QĐND - Tôi gặp bộ tam kèn ấy trong lễ viếng cụ bà Đào Thị Diệp (vợ liệt sĩ, người phụ nữ Công giáo đầu tiên ở nước ta do có nhiều thành tích trong công tác, được Bác Hồ tặng huy hiệu của Người, năm 1962) ở xã Tráng Liệt, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương vào một ngày cuối năm 2012. Thấy phong thái của họ khác với những người làm việc “bát âm” thông thường, từ trang phục cho tới cái dáng dâng kèn, kỹ thuật nhả hơi; đặc biệt là họ thổi kèn theo bản nhạc... nên tôi có ý tìm hiểu về họ. Hình như, vì biết tôi là bộ đội nên các anh hồ hởi hơn. Hai người trẻ tuổi bảo: “Để bác cả Chữ của chúng em nói cho bác nghe”.
 |
Ba anh em ruột-3 cựu lính kèn ở Phù Ủng. |
“Có vẻ như bác cũng thích cánh chiến sĩ văn nghệ. Em xin chiều bác. Đồng đội cả mà!”-Người lớn tuổi nhất mở đầu câu chuyện như thế.
Nguyễn Ngọc Chữ tuổi Nhâm Thìn-1952, nhiễm chất chèo từ hồi tóc còn để chỏm. Bố mẹ Nguyễn Ngọc Chữ là cặp kép đào Nguyễn Văn Lự, Phạm Thị Nguyên của gánh hát chèo Kim Lũ (Phù Ủng, Ân Thi, Hưng Yên) nổi tiếng, từng sắm vai vợ chồng Dương Lễ-Châu Long, làm rộn rã các sân đình. Rồi những lần đội chèo đi dự hội diễn công-nông-binh ở huyện, ở tỉnh, Chữ bám gấu áo mẹ đi theo, lúc về cầm giấy khen... Khi bắt đầu cắp sách tới trường, Chữ đã thuộc những làn điệu chèo Cò lả, Lới lơ, Xẩm xoan, Đào liễu...
Mười tám tuổi, Ngọc Chữ nhập ngũ vào Đại đội 7, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 48 anh hùng thuộc Sư đoàn 320 ở Tây Nguyên. Không thể trực tiếp đánh giặc ở mặt trận được sau khi bị mảnh đạn găm vào đầu trong một trận quyết chiến với quân thù, Ngọc Chữ đã xung vào “binh chủng” văn nghệ, cùng đội tuyên văn với Khuất Quang Thụy (hiện nay là Đại tá, nhà văn quân đội) cho tới khi Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.
Giữa những ngày đó, ở quê nhà, Nguyễn Quốc Tuấn và Nguyễn Văn Túy, hai em trai của Chữ rất tự hào về người anh là “văn công Quân Giải phóng”. Máu ca hát gia truyền hòa với tình yêu quê hương, dấy lên trong lòng các chàng trai trẻ niềm hứng khởi về hình ảnh anh bộ đội quân phục màu xanh lá cây, ve áo mang quân hàm đỏ rực rỡ, đứng thổi sáo, đánh đàn trên sân khấu phục vụ bộ đội và nhân dân. Sau đó không lâu, Quốc Tuấn trở thành anh lính văn công của tỉnh đội Hải Dương, còn Văn Túy là chiến sĩ trong đội tuyên văn Trung đoàn 81 (thuộc Quân đoàn 29) ở Cao Bằng...
Trở về đời thường, 3 anh em chiến sĩ-nghệ sĩ ấy sử dụng tiếng kèn phục vụ dân sinh. Làng quê ấm no, ca nhạc là món ăn tinh thần, ngày càng thiết thực. Hội mùa, giao lưu văn nghệ cụm địa bàn dân cư, khúc hát đêm xuân, giai điệu quân dân một ý chí những ngày 22 tháng 12, ca nhạc tri ân anh hùng, liệt sĩ... “đồ nào thức ấy” vang ca. Ba chàng cựu lính kèn có tháng “kín lịch”, không hiếm những tuần chẳng được ăn cơm với vợ con.
Điều đặc biệt là, sản phẩm lao động của họ đúc kết từ tình yêu âm nhạc do tiền nhân truyền lại, năng khiếu trời cho và sự đào tạo của môi trường quân đội cả về bản lĩnh nghề nghiệp, cả về nhạc lý. Tổ tiên nhà họ đã mấy đời hoạt động văn hóa truyền thống. Hiện gia đình còn lưu giữ một chiếc bầu kèn giỏ tuổi thọ hàng trăm năm. Chính vì thế, họ đáp ứng được hầu hết nhu cầu âm nhạc dân sinh ở phố, ở làng. Vào lễ chúc thọ, họ cử loại nhạc cung đình. Lễ lạt cầu ước, có hầu đồng, chầu văn. Tiễn đưa ly biệt, bên Công giáo có thánh ca; bên đạo Phật có lưu thủy hành vân... đâu ra đấy.
Với việc tiễn biệt, thoạt đầu, họ chỉ nhằm phục vụ lễ đưa hài cốt những người hy sinh vì Tổ quốc mới được tìm thấy vào nghĩa trang liệt sĩ và lễ tang các cựu chiến binh. Tiếng kèn của họ như lời tâm tình đối với đồng đội đã nhắm mắt xuôi tay... Thế rồi không biết từ lúc nào, ba cựu lính kèn ấy trở nên không thể thiếu tại những cuộc tiễn biệt cuối cùng của mỗi đời người nơi làng trên, xóm dưới và các vùng lân cận. Nhà đám chộn rộn, bối rối. Ba anh em giúp gia chủ lo chỗ đặt nhạc cụ. Không cầu kỳ, nhưng phải nghiêm cẩn và cốt để tiếng kèn được đẹp nhất. Các ông thuộc làu làu làn điệu, thể âm, tiết tấu các bài kèn đám hiếu và hiểu rõ ý nghĩa của chúng. Kèn gọi kinh cổ là mở đường nhạc. Kèn lễ dùng trong lúc hành viếng, thành tâm thương tiếc. Khi không có người hành viếng thì cử kèn dong, giữ cho không khí nhà đám được hài hòa. Các ông đưa kèn “phối khí” cùng bát âm, giao hòa nhân tình thế thái...
Đám viếng mà có “bộ tam kèn Chữ-Tuấn-Túy” thì tang khách vừa thương tiếc người quá cố, lại như cũng bị cuốn vào bát âm. Lúc nỉ non tiễn biệt, lúc lại thao thiết gọi mời như muốn giữ vong nhân ở lại. Lúc như cái sự suy tưởng của một người. Lúc lại như hiển hiện cả đoàn đưa tiễn, một dừng, một bước…
Ông Chữ tâm sự: Sinh có hạn, tử bất kì. Không ít cụ quy tiên vào ngày năm cùng tháng tận, có ý dành ngày minh nhật cho con cháu vươn lên giữa cái mới tốt tươi. Với mọi trường hợp, ba anh em lại giao việc nhà cho vợ con rồi khoác chiếc kèn bóng láng màu thời gian đến nhà đám, góp phần làm ấm lòng tang chủ; đồng thời cũng để mãn nguyện người vừa nằm xuống. Sống dầu đèn, chết kèn trống mà! Nghĩ cũng thấy có những hãnh diện. Vì mình vương cái nghiệp làm vui và đi cùng tới những phút chót của con người.
Bài và ảnh: PHẠM XƯỞNG