10 năm và 12 ngày
Bài 1: “Tiên tri” và “tiên liệu”
QĐND - Phóng viên Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần đã tìm gặp nhiều người trong cuộc để ghi lại hành trình đầy trăn trở, dự liệu suốt 10 năm tìm tòi cách đánh B -52. Những lối đi đầu tiên được khai mở lại bắt đầu từ câu chuyện trung đoàn tên lửa đầu tiên của ta ra quân trận đầu đã tiêu diệt được một chiếc máy bay… không người lái!
 |
Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Ninh (giữa) chỉ huy bộ đội huấn luyện cách đánh tên lửa năm 1964. Ảnh tư liệu |
Nỗi canh cánh trong lòng Bác
ông, người nắm giữ nhiều thông tin “chỉ mình ông biết” về “Điện Biên Phủ trên không”. Đơn giản vì trong 12 ngày đêm ấy, ông đảm trách nhiệm vụ trực ban tác chiến phòng không tại Tổng hành dinh. Hơn thế, ông còn thuộc lớp sĩ quan tên lửa đầu tiên, một trong những tiểu đoàn trưởng tên lửa của quân đội ta.
ông là Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh, nguyên Phó cục trưởng Cục Tác chiến, năm nay đã vào tuổi 90. ông “bật mí”, chuyện đánh B -52 có “mối lương duyên” chặt chẽ với… đánh máy bay không người lái.
Vào thời điểm nước Mỹ cho bay thử chiếc B -52 đầu tiên vào ngày 16-4-1952 thì bộ đội ta đánh Pháp chủ yếu bằng súng trường và cũng tháng tư năm ấy, Trung đoàn pháo cao xạ 37mm đầu tiên của ta mới được thành lập. Hồi ấy, ngay cả ông Phùng Thế Tài cũng thừa nhận mình chưa nghe nói đến cái tên B -52! Năm 1962, khi được bổ nhiệm là Tư lệnh bộ đội phòng không, ông Tài được Bác Hồ gọi lên. Bác hỏi:
- Bây giờ chú là Tư lệnh phòng không, vậy chú đã biết gì về B -52 chưa?
“Nghe Bác nói mà tôi cứ ngớ ra, không ngờ Bác lại hỏi về loại máy bay này. Thấy tôi lúng túng, Bác cười độ lượng: “Nói thế thôi chú có biết cũng chưa làm gì được nó. Nó bay cao trên 10 cây số mà trong tay chú hiện nay mới chỉ có cao xạ thôi. Nhưng ngay từ nay, là tư lệnh bộ đội phòng không, chú phải theo dõi chặt chẽ và thường xuyên quan tâm đến thằng B -52 này” -Thượng tướng Phùng Thế Tài ghi trong hồi ký.
Một năm sau, hợp nhất Quân chủng Phòng không -Không quân. ông Tài được bổ nhiệm làm tư lệnh đầu tiên và câu chuyện B -52 và lời dặn dò của Bác Hồ vẫn đau đáu trong ông. Ban đầu ông mừng thầm, nghĩ phòng không chưa có vũ khí đánh được B -52 thì… không quân sẽ “xử lý” nó. Nhưng tiếp quản không quân rồi ông mới hay ta chỉ có vài đơn vị máy bay vận tải, chỉ có một trung đoàn MIG.17 thì đang luyện tập ở nước bạn chưa về. Mà có về thì với tính năng hạn chế, cũng không thể hạ nổi B-52.
Ông Tài lại nhớ chuyện một đồng chí cán bộ miền Nam ra Bắc họp có mang theo một tờ truyền đơn của Mỹ vẽ hình chiếc B -52 với 8 động cơ chỉ trong vòng từ 1 đến 3 phút sẽ giội được 30 tấn bom, hủy diệt hoàn toàn mọi sinh vật trong khu vực rộng lớn chiều dài 3 ki -lô-mét. ông Tài lại nhẩm tính tình huống, chỉ cần 10 chiếc B -52 lọt được vào Hà Nội thôi thì điều gì sẽ xảy ra. Chuyện B -52 khiến ông mất ăn mất ngủ.
Quốc khánh 2-9-1967, ông Tài lên báo cáo với Bác. Bác rất vui, khen ngợi chiến thắng của quân và dân Hà Nội. Nhưng Người đột ngột đưa tay về phía ông Tài hỏi: “Thế còn B -52 đâu? ".
“Câu hỏi của Bác làm tôi rất khổ tâm. Suốt đêm đỏ, tôi hầu như không chợp mắt. Tôi cảm thấy mình chưa làm tròn nhiệm vụ” -Thượng tướng Phùng Thế Tài nhớ lại.
Bắn rơi “không người lái” bay cao 18 cây số!
Nhớ lại những năm tháng ấy, Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh cho hay: Sau cuộc kháng chiến chống Pháp, ông Ninh nằm trong số sĩ quan trẻ được cử sang Học viện Phòng không quốc gia Liên Xô mang tên Giu -cốp học tập. Nhưng mới học được 3 năm (1961-1964) thì các ông được lệnh “về nước ngay”. Lúc này, trung đoàn tên lửa đầu tiên của ta được thành lập, mang tên 236. ông Ninh được điều về làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 64.
Run run chỉ tay vào bức ảnh đen trắng có hình ảnh một sĩ quan to cao đội mũ sắt đang đứng giữa thao trường huấn luyện, ông Ninh nói: “Đây là tôi! Ngày ấy chúng tôi huấn luyện ngày đêm, sục sôi khí thế đối đầu với máy bay Mỹ. Và chỉ một năm sau, tên lửa ta đã có trận đánh đầu tiên với máy bay Mỹ”.
Trận đánh diễn ra vào ngày 24-7-1965. Tiểu đoàn 64 của ông Ninh đã phối hợp với Tiểu đoàn 63 cùng với 3 trung đoàn cao xạ khác đánh máy bay Mỹ tại Bất Bạt (Hà Tây) suốt 3 ngày liền.
Mở cho tôi xem cuốn sách “Lịch sử nghệ thuật chiến dịch phòng không (12-1972)” do chính các tướng lĩnh, những người trong cuộc từng đối đầu với máy bay Mỹ năm xưa viết lại để truyền thụ kinh nghiệm chiến đấu cho mai sau, Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh cho biết: “ở đây có ghi rất rõ trận ra quân đầu tiên của bộ đội tên lửa”. Thì ra, trong chiều 24-4-1965, chỉ với 4 quả đạn tên lửa, ta đã hạ cả tốp F4C của Mỹ. Chúng kinh hoàng, choáng váng cả ngày hôm sau không dám bay ra.
“Ngày 26-7-1965, địch cho hai máy bay trinh sát BQM -34A (bay ở tầng cao) và RF -101 (bay ở tầng thấp) mò ra trinh sát trận địa tên lửa ta để chuẩn bị đánh “trả đũa”. Lúc này, tiểu đoàn tôi đã di chuyển về Tùng Thiện và độc lập đánh. Hôm ấy, cả hai chiếc đã bị bắn rơi tại chỗ. Trận hôm trước, ta triển khai nhưng thao tác do bạn Liên Xô làm cả, tôi chỉ ngồi cạnh. Trận thứ hai, chúng tôi đã trực tiếp vào cuộc. Trong hai chiếc, chiếc BQM -34A là chiến thắng cực kỳ quan trọng dù nó chỉ là máy bay… không người lái! Quan trọng vì nó bay ở độ cao rất cao, cao tới 18km! Như vậy là tên lửa ta có thể “với tới B -52” rồi mà thực tế là như thế, không có chuyện phải “nâng tầm” tên lửa như sau này ai đó nói đâu. Chúng tôi vui sướng vô cùng!”- Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh nhớ lại.
Sau này ông Ninh được Thượng tướng Phùng Thế Tài kể lại, khi ông Tài báo cáo việc bắn rơi máy bay không người lái lên Bác Hồ, Bác mừng lắm, Bác gửi ngay thư khen. Bác lệnh phải đưa xác chiếc máy bay ấy về quân chủng để nghiên cứu.
Đầu năm 1966, Trung đoàn 238 cũng bắn được máy bay không người lái ở độ cao tương tự, xác máy bay được đưa về Quân chủng Phòng không -Không quân, trưng bày cùng nhiều loại máy bay khác bị rơi. Bác Hồ đã đến tận nơi xem xét hồi lâu. Nét mặt Người tỏ ra vui vẻ, hài lòng. Bác quay ra nói với Chính ủy Đặng Tính:
- Máy bay không người lái cao như thế này mà các chú còn bắn được thì B -52 nhất định các chú sẽ bắn được. Bác giao cho các chú phải bắn được B -52!
Hà Nội, những ngày cuối năm 1967 đã lác đác không khí Tết. ông Phùng Thế Tài lúc này đã được bổ nhiệm làm Phó tổng Tham mưu trưởng nhận lệnh lên báo cáo tình hình với Bộ Chính trị. Báo cáo xong, buổi tối hôm sau, Bác Hồ lại tiếp tục gọi ông Tài lên để hỏi thêm tình hình. Ngay phút đầu tiên, Bác đã hỏi về B -52. Nét mặt Bác trở nên đăm chiêu:
- Sớm muộn đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B -52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua.
Thượng tướng Phùng Thế Tài kể lại rằng, hôm đó trời xầm xì, u ám, Bác Hồ đã mở cửa sổ nhà sàn chỉ ra bầu trời và nói với ông:
- Chú nhớ là trước khi thua ở Triều Tiên, đế quốc Mỹ đã hủy diệt Bình Nhưỡng. ở Việt Nam, Mỹ sẽ nhất định thua -Bác nhìn ra cửa sổ, chỉ tay lên bầu trời Hà Nội, nói tiếp: - Nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua ở đây. Vì vậy, nhiệm vụ của các chú rất nặng nề.
Lời Bác Hồ đã trở thành một chỉ đạo chiến lược, một dự báo đầy tính “tiên tri”. Đầu năm 1968, bản phương án đầu tiên về đánh trả cuộc tập kích bằng B -52 của đế quốc Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng đã ra đời trước "Điện Biên Phủ trên không" gần 5 năm...
Tiên liệu
“Bác Hồ không chỉ tiên tri mà còn chỉ đạo tiên liệu, chuẩn bị rất sâu để đối phó với B -52. Chính Người đã đề nghị Liên Xô đẩy nhanh tiến độ giúp đỡ, huấn luyện bộ đội tên lửa” -Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh khẳng định.
Sáng 7-2-1965, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô A.Cô -xư-ghin lần đầu sang thăm Việt Nam và đang ở Hà Nội. Cũng trong buổi sáng hôm ấy, máy bay Mỹ đánh mạnh ở Quảng Bình, Vĩnh Linh, bắt đầu chiến tranh phá hoại lần thứ nhất. Trên bàn hội đàm, Bác Hồ đã đưa ra đề nghị rất cụ thể với ông Cô -xư-ghin: “Tình hình gấp rồi, Việt Nam không sang Liên Xô học cách đánh tên lửa nữa mà phía Liên Xô cần giúp đỡ đưa người sang mới kịp”.
Trong cuộc họp hôm ấy, ông Ninh ngồi cạnh ông Phùng Thế Tài, nói nhỏ:
- Anh nói thêm gì đó để họ giúp mình đi!
Ông Tài gật đầu rồi với một phong cách rất dân dã, rất chân thật, ông “kêu cứu” với các bạn Liên Xô. ông nhìn thẳng vào ông Cô -xư-ghin:
- Ông anh ơi! Thương em với! Bây giờ không quân Mỹ đến rồi mà trong tay em… chưa có gì cả - ông xòe hai bàn tay trắng.
Chẳng hiểu phiên dịch dịch thế nào nhưng ông Cô -xư-ghin và phái đoàn đều tươi cười vui vẻ. ông Cô -xư-ghin hoàn toàn đồng ý với đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Phó tổng Tham mưu trưởng Phùng Thế Tài, sẽ tăng cường giúp đỡ, đưa khí tài và cán bộ sang giúp đỡ Việt Nam.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh kể: “Chỉ sau 3 tháng, đã có 124 cán bộ, sĩ quan huấn luyện tên lửa sang Việt Nam, chia thành 136 lớp học theo kiểu “cấp tốc”. Theo lý thuyết, mỗi khóa đào tạo phải 8 tháng đến một năm mới ra chiến đấu được. Nhưng mới học được một tháng thì Đại tướng Võ Nguyên Giáp gọi Trung đoàn trưởng Trung đoàn tên lửa 236 Trần Nhẫn lên nghe báo cáo tình hình. Đại tướng khen ngợi tinh thần học tập thế là tốt nhưng học như thế vẫn… chưa được! Đại tướng chỉ thị: Phải học sâu về thực hành để ra chiến đấu sớm. Chúng tôi về bàn nhau, quyết rút thời gian học còn 3 tháng, có người chưa đến 3 tháng ra chiến đấu được ngay. Chính Mỹ cũng không ngờ ta chưa đầy 3 tháng đã làm được, có lẽ họ nghĩ ta mất phải hơn một năm …”.
“Thế là sang năm 1966, chỉ sau một năm, ta thành lập được 10 trung đoàn tên lửa” -Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh xúc động kể.
(còn nữa)
Ghi chép của NGUYÊN MINH