Di tích Hỏa Lò.

Đúng 11 giờ 20 phút ngày 8-1-1946, toàn thể cán bộ, nhân viên đang làm việc trong nhà pha Hỏa Lò đã vô cùng bất ngờ, xúc động khi thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thăm.

Bác đi nhanh nhẹn vào thăm các trại giam, nhà tắm, phòng khám bệnh, lớp học, nhà bếp, phòng làm việc… trong hơn một tiếng đồng hồ.

Ở đâu Bác cũng nhìn thấy những nét đổi mới nhờ tinh thần tích cực làm việc của cán bộ trại giam. Một luồng sinh khí mới đã tràn vào trại giam Hỏa Lò: phạm nhân được học chữ quốc ngữ để xóa nạn mù chữ, được tập kịch, tập hát những bài hát cách mạng và làm các hàng thủ công cải thiện đời sống.

Các trại giam được vệ sinh sạch sẽ, chế độ “cai trại” của Pháp trước ngày Tổng khởi nghĩa thành công (19-8-1945) đã bị bãi bỏ. Mỗi tháng, phạm nhân tự bầu lấy người đại diện của mình để cùng các cán bộ quản giáo giữ gìn trật tự, học hành và chăm lo cải thiện bữa ăn hằng ngày…

Đến mỗi nơi, Bác đều lắng nghe nguyện vọng của phạm nhân và Bác ân cần khuyên nhủ họ cố gắng cải tạo, sửa chữa lỗi lầm để xứng đáng là công dân của nước Việt Nam độc lập.

Các phạm nhân rất xúc động và không thể ngờ rằng, là người có tội với dân với nước mà lại được gặp vị Chủ tịch nước rất bao dung độ lượng.

Cảm động quá, không biết nói gì hơn, các phạm nhân chỉ đồng thanh hô vang: “Hồ Chủ tịch muôn năm! Hồ Chủ tịch muôn năm!”.

Khi ra về, Bác còn căn dặn đồng chí giám đốc nhà pha, cần xét lại các án tù, tha bớt những người nhẹ tội, phải chăm lo bữa ăn hằng ngày cho tốt hơn nữa, phải có tình người và lấy giáo dục là chính…

Thay mặt cán bộ và nhân viên nhà pha, đồng chí giám đốc hứa với Bác sẽ cố gắng làm tốt hơn nữa công tác quản lý và cải tạo phạm nhân.

*

*    *

Cũng tại nhà pha Hỏa Lò này, hai lần dưới thời cai trị của thực dân Pháp (1899) và (1947-1954) chúng đã giết hại bao nhiêu người dân vô tội. Năm 1882, thực dân Pháp đem quân đánh chiếm Hà Nội lần thứ hai và mở rộng chiến sự ra các tỉnh khác. Nhân dân khắp nơi đứng lên đấu tranh. Một số người bị bắt và giam giữ ở Hà Nội. Ban đầu thực dân Pháp chưa xây nhà tù nên phải vừa thuê vừa chiếm đoạt một dãy nhà, từ số 19 đến số 33 Mã Mây để làm trại giam. Đến năm 1896, chúng quyết định xây nhà tù quy mô lớn trên địa phận thôn Phụ Khánh, có tên nôm là Hỏa Lò, vì dân ở đây có nghề làm các loại ấm đất, siêu đất và bếp hỏa lò… Thực dân Pháp đã giải tán toàn bộ làng, người dân phải di tản đến ở nhờ làng Yên Nhất, phía nam thành phố và chuyển theo cả đình, cả chùa.

Nhà tù được khởi công năm 1897 do kiến trúc sư Vildieu (Vin-đi-ơ) thiết kế còn Tre-luyver (Trê-luy-vê) và Levache (La-vát-sơ) trúng thầu. Tới năm 1899, tuy chưa thật sự hoàn thành nhưng tù nhân ở Mã Mây bắt đầu được chuyển về đây. Tên chính thức là nhà tù Trung ương-Prison Centrale (Pri-dông Săng-tan) nhưng người dân cứ quen gọi là nhà tù Hỏa Lò.

Suốt thời Pháp thuộc và thời kỳ Hà Nội bị tạm chiếm (1947-1954) Hỏa Lò vừa là nhà tù, vừa là nơi tạm giam bị can khắp các tỉnh thuộc xứ Bắc Kỳ, gồm đủ loại: chính trị phạm, thường phạm, ngoại kiều (kể cả người Pháp). Tại đây có cả máy chém để thi hành án đối với những người bị kết án tử hình.

Nhà tù Hỏa Lò là nơi in đậm tội ác của thực dân Pháp, đồng thời cũng là nơi ghi tạc bao tấm lòng yêu nước trung kiên như Hoàng Trọng Mậu, Lương Văn Can, Nguyễn Khắc Tần, Phan Bội Châu, Nguyễn Đức Cảnh, Lương Khánh Thiên, Nguyễn Thái Học, Hoàng Văn Thụ và Trường Chinh…

NGỌC MINH

(sưu tầm)