QĐND - Sau khi anh hy sinh, theo giấy báo tử, người vợ và gia đình đã lên Cao Bằng, vào nghĩa trang tìm hài cốt liệt sĩ tên Nguyên mang về quê mai táng. Để rồi, đến năm 1993, từ một bài báo đăng trên Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần, mọi người mới biết họ đã nhầm. Hài cốt liệt sĩ ấy không phải là anh...

Tiếp dòng hồi ức của một đại tá

Trong bài viết gửi Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần, Đại tá Phạm Đức Quang, nguyên Phó chủ nhiệm Chính trị Học viện Chính trị đã kể tiếp câu chuyện về Đại úy Phạm Gia Nguyên như sau:

“Thời gian lặng lẽ trôi đi. Sau hơn 10 năm công tác, tôi được bổ nhiệm làm Phó chủ nhiệm Chính trị của Trường Sĩ quan Chính trị. Vào khoảng tháng 7-1993, một ngày nọ mở Báo Quân đội nhân dân (hình như là số cuối tuần), tôi bỗng giật mình khi được đọc bài báo nói về việc vừa tìm thấy hài cốt 4 liệt sĩ ở Hà Quảng, Cao Bằng. Trong số tên liệt sĩ được nêu trong bài báo, có nhắc đến một người tên là Nguyên, là cán bộ chính trị của đơn vị đến thực tập. Đúng là anh rồi! Đọc bài báo mà nước mắt tôi ứa ra tự lúc nào. Bất giác, trong lòng tôi cảm thấy bồn chồn như cảm nhận có một điều gì đó sắp diễn ra.

Cùng với thời gian, chị Tâm càng cảm nhận sâu sắc hơn những phẩm chất của người chính trị viên nơi anh. Ảnh: NGUYÊN MINH

Khoảng mươi ngày sau, khi tôi đang ngồi viết báo cáo thì được đồng chí trực ban cho biết có khách đến xin gặp thủ trưởng cơ quan. Tôi đứng dậy, bước ra phòng khách thì gặp một phụ nữ với nét mặt đượm buồn, chị nói:

- Tôi là Tâm, vợ liệt sĩ Phạm Gia Nguyên...

Nghe lời chị kể, tôi sững sờ. Thì ra, năm 1979, gia đình đã nhận được giấy báo tử việc anh Nguyên hy sinh. Sau đó 4 năm, gia đình đã lên Cao Bằng, tìm đến nghĩa trang, thấy ngôi mộ ghi tên liệt sĩ Nguyên nên đã đưa về nghĩa trang địa phương để mai táng. Chuyện đi tìm anh tưởng thế là xong nhưng cách đây ít ngày, khi đọc được bài đăng trên Báo Quân đội nhân dân, lại nhắc đến việc tìm thấy một liệt sĩ tên là Nguyên, là cán bộ nhà trường chỉ huy bộ đội về thực tập, khiến chị và gia đình rối bời, muốn nhờ nhà trường giúp đỡ, trở lại Cao Bằng tìm hiểu thực hư. Gia đình nghĩ rằng, có thể có hai liệt sĩ tên là Nguyên và hài cốt mà gia đình đưa về địa phương là một liệt sĩ khác, còn anh Phạm Gia Nguyên vẫn nằm ở Hà Quảng, Cao Bằng.

Chúng tôi cùng đi tìm, lật giở lại bài báo thì thấy có nhắc đến chi tiết một phụ nữ trực tiếp có mặt trong hang đá nơi các anh hy sinh, biết rõ tên từng người thì rõ ràng có cơ sở tin cậy: Hài cốt tìm thấy có thể là liệt sĩ Phạm Gia Nguyên.

Tôi điện thoại báo cáo sự việc với Trung tướng Văn Cương, lúc đó là Hiệu trưởng nhà trường. Ông lặng đi giây lát rồi nói giọng xúc động:

- Nghĩa tử là nghĩa tận, anh em mình phải cố gắng cùng gia đình làm rõ việc này. Đồng chí cho mời gia đình lên gặp Ban giám hiệu nhé!

Sau cuộc gặp gỡ, động viên thân tình, Trung tướng Văn Cương đã chỉ thị cho Cơ quan Chính trị chúng tôi chuẩn bị mọi mặt để cùng gia đình lên đường ngay. Tôi rất muốn được đi tìm anh, song vì lúc này nhà trường đang chuẩn bị diễn tập cuối khóa cho học viên nên tôi phải ở lại. Cơ quan cử Trung tá Nguyễn Bá San, Trợ lý Chính sách cùng chị Tâm và gia đình lên đường. Ngày ấy đường sá còn khó khăn, xe đi từ 5 giờ sáng, mãi tới chiều hôm sau mới tới Hà Quảng. Qua xác minh, kiểm chứng thông tin, các nhân chứng và gia đình đều khẳng định, hài cốt được tìm thấy trong hang đá chính là liệt sĩ Phạm Gia Nguyên. Địa phương đã làm các thủ tục nhanh chóng để đưa hài cốt của anh về quê hương, mai táng trong nghĩa trang liệt sĩ. Riêng phần mộ của liệt sĩ Nguyên đã đưa về từ trước, vẫn để trong nghĩa trang dòng họ ở xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm”.

Bài báo và những người trong cuộc

Đại tá Phạm Đức Quang nghỉ hưu, không còn điều kiện liên hệ với gia đình anh Nguyên thường xuyên. Nhưng dịp tháng Mười năm nay, nhân kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống của Học viện Chính trị, kỷ niệm về một “người thầy tại chỗ - người chính trị viên” lại trở về thao thức trong ông, thôi thúc ông cầm bút viết bài về anh Nguyên và tìm đến Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần.

Suốt một buổi sáng, được sự giúp đỡ nhiệt tình của chị em nhân viên Phòng Tư liệu Báo Quân đội nhân dân, tôi và ông đã lật giở lại tất cả các số Báo Quân đội nhân dân từ năm 1992 đến 1994. Hai bác cháu thay nhau, người tìm số hằng ngày, người tìm số báo Cuối tuần. Lật giở những trang báo đã úa màu thời gian, tôi thấy đôi tay ông run run, xúc động. Gần đến xế trưa, tôi định đề nghị ông tạm nghỉ, buổi chiều tìm tiếp thì Đại tá Phạm Đức Quang bỗng reo lên: “Đây rồi! Đây rồi!”.

Ông vui mừng đưa tôi xem. Thì ra, đó là bài báo “Tìm thấy thêm 4 hài cốt liệt sĩ hy sinh tại Hà Quảng (Cao Bằng)” đăng trên Báo Quân đội nhân dân Thứ bảy (nay là Quân đội nhân dân Cuối tuần), số ra ngày 10-7-1993. Tác giả bài viết là ông Lã Vinh ở Liên đoàn Lao động tỉnh Cao Bằng. Bài báo miêu tả khá tỉ mỉ cuộc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, bắt nguồn từ lời kể của một nhân chứng, một người duy nhất còn sống sót sau trận đánh là chị Hoàng Thị Sinh, lúc đó công tác tại Phòng Y tế huyện Yên Lập (Vĩnh Phúc). Chị cho biết, lúc đó chỉ còn 5 người trong hang, bao gồm: Anh Nguyễn Khắc Đế, chỉ huy; anh Nguyên (chị nhớ láng máng là Thượng úy, cán bộ chính trị đơn vị thực tập); chị và 2 chiến sĩ vệ binh.

Chị Tâm cùng gia đình khi trở lại Trường Sĩ quan Chính trị nhờ giúp đỡ tìm hài cốt của chồng năm 1993. Ảnh tư liệu do gia đình cung cấp.

Sau 18 năm, bây giờ gia đình liệt sĩ Phạm Gia Nguyên ra sao? Chuyện một gia đình do điều kiện chiến tranh, thờ hai ngôi mộ liệt sĩ, nay sự việc như thế nào? Gia đình liệt sĩ tên Nguyên kia liệu đã biết và tìm được hài cốt anh chưa? Những câu hỏi khiến tôi và Đại tá Phạm Đức Quang trăn trở...

Liên hệ với Học viện Chính trị, rồi Trường Sĩ quan Chính trị, cuối cùng, tôi đã có trong tay số điện thoại của con trai liệt sĩ Phạm Gia Nguyên. Chàng trai tên là Quang Anh, nay công tác tại một công ty phân phối máy công cụ, rất xúc động nói:

- Số điện thoại của em có dãy cuối chính là tháng và năm sinh của em. Em ra đời chỉ vài tháng sau khi bố em hy sinh nên chưa hiểu nhiều về quãng thời gian công tác của bố. Nếu được đọc những bài báo về bố em như thế, thật quý giá vô cùng!

Quang Anh cho tôi số điện thoại của mẹ em. Vào một buổi sáng mùa thu đẹp trời, tôi đã tìm đến gặp chị Tâm, vợ liệt sĩ Phạm Gia Nguyên. Tôi ngập ngừng đứng trước cửa một nhà hàng to lớn, sang trọng trên phố Ngọc Khánh (Hà Nội). Ra đón tôi là một thiếu phụ tóc đã pha sương và gương mặt hiền từ, phúc hậu. Chị Tâm cho hay, đây là nhà con gái chị, dịp này chị lên bế cháu ngoại, giúp đỡ con. Sau khi chồng hy sinh, chị không đi bước nữa, ở lại dồn sức nuôi hai con ăn học, trưởng thành. Nỗi đau mất anh do chiến tranh khó gì bù đắp, nhưng sự trưởng thành của hai con lại là niềm hạnh phúc, giúp chị vượt qua những tháng năm đau buồn, cơ cực.

Nhắc lại kỷ niệm về anh Phạm Gia Nguyên, hai dòng lệ lại tuôn trào trên mi người thiếu phụ. Chị kể: Anh chị lấy nhau thời bao cấp, chị làm việc cho một hợp tác xã thủ công ở Hà Nội, còn anh là cán bộ quản lý ở Học viện Chính trị, rồi chuyển về Trường Sĩ quan Chính trị ở Bắc Ninh. Ngày ấy kinh tế còn khó khăn, lương bộ đội của anh chỉ đủ... nuôi anh. Vợ chồng lấy nhau nhưng vẫn ở nhờ bố mẹ chồng trên phố Nguyễn Du. Anh miệt mài với nhà trường, với các khóa học viên, lâu lâu mới tranh thủ về nhà. Anh sống rất tình cảm, coi nhẹ vật chất, quan tâm động viên bố mẹ, vợ con. Trước ngày lên đường chiến đấu, anh đã giấu chị, chỉ nói là lên cơ quan như bình thường. Nhưng linh cảm của người vợ trẻ cho chị thấy có điều gì chẳng lành sắp diễn ra. Không hiểu sao, lúc chia tay, chị bỗng òa khóc nức nở, nằng nặc đòi anh ở lại. Vậy mà anh vẫn cười lớn, động viên chị:

-  Ơ hay! Người ta lên trường làm việc, có đi đâu đâu mà lo lắng. Việc gì em phải khóc thế này?

Rồi anh ra đi mãi mãi không về.

Sau này, khi đọc được bài đăng trên Báo Quân đội nhân dân, chị và gia đình mới bàng hoàng biết đã tìm nhầm mộ đồng đội anh đưa về quê thờ cúng, còn hài cốt của anh vẫn trên Hà Quảng. Sau chuyến đi cùng đoàn cán bộ nhà trường, qua các nhân chứng, đặc biệt là chị Hoàng Thị Sinh, y tá của đơn vị chiến đấu cùng anh, chị mới biết anh đã hy sinh trong tư thế của người chính trị viên, bám trụ đến cùng và luôn bình tĩnh, động viên mọi người không nao núng.

Những thông tin ấy, cùng ánh mắt, lời nói của anh lúc chia tay, sau bao nhiêu năm càng khiến chị hiểu sâu sắc hơn phẩm chất của người chính trị viên nơi anh. Dù trong hoàn cảnh nào, khó khăn, nguy hiểm đến đâu, các anh cũng luôn bình tĩnh, luôn động viên mọi người, vì mọi người, vì nhiệm vụ và quên cả bản thân mình.

Gia đình liệt sĩ Nguyên nay ở đâu?

Qua chị Tâm, chúng tôi cũng được biết: Mộ liệt sĩ Nguyên mà gia đình chị vô tình do điều kiện chiến tranh, thiếu thông tin đã đưa về Đông Ngạc, Từ Liêm mai táng, nay vẫn nằm trong nghĩa trang dòng họ. Chị chỉ biết anh Nguyên này hình như quê ở Hưng Yên. Bao năm qua, gia đình chị rất trăn trở về việc này nhưng cũng chưa tìm được manh mối nào để liên hệ với gia đình liệt sĩ Nguyên. Nhưng chị, các con và dòng họ từ lâu đã coi phần mộ anh như mộ người ruột thịt trong dòng họ. Chị chỉ mong muốn, qua Báo Quân đội nhân dân, giá như gia đình anh Nguyên cũng tìm được anh như chị tìm được hài cốt chồng năm xưa, thì thật là một niềm hạnh phúc đến hai lần! Chị Tâm cũng mong muốn qua bài báo này, liên lạc được với ông Lã Vinh và chị Hoàng Thị Sinh để cảm ơn họ đã giúp chị tìm lại được anh. Ai biết những thông tin liên quan, xin được liên hệ với biên tập viên Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần qua số điện thoại: 0983225576; hoặc với chị Tâm qua số điện thoại: 0988210679.

Bài và ảnh: NGUYÊN MINH