Có ba vị tướng của Quân đội ta đã vinh dự được Bác Hồ đặt những cái tên mang ý nghĩa sâu sắc...

Đặt thế phòng chú bớt kiêu căng

Người đầu tiên là Phùng Văn Thụ. Vốn dáng người cao to, Thụ làm phu khuân vác và kéo xe tay. Năm 1937, anh theo một người bà con sang làm ăn tại Trung Quốc. Năm 1939, anh Thụ được giác ngộ cách mạng, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Đến mùa xuân năm 1940, anh Thụ được tổ chức tin cậy giao cho nhiệm vụ đặc biệt: Bảo vệ an toàn bằng bất cứ giá nào một cán bộ cách mạng, nhưng phải tuyệt đối bí mật. Lúc ấy chưa có súng ngắn, chỉ có con dao găm và cái búa, anh Thụ đã phải rất mưu trí cảnh giác, chống chọi với bọn mật vụ Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch ráo riết bắt bớ các chiến sĩ cách mạng đang hoạt động ở Quảng Châu-Trung Quốc.

Thượng tướng Phùng Thế Tài.

Sau một thời gian làm việc đầy thử thách, anh Thụ mới được biết người mình bảo vệ là đồng chí Trần - tức Nguyễn Ái Quốc mới từ Mát-xcơ-va về hoạt động. Thấy Thụ trung kiên, mẫn cán, khỏe mạnh, giỏi võ lại thông thạo tiếng Hoa, lãnh tụ Trần rất tin cậy, mới đổi tên cho là Phùng Hữu Tài (gặp người có tài). Sau này sợ anh Tài kiêu căng, Người đổi lại tên cho anh Thụ là Phùng Thế Tài. Ngày 8-12-1941, Phùng Thế Tài theo lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước ở Pắc Bó, Cao Bằng. Hoạt động nơi núi cao, rừng thẳm, muôn vàn khó khăn bất trắc rình rập, hai bác cháu sống rất gian khổ. Tài vừa lo bảo vệ Bác tuyệt đối an toàn, vừa lo ngày ngày vào rừng, xuống suối hái rau, đào củ mài, bắt ốc, kiếm cá cải thiện bữa ăn, chăm lo sức khỏe cho Bác. Sau này trong cuộc kháng chiến chống Pháp, ông Tài đã chỉ huy một trung đoàn bộ binh thuộc Đại đoàn 320. Đến thời kỳ chống Mỹ, ông là Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân rồi làm Phó tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam với quân hàm Thượng tướng.

Giúp chú an toàn và thắng lợi

Người thứ hai được Bác đặt tên là ông Phạm Quang Lễ, quê ở tỉnh Vĩnh Long. Ông Lễ là kỹ sư Tây học, rất giỏi về vũ khí, lúc bấy giờ đang làm việc tại Pháp và Đức. Năm 1946, khi Bác Hồ sang thăm Pháp, ông Lễ cùng đoàn đại biểu Việt kiều đến Pa-ri chào Người. Tại buổi gặp mặt này, ông bày tỏ nguyện vọng được về nước phục vụ Tổ quốc. Ngày 11-9-1946, Bác Hồ đã đưa ông Lễ và một số trí thức khác lên tàu thủy rời cảng Mác-xây cùng về nước. Ngày 5-12-1946, ông Lễ được gọi vào gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người giao cho ông làm Cục trưởng Cục Quân giới kiêm Cục trưởng Pháo binh của quân đội quốc gia Việt Nam. Bác Hồ hỏi ông:

Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa.

- Hiện nước ta rất ít kỹ sư và công nhân chuyên về vũ khí. Máy móc và nguyên liệu, vật liệu cũng thiếu thốn, liệu chú có làm được việc Bác giao cho không?

Không một chút lưỡng lự, ông tự tin hứa với Bác sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ Bác giao cho. Cũng trong ngày hôm đó, cái tên khai sinh của kĩ sư Phạm Quang Lễ được Bác Hồ đổi lại là Trần Đại Nghĩa. Bác nói: Làm cách mạng là phải chấp nhận gian khổ, bởi thế Bác mới đặt tên cho chú là Đại Nghĩa. Còn Trần là dòng họ anh hùng của nước ta, đã ba lần đánh thắng quân xâm lược Nguyên Mông. Cái tên hoàn toàn khác lạ này còn để bảo vệ an toàn cho chú và gia đình chú trong quê.

Chính từ gợi ý của Bác nhắc ông nên nghiên cứu chế tạo ngay loại súng chống tăng vì quân Pháp rất mạnh về cơ giới còn bên ta chưa có loại súng nào bắn diệt được xe tăng, ông đã chế tạo ra súng Ba-dô-ka 60, giúp bộ đội ta bắn cháy nhiều xe tăng, xe cơ giới của quân Pháp. Ngày 28-5-1948, Cục trưởng Trần Đại Nghĩa đã được Chính phủ phong quân hàm Thiếu tướng. Ông là một trong số 11 tướng lĩnh đầu tiên của quân đội ta.

Chí hướng thanh cao và trong sáng

Người thứ ba là ông Nguyễn Chí Thanh, sinh năm 1914 ở Phong Điền, Thừa Thiên - Huế. Ông tham gia hoạt động cách mạng ở địa phương từ rất sớm. Tên khai sinh của ông là Nguyễn Chí Vịnh. Đầu tháng 8-1945, khi ra Việt Bắc họp Đại hội quốc dân ở Tân Trào-Tuyên Quang, ông Vịnh được gặp Bác Hồ. Người rất quý ông nên bảo: Tên chú là Nguyễn Chí Vịnh, cũng được nhưng theo Bác, chú nên đổi là Nguyễn Chí Thanh thì hay hơn. Chí là chí hướng, Thanh là thanh cao trong sáng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại Đại hội Đảng bộ quân đội 1960. Ảnh tư liệu

Làm cách mạng mà chí hướng thanh cao trong sáng sẽ giúp ta mau tiến bộ, trở thành một người lãnh đạo có uy tín của Đảng. Trong Cách mạng Tháng Tám và kháng chiến chống Pháp, ông Nguyễn Chí Thanh đã trở thành một cán bộ xuất sắc của Đảng, lần lượt đảm nhiệm các cương vị quan trọng: Bí thư tỉnh ủy Thừa Thiên, Bí thư phân khu Bình-Trị-Thiên rồi Bí thư Liên khu ủy Liên khu 4. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ hai, năm 1951, ông được bầu vào Bộ Chính trị rồi chuyển sang quân đội làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, được phong hàm Đại tướng. Trong kháng chiến chống Mỹ, ông được Bác Hồ cử vào Nam làm bí thư Trung ương cục miền Nam, Chính ủy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam.

Thế Trường