QĐND -  LTS: Một buổi sáng mùa thu, Đại tá Phạm Đức Quang, nguyên Phó chủ nhiệm chính trị Học viện Chính trị tìm đến Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần. Ông nói: “Các anh giúp tôi tìm một bài đăng trên Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần vào khoảng năm 1992-1993 gì đó. Trong bài báo ấy, có nhắc đến một “người thầy tại chỗ” của tôi, một người cán bộ quản lý học viên bình dị mà rất tiêu biểu và mẫu mực. Còn đây là bài viết của tôi về anh”. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bài viết của Đại tá Phạm Đức Quang...

Đại úy Phạm Gia Nguyên.Ảnh tư liệu

Đầu tháng 5-1973, sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở chiến trường Quảng Trị, đơn vị tôi-Tiểu đoàn 64, Sư đoàn 320B ra Tĩnh Gia (Thanh Hóa) để củng cố, huấn luyện bổ sung và sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới.

Chừng hơn một tháng sau khi ổn định nơi ăn chốn ở, đơn vị được cấp trên thông báo sẽ có đoàn cán bộ và học viên của Học viện Chính trị về thực tập. Đám sĩ quan trẻ, trợ lý cơ quan mỗi người suy nghĩ một kiểu: Có người cho rằng cán bộ học viên của học viện về công tác là cơ hội để cấp trên cho cán bộ đơn vị được đi phép “xả hơi” sau thời gian chiến đấu. Người thì lại nghĩ, với vài tháng ở đơn vị, liệu họ có giúp được gì? Học viên thực tập sẽ chỉ nặng về quan sát, học hỏi...

Mọi suy nghĩ ấy đều sai, vì ngay trong ngày đầu tiên khi làm việc với đoàn cán bộ, học viên của học viện, Chủ nhiệm Chính trị đã nhấn mạnh: Đoàn cán bộ, học viên của học viện về đơn vị thực tập là dịp để học viên thực hành công việc của người chính trị viên tương lai, là để cán bộ, giáo viên trao đổi kinh nghiệm, nắm tình hình công tác Đảng, công tác chính trị ở đơn vị chiến đấu để bổ sung cho bài giảng, trực tiếp giúp đơn vị tận dụng thời gian huấn luyện bổ sung đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Do vậy, cán bộ, chiến sĩ của trung đoàn cần phối hợp chặt chẽ với cán bộ, học viên của học viện, coi các đồng chí như cán bộ của đơn vị để triển khai hoạt động theo kế hoạch chung, thống nhất...

Phụ trách đoàn thực tập là Trung úy Phạm Gia Nguyên. Anh được bố trí sinh hoạt, ăn ở cùng với Ban Chính trị trung đoàn. Buổi đầu anh Nguyên về phòng (gọi là “phòng” cho sang chứ thực chất chỉ là một gian nhà tranh tre, nứa lá mới dựng), anh đã nhanh chóng làm quen với chúng tôi. Phượng (quê Thanh Hóa), Tháng (quê Nam Định) là hai người được anh hỏi thăm trước, các cậu ta đều liến thoắng trả lời. Đến lượt tôi, anh hỏi:

- Đồng chí tên gì? Quê ở đâu? Bao nhiêu tuổi rồi? Đã có vợ con chưa?

Tôi trả lời:

-   Em là Quang, quê Thái Bình, năm nay 26 tuổi, có vợ nhưng chưa có con!

Thấy tôi trả lời nhát gừng, anh chuyển sang hỏi về công việc chung của cơ quan và tình hình đơn vị. Buổi ra mắt làm quen qua nhanh, chúng tôi mỗi người một việc giúp anh kê giường nằm, kéo dây mắc màn, làm giá ba lô, giá bát, giá giày. Vừa làm, tôi vừa nhìn anh với ánh mắt “thăm dò”, để ý từng hành động xem anh "cán bộ học viện” có gì đặc biệt.

Cuối giờ chiều, khi sân bóng chuyền đã có người tập, tôi dè dặt hỏi:

-   Anh Nguyên có thích chơi bóng chuyền không?

-   Có, nhưng mình chơi còn dở lắm! - anh trả lời.

-   Không sao! Ở đây chúng em cũng mới tổ chức tập thôi, anh cùng chơi với chúng em nhé!

Thế là mấy anh em ra sân cùng nhau chơi vui vẻ. Hết giờ thể thao, anh cầm trên tay bộ quần áo đi lại có ý tìm nhà tắm ở đâu. Tôi lại gần anh, nói nhỏ:

- Đơn vị chưa làm được nhà tắm. Chúng em “tắm tiên” ở khe núi!

Anh bật cười rồi vui vẻ đi cùng tôi.

Hồi đó, sinh hoạt ban đêm chủ yếu sử dụng đèn măng-sông, còn cán bộ, trợ lý làm việc bằng đèn dầu. Sau khi ăn tối xong, cả ban thường tranh thủ hội ý, triển khai công việc ngày hôm sau. Anh Nguyên chăm chú theo dõi và ghi chép đầy đủ. Cũng có hôm anh vắng mặt, hỏi ra mới biết anh báo cáo xuống đơn vị để cùng ra thao trường tập bắn ban đêm và để kiểm tra học viên thực tập. Những hôm như thế anh thường về muộn, nhẹ nhàng chui vào màn không để ảnh hưởng đến người xung quanh, nhưng sáng ra, thấy hiệu lệnh báo thức là anh bật dậy ngay, ra sân tập thể dục.

Một lần anh Nguyên đi với tôi xuống Tiểu đoàn 9, đoạn đường khá xa. Vừa đi, anh vừa khéo léo gợi chuyện. Anh nói năm nay, ngoài ba mươi tuổi nhưng do bận công việc nên chưa lập gia đình, bố anh mất sớm, mẹ anh ở Hà Nội đã nhiều lần giục anh lấy vợ để bà có cháu bế nhưng anh cứ lần lữa mãi. Nét mặt anh thoáng buồn. Lúc đó anh chưa biết, bố tôi cũng là liệt sĩ chống Pháp, mẹ tôi đã già, hoàn cảnh tôi cũng chỉ khác anh một chút là tôi đã có vợ. Anh hỏi tôi trước khi vào chiến trường có được học hành qua trường lớp nào không. Tôi nói:

- Em học Trường Quân sự Quân khu 3 sáu tháng. Học xong là nhận nhiệm vụ đi chiến đấu ngay anh ạ!

Suy nghĩ một lát, anh nói:

-   Việc học là cần thiết lắm! Có học chúng ta mới hiểu nhiều điều, mới làm việc tốt được. Em cần cố gắng tranh thủ đọc báo, nghe đài, tìm hiểu kỹ hơn về công tác tổ chức, chính sách, cán bộ, bảo vệ, kiểm tra... Đó là các mặt công tác chính trị mà người cán bộ chính trị cần nắm vững.

-   Nhưng mà khó lắm anh ạ! Vì ở đơn vị đâu có tài liệu mà đọc, mà nghiên cứu. Hơn nữa, chúng em lại rất bận! - Tôi chống chế.

-    Được! Anh sẽ cho em mượn một số tài liệu để em nghiên cứu. Chỗ nào chưa rõ hỏi anh, anh chỉ cho.

Cứ tưởng anh chỉ nói thế cho vui. Nào ngờ anh rất quan tâm đến nguyện vọng đọc sách của một chiến sĩ như tôi. Do công việc chỉ đạo, kiểm tra học viên thực tập rất bận nên hàng tuần anh em tôi mới có dịp ngồi với nhau. Anh nói, ở đơn vị chiến đấu có nhiều kinh nghiệm hay, cần được ghi chép và phổ biến rộng rãi như: Vì sao người chiến sĩ đang hành tiến mà nghe tiếng nổ đề-pa là biết địch bắn từ đâu tới, gần hay xa, là loại pháo gì? Vì sao máy bay B52 bay ngang qua trên đầu mà quân ta không sợ? Vì sao bộ đội vượt sông vào Thành cổ Quảng Trị lại ít bị thương vong? Vì sao anh Kiều Ngọc Luân bị địch bao vây, vũ khí còn ít vẫn cùng đồng đội bố trí được thế trận hợp lý, đẩy lùi nhiều đợt tiến công của địch và trở thành anh hùng?

Sau này nhìn lại, tôi mới thấy ngày ấy anh còn trẻ nhưng đã thực sự có tầm nhìn xa, xứng đáng là một cán bộ, giảng viên giỏi.

Kết thúc đợt thực tập, anh tổng hợp tình hình, báo cáo xin ý kiến lãnh đạo, chỉ huy trung đoàn. Đoàn thực tập đã được đơn vị đánh giá: “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.

Chỉ còn một đêm nữa anh ở cùng chúng tôi. Ngồi trong lán uống nước và hút thuốc cuộn, trong tôi bao suy nghĩ muốn hỏi anh. Từ hình ảnh đầy gương mẫu của anh, đã lớn dần trong tôi một dự định, một ước mơ. Hồi lâu tôi mới đánh bạo lên tiếng:

-   Anh Nguyên ơi! Liệu chúng em có đủ điều kiện để được về học viện học tập không?

-    Đủ quá đi chứ! Có điều mỗi khóa học, chỉ tiêu trên giao có phần hạn chế. Do vậy, các em phải cố gắng công tác tốt, rèn luyện tốt, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao để đơn vị tín nhiệm cử đi học-anh trả lời.

Vâng lời anh, tôi và đồng đội ra sức phấn đấu. Tháng 8-1974, tôi có hai niềm vui lớn. Một là, vợ tôi báo tin sinh con trai “mẹ tròn con vuông”. Hai là, tôi được cử đi học tại Học viện Chính trị. Niềm vui khôn tả. Tôi có một ngày bàn giao công việc để gấp rút lên đường. Chia tay cơ quan, anh em tiễn tôi một đoạn đường khá xa, nhiều chỗ mấp mô khiến tôi vấp ngã liên tục, lòng dạ bồn chồn bao suy nghĩ...

Tôi được về Đại đội 2, Tiểu đoàn 22, nơi có nhiệm vụ đào tạo chính ủy, chính trị viên. Ngày đầu nhập học, rất nhiều việc cần làm: Nhận tài liệu, súng, cuốc, xẻng, đất tăng gia, quét dọn nhà cửa, vệ sinh doanh trại. Phải mất mấy ngày sau, tôi mới có thời gian đi tìm anh Nguyên. Nghe tôi trình bày, chính trị viên đơn vị tôi cười:

- Phạm Gia Nguyên phải không? Hiện anh ấy ở khu đào tạo cán bộ sơ cấp, bên kia cầu Đa Phúc, cách đây gần 5km.

Tôi lặn lội cuốc bộ tìm đến đơn vị anh, ngập ngừng gõ cửa. Anh đang miệt mài bên bàn làm việc. Nhận ra tôi, anh chạy lại, hai anh em ôm choàng lấy nhau mừng rỡ. Anh ôn tồn hỏi tôi về tình hình trung đoàn, sức khỏe anh em và hỏi rất kỹ việc học tập của tôi. Thời gian trôi mau, đến lúc tôi phải về đơn vị. Trên đường tiễn tôi, anh nhỏ nhẹ nhắc tôi chăm chỉ học tập, rèn luyện, chú ý ghi chép, chỗ nào chưa rõ thì hỏi thầy, hỏi bạn, đừng giấu dốt. Anh bảo:

-   Anh có xe đạp, khi nào rảnh, anh sẽ tới thăm em!

Giữ lời hứa, 4 tháng sau đó, tháng nào anh em tôi cũng gặp nhau. Anh luôn quan tâm, động viên tôi học tập.

Cuối tháng 12-1974, tôi và một số học viên được cử về Trường Văn hóa ở Lạng Sơn để học ngoại ngữ, chuẩn bị đi học nước ngoài. Tôi đến chào anh. Nghe tôi báo tin, anh rất vui. Anh mong tôi ra nước ngoài học tập kết quả phải cao hơn trong nước.

Sau hơn 4 năm học ở Liên Xô, tháng 8-1979, tôi về nước, được điều về Trường Sĩ quan Chính trị công tác. Thật vui vì Trường Sĩ quan Chính trị được thành lập năm 1976, trên cơ sở hệ sơ cấp của Học viện Chính trị. Tôi hy vọng và vui mừng vì mình sẽ được gặp lại anh Nguyên và sẽ là đồng nghiệp của anh.

Người đầu tiên ra đón chúng tôi là Thiếu tá Lê Xuân Vệ, trước đây cũng cùng đơn vị với tôi. Sau khi bắt tay anh, tôi có hỏi thăm anh về anh Nguyên. Giọng anh Vệ bỗng chùng xuống:

- Anh Nguyên đã hy sinh ở Cao Bằng cách đây 5 tháng em ạ!

(Còn nữa)

Kỳ sau sẽ là câu chuyện cảm động từ bài đăng trên Báo Quân đội nhân dân thứ bảy (nay là Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần) số ra ngày 10-7-1993, của tác giả Lã Vinh (khi đó công tác tại Liên đoàn Lao động huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng). Bài báo đã giúp gia đình liệt sĩ Phạm Gia Nguyên tìm được hài cốt liệt sĩ và đến nay gia đình rất mong liên hệ để cảm ơn tác giả Lã Vinh. Ai biết thông tin về ông Lã Vinh, xin liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0983225576...

Đại tá Phạm Đức Quang