QĐND - Mới thôi đã ba ngày. Nếp sinh hoạt mới vẫn chưa quen nổi. Tối về vẫn khá khó ngủ vì chưa quen đi nghỉ sớm. Lại còn... nhớ nhà và nhất là… nhớ mẹ.
Ngày thứ nhất…
Lễ giao quân và chặng đường dài từ thị xã Bỉm Sơn-Thanh Hóa đến Trung đoàn 36, Sư đoàn 308, lấy mất gần nửa ngày đầu tiên khiến cho những tân binh vừa lên đường nhập ngũ ngày 25-2-2013 khá bối rối. Bạn ngoái cổ nhìn ra ngoài cửa sổ ô tô như muốn thu hết sự quen thuộc đời thường vào tầm mắt. Bạn lặng lẽ hướng về phía trước. Bạn hết ngắm nghía bạn bè trong bộ quân phục mới lại ngồi vuốt vuốt tay áo rồi bập bập mấy đầu ngón tay. Thường thì với nhịp sống hiện nay, ít có bạn nào và ít có lúc phải ngồi không như thế. Nhưng tân binh, điều đầu tiên cần tự vượt qua khi đã lên đường nhập ngũ là phải làm quen với việc không điện thoại, không sử dụng internet cá nhân. Nhiệm vụ huấn luyện, với các nội dung chế độ sinh hoạt thường ngày của họ không cho phép với những điều mà ngoài đời thường tưởng chừng quá đơn giản. Mới biết, khoác áo lính là đôi khi phải cởi bỏ những điều có thể rất nhỏ.
 |
Mở đầu bằng bài học điều lệnh. |
Bất chợt, cả xe ồ lên. Xe đã đến cổng trung đoàn. Lính trẻ trên xe ngoái tất về bên phải, hướng mắt vào phía bức hình một quân nhân trẻ trong bộ quân phục thật đẹp, đang giơ tay chào. Đó là ấn tượng đầu tiên khi chúng em về với đơn vị-tân binh Nguyễn Văn Thắng, (quê Phú Sơn, Bỉm Sơn, Thanh Hóa) vừa cười rất tươi vừa chia sẻ. Các bạn của Thắng hòa theo: Cả đời chưa có được anh bộ đội nào chào. Vậy mà giờ lại được như vậy, vui lắm ạ. Thấy cổng trung đoàn rất sạch đẹp, con đường xe đi vào doanh trại thật đúng như khẩu hiệu sáng- xanh-sạch-đẹp in trên “đoạn đường gốm sứ” mà sau này các tân binh mới được biết là do chính các cán bộ chiến sĩ của trung đoàn tự làm, tựa “phong cách 1000 năm Thăng Long-Hà Nội”. Rồi là trung đoàn rộng quá, đẹp như “rì-sọt”. Nơi rộng nhất, thân thuộc nhất nhìn chung với tân binh trước khi lên đường nhập ngũ thường là khuôn viên nhà trường chứ doanh trại rộng mát như thế này thì chưa. Cũng có trường hợp thì doanh trại quân đội lại là nơi khá thân quen, từng mang đến nhiều sự mơ mộng như các bạn có ông, có bố, rồi chú, bác từng đi bộ đội, hay thuở nhỏ từng được câu cá trong ao của doanh trại gần nhà như Vũ Văn Vương, Nguyễn Tuấn Anh, Nguyễn Quốc Huy, Vũ Đình Đức...
Tối về, nằm mãi vẫn không ngủ được. Những sự kiện trong ngày cứ trở đi đảo lại ở trong đầu. Nội dung huấn luyện, các chế độ sinh hoạt trong ngày, trong tuần, cách xưng hô chào hỏi… đã được đơn vị tổ chức giáo dục quán triệt. Buổi chiều của ngày đầu tiên khi đi ăn cơm đã chính thức cầm bát đũa và xếp hàng, vừa vui vừa lạ vừa… sờ sợ...
Ngày thứ hai…
5 giờ 30 phút sáng, theo đúng chế độ sinh hoạt của mùa đông, còi báo thức của trung đoàn reo vang. Anh em giật mình bừng tỉnh. Bước chân líu ríu chạy theo nhau ra sân tập thể dục. Hai mắt cay xè. Mùi đất, hương cây và tiếng hô thật to, cứ dội lại khiến các bạn chẳng mấy chốc mà tỉnh hẳn.
Ngày đầu tiên trọn vẹn ở đơn vị bắt đầu. Bạn nọ, bạn kia truyền tai nhau, biết bao là việc sẽ được làm. Nào là kiểm tra sức khỏe, ai không đạt yêu cầu vẫn có thể được trả về địa phương. Công tác rà soát chính trị sẽ được tiến hành. Cách xưng hô sẽ tiếp tục được chỉ dạy. Không thể cứ chú chú, cháu cháu như ngày đầu. Đã vào quân ngũ là có cấp bậc, có cách chào hỏi riêng. Mặc bộ quân phục, thắt lưng gọn gàng, đội chiếc mũ cối lên đầu, kéo quai mũ cẩn thận rồi quay ra chào nhau thử một chút cũng vui vui. Ánh mắt nhìn nhau đã thấy thân hơn nhiều. Anh em chủ yếu cùng quê nhưng đâu phải đã gặp và biết nhau hết. Lại còn một số anh em tuyển lẻ, khác quê...
Hai ngày trôi đi với khá nhiều sự lạ lẫm. Vào bữa cơm, hơi giật mình ngạc nhiên khi thấy bạn, cùng bàn ăn, tự dưng nhường cho mình khúc cá giữa thật ngon. Trong khi suất mình là khúc cá đuôi, chắc chắn nhiều xương và khó ăn hơn rồi. Chưa quen nhau, rõ là người dưng mà hành động thế này có gì khác ngoài đời thường quá! Đây sẽ là kỷ niệm đầu tiên khó có thể quên của tân binh Lê Anh Tú, quê Cẩm Đình, Phúc Thọ, Hà Nội.
Trời gian trôi, ấn tượng những ngày đầu tiên làm bộ đội với nhiều bạn vẫn còn bồi hồi. Đêm về, vẫn rất khó ngủ. Ở nhà mọi khi, có bạn xem ti vi trôi theo những bộ phim không biết lúc nào là quá khuya. Có bạn thì học ôn thi đến quầng cả đôi mắt. Lại có bạn online, chơi game thâu đêm, nên đón ánh sáng ngày vào quãng từ 10 đến 12 giờ trưa. Tân binh Trương Hồng Quân kể. Nay đi ngủ lúc 9 giờ 30 phút, tỉnh giấc lúc 5 giờ 30 phút sao mà khó quá. Tú còn nói, ở nhà giường lại rộng, nằm ngang dọc, xoay chuyển thế nào cũng được, chăn, gối, báo, truyện cứ quăng vô tư. Nay phải leo giường tầng. Giường thì nhỏ, đúng tiêu chuẩn giường cá nhân, chăn gối phải để đâu ra đấy. Giày dép cũng có chỗ của nó. Lúc đi ngủ đã cố nằm thẳng vậy mà sáng ra vẫn thấy chân thò ra ngoài giường.
Ngày thứ ba…
Ánh mắt đã nhìn được xa hơn. Đôi chân đã đi được nhiều nơi hơn trong trung đoàn.
Dòng chữ nổi: Trung đoàn Bắc Bắc, ở khu nhà chỉ huy gợi nhiều suy nghĩ. Cái tên nghe đến dễ thuộc. Chợt háo hức khi biết nay mai sẽ được đơn vị cho đi thăm nhà truyền thống, sẽ hiểu hơn, biết hơn về Trung đoàn 36, còn được gọi là Trung đoàn Bắc Bắc nổi danh của Sư 308 anh hùng, tự hào “ tôi là lính Sư đoàn Quân Tiên phong”, tôi là “quân của Trung đoàn Bắc Bắc” như tân binh Nguyễn Tuấn Anh đã từng nghe từ những người như ông trẻ của mình.
Quyết định nhập ngũ đến với mỗi bạn một cách khác nhau. Nhiều bạn ngay từ nhỏ đã mơ ước được làm anh bộ đội. Có ông nội là bộ đội tập kết ra Bắc như tân binh Nguyễn Quốc Huy thì hình ảnh anh bộ đội quá đỗi thân quen. Lại có những bạn đã từng có công việc làm thêm, thu nhập tương đối, có thể là lao động chính của gia đình nhưng vẫn tình nguyện lên đường nhập ngũ xuân này. Đó là bạn Nguyễn Ngọc Sơn. Trước khi là tân binh, Sơn đã là phụ xe chuyên trở hàng hóa tuyến Phả Lại, Quảng Ninh-Lào Cai. Lương 3,5 triệu đồng một tháng. Ăn ở, sinh hoạt theo đoàn nên Sơn tiết kiệm được toàn bộ số lương mang về cho mẹ. Không chỉ với hoàn cảnh đặc biệt, bố mới mất năm 2012, như Sơn thì điều này thật quý giá. Tân binh Nguyễn Quốc Huy, từng mong muốn được là sinh viên Trường Sư phạm Kỹ thuật Nam Định, cũng đã làm bảo vệ 4 tháng tại Tổng cục Hải quan (Hà Nội), lương một tháng là 3 triệu đồng. Vậy nhưng các bạn đã để lại những công việc trước mắt, có thể phụ giúp bố mẹ và bản thân khá nhiều ở độ “tuổi teen” như vậy để lên đường nhập ngũ...
 |
Chỉnh tác phong quân nhân từ mái tóc. Ảnh: Phú Sơn. |
Những chế độ sinh hoạt trong ngày đã dần quen. Những bài tập đầu tiên đã được triển khai. Sáng, chiều đồng đội đứng bên nhau, tập giữ cho khuôn mặt thật nghiêm túc, dáng người đứng thật thẳng, lắng nghe những lời hướng dẫn giảng dạy tận tình của cán bộ đại đội, trung đội thật không dễ nhưng khá thú vị. Cảm giác mình lớn hẳn ra. Thấy mình có vị trí ở trong hàng, trong phòng và trong cuộc sống. Tự nhủ, mình cố gắng được!
Tối ngủ đã thấy giường rộng hơn, thấy trống trống ở bên mình. Thì ra là… nhớ mẹ!
Mơ màng, thấy hình như có tiếng bước chân người ở ngoài sân. À, các bạn đến giờ thay ca gác. Ngủ thế này thì thật quá yên tâm. Mà hình như ai đó vừa dẹm chăn, chỉnh sửa vị trí để giày của mình cho đúng quy định. Tối đã được nhắc, nhưng hình như tân binh mình thực hiện các quy định nội vụ còn lóng ngóng...
Ngày thứ 4…
Cũng là ngày cuối cùng của tháng 2-2013. Trời chuyển gió, quầng mây. Chúng tôi rời trung tâm thủ đô về với Trung đoàn 36, gặp lại những tân binh sau ba ngày đầu xa mẹ làm lính mới. Chợt thấy các em chững chạc hẳn lên, nói chuyện, chia sẻ đâu ra đấy.
Thời gian như trôi nhanh hơn trong ngày thứ tư làm tân binh. Giọng hô, đáp đã rõ ràng, vang dội hơn hẳn, đưa bước chân dẫu ngập ngừng cũng phải rời đi. Chúng tôi có chút ngậm ngùi lúc chia tay khi nhìn thấy những bước rất vội trở về với đồng đội ngoài bãi tập. Chỉ chút nữa thôi là có thể chúng tôi đã rơi lệ. Những giọt lệ mừng mừng vì niềm tin chờ đợi. Nhưng chúng tôi đã nén lại, một chút như các em, những tân binh của Xuân 2013 này, đã biết để lại những ước vọng cuộc đời để phụng sự Tổ quốc. Xin cảm ơn và tin ở các em!
QUỲNH LINH