QĐND - Một cuộc khảo sát chuẩn giáo viên môn tiếng Anh ở các địa phương trên cả nước mới đây cho kết quả: Trung bình số giáo viên đạt chuẩn là 3%. Thành phố Hồ Chí Minh là nơi có tỷ lệ chuẩn cao nhất cũng chỉ đạt trên 10%. Trong khi đó, hiện 80% học sinh phổ thông tại khu vực thành thị đang học tiếng Anh…

Sử dụng giáo viên tình nguyện người nước ngoài - một giải pháp nâng cao chất lượng giáo viên tiếng Anh. Ảnh: Ngọc Oanh

 

Kết quả đáng buồn

Kết quả khảo sát năng lực giảng dạy tiếng Anh của giáo viên tại nhiều địa phương gần đây khiến những người quan tâm đến sự nghiệp giáo dục đều phải sửng sốt. Trong số 181 giáo viên tiểu học tham dự khảo sát ở Cần Thơ, số đạt chuẩn chỉ có vài người. Ở An Giang, trong 1.500 giáo viên được khảo sát, chỉ có 165 người đạt chuẩn. Tại Đồng Tháp, cuộc khảo sát giáo viên bậc tiểu học và THCS cho kết quả: Chỉ có 2 giáo viên đạt chuẩn theo quy định.

Thành phố Hồ Chí Minh, với mong muốn cải thiện tình trạng nghe nói - giao tiếp bằng tiếng Anh cho học sinh, nhiều năm qua, ngành giáo dục đã thí điểm chương trình tiếng Anh tăng cường và áp dụng đại trà từ năm 2010. Tính đến nay, đã có 80% học sinh thành phố được học các chương trình tiếng Anh. Để giúp học sinh có cơ hội thực hành, giao tiếp tiếng Anh, nhiều trường đã thuê giáo viên bản ngữ dạy 1-2 tiết/tuần. Nỗ lực này của ngành giáo dục thành phố và các trường đã tạo sự thay đổi về chất - nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh. Tuy nhiên, cơ hội được tiếp xúc, thực hành với người bản ngữ chưa nhiều và chưa đồng đều ở các trường, nhất là khu vực ngoại thành. Chính vì thế, dù tỷ lệ giáo viên tiếng Anh của Thành phố Hồ Chí Minh cao nhất cả nước nhưng cũng chỉ đạt khoảng 10%.

Nguyên nhân từ… chuẩn?

Theo đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân đến năm 2020, giáo viên dạy ngoại ngữ phải có năng lực ngôn ngữ giảng dạy cao hơn trình độ chung của cấp dạy hai bậc. Cụ thể, đối với giáo viên tiểu học, THCS phải đạt bậc 4/6 do Hiệp hội các tổ chức khảo thí ngoại ngữ châu Âu đã ban hành. Tuy nhiên, trên thực tế, khi áp chuẩn này để khảo sát chất lượng giáo viên tiếng Anh, kết quả thấp đến mức ngạc nhiên.

Nguyên nhân, theo một số giáo viên tiếng Anh, từ trước tới giờ, chúng ta tự đề ra chuẩn chứ không theo chuẩn quốc tế. Giáo viên được đào tạo trong trường sư phạm theo chuẩn của Việt Nam. Tốt nghiệp sư phạm, giáo viên dạy ở trường phổ thông cũng theo chuẩn đánh giá của Việt Nam. Vì thế, khi áp chuẩn châu Âu vào khảo sát, đa số các giáo viên không đạt chuẩn là tất yếu.

Tình trạng giáo viên tiếng Anh không đạt chuẩn còn có nhiều nguyên nhân khác. Trong đó, đầu tiên phải bàn đến vấn đề đầu vào. Học sinh giỏi tiếng Anh thường chọn thi vào ngành kinh tế, ngoại thương, chứ không có mấy người chịu đầu quân cho sư phạm. Đầu vào không cao đã ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng đầu ra. Hơn nữa, giáo viên tiểu học và THCS đạt chuẩn thấp bởi hầu hết giáo viên đều tốt nghiệp các trường cao đẳng sư phạm địa phương với chương trình đào tạo cũng không đạt chuẩn.

Mặt khác, ngoại ngữ là một môn cần nhiều kỹ năng. Nếu không thực hành thường xuyên, không có môi trường rèn luyện, kỹ năng sẽ ngày bị mai một. Những giáo viên mới ra trường có thể có kỹ năng nghe, nói rất tốt nhưng sau vài năm giảng dạy, sẽ bị hao mòn đi do không có môi trường rèn luyện. Chương trình dạy chủ yếu là đọc hiểu và ngữ pháp. Điều này cũng có thể lý giải vì sao các chứng chỉ quốc tế như TOEIC, TOEFL chỉ được công nhận giá trị trong khoảng thời gian hai năm.

Ở nguyên nhân kinh tế, việc giữ chân các giáo viên tiếng Anh cũng rất bấp bênh. Với những người có năng lực tốt, khi có cơ hội việc làm với thu nhập cao hơn, họ rất dễ dàng chuyển ngành.

Giải bài toán đạt chuẩn

Theo mục tiêu của Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020, đến năm 2020, đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng và đại học có đủ năng lực ngoại ngữ sử dụng độc lập, tự tin trong giao tiếp, học tập, làm việc trong môi trường hội nhập, đa ngôn ngữ, đa văn hóa. Kinh phí dự toán để thực hiện dự án là 9.378 tỷ đồng.

Với thực trạng chất lượng đội ngũ giáo viên tiếng Anh hiện tại, việc hoàn thành mục tiêu này dường như hơi xa vời. Tuy nhiên, vẫn không thể không tìm kiếm những giải pháp nâng cao chất lượng giáo viên tiếng Anh.

Có thể lấy Thành phố Hồ Chí Minh làm một bài học kinh nghiệm. Để nâng cao trình độ, năng lực sử dụng tiếng Anh cho giáo viên, năm 2013, ngành giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức bồi dưỡng cho 2.536 giáo viên các bậc học. Cùng đó, thực hiện đề án “Phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông và chuyên nghiệp”, năm 2013, thành phố đã thí điểm tuyển giáo viên Phi-líp-pin về dạy ở các trường tiểu học, THCS. Theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, các giáo viên Phi-líp-pin hòa nhập nhanh và tạo được môi trường giao tiếp, phát triển kỹ năng nghe, nói tiếng Anh cho học sinh. Không những thế, gắn bó với trường nên giáo viên Phi-líp-pin còn kích hoạt môi trường nói tiếng Anh cho đồng nghiệp Việt Nam thông qua các buổi giao ban về chuyên môn của các tổ ngoại ngữ.

Dù còn xa mới có thể chuẩn hóa đội ngũ giáo viên tiếng Anh nhưng những nỗ lực của Thành phố Hồ Chí Minh đã được “đền đáp” bằng tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn cao nhất cả nước.

Tại một hội nghị trực tuyến mới đây bàn về dạy và học ngoại ngữ, ngành giáo dục Quảng Nam cũng có một bài học kinh nghiệm quý báu. Theo đó, ngành giáo dục Quảng Nam đã tăng cường hợp tác quốc tế để phát triển hệ thống giáo viên tình nguyện nước ngoài. Thực tế ở Quảng Nam cho thấy, nếu các em học sinh được tiếp cận giao tiếp với người nước ngoài thì trình độ tiếng Anh được cải thiện rõ rệt.

Ngoài ra, trong một thế giới hội nhập, tiếng Anh là thứ không thể thiếu để đưa Việt Nam ra với quốc tế. Vì thế, cần phải có chính sách hỗ trợ đội ngũ giáo viên giảng dạy chuyên ngành ngoại ngữ. Hơn nữa, do đặc thù công việc, việc soạn bài, giảng dạy của nhóm giáo viên này thường mất nhiều thời gian, công sức trong khi thù lao theo giờ giảng dạy không cao do học phí không thể tăng hơn mức quy định.

Theo thống kê, hiện nay, trong số 14 nền kinh thế mạnh nhất thế giới, có đến 5 nước sử dụng tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ. 5 nước này chiếm tỷ trọng 33% nền kinh tế toàn cầu và dân số chiếm khoảng 24% toàn cầu. Sự trùng hợp này không hẳn là ngẫu nhiên. Tiếng Anh đã trở thành một phương tiện, một công cụ để các nền kinh tế này gắn kết sâu sắc với toàn cầu, đem lại những thế mạnh trong phát triển kinh tế. Do đó, nếu mong muốn phát triển kinh tế qua con đường hội nhập quốc tế, Việt Nam không thể không xây dựng một đội ngũ giáo viên tiếng Anh đạt chuẩn quốc tế. Để từ đó, nâng cao trình độ tiếng Anh của toàn xã hội.

HẢI LÝ