Gia đình tan nát, ly tán             

Vì cả đại gia đình và người thân bị bắt quá lâu nên khi trở về thì gia đình tan nát, ly tán, nhà cửa hư hỏng, đất đai bị lấn chiếm. Dù không phạm tội và đã được trả lại tự do nhưng họ bỗng bơ vơ, xa lạ tại chính nơi mình đã sinh ra và lớn lên. Không còn cách nào khác, họ phải tản mát tìm nơi kiếm sống. Vợ chồng ông Nghị và một số người dạt vào xã vùng sâu của huyện Dầu Tiếng để làm thuê, nhặt nhạnh sống qua ngày. Ông Nghị đã mất. Anh Chánh, sau ngày được bố mang 5 chỉ vàng lên nộp để được tha về, đã bỏ vợ con (vợ là chị Ngọc Lan khi đó vẫn trong tù) đi biệt tích; đến nay không ai biết anh sống chết ở đâu. Anh Chiến do di chứng những ngày bị nhục hình, tinh thần luôn bấn loạn, tai điếc, cũng bỏ vợ con…

leftcenterrightdel

Một số nhân chứng của vụ án oan kể lại sự việc với phóng viên Báo Quân đội nhân dân. Ảnh: Hoàng Tiến 

Nỗi đau dồn nén gần 40 năm qua, khi gặp chúng tôi, nhiều nạn nhân trong vụ án oan hiện đang sống tại ấp Định Phước, xã Định Hiệp, huyện Dầu Tiếng kể lại chuyện trong nước mắt. Bà Võ Thị Thương, năm nay 92 tuổi, cho biết: Sau ngày ra tù, 2 căn nhà và gần 2 mẫu đất mà chúng tôi ở trước đây đã bị chiếm mất. Chúng tôi phải vào đây, cực đến tận bây giờ. Tôi đang sống với một thằng con trai và đứa cháu ngoại mồ côi bố mẹ. Mẹ con bà cháu vẫn ngày ngày đi mót mủ cao su, cũng chỉ kiếm vài chục nghìn, sống qua ngày. Cạnh nhà bà Thương cũng là 2 căn nhà cấp 4 lúp xúp, xập xệ của mẹ con bà cháu chị Nguyễn Thị Lan và chị Ngọc Lan. Những thân phận nghèo khổ ấy nương tựa vào nhau giữa rừng cao su suốt hơn 30 năm qua. Chị Nguyễn Thị Kim Chung, khi vào tù với mẹ và gia đình mới là đứa bé 2,5 tháng tuổi. Cuộc sống nghèo khổ nên chị chỉ học đến lớp 4 rồi bỏ học đi làm thuê. 16 tuổi đã lấy chồng, sinh được một con gái thì chồng cũng bỏ đi. Chị Chung nói trong nước mắt: “Còn quá nhỏ nên không thể nhớ những ngày ở tù với mẹ và gia đình, nhưng tôi hiểu để gia đình cơ cực, tan nát đến bây giờ là do bắt nguồn từ vụ án oan ngày đó. Nếu như không có tai họa ấy, cuộc sống, tương lai gia đình chúng tôi, con cháu chúng tôi sẽ khác…”.

Riêng với anh Nguyễn Văn Dũng, từ một quân nhân đang làm nhiệm vụ chiến đấu ở mặt trận, vừa bị thương chưa kịp đi giám định thương tật đã bị bắt oan, bị mất tất cả quyền lợi chính trị của một quân nhân và tương lai, sự nghiệp… Khi được thả tự do, anh đã trở về đơn vị trình bày thì được trả lời là “Đã cắt quân số. Mọi chế độ và quyền lợi do Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Tây Ninh giải quyết”. Anh khiếu nại tới Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Tây Ninh thì không được thụ lý, giải quyết. Bản thân anh khi ra tù không còn nhà cửa, vừa đi khiếu nại vừa lang thang kiếm sống. Tưởng như đã đi đến đường cùng thì may mắn anh gặp chị Hồ Thị Tiến ở huyện Gò Dầu thương và lấy làm chồng. Anh được nhà vợ cưu mang, bố vợ anh còn bán cặp bò, tài sản có giá trị nhất của gia đình, để anh đi khiếu kiện. “Tôi phải mang ơn vợ và nhà vợ nhiều lắm. Khi ấy, nhiều lúc uất quá, định làm liều thì cô ấy lại nhẹ nhàng khuyên bảo, rằng anh phải sống để đi tìm công lý chứ. Anh mà chết đi thì ai có thể minh oan cho anh được” - anh Dũng xúc động tâm sự.

Qua nhiều đơn thư khiếu nại và sự vào cuộc trực tiếp của cơ quan, đơn vị thuộc Quân khu 7, tháng 12-2000, anh Dũng được Sư đoàn 317 ra quyết định giải quyết chế độ xuất ngũ. Mới đây, anh được Hội Cựu chiến binh (CCB) của xã Thanh Phước, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh giới thiệu vào làm bảo vệ của một công ty tư nhân. Anh bảo, lương bảo vệ hơn 4 triệu đồng một tháng, dù chưa thấm gì để trang trải nợ nần sau hành trình dài khiếu kiện, nhưng so với làm ruộng cũng là hơn rồi…

Sự vào cuộc vì công lý

Hàng chục năm nay, CCB Nguyễn Văn Dũng đã lặn lội đi khắp nơi để khiếu nại. Anh đã vay mượn tiền, 3 lần vượt hàng nghìn cây số đội đơn ra tận Thủ đô Hà Nội, hàng trăm lần lên Thành phố Hồ Chí Minh và các cơ quan chức năng của tỉnh Tây Ninh. Ngoài việc được quân đội giải quyết xuất ngũ cho quân nhân Dũng, các cơ quan tố tụng vẫn kính chuyển đơn thư, công văn lòng vòng. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tây Ninh trả lại đơn và cho rằng Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Tây Ninh mới là cơ quan có thẩm quyền giải quyết đơn. Thường trực tiếp công dân của Quốc hội hướng dẫn anh Dũng gửi đơn đến Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao. Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cũng như Cục Bồi thường Nhà nước, Bộ Tư pháp cũng nhiều lần chuyển công văn qua lại. Trong khi đó, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Tây Ninh thì lại khẳng định, cơ quan mình “không có căn cứ xem xét thụ lý, giải quyết đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại của ông Nguyễn Văn Dũng”.

Gần đây, vào ngày 20-4-2017, anh Dũng mới được Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, và đến trung tuần tháng 8 vừa qua, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Tây Ninh mời làm việc. Tuy nhiên, đến thời điểm hết tháng 8-2017, anh Nguyễn Văn Dũng vẫn chưa có quyết định chính thức của các cơ quan tố tụng giải quyết các khiếu nại của anh.

Trong khi đó, tại báo cáo kết quả xác minh và giải quyết chế độ xuất ngũ cho quân nhân Nguyễn Văn Dũng của Sư đoàn BB 317, Quân khu 7 do Đại tá Phạm Minh Phụng ký ngày 8-12-2000 cũng thừa nhận: “Đồng chí Nguyễn Văn Dũng được cử về nước công tác và bị bắt oan chứ không phải đào ngũ. Việc bắt không thông báo cho đơn vị chủ quản biết, bắt oan người vô tội thuộc trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng địa phương đương thời”.

Theo điều tra của chúng tôi, chỉ khi có chỉ đạo của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Tây Ninh mới mời anh Dũng làm việc, nhưng cũng chưa có động thái tích cực nào sau đó. Chiều 31-8-2017, chúng tôi đến Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Tây Ninh để tìm hiểu. Mặc dù đã gọi điện thoại đăng ký hẹn làm việc từ trước qua ông Thân Văn Danh, Trưởng phòng Xét xử phúc thẩm, người trực tiếp thụ lý đơn của anh Nguyễn Văn Dũng, nhưng qua nhiều bước “xin ý kiến”, chúng tôi phải ngồi chờ nhiều giờ trong phòng tiếp dân của viện. Cả ông Trương Văn Minh Tân, Chánh văn phòng và ông Thân Văn Danh đều lấy lý do “Theo quy chế, chúng tôi phải chờ Viện trưởng họp xong, giao nhiệm vụ thì mới được ý kiến” để từ chối làm việc. Đến cuối buổi chiều, sau nhiều cuộc điện thoại, ông Danh đồng ý gặp chúng tôi “vài phút” để trao đổi. Ông Danh chỉ nói: Chúng tôi đã tiếp nhận đơn của anh Nguyễn Văn Dũng và đang trong quá trình xem xét theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

- Nghĩa là viện đang xem xét theo hướng bồi thường cho anh Dũng? - chúng tôi hỏi.

- Chúng tôi chưa khẳng định là có bồi thường hay không mà là đang trong quá trình xem xét - ông Danh nói lại.

Hơn 38 năm kể từ ngày bị bắt, hơn 34 năm từ ngày được trả lại tự do, những mất mát về tinh thần, thể xác và vật chất của gia đình CCB Nguyễn Văn Dũng thật khó đo đếm được. Sự việc tưởng chừng như được sáng tỏ sau quyết định đình chỉ điều tra của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Tây Ninh, nhưng đến nay, các cơ quan tố tụng chưa có quyết định chính thức để xin lỗi và đền bù oan sai cho người bị hại như luật định.

Báo Quân đội nhân dân đề nghị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tây Ninh chỉ đạo Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Tây Ninh và các cơ quan chức năng liên quan xem xét lại toàn diện về quá trình tố tụng và giải quyết hậu quả vụ án oan này. Từ đó, phải xin lỗi công khai và đền bù thỏa đáng cho các nạn nhân theo đúng quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Đồng thời làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật trách nhiệm của các tập thể, cá nhân làm oan sai và chậm trễ trong giải quyết hậu quả vụ án tại xã Đôn Thuận hơn 38 năm trước đây.

 Theo thông tin chúng tôi mới nhận được, Ban liên lạc Sư đoàn 5 và Văn phòng đại diện Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam khu vực phía Nam đã thành lập một tổ công tác để hỗ trợ tinh thần, vật chất cho CCB Nguyễn Văn Dũng và gia đình trong vụ án oan. Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân chiều 8-9-2017, luật sư Phạm Công Út, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh, khẳng định: Đây là một vụ oan sai nghiêm trọng. Việc bồi thường danh dự, vật chất không phải là đòi hỏi của những người bị oan sai mà là họ xứng đáng được hưởng như thế, bù lại một phần những mất mát suốt gần 40 năm qua. Đồng thời qua đó làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân thuộc các cơ quan tố tụng. Ông Út cũng nhận tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho anh Dũng và các nạn nhân trong vụ án này.

Điều tra của HOÀNG TIẾN - TÙNG SƠN