm ở Bệnh viện Bạch Mai. Đã có một số bạn đọc đồng cảm, gửi tiền giúp đỡ con anh Dựng, trong đó có gia đình vợ chồng Trung tướng, Phó giáo sư Văn Cương, nguyên Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Chính trị. Nghe tôi thuật lại chuyện này, cả anh Đạc cùng anh chị em bảo tàng đều rất ngạc nhiên. Anh Đạc nói: “Thế đó! Những người lính làm nên chiến công huyền thoại của chúng ta, đều là những con người bình dị. Họ lẫn vào đời thường với gánh nặng áo cơm mà ít người biết họ đã góp phần làm nên lịch sử”.
Chuyện bầu trời xưa xen lẫn chuyện hôm nay. Thêm nhiều hình ảnh mới thật giản dị mà gợi lên bao niềm tin: Hình ảnh giọt mồ hôi của người phi công vừa lái chiếc máy bay tiêm kích SU hiện đại vào loại bậc nhất thế giới trở về, hình ảnh một chiếc SU30 bay trong đội hình được phi công chụp từ trên cao bằng điện thoại I-phone, hình ảnh Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ngồi kiểm tra thử một buồng lái máy bay SU30... Bầu trời xưa, nước non này sẽ mãi bền vững khi những đường bay rực sáng của quá khứ mãi tiếp nối với hôm nay...
MINH HƯNG