Bài 2: Trận địa tên lửa trong lòng đất

QĐND - Khi chế tạo ra khí tài và tên lửa SAM-2, các nhà khoa học quân sự Liên Xô chỉ chuẩn bị cho nó hoạt động trong điều kiện cố định. Họ không thể ngờ rằng, bộ đội Việt Nam bằng lòng quả cảm và quyết tâm cháy bỏng hạ B-52 đã làm một việc chưa từng có trong lịch sử tên lửa thế giới: Đưa khí tài, tên lửa vượt núi, băng rừng hơn 600 cây số từ Hà Nội vào miền Trung, thậm chí đưa cả tên lửa xuống lòng đất…

Đại tá Nguyễn Văn Hội, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn tên lửa 238.

Vào hang… nhìn cọp

Trong khu phố nhỏ ở Hà Nội mang tên vị tướng “mài gươm dưới nguyệt tà” Phạm Ngũ Lão, hầu như ai cũng biết ông Hội “SAM-2”. Ông chính Đại tá Nguyễn Văn Hội, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn tên lửa 238, trung đoàn tên lửa ra đời sớm thứ hai của quân đội ta, cũng là đơn vị đảm trách hành quân vào Vĩnh Linh tìm tòi cách đách B-52 ngày ấy.

Đại tá Nguyễn Văn Hội kể lại: “SAM-2 là vũ khí duy nhất có thể trừng trị được B-52 lúc đó. Ngày 12-4-1965, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Trung đoàn tên lửa 238.  Có một sự trùng hợp kỳ lạ, đúng một năm sau, ngày 12-4-1966,  lần đầu tiên, đế quốc Mỹ cho B-52 đánh ra đèo Mụ Giạ, rồi đánh thẳng vào Vĩnh Linh, đưa B-52 ra miền Bắc”.

Chỉ ít ngày sau khi B-52 ra đánh miền Bắc, trung đoàn của ông Hội nhận lệnh hành quân vào phối hợp tác chiến với Quân khu 4, có nhiệm vụ quan trọng là tìm tòi cách đánh B-52.

Đây thực sự là một quyết định lịch sử

Thượng tướng Phùng Thế Tài kể lại rằng: Mỗi ngày nghe B-52 mặc sức tung hoành, cày nát Vĩnh Linh, lòng ông đau như xé. Nhưng điều khiến ông băn khoăn nhất là đưa tên lửa vào đó khác gì đưa mồi vào miệng thú. Có lần, ông đã báo cáo với Bác Hồ nỗi trăn trở của mình, Bác nói: “Muốn bắt cọp thì phải vào tận hang. Chú cứ về suy nghĩ thêm đi…”.

Vậy là, dù Mỹ đang leo thang đánh phá miền Bắc và lấn dần đánh ngoại thành Hà Nội, lực lượng tên lửa còn non trẻ nhưng ta điều hẳn một trung đoàn tên lửa đang triển khai chiến đấu bảo vệ Thủ đô vào miền Trung đánh B-52. Ra đi từ mùa hè năm 1966 nhưng phải đến mùa đông năm 1966, các tiểu đoàn tên lửa mới đến được Vĩnh Linh. Dọc đường, tên lửa ta bị bom đạn địch tấn công dữ dội, cả 4 tiểu đoàn đều bị địch đánh tổn thất nặng, hai tiểu đoàn 84, 83 bị mất sức chiến đấu. Tên lửa thường đi kèm bệ phóng cồng kềnh, xe đặc chủng to cao lừng lững… nên trong lịch sử, chưa có nước nào đưa tên lửa vượt 600km đi chiến đấu như ta. Có lúc, cả một hệ thống tên lửa bị lăn xuống bìa rừng ở Khe Tang. Lại có lúc, cả một đài điều khiến bị lao xuống biển ở đèo Lý Hòa…

Trong hồi ký của mình, Thượng tướng Phùng Thế Tài viết: "Nhờ sức mạnh của lòng dân, cả một trận địa tên lửa gồm các bệ phóng, khu trung tâm điều khiển, các máy phát điện… được đưa xuống lòng đất chỉ với hai bàn tay lao động, với cuốc xẻng thô sơ…”. Theo tài liệu tổng kết của Viện Lịch sử quân sự Việt Nam năm 1997, đã có tới 24 trận địa tên lửa được làm trong lòng đất.

Đến năm 1967, cả trung đoàn tên lửa vào đó với bao mất mát hi sinh nhưng vẫn chưa chiếc B-52 nào bị hạ. Ông Phùng Thế Tài kể rằng, ông cùng nhiều lãnh đạo đã “suy nghĩ đến bạc đầu”. Bộ tư lệnh Phòng không-Không quân đưa câu chuyện B-52 ra kiểm điểm: Trong khi bộ đội bao tổn thất hy sinh nơi đất lửa nhưng tại sao Bộ tư lệnh chưa có ai “vào với anh em”?

Một câu hỏi nữa: Phải chăng ta còn quá nôn nóng phóng tên lửa diệt B-52 mà chưa chú trọng tìm hiểu B-52, tìm điểm mạnh, điểm yếu, rút ra cách đánh? Trong một lần ông Tài báo cáo với Bác Hồ việc này, Bác đã căn dặn: “Các chú đã vào đến được hang cọp rồi, tuy chưa bắt được “cọp” nhưng cũng đã chính mắt nhìn thấy nó. Các chú phải cố nhìn cho thật kĩ để sau này nó ra ngoài này là nhận được mặt nó ngay”.

Chính ủy vào tuyến lửa

Chính ủy Đặng Tính đã tự đề xuất chính mình vào tận tuyến lửa kiểm tra, động viên Trung đoàn 238. Vượt qua túi bom, xe tới phà Long Đại, chính ủy phải bơi qua sông chờ xe đến đón. Nhưng vừa đi được một đoạn thì “rầm”, xe trúng mảnh bom, người lái xe hy sinh tại chỗ. Ông Đặng Tính bật khóc thương đồng đội. Gần một tháng trời, ông lăn lộn từng góc hầm, tới từng kíp chiến đấu, ăn ngủ cùng chiến sĩ.

Vừa trở về Hà Nội, ông Tính triệu tập ngay hội nghị Thường vụ. Mọi người lặng đi khi thấy Chính ủy người gầy tóp, mắt thâm quầng, ông nói giọng nghẹn ngào:

- Trung đoàn 238 xứng đáng được 3 lần anh hùng các đồng chí ạ!

Ông Tính cũng thẳng thắn chỉ ra khuyết điểm để bộ đội tên lửa thiếu thốn nhiều quá, khí tài bị địch đánh hỏng phải chắp vá dồn lắp, nhiều khi chiến sĩ phải đi bộ hàng chục cây số dưới bom đạn để hàn một bộ phận khí tài, lại thêm những tổn thất, hy sinh.

Phiên họp đã đi đến một quyết định quan trọng: Cử một đoàn cán bộ vào Vĩnh Linh trực tiếp chỉ đạo Trung đoàn 238 bắn rơi bằng được B-52. Đoàn do đồng chí Hoàng Văn Khánh, Phó tư lệnh Binh chủng tên lửa dẫn đầu. Đại tá Nguyễn Văn Hội kể: “Dưới mưa bom B-52, chúng tôi đã nghiên cứu từng bãi bom đánh phá để từ đó dựng lên đội hình chiến thuật của nó, tài liệu tuyệt mật đầu tiên về B-52 ra đời từ những biện pháp rất thô sơ”. Ngày 15-3-1967, B-52 xuất hiện, Tiểu đoàn 81 phát sóng bắt được tín hiệu mục tiêu nhưng Tiểu đoàn 83 khí tài không ổn định nên không phóng được tên lửa. Tháng 8 năm ấy, ta cũng nhiều lần phát sóng nhưng do nhiễu nặng không đánh được B-52, lại còn bị địch phóng tên lửa vào trận địa gây tổn thất.

Ngày 17-9-1967, bộ binh ta tấn công quân Mỹ ra sát bờ nam sông Bến Hải, buộc địch phải điều B-52 ra yểm trợ. Cơ hội đã đến! Với sự chuẩn bị chu đáo và tinh thần quyết tâm lớn, Tiểu đoàn 84 đã hạ gục hai máy bay B-52 của Mỹ tại trận địa Nông trường Quyết Thắng ở Vĩnh Linh vào lúc 19 giờ. Cùng với chiến thắng đó, đoàn công tác đặc biệt đã kịp thời nghiên cứu, tổng hợp viết thành tài liệu “Dự thảo B-52” vào tháng 1-1969.

 “Bệnh viện” tên lửa

Trong vô vàn khó khăn của việc tìm tòi cách đánh B-52, theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh, có một cái khó “trên trời rơi xuống”: Đến đầu năm 1968, B-52 được Mỹ cải tiến gây nhiễu rất mạnh. Lại thêm chuyện ngày 5-6-1967, quân đội Ai Cập choáng váng trong đợt tập kích của I-xra-en, ra-đa không phát hiện được, nhiều bộ khí tài tên lửa do Nga và Trung Quốc sản xuất bị thu giữ. Mỹ đã dày công nghiên cứu và vô hiệu hóa hệ thống chống nhiễu. Với sự thay đổi “âm thầm” này, quân Mỹ hết sức chủ quan, coi thường tên lửa Việt Nam, coi như đã loại được tên lửa ta ra khỏi cuộc chiến với B-52.

 “Nó làm nhiễu thì ta vạch nhiễu tìm thù, nhưng bây giờ nguy hiểm hơn là ở chỗ cái rãnh của tên lửa. Nó biết tần số, nó nhằm vào cái rãnh, tạo nhiễu vào rãnh là không điều khiển được tên lửa nữa. Có trận ở Hải Phòng ta bắn tới 90 quả tên lửa nhưng không diệt được máy bay B-52 nào. Lại có chuyện một quả tên lửa rơi xuống nhà dân, làm chết cả gia đình, khiến bộ đội ta day dứt lắm” - Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh nhớ lại.

Một bữa, ông Nguyễn Xuân Mậu, Phó chỉnh ủy Quân chủng Phòng không-Không quân mời ông Ninh, trên cương vị là Trợ lý tác chiến Phòng không của Cục Tác chiến xuống quân chủng. Ông Mậu chẳng nói chẳng rằng mời ông Ninh đi thẳng xuống một đơn vị chiến đấu, lệnh mở máy rồi mời ông Ninh vào xem. Nhiễu dày đặc. Ông Mậu nói nhiễu dày cũng không nguy hiểm bằng phóng đạn ra đạn rơi ngay xuống đất. Trung đoàn tính toán thấy nhiễu thế không đánh được. Ông Mậu nói cái này không phải chúng tôi “nhiễu tư tưởng” đâu mà dường như kỹ thuật có vấn đề rồi! Phải nghe bộ đội, giờ anh bảo tôi phóng tôi phóng ngay nhưng…

Từ thực tế đó, ông Ninh và lãnh đạo Quân chủng Phòng không-Không quân đã đặt vấn đề với chuyên gia Liên Xô phải nghiên cứu cải tiến vũ khí. Bạn đồng ý ngay, đưa cả tổng công trình sư của tên lửa sang Việt Nam nghiên cứu. Ông tổng công trình sư có mặt, chui vào mọi khí tài, mắt thấy tai nghe nhiều cú phóng thất bại. Cuối cùng ông đã gật đầu: Phải cải tiến cả bộ khí tài và cả tên lửa. Cải tiến rất cơ bản. Ông cũng rất khâm phục phát hiện của bộ đội Việt Nam, đây là một phát hiện có tính lịch sử, đã được trả giá bằng máu. Nếu không có cải tiến này, khó mà có chiến thắng B-52 năm 1972.

(Còn nữa)

Ghi chép của NGUYÊN MINH