QĐND - Gần chín giờ đêm, chúng tôi mới đến được nhà khách Binh đoàn 15. Không ngờ, nơi Binh đoàn bộ đứng chân lại là Tổng kho hậu cần Yên Thế của quân ngụy Sài Gòn xưa. Tất cả đều đã khác, mới mẻ và hiện đại, những dãy nhà cao tầng, những trục đường láng nhựa với ánh đèn cao áp, khu làm việc, khu văn hóa thể thao, khu gia binh… Chúng tôi chưa thể ngủ ngay được, có lẽ vì ngỡ ngàng? Rục rịch chuẩn bị mấy tháng trời, thế mà cuối cùng đoàn đi thực tế sáng tác cũng chỉ có bốn người trên xe, gồm tôi và ba nhà thơ: Hoàng Vũ Thuật, Văn Lợi và Lý Hoài Xuân.
Ước muốn thì rộng dài nhưng thời gian thì quá hẹp, chúng tôi đem tài liệu lịch sử Binh đoàn ra nghiên cứu, muốn mau chóng nắm bắt khái quát bước chân Binh đoàn trong chặng đường đã qua, trước khi đi xuống cơ sở vào sớm mai. Hóa ra, Binh đoàn 15 được thành lập tháng 2-1985, nhưng trước đó, khi chiến tranh còn ác liệt, đã có các đơn vị tiền thân bám trụ trên mảnh đất này. Đó là các đơn vị cấp trung đoàn được giao nhiệm vụ vừa bảo vệ vùng giải phóng, bảo vệ hệ thống đường Hồ Chí Minh dọc biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Cam-pu-chia, vừa phát nương làm rẫy cung cấp lương thực cho mặt trận. Sau năm 1975, lại có thêm một số đơn vị nữa bổ sung, cũng làm nhiệm vụ phát triển kinh tế, mang tên nông trường, lâm trường hay xí nghiệp, với đủ các ngành nghề…
 |
Một cánh rừng cao su của Binh đoàn 15. Ảnh: Kiều Bình Định
|
Bây giờ, họ đã trở về đội hình một đơn vị quân đội, có nhiệm vụ xây dựng mô hình kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng - an ninh trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên. Hiện nay, Binh đoàn 15 có đến chục công ty và sáu đơn vị tương đương trực thuộc. Chỉ xét riêng về cơ cấu tổ chức và địa bàn đứng chân của Binh đoàn thôi, ta đã thấy ý nghĩa chiến lược quốc phòng to lớn và ý nghĩa nhân văn sâu sắc nhường nào! Huống chi sau hơn 25 năm tổ chức sản xuất kinh doanh, từng bước chuyển hẳn sang cơ chế hoạch toán kinh tế với đầy đủ các nghĩa vụ với Nhà nước trong cơ chế thị trường, thu nhập bình quân đầu người ở các đơn vị rất cao so với mặt bằng cả nước, và lợi nhuận của Binh đoàn hằng năm tăng lên. Riêng năm 2010, lợi nhuận toàn Binh đoàn đã lên con số một nghìn tỷ! Đó thực sự là một kỳ tích, khi ta nhìn lại bước chân của Binh đoàn trên vùng đất còn nóng rát ngọn lửa cuộc chiến tranh tàn khốc vừa đi qua, để lại vô vàn bom mìn và chất độc hóa học rình rập gây cái chết. Rồi tàn quân bọn phản động FULRO phá phách quấy nhiễu, rồi đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số rơi vào cùng quẫn vì rừng đã mất, thói quen du canh du cư và các tập tục lạc hậu vây bủa họ, rồi sự xúi giục gây rối, bạo loạn của các thế lực thù địch… Đó là chưa kể bản thân mỗi người lính vừa đi ra khỏi cuộc chiến tranh, còn rất lúng túng trước nhiệm vụ mới, trên môi trường mới.
Họ phải làm lại tất thảy, từ việc khảo sát, quy hoạch, bố trí địa bàn đứng chân của mỗi công ty, mỗi đội sản xuất và các khu dân cư sao cho vừa sản xuất kinh doanh và phát triển văn hóa xã hội được thuận lợi, vừa bảo đảm tổng thể một thế trận quốc phòng an ninh vững chắc suốt chiều dài biên cương mà Binh đoàn đảm nhiệm. Rồi vừa khai hoang vỡ đất, vừa tiếp cận với kỹ thuật chọn giống, ươm trồng, chăm sóc, khai thác và chế biến sản phẩm từ cao su, cà phê, mà bấy giờ đã xác định là cây chủ lực trên vùng đất Tây Nguyên. Lại vừa phải nhanh chóng tiếp cận, hiểu biết sâu sắc về hạch toán kinh doanh để bước chân vào thương trường, một chiến trường mới của những người lính trận…
Sớm hôm sau, đoàn chúng tôi lên đường xuống cơ sở. Xe bon theo con đường nhựa rộng rãi chạy về hướng tây nam, nơi Công ty 715 đang đứng chân trên ba xã Ia O, Ia Khai và Ia Krai của huyện Ia Grai. Trời Tây Nguyên cao và trong như ai vừa lau xong, khiến tầm mắt cuốn hút bởi những cánh rừng bạt ngàn cao su đang mùa thay lá. Không ai biết hết dưới ngàn vạn núi đồi và khe suối kia, xưa có bao nhiêu trận đánh và có bao nhiêu bom đạn, cùng bao nhiêu xương máu con người chôn vùi?
Xe chúng tôi đi lên một quả đồi rộng, nơi có những khu nhà rất đẹp, trong một khuôn viên lớn, với những lối đi dưới những hàng cây và thảm cỏ bài trí sang trọng. Đấy là trụ sở Công ty 715, đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Giám đốc đi vắng, tiếp chúng tôi là Phó giám đốc, Bí thư Đảng ủy Công ty, Đại tá Nguyễn Đình Trưu, một người điềm đạm, gần gũi và vui tính. Biết chúng tôi muốn dành thời gian cho thực tế cơ sở sản xuất, anh giới thiệu qua mấy nét cơ bản về công ty, đưa cho chúng tôi mỗi người một bản báo cáo, rồi gọi người dẫn chúng tôi đi liền.
Thật ngỡ ngàng khi đi giữa những khu dân cư là đồng bào các dân tộc đã trở thành một bộ phận của Công ty 715. Nhà xây tường gạch theo kiểu nhà mái Thái, có phòng khách, phòng bếp, phòng vệ sinh sạch sẽ. Nghe nói nhà nào cũng có xe máy, có nhà tới ba, bốn chiếc, thậm chí có nhà hai ô tô xịn. Thu nhập mỗi gia đình hằng năm đến hàng trăm triệu đồng, có gia đình lên đến bạc tỷ. Những trục đường lớn chạy giữa các cụm điểm dân cư đã được công ty rải nhựa. Những khu trường học, nhà văn hóa, trạm y tế, lưới điện được Công ty đầu tư xây dựng, tất cả toát lên vẻ ấm no, bình yên và hạnh phúc. Không nhà nào không có người vào làm công nhân của các công ty, có gia đình vài người. Các công ty của Binh đoàn 15 đã thực sự trở thành bà đỡ cho sự giàu có và bình yên của đồng bào các dân tộc ở đây. Chẳng thế mà hai lần xảy ra gây rối do các lực lượng phá hoại ở Tây Nguyên tổ chức, không một người dân nào trên vùng đất Binh đoàn 15 đứng chân tham gia. Không phải không có những kẻ xấu lần mò đến từng nhà móc nối lôi kéo, mà cái chính là bọn chúng đã húc phải bức tường thành kiên cố của lòng dân. Ở nhà nào chúng cũng nhận được câu trả lời như đinh đóng cột rằng: “Ở đây với bộ đội, có nhà cửa, có đất đai ruộng vườn, có cây cao su, cây cà phê làm ra nhiều tiền bạc, đời sống no đủ, con cái được học hành, còn đi đâu nữa?”.
Nhà máy chế biến mủ cao su xuất khẩu của Công ty 715 nằm trên một triền đồi thoai thoải. Được biết, nhà máy có công suất lớn và dây chuyền hiện đại, khép kín từ A đến Z. Đang thời kỳ bảo dưỡng, chỉ một số công nhân làm việc, chuẩn bị cho mùa khai thác chế biến sắp đến. Khuôn viên nhà máy rất đẹp, bốn phía cây rừng tự nhiên xen với cây trồng tán đã che kín bầu trời. Ngoài vườn bài trí như công viên, với những lối đi dưới những hàng cây, bên những thảm hoa lạc dại nở những bông vàng li ti che kín mặt đất.
Vừa lên một con dốc, chúng tôi đã nhìn thấy đập thủy điện Sê San 4 hùng vĩ với lòng hồ thấp thoáng. Con đập bê tông cao và rộng, sừng sững chắn ngang dưới ngã ba của hai dòng sông mà tên tuổi từ lâu đã khảm vào trái tim mỗi người: dòng Sê San và dòng Pô Cô lịch sử! Mực nước hạ xuống rất thấp, khiến cho con đập cao vời vợi, vịn lan can nhìn xuống đáy nước xanh giữa trưa, ngợp đến chóng mặt! Chợt nghĩ, để có một cơ ngơi bề thế hiện đại từ Binh đoàn bộ về đến cơ sở, để có những cánh rừng cao su, cà phê bạt ngàn phủ xanh một vùng rộng lớn dọc biên cương Tây Nguyên, để có những khu dân cư trù phú, văn minh và bình yên như hiện nay, là kết quả của sự đầu tư đồng bộ và hiệu quả, từ cơ sở vật chất hạ tầng, đến đội ngũ cán bộ kinh tế, kỹ thuật, văn hóa, xã hội…
Bữa cơm trưa với Đại tá Nguyễn Đình Trưu cùng các chàng trai, các cô gái lính trẻ của cơ quan Công ty 715 vui không tả được. Cá lăng dưới lòng hồ thủy điện sông Sê San, gà đồi nuôi trong vườn, lòng lợn tự chế biến với món dồi rất thơm cắt lát. Sau vài ly bia giải khát, chủ và khách bá vai nhau ca hát, đọc thơ. Nhà thơ Lý Hoài Xuân như "nhập đồng", anh đọc những bài thơ thời còn mang áo lính rất cảm động, khiến cho nụ cười nào cũng đẫm nước mắt!
Trời đổ bóng, chúng tôi lại đi. Trụ sở Công ty 74 cũng đồ sộ và hiện đại không kém Công ty 715. Tháng trước, công ty vừa đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Công ty 74 đứng chân trên địa bàn hai huyện Đức Cơ và Ia Grai, với 21 đội sản xuất và một nhà máy chế biến mủ cao su xuất khẩu công suất lớn và cũng khá hiện đại. Đây là đơn vị là lá cờ đầu về công tác dân vận của Binh đoàn, với khâu đột phá là thu hút bà con vào làm kinh tế; diện tích cao su của đồng bào chiếm tới 48% diện tích cao su của cả công ty.
Tối mịt, chúng tôi trở lại trụ sở công ty, Đại tá Trần Quang Hùng, Giám đốc đã chờ trước sân. Trong nhà, ngoài hiên đông đúc người nói cười rộn ràng. Hôm nay có cuộc liên hoan chia tay một số người về hưu, tiễn chân một số đồng chí ra tăng cường cho Đoàn 79 đóng quân mãi tận xã miền núi Ngân Thủy của Quảng Bình. Được biết, Binh đoàn còn có Công ty 385, đứng chân tận Văng Tắt, huyện Xản Xay của nước bạn Lào, với nhiệm vụ trồng và khai thác cao su, giúp bạn phát triển kinh tế - xã hội…
Đêm thứ hai ở Binh đoàn 15, chúng tôi cũng không ngủ được, vì thao thức trước những kỳ tích của những người lính làm nên từ "vùng đất chết" nơi này. Và ám ảnh chúng tôi là bài học thực tiễn như một chân lý, rằng Tổng công ty gắn với tỉnh; Công ty gắn với huyện, xã; Đội sản xuất gắn với bản làng, cụm điểm dân cư; hộ gia đình người Kinh gắn bó với hộ gia đình đồng bào các dân tộc thiểu số. Và rằng, phát triển vườn cây đến đâu, tổ chức cụm điểm dân cư đến đó…
Sớm hôm sau, đoàn chúng tôi chia tay. Xe đã ra khỏi địa phận tỉnh Gia Lai từ lâu, lòng chúng tôi vẫn còn ở lại Binh đoàn 15, ý nghĩ cứ bám riết lấy đầu óc về một mô hình mới, mô hình đơn vị quân đội làm kinh tế trong cơ chế thị trường, gắn với quốc phòng - an ninh bền vững và hiệu quả. Phải chăng, đây là chính sách Ngụ binh ư nông của ông cha ta xưa, giờ được phát triển lên tầm cao chiến lược, trong thời đại Hồ Chí Minh?
Bút ký của Hữu Phương