Dòng ký ức

QĐND - Đường về trung tâm huyện Đầm Dơi và Cái Nước, về với trận chiến oai hùng của quân, dân Đồng bằng sông Cửu Long nay đã khác xưa. Rừng Tràm, rừng Đước và đầm lầy đầy rẫy cỏ năn cao ngút đầu người, con đường đất chạy từ huyện Cái Nước sang Đầm Dơi, cùng vài đường mòn cặp hai bờ sông trước đây, nay đã không còn nữa. Máu, xương và mồ hôi của những người dân cần cù nơi Đất Mũi đã đánh thức sức sống của mảnh đất phèn, lầy nơi này thành những vườn cây xanh tươi, cánh đồng bát ngát, ruộng lúa tiếp nối vuông tôm trải dài. Trong khung cảnh ấy, chúng tôi bắt gặp những ánh mắt chứa đựng nhiều cảm xúc: Mong mỏi, buồn đau, kiêu hãnh… trên những khuôn mặt trầm ngâm, suy tư như xoáy sâu vào không gian đang lướt nhanh qua ô kính xe ô tô, của những cựu chiến binh - nhân chứng lịch sử.

Chính quyền và nhân dân huyện Đầm Dơi đón chào đoàn đại biểu về dự lễ động thổ Khu di tích Chiến thắng Đầm Dơi, Cái Nước, Chà Là.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Điều, nguyên Đại đội trưởng Đại đội hỏa lực thuộc Đại đội 2, Tiểu đoàn U Minh trước đây, nhớ lại ngày tiến công chi khu Đầm Dơi: Đêm 9-10-1963, tôi cùng đồng đội hành quân dọc theo sông Đầm Dơi, rồi bố trí hỏa lực phía sau Đại đội 2, bắn hỏa lực để bộ binh ta xung phong đánh chiếm được 3 lô cốt địch. Địch co cụm lại ở lô cốt cuối và chống trả quyết liệt. Đến rạng sáng 10-10, địch được chi viện và chia thành nhiều mũi, phản công quyết liệt. Lúc đó, khi đang cùng đồng đội dùng đại liên tấn công địch thì tôi bị thương ở cánh tay và được đồng đội đưa về tuyến sau cứu chữa. Bao nhiêu năm rồi mà ngày ấy vẫn như chỉ mới xảy ra. Tôi vẫn thấy tình đồng đội chứa chan trong dòng lệ tuôn trào nơi cặp mắt đen, tròn của cô giáo kiêm quân y tên là Phụng, khi thấy chúng tôi bị thương. Tình quân dân thắm thiết là động lực tinh thần lớn lao theo chúng tôi trên khắp các chiến trường.

Nơi ngã ba sông Đầm Dơi, tại trung tâm chi khu Đầm Dơi nửa thế kỷ trước, giờ đây có tượng đài nữ Anh hùng Dương Thị Cẩm Vân và bức phù điêu ghi lại hình ảnh về cuộc đấu tranh dũng cảm kiên trung của “đội quân tóc dài”. Bãi mìn, rào thép gai, tường rào, lô cốt… không còn nữa, thay vào đó là phong cảnh hữu tình trên bến, dưới thuyền ồn ào, nhộn nhịp.

Trở về thăm chiến trường xưa, mỗi cựu chiến binh hôm nay không khỏi xúc động nghẹn ngào. Những cái tên Thắng, Oai, Nhiều… và hình ảnh đồng chí, đồng đội hiên ngang ngã xuống trên chiến trường còn sâu đậm trong cựu chiến binh Đặng Thành Long, nguyên Đại đội trưởng Đại đội 1, Tiểu đoàn U Minh. Ông kể, khoảng 0 giờ, ngày 10-9-1963, trên đường tiếp cận, phân đội ĐKZ 75mm lọt vào bãi mìn của địch, hy sinh 6, bị thương 5 đồng chí. Công tác tiếp cận càng trở nên khó khăn khi địch dùng cối liên tục bắn về phía mìn nổ. Đến 4 giờ 10 phút, chúng tôi được lệnh nổ súng, đánh chiếm từng bờ tường và chia thành nhiều mũi để thọc sâu. Trung đội 1 tiến đánh nha quận thì bị đại liên địch bắn xối xả vào đội hình. Ở cửa số 2, ta sử dụng hết thuốc nổ biên chế nhưng vẫn chưa mở được cửa mở nên đội hình bị ùn lại và bị địch bắn, ta hy sinh 2, bị thương thêm 6 đồng chí.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Quang, nguyên Tiểu đội phó, Trung đội 2, Đại đội 1, Tiểu đoàn U Minh, cũng nói: Tại trận đánh cứ điểm Chà Là, vào đêm 23-11-1963, khi vừa đánh chiếm xong lô cốt, tiểu đội tôi bị địch quăng trái M79 làm đồng chí Thắng hy sinh tại chỗ, tôi vừa băng lên lô cốt thì bị đạn bắn trúng chân và nằm bẹp trên nóc lô cốt. Đến 6 giờ sáng ngày 24, đồng chí Năm Điền bắt gặp và băng bó, cõng tôi gần 600m men theo sông đưa ra ngoài cứu chữa. Tôi được hồi sinh lần thứ hai nhờ tình đồng chí, đồng đội.

Những giá trị trường tồn theo thời gian

Hãnh diện và xúc động biết bao khi sự trở về của những người con anh hùng năm xưa nhận được sự đón tiếp niềm nở, chân thành và quý mến của chính quyền, các đoàn thể và nhân dân địa phương. Rừng cờ hoa, rừng người như tô thắm thêm tình quân, dân nơi Đất Mũi. Đặc biệt, nơi ấp Chà Là, xã Trần Phán, huyện Đầm Dơi, một công trình kỷ niệm Khu di tích Chiến thắng Đầm Dơi, Cái Nước, Chà Là được khởi công xây dựng vào đúng ngày kỷ niệm 50 năm. Với diện tích 3,4ha, tổng kinh phí đầu tư 40 tỷ đồng… khu di tích sẽ là biểu tượng của tinh thần quật cường, mưu trí, sáng tạo, đoàn kết, hiệp đồng chiến đấu và là điểm du lịch, giáo dục truyền thống đầy ý nghĩa của tỉnh Cà Mau.

“Khi quân và dân ĐBSCL đánh Chi khu Đầm Dơi, Cái Nước và cứ điểm Chà Là, chúng tôi còn đang trên đường hành quân Nam tiến. Nhưng trận đánh này đã để lại cho chúng tôi những bài học kinh nghiệm quý báu và là một động lực tinh thần to lớn cho bộ đội trên khắp chiến trường miền Tây Nam Bộ” - Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định tại Hội thảo khoa học 50 năm Chiến thắng Đầm Dơi, Cái Nước, Chà Là, được tổ chức ngày 23-11 vừa qua, tại huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau.

Sự kết hợp “3 mũi giáp công”, phát huy sức mạnh của 3 thứ quân đã làm nên chiến thắng mang ý nghĩa to lớn khi phá tan "quốc sách" ấp chiến lược của địch, góp phần đánh bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, “trực thăng vận”, “thiết xa vận”. Hãng thông tấn AFP của Pháp ngày 11-9-1963 có bình luận: “Cuộc tấn công của quân du kích Việt Cộng tiêu diệt 2 chi khu Cái Nước và Đầm Dơi thật sự là một đòn sấm sét đánh vào quân chính phủ”, còn trận đánh cứ điểm Chà Là “là trận mở đầu đánh tiêu diệt lớn quân chủ lực ngụy ở miền Tây, Chà Là trở thành mồ chôn máy bay địch, mồ chôn trực thăng vận, mồ chôn quân nhảy dù”.

Theo đồng chí Nguyễn Tiến Hải, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, Chiến thắng Đầm Dơi, Cái Nước, là “biểu tượng của tinh thần quật cường, mưu trí, sáng tạo, đoàn kết, hiệp đồng chiến đấu giữa lực lượng vũ trang Quân khu 9 với quân, dân tỉnh Cà Mau”. Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Thủy, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 9 trao đổi: Nửa thế kỷ đã trôi qua, song bài học kinh nghiệm quý báu rút ra từ thắng lợi của các trận đánh lịch sử vẫn còn nguyên giá trị tới ngày nay. Chính vì thế, Quân khu 9, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, tỉnh ủy - UBND tỉnh Cà Mau tổ chức Hội thảo khoa học “Chiến thắng Đầm Dơi, Cái Nước, Chà Là năm 1963 - ý nghĩa và bài học kinh nghiệm” để nhìn nhận, đánh giá một cách đầy đủ, đúng đắn, sâu sắc về ý nghĩa, tầm vóc, nguyên nhân thắng lợi cũng như đúc kết những bài học kinh nghiệm có giá trị thực tiễn làm cơ sở khoa học để lãnh đạo, chính quyền các cấp hoạch định đường lối chiến lược quốc phòng - an ninh, chiến lược, xây dựng khu vực phòng thủ trên địa bàn Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, kết quả của hội thảo còn góp phần tri ân và tôn vinh những chiến công và sự hy sinh của nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Đồng bằng sông Cửu Long trong cuộc kháng chiến giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Bài và ảnh: VIỆT HÀ