 |
Ngục Đắc Glei-nơi nhà thơ Tố Hữu từng bị giam cầm. |
...Đầu tháng 4 năm 2008, một lần lên thị xã Kon Tum công tác, tôi được một người bạn làm bên Hội Văn học nghệ thuật cho biết: “
Nghe đâu A Nhic-người cõng nhà thơ Tố Hữu vượt ngục Đắc Glei vẫn còn giữ lại nhiều kỷ vật và nhiều câu chuyện “bí ẩn” hay lắm...”. Háo hức, thế là chúng tôi quyết định đi Đắc Glei. Điều không ngờ là từ đường Hồ Chí Minh vào xã Ngọc Linh bây giờ đã có đường ô tô láng nhựa. Những cánh rừng xà nu cổ thụ trong làn sương mờ ảo lướt qua kính xe đẹp đến mê người. Chợt anh bạn ở Hội Văn học nghệ thuật Kon Tum ngồi bên tôi nói khẽ “
qua dốc Tố Hữu rồi, chúng ta đến làng Lua và đến một đoạn nữa là hết Đắc Choong” .
Chiều, mặt trời đang trốn mình vào từng khe lá, làng Lua vẫn còn đó những ngôi nhà sàn như nguyên thủy. Một cụ già ở đầu làng cho chúng tôi biết A Nhic đã mất rồi. Người biết nhiều chi tiết bây giờ không còn ai ngoài A Thanh Sắc-con trai của cụ, hiện đang làm Trưởng phòng Tôn giáo-Dân tộc huyện Đắc Glei…
Mời chúng tôi uống chén trà đậm hương Bầu Cạn, anh A Thanh Sắc kể cho chúng tôi nghe chuyện về người cha của mình:
- Lúc còn sống, cha tôi hay kể chuyện hoạt động cách mạng cho con cháu nghe, trong đó có đoạn ông cứu nhà thơ Tố Hữu. Nhiều lần nên tôi nhớ rất rõ chi tiết-A Thanh Sắc từ tốn kể. Cha tôi từ năm lên 10 tuổi đã tham gia hoạt động cách mạng bằng việc liên lạc, đưa thư cho các chú. Ông biết Tố Hữu khi ông về hoạt động ở vùng Phước Sơn. Theo sự mô tả của cha tôi thì Tố Hữu ăn mặc như người Giẻ Triêng, giả làm người đi buôn để che mắt địch. Năm 1942 ông bị giặc Pháp đưa lên giam ở ngục Đắc Glei thì cha tôi cũng bị bắt giam ở đó. Gặp lại, hai người nhận ra nhau ngay. Ở trong tù, anh em đặt cho Tố Hữu biệt danh là A Nhoong. “A Nhoong” tiếng Xê Đăng có nghĩa là “em”. Biệt danh ấy có lẽ do vóc dáng nhỏ nhắn, trắng trẻo thư sinh của ông.
A Nhic bị nhốt ở ngục Đắc Glei 3 tháng. Chúng tra tấn rất dã man nhưng ông vẫn một mực không khai. Đoán chắc không tìm được chứng cứ gì, sớm muộn chúng cũng phải thả nên ông vạch kế hoạch vượt ngục cho Tố Hữu. Ngục Đắc Glei vốn lọt thỏm giữa những rặng núi cao vây bủa. Người vượt ngục nếu không biết hướng đi sẽ luẩn quẩn mãi giữa đại ngàn. Không chết đói chết rét thì cũng bị thú dữ ăn thịt. Có lẽ ỷ vào điều này nên bọn lính ngục hơi chủ quan. Khoảng từ 2-4 giờ sáng không chịu nổi khí lạnh rừng già buốt như cắt thịt, chúng thường bỏ đi đốt lửa sưởi, đôi khi ngủ vùi quên cả gác. Hai người thống nhất: cứ đến khoảng thời gian đó, Tố Hữu phải thức chờ sẵn bên trong, còn A Nhic sẽ theo dõi bên ngoài. Nếu thấy cơ hội, ông sẽ giả tiếng mang kêu cho Tố Hữu biết. Mọi việc quả nhiên đúng như kế hoạch. Một đêm, tên lính gác ngủ say quên khoá cửa, Tố Hữu đã theo ám hiệu thoát được ra. Nhưng những ngày tháng giam cầm đã khiến ông kiệt sức, không đi nổi. A Nhic xốc ông lên vai cõng chạy vào rừng. Sau này cha tôi nhớ lại, lúc đó Tố Hữu còn chừng ba chục cân. Ba tháng trong ngục, sức đã đuối mà ông cũng cõng được Tố Hữu lội một mạch dọc suối Đắc Choong rồi nhằm hướng làng Bê Rê trèo lên. Đến lưng chừng dốc thì trời hửng sáng phải dừng lại. Hai người tiếp tục bàn bạc. Giờ này bọn cai ngục chắc đang xua lũ lính đi lùng sục, phải chờ vài ngày cho tình hình tạm yên và cũng để Tố Hữu lại sức… Mấy ngày sau đó, họ nhận được tin: Bọn chúa ngục không tìm thấy tăm tích Tố Hữu, đã bắn chết tên lính gác. Như vậy là đã có thể đi được. A Nhic chuẩn bị cho Tố Hữu một gói xôi, hai ống cá nướng, cơm lam để ăn đường và một con dao để đề phòng thú dữ. Ông lấy lá chuối khô dùng than vẽ đường đi, dặn dò thật cẩn thận rồi tiễn Tố Hữu xuống tận sông Đăk My mới quay về…
Tố Hữu đi rồi, cha tôi lòng đầy thấp thỏm. Ông kể rằng, lúc nào cũng lẩm nhẩm khấn Giàng phù hộ cho Tố Hữu “thấy Tây thì Tây tránh; thấy thú dữ thì thú dữ lánh xa”. Ông không hay rằng, Tố Hữu đã may mắn thoát về làng Rô yên lành. Mãi đến khi Cách mạng tháng Tám thành công, biết được tin Tố Hữu thay mặt Chính phủ Việt Minh vào Huế tước ấn kiếm của Bảo Đại thì cha tôi nhảy lên reo mừng. Không giấu được niềm tự hào là đã cứu thoát được một cán bộ quan trọng cho cách mạng, ông mang chuyện đi kể khắp làng. Đang mong có ngày được đi Hà Nội gặp Bác Hồ, thăm Tố Hữu thì chiến tranh lại tiếp tục nổ ra. Tuổi tác ngày càng già, cha tôi nghĩ có lẽ mình chẳng bao giờ gặp lại người xưa-tuy trong thâm tâm ông tin chắc không bao giờ Tố Hữu quên ông. Linh tính của người già quả đúng. Năm 1978, Tố Hữu - lúc bấy giờ là Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng-vào thăm Gia Lai-Kon Tum. Đắc Choong hồi đó đâu đã có đường ô tô và Tố Hữu cũng không chắc A Nhic còn sống nên chỉ gửi lời hỏi thăm. Đến năm 1988, tôi nhớ có một cán bộ tên là Kiên vào làng tìm cha tôi nhưng không gặp. Năm 1990, biết chắc cha tôi còn sống, trong một chuyến công tác vào Tây Nguyên, Tố Hữu gửi lời thăm. Tháng 3 năm 1993, cha tôi qua đời…
Tin cha tôi mất từ ngôi làng xa tít giữa đại ngàn chẳng hiểu sao cũng đến được Tố Hữu. Nhưng lúc này Tố Hữu cũng đã hơn 70 tuổi rồi, dẫu muốn ông cũng chẳng thể về làng viếng cha tôi được. Qua ông Sô Lây Tăng-lúc bấy giờ là Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum, Tố Hữu gửi tặng gia đình tôi 2m vải đựng trong một chiếc túi xách bằng da cùng một bức thư. Tất cả bây giờ tôi vẫn giữ nguyên vẹn, xem đó là một kỷ vật thiêng liêng của hai ông…
Bài và ảnh: LÊ QUANG HỒI