QĐND - Ngày 7-5-1915, chiếc tàu “bất khả xâm phạm” Lu-xi-ta-ni-a bị trúng ngư lôi tàu ngầm U-boat của Đức, chìm vẻn vẹn trong 18 phút, giết chết 1.198 trong số 1.959 người hiện diện trên tàu. Đã có những giả thuyết về việc Lu-xi-ta-ni-a là “vật tế thần” nhằm kéo nước Mỹ tham gia Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất...

Con tàu Lu-xi-ta-ni-a chìm dưới đại dương mang theo 1.198 người.

 

Giữa năm 1915 cũng là thời điểm Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất ở giai đoạn cực kỳ khốc liệt. Quân đội Anh lâm vào tình trạng thiếu thốn đạn dược trầm trọng. Trong khi đó, nước Mỹ vẫn đứng ở vị trí trung lập nên không thể công khai cung cấp phương tiện chiến tranh cho Anh.

RMS Lu-xi-ta-ni-a là một tàu biển chở khách được chế tạo bởi hãng đóng tàu Giôn Brao tại Clai-đê-banh, Xcốt-len, thuộc sở hữu của hãng tàu Cu-nát Lai, chuyên chạy tuyến Li-vơ-pun (Anh) - Niu Y-oóc (Mỹ). Lu-xi-ta-ni-a được mệnh danh là “con tàu bất khả xâm phạm” vì tốc độ tối đa lến tới 27 hải lý/giờ, nhanh hơn tất cả các loại tàu ngầm chuyển động dưới mặt nước khi đó.

Ngày 1-5-1915, trong chuyến hải trình thường kỳ xuyên Đại Tây Dương từ Niu Y-oóc đi Li-vơ-pun, RMS Lu-xi-ta-ni-a đã rời bến mang theo 1.959 hành khách trên boong. Một ngày trước khi Lu-xi-ta-ni-a xuất phát, Đại sứ quán Đức ở thủ đô Oa-sinh-tơn, Mỹ, đã trả tiền đăng quảng cáo trên 50 tờ báo hàng đầu nước Mỹ, cùng lời cảnh báo tàu khách Lu-xi-ta-ni-a với lượng hàng đáng ngờ. Và con tàu có thể trở thành một mục tiêu quân sự, sẽ bị hải quân Đức tấn công vào thời điểm thích hợp…

Thời điểm tàu Lu-xi-ta-ni-a bị ngư lôi bắn trúng.

 

Ngày 7-5-1915, Lu-xi-ta-ni-a tiến vào vùng biển giữa Ai-len và Anh trong bối cảnh những tàu ngầm quân sự Đức tự ban phát cho mình cái quyền được phá hủy tất cả những con tàu mang cờ Anh hay cờ của nước nào có liên quân với Anh. Tuy nhiên, Lu-xi-ta-ni-a không mang một lá cờ nào chỉ ra nó thuộc quốc tịch Anh. Đó là cách để không gây ra sự chú ý của quân Đức. Một lớp sơn dày đã che đi tên và cảng nó sẽ cập bến. Sau khi tới vùng biển Ai-len, các thủy thủ tháo sẵn các ca-nô cứu hộ và tập trung chú ý gấp đôi. Để đảm bảo sự an toàn cao nhất, thuyền trưởng và các thủy thủ tàu đã tuân thủ nghiêm chỉnh quy định giới nghiêm tất cả các tối. Họ yêu cầu các hành khách che kín rèm cửa các khoang và không được hút thuốc lá trên boong.

13 giờ 40 phút cùng ngày, tàu Lu-xi-ta-ni-a ngoài khơi cách Ai-len 8 dặm hải lý. Chỉ bằng một quả ngư lôi duy nhất, tàu ngầm Đức mang phiên hiệu U-20 đã đánh chìm Lu-xi-ta-ni-a. Theo thiết kế với một con tàu có kích cỡ khổng lồ như Lu-xi-ta-ni-a, phải mất vài tiếng đồng hồ mới chìm hẳn. Tuy nhiên, chỉ 18 phút con tàu đã khuất dạng khỏi mặt nước. 1.198 hành khách thiệt mạng, trong đó có 128 người Mỹ. Cuộc khủng hoảng trên biển tác động mạnh mẽ vào nước Anh và các đồng minh ở châu Âu. Trong số những nạn nhân trên có con trai nhà triệu phú A.Van-đơ-bin là người Mỹ. Vì vậy, nhiều cuộc biểu tình chống Đức diễn ra ở Mỹ, cựu Tổng thống Theo-đo Ru-dơ-ven vốn có cảm tình với Đức nay cũng đòi Mỹ phải tuyên chiến với nước đã gây thảm họa này.

Con tàu Lu-xi-ta-ni-a trước chuyến đi định mệnh. Ảnh: history

 

Rô-bớt Lan-sinh, Ngoại trưởng Mỹ khi đó đã viết rằng, vụ chìm tàu cho ông ta một “lý do thuyết phục để trở thành đồng minh Anh quốc”. Thảm họa nhanh chóng được đưa lên những áp-phích ở Mỹ kêu gọi trả thù cho các nạn nhân. Kể cả những áp-phích cổ động tòng quân. Một trong những tranh cổ động ấn tượng vẽ cảnh bà mẹ trẻ chìm dưới làn nước khi đang bế đứa trẻ trên tay, với khẩu hiệu kẻ ở dưới: “Tòng quân”. Hai năm sau, Mỹ tham gia cùng Anh làm thành sức mạnh đồng minh chống Đức. Anh, Pháp, Nga đang từ chỗ thua trận chuyển sang thắng thế. Một quyết định thay đổi hoàn toàn cục diện Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất lúc ấy và cuối cùng Đức bị đánh bại.

Tuy nhiên một câu chuyện thực đã bị che giấu.

Thuyền trưởng W.Tun-nơ của tàu Lu-xi-ta-ni-a là một trong những người sống sót bị điệu ra trước vành móng ngựa. Cuộc điều tra cho thấy, Tun-nơ đáng bị chê trách khi đã không thiết lập các biện pháp đề phòng để tránh tàu ngầm Đức đã lảng vảng ở vùng nước nông ngoài bờ biển Ai-len. Trên thực tế, theo điều tra, vị thuyền trưởng này đã cho tàu lao vào tàu ngầm Đức bất chấp đã biết trước nó nằm ở đâu. Điều tra còn cho thấy, mặc dù Lu-xi-ta-ni-a có thể chạy thoát tàu ngầm bằng tốc độc cao và kiểu chạy zíc-zắc như mệnh lệnh của Bộ Hải quân Anh ban hành nhưng Thuyền trưởng Tun-nơ đã không thực hiện điều ấy. Thậm chí, khi vào vùng biển Ai-len, các tàu hộ tống cho Lu-xi-ta-ni-a thì đã bị chỉ đạo rời bỏ nhiệm vụ. Nhưng rốt cục, tòa tuyên trắng án và Tun-nơ lại được giao làm thuyền trưởng một con tàu buôn khác, để rồi tàu này cũng bị quân Đức bắn chìm khiến ông ta bị sa thải vĩnh viễn.

Cuộc khủng hoảng chìm tàu Lu-xi-ta-ni-a đã nảy sinh một loạt vấn đề khó hiểu. Dường như, nó được tạo điều kiện cho hải quân Đức dễ bề tấn công. Thông thường, thiết giáp hạm Juneau kiêm nhiệm chống tàu ngầm luôn hộ tống tàu dân sự trên đường đến Anh, đột nhiên lần này không thấy xuất hiện. Thứ đến, lực lượng trinh sát hải quân đã thông báo không chính xác cho Lu-xi-ta-ni-a về vị trí tọa độ của tàu ngầm Đức nấp dưới đáy biển. Cuối cùng là cách xử sự kỳ lạ “bất tuân thượng lệnh” của Thuyền trưởng Tun-nơ. Thay vì tuyệt đối phục tùng mọi chỉ thị từ Bộ tư lệnh Hải quân trong điều kiện thời chiến, Tun-nơ lại lờ đi như thể đã được “bật đèn xanh” từ trước.

Mặt khác, mấu chốt của sự khác biệt nằm ở khoảng thời gian diễn ra thảm họa. Theo Đức, một quả ngư lôi là đủ thời gian để thủy thủ và hành khách rời tàu sang thuyền cứu hộ. Thế nhưng, Lu-xi-ta-ni-a chìm sau vỏn vẹn 18 phút đem theo phần lớn hành khách của nó. Thậm chí, những nhân chứng sống sót kể lại, một vụ nổ cực lớn xảy ra ngay sau quả ngư lôi nổ.

Phải đến hơn nửa thế kỷ sau, sự thật mới được khám phá.

Trước khi lên đường, Thuyền trưởng Tun-nơ ký vào bản kê khai hàng hóa chỉ có 1 tờ. Tuy nhiên, bản kê 24 trang dài khác đã bị phát hiện ngay sau khi Lu-xi-ta-ni-a đã khởi hành. Sự kiện này đã gây chấn động cả cảng Niu Y-oóc.

Hơn nửa thế kỷ sau khi tàu Lu-xi-ta-ni-a bị bắn chìm, nhà thám hiểm danh tiếng Rô-bớt Ba-lát và các thợ lặn đã xuống vùng biển ngoài khơi Ai-len để khám phá sự thực. Họ phát hiện số hàng hóa Lu-xi-ta-ni-a chở theo bao gồm 4.200.000 viên đạn súng trường, 1.250 vỏ đạn pháo rỗng và 18 thùng kíp nổ. Nhà thám hiểm Rô-bớt đã cho các phóng viên thông tin, ông tìm thấy một lỗ ngư lôi nhỏ khi điều tra con tàu đắm, nhưng thiệt hại của vụ nổ lớn và không có liên quan là nguyên nhân thực sự làm chìm Lu-xi-ta-ni-a. Kết luận từ đó và các thông tin khác, vụ nổ có điều khiển trên tàu đã được sắp đặt để bảo đảm Lu-xi-ta-ni-a, hành khách của nó và thủy thủ đoàn bị chôn vùi dưới nấm mồ nước. Ham-pơ-tơn Sai-đơ, phóng viên của Tạp chí Người đương thời tại Mỹ, chứng kiến cuộc thám hiểm xác tàu đắm của các thợ lặn, đã viết: “Chúng là đạn dược để giết người Đức trong Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất-đạn mà quan chức Anh và Mỹ đã từ lâu chối bỏ là chúng có mặt trên tàu Lu-xi-ta-ni-a”.

Theo giới sử gia am hiểu thì vụ Lu-xi-ta-ni-a chính là nước cờ đầy mưu lược với cách thức “một viên đạn đạt hai mục tiêu”. Trong trường hợp Lu-xi-ta-ni-a không bị đánh đắm thì quân Anh nghiễm nhiên được tiếp tế một lượng phương tiện chiến tranh đáng kể. Trong trường hợp ngược lại như lịch sử đã minh chứng, buộc nước Mỹ phải can thiệp đứng về phía nước Anh chống lại người Đức.

TRẦN VĂN LÂM (Theo PBS và History)