QĐND - Vào một buổi chiều cuối năm, cơn mưa rào trái mùa mỗi lúc mỗi nặng hạt. Đã hơn 17 giờ, cổng phụ Bệnh viện Bạch Mai - Hà Nội đã mở cửa cho người nhà bệnh nhân ra vào. Sau khi kiểm tra lần cuối các tài liệu chuyên môn, nữ bác sĩ Nguyễn Khoa Diệu Vân - Khoa Nội tiết - khoác áo mưa ra về. Vừa xuống đến cầu thang, chị gặp một bệnh nhân đang được hối hả chuyển vào khoa trên cáng. Biết là có ca cấp cứu, bác sĩ Vân liền quay lại mặc áo blouse và vào buồng điều trị. Đó là một bệnh nhân nữ trẻ đã hôn mê, gọi hỏi không biết, thử đường máu lên đến 29mmol/l.

Bác sĩ Vân siêu âm tuyến giáp, trực tiếp chăm sóc bệnh nhân.

Sau một thời gian cấp cứu hối hả, nào truyền insulin bằng bơm tiêm điện, truyền bù dịch rồi thử đường máu cứ 1 giờ một lần… bệnh nhân đã dần hồi tỉnh. Bệnh nhân là Nguyễn Thu Hà, 37 tuổi. Chị Hà được chẩn đoán bị đái tháo đường có biến chứng hôn mê nhiễm toan ceton. Giai đoạn nguy kịch đã qua, bàn giao bệnh nhân cho ca trực, bác sĩ Vân bấy giờ mới yên tâm ra về. Thành phố đã lên đèn, ở nhà chắc các con đang mong mẹ, bố ốm đang chờ con gái. Hôm nay chồng chị, bác sĩ Đạt Anh, cũng đang trực tại Khoa Cấp cứu của Bệnh viện Bạch Mai.

Đây không phải lần đầu tiên bác sĩ Vân làm việc ngoài giờ và về muộn như vậy. Hàng ngàn bệnh nhân đã được chị tận tình và khẩn trương cứu chữa kịp thời như thế. Cách đây mấy năm, chị Nguyễn Thị Liên, 27 tuổi, công nhân ở Hạt Giao thông thị xã Hà Đông (cũ) bị basedow với thể trạng gầy sút, tim loạn nhịp hoàn toàn với tần số 120 lần/phút, mắt lồi to, có triệu chứng loạn thần, bệnh nhân thở nhanh hổn hển và rất lo lắng… Tuy không phải bệnh nhân nằm tại giường do mình phụ trách, nhưng bác sĩ Vân đã chủ động xin ban lãnh đạo khoa cho chuyển bệnh nhân vào phòng cấp cứu của mình để trực tiếp theo dõi và điều trị, nhanh chóng mời các bác sĩ chuyên khoa tâm thần hội chẩn để có hướng xử trí. Do chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời nên bệnh có những chuyển biến rõ rệt. Sợ bệnh nhân lên cơn cường giáp cấp, rất dễ dẫn đến tử vong nên hằng ngày bác sĩ Vân nhiều lần vào buồng thăm khám, theo dõi từng nhịp thở, nhịp tim, tận tình giải thích động viên người bệnh và gia đình... Nhờ vậy, chỉ sau một thời gian ngắn, nhịp tim bệnh nhân trở về ổn định, tăng cân và tinh thần ổn định. Gần một tháng sau, vào đúng dịp kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, Khoa Nội tiết Bệnh viện Bạch Mai bất ngờ nhận được một lá thư cảm ơn của bệnh nhân Nguyễn Thị Liên với những lời lẽ tri ân đầy xúc động.

PGS-TS Nguyễn Khoa Diệu Vân (ngoài cùng bên trái ) trao đổi nghiệp vụ với đồng nghiệp nước ngoài tại một hội thảo quốc tế về nội tiết, do Bệnh viện Bạch Mai tổ chức.

Còn nhớ vào mùa thu năm 2001, bệnh nhân Nguyễn Thị Khê, 49 tuổi, ở Thanh Hóa bị bệnh đái tháo đường có biến chứng suy thận và hoại tử bàn chân phải. Gia đình chị Khê rất khó khăn, nhà xa bệnh viện, việc chữa trị không đều đặn… Bác sĩ Vân đã đề đạt ý kiến của mình với ban lãnh đạo khoa cho bệnh nhân này vào buồng mình phụ trách. Tưởng chừng bệnh nhân chỉ còn chờ chuyển Khoa Ngoại phẫu thuật cắt bỏ 3 ngón chân bị thâm đen, teo thối. Vậy mà hằng ngày bác sĩ Vân vẫn tự tay mình thay băng cắt lọc chỗ hoại tử. Mỗi ngày trôi qua bệnh nhân tiến triển tốt, các tế bào mới mọc lại, các ngón chân được hồi sinh…

Một trường hợp khác: Mùa hè năm 2002, bệnh nhân Nguyễn Văn Báu, 17 tuổi, quê ở Thanh Trì - Hà Nội là con của một gia đình có 4 người, bố mẹ và chị gái đều bị bệnh đái tháo đường. Mẹ Báu đã mất vì không có tiền điều trị. Còn bố và chị gái đã nhường tiền cho cậu con trai chữa bệnh, để rồi chỉ sau đó mấy tháng bố và chị gái của em đều mất do các biến chứng của bệnh. Bác sĩ Vân đã kiến nghị lên Ban giám đốc bệnh viện xin miễn viện phí cho bệnh nhân Báu. Sau một thời gian được chị trực tiếp điều trị, Báu đã dần khỏe lên, đường huyết dần trở về mức bình thường. Giai đoạn hiểm nghèo đã qua nhưng nhà nghèo, không có thuốc điều trị tiếp tục nên đường máu lại tăng. Bệnh nhân Báu không về nhà mà lang thang xin ăn ở bệnh viện chờ hết giờ vào khoa, gặp nhân viên nào quen hoặc bệnh nhân nào tốt bụng thì xin một mũi tiêm insulin. Biết hoàn cảnh đó, bác sĩ Vân đã tự bỏ tiền ra để mua thuốc cho bệnh nhân.

Nói đến bác sĩ Vân, không chỉ bệnh nhân trong nước mà nhiều bệnh nhân nước ngoài như ông trưởng dự án JICA người Nhật và một bệnh nhân Cam-pu-chia bị đái tháo đường có biến chứng suy thận, từng được bác sĩ Vân tận tình cứu chữa, cũng không ngớt lời khen ngợi mỗi khi nhắc đến “đốc-tờ Vân”. Nhiều đồng nghiệp cũng không quên sự dạy dỗ, đào tạo hướng dẫn nhiệt tình của chị đối với các lớp học sinh, sinh viên, học viên sau đại học nhiều khóa… Với sự tham gia giảng dạy, hướng dẫn, dìu dắt của PGS -TS Nguyễn Khoa Diệu Vân, nhiều thế hệ thầy thuốc đã lần lượt ra trường, nhiều người hiện đang giữ những vị trí quan trọng trong các bệnh viện hoặc các trường y khoa. Nhiều bác sĩ nội trú của Bệnh viện Bạch Mai hiện nay cùng nhiều cán bộ y tế ở các địa phương cũng từng là học trò của chị. Hiện nay, ngoài việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ điều trị bệnh nhân tại bệnh viện, bác sĩ Vân vẫn tiếp tục giảng dạy cho sinh viên, hội chẩn các trường hợp bệnh nhân khó, tham gia nghiên cứu khoa học… Ngoài ra, chị đã từng là chuyên gia giúp đỡ các bác sĩ nước bạn Lào thuộc Khoa Nội chung, Bệnh viện Viêng Chăn.

PGS - TS Nguyễn Khoa Diệu Vân sinh ra trong một gia đình trí thức. Thân phụ chị từng là giám đốc một công ty dược phẩm thời chiến tranh. Thân mẫu chị là một nhà giáo, bà nguyên là Hiệu trưởng Trường PTTH Kim Liên - một trường điểm của ngành giáo dục Thủ đô. Hai chị gái của bác sĩ Vân đều là thạc sĩ Dược khoa. Chồng chị, GS - TS Nguyễn Đạt Anh hiện là Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai - Đơn vị Anh hùng Lao động. Hai con của anh chị đều ngoan, học giỏi và luôn mơ ước nối tiếp truyền thống gia đình, trở thành thầy thuốc chữa bệnh cứu người.

Bài và ảnh: Nguyễn Thị Tính