QĐND - Trung tuần tháng 10 vừa qua, nhân chuyến công tác về vùng Đông Bắc, tôi ghé vào thăm Trung đoàn 131 Công binh Hải quân. Nghĩ là đang mùa mưa bão nên chắc anh em đều... rảnh rỗi. Nào ngờ, hầu như cả Ban chỉ huy Trung đoàn đều đang dã ngoại ở các công trình gần xa khắp trong Nam ngoài Bắc. Xa nhất là Đại tá Nguyễn Viết Nhất -Chính ủy Trung đoàn -đang đi kiểm tra tiến độ thi công mấy công trình dân sinh ở Trường Sa. Trực chỉ huy “ở nhà” là Thượng tá Đặng Việt Anh, Phó chính ủy Trung đoàn.
 |
Công trường trên đảo xa vẫn rộn ràng lời ca kết nghĩa quân dân. Ảnh: Đào Văn |
Tốt nghiệp Trường Sĩ quan Công binh năm 1988, Đặng Việt Anh được điều về trung đoàn và gắn bó với đơn vị từ đó đến nay ngót một phần tư thế kỷ. Trưởng thành từ một cán bộ trung đội, rồi trợ lý cơ quan, rồi lại trở về làm cán bộ đại đội, cán bộ tiểu đoàn... chỉ huy anh em đi xây dựng công trình ở đảo Bạch Long Vỹ, Thổ Chu, quân cảng Cam Ranh, huyện đảo Trường Sa... nên Đặng Việt Anh là cả một “kho” tài liệu về chuyện những người lính công binh xây dựng công trình biển, đảo. Những năm gần đây lên Ban chỉ huy Trung đoàn, không trực tiếp chỉ huy đơn vị làm việc ở công trường, nhưng hầu như năm nào Đặng Việt Anh cũng có vài chuyến đi kiểm tra xây dựng công trình ở Trường Sa và các đảo vùng Đông Bắc, miền Trung, phía Nam... Năm nay anh cũng vừa trở về sau 3 tháng lênh đênh đến 5 điểm xây dựng ở Trường Sa Lớn, Thuyền Chài, Phan Vinh, Đá Tây A và Sơn Ca. Ngoài các điểm ở Trường Sa và Vũng Tàu, hiện tại đơn vị còn đang thi công ở Côn Đảo và Quảng Ninh, làm đường tuần tra biên giới ở miền Tây Thanh Hóa và rà phá bom mìn, giải phóng mặt bằng ở Bình Thuận.
Tôi hỏi Đặng Việt Anh: Tròn một phần tư thế kỷ lăn lộn với anh em, công việc xây dựng công trình biển, đảo ngày nay so với trước đây có gì giống và khác? Trả lời: Nội dung xây dựng công trình kinh tế -quốc phòng và phục vụ dân sinh trên biển, đảo... thì cơ bản không có gì khác. Nhưng cách thức, phương pháp thực hiện thì có nhiều cái khác. Chẳng hạn trước đây đi theo mùa; nay thì quanh năm vì khối lượng công việc nhiều, phương tiện vận tải và thi công hiện đại hơn nên có thể làm việc trong nhiều điều kiện thời tiết. Công tác hậu cần và cung cấp vật liệu xây dựng cũng đảm bảo hơn trước. Chẳng hạn trước đây rau xanh, nước ngọt khan hiếm; nhưng nay tàu to, có phòng khoang lạnh dự trữ rau, thịt... dài ngày. Vả lại, nay nếu thiếu thực phẩm tươi xanh, nước ngọt... thì bộ đội và nhân dân trên đảo cũng sẵn sàng ủng hộ “cây nhà lá vườn” khá dồi dào. Đặc biệt, trước đây đi đảo là... biền biệt xa vợ con, đơn vị; nhưng nay sóng điện thoại di động hầu như phủ khắp vùng chủ quyền biển đảo, có việc gì là a -lô trao đổi, chuyện trò với anh em trong đơn vị và người nhà như đang ở trong đất liền vậy...
Câu chuyện “a -lô” của Thượng tá Đặng Việt Anh khiến tôi chợt nảy ra ý định làm một cuộc “phỏng vấn từ xa” với Chính ủy Nguyễn Viết Nhất, giờ này nghe nói đang có mặt ở đảo Sơn Ca. Hiện tại ở Trung đoàn 131 công binh Hải quân này, Đại tá Nguyễn Viết Nhất thuộc vào hàng những người có thâm niên cao nhất: 28 năm! Bấy nhiêu năm gắn bó với đơn vị, anh đã đặt chân đến hầu khắp các đảo lớn gần bờ và các điểm đóng quân của bộ đội ở huyện đảo Trường Sa. Có lần trò chuyện với tôi, anh Nhất nói rằng tính ra thì có vẻ “ghê gớm” thế, chứ thực ra anh về đây khi đơn vị đã được tặng thưởng 3 Huân chương Chiến công các hạng, nên so với gian lao vất vả hi sinh của các anh lớp trước, thì thế hệ như các anh đây cũng chưa thấm tháp gì. Là anh khiêm tốn vậy, chứ theo tôi chỉ riêng cái đợt đầu tiên anh được tham gia đi xây dựng Trường Sa, cũng đã là một chiến dịch “ghê gớm” lắm. ấy là vào mùa xuân năm 1988, các anh được lệnh đi xây dựng nhà ở cho bộ đội ở Trường Sa, khi ngoài đó bộ đội ta đang chiến đấu và đổ máu để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Con tàu vận tải 400 tấn của các anh chở sắt thép, xi măng, cuốc xẻng... không chỉ phải chống chọi với sóng gió trùng khơi mà còn phải đối phó với hành động khiêu khích gây hấn của những chiếc tàu nước ngoài trọng tải hàng ngàn tấn...
Trong hoàn cảnh gian lao và tình thế nguy hiểm ấy, các anh vẫn bình tĩnh, kiên cường trước thiên tai và địch họa, để rồi những ngôi nhà chênh vênh trên mặt biển vẫn được dựng lên ở Đá Lớn, Đá Lát, Đá Đông, Len Đao, Cô Lin... cho bộ đội ta phóng tầm mắt xa hơn trong trực chiến bảo vệ chủ quyền. Và trong lúc Khung trưởng Nguyễn Viết Nhất đang cùng đồng đội vượt sóng gió ở Trường Sa, thì ở quê nhà vợ anh cũng đang vượt cạn một mình. Ba tháng sau anh mới trở về đặt tên cho con là Dũng, một cái tên hàm chứa nhiều ý nghĩa. Chợt nhớ điều này nên câu hỏi “phỏng vấn từ xa” đầu tiên của tôi với Chính ủy Nguyễn Viết Nhất là: “Thằng cu Dũng ngày ấy bây giờ làm gì rồi?”. Nhận ra giọng của tôi, từ Trường Sa Nguyễn Viết Nhất hào hởi:
- Cảm ơn bác! Cháu đã tốt nghiệp Trường Sĩ quan Công binh năm 2011 và được “đầu quân” về đơn vị của bố. Năm ngoái, Trung úy Nguyễn Duy Dũng cũng đã được ra “nếm mùi” Trường Sa mấy tháng rồi...
* Chúc mừng anh chị nhé! Thế bao giờ thì các anh vào bờ?
- Có lẽ gần cuối tháng này anh ạ! Tôi đang cố gắng thu xếp vào sớm để triển khai đợt sinh hoạt phê bình và tự phê bình, kiểm điểm đảng viên theo Nghị quyết Trung ương 4...
* Đợt này anh đi những đảo nào?
- Tôi đi từ tháng 7, vào kiểm tra dự án ở Bình Thuận rồi ra công trình ở Côn Đảo, tiếp đó là Phan Vinh và bây giờ đang ở Sơn Ca...
Tôi đang định hỏi tiếp chuyện quân và dân trên đảo Sơn Ca hiện nay như thế nào, nhất là chuyện học hành của trẻ em ngoài đó, nhưng tín hiệu điện thoại cứ chập chờn ngắt quãng. Tiếng anh Nhất lúc rõ lúc không: “... gió to quá... thành lập đơn vị... xuống nhé... về rồi... nhiều chuyện lắm...”...
Tôi đoán là Chính ủy Nguyễn Viết Nhất đang ở ngoài công trường vì tiếng sóng, tiếng gió cứ ầm ào gầm rú. Hình như anh vừa nói đến ngày kỷ niệm thành lập đơn vị 6-11 sắp tới và mời chúng tôi về vui cùng đơn vị. Dịp ấy chắc thế nào cũng sẽ được gặp anh và tha hồ mà hỏi chuyện Trường Sa...
TUYÊN HÓA