Bài 3: Chiến công thầm lặng của tình báo quân đội (tiếp theo và hết)

QĐND - Sau hơn 40 năm, dẫu đã có hàng nghìn, hàng vạn trang sách viết về “Điện Biên Phủ trên không” nhưng hầu như chuyện về họ vẫn là “ẩn số”. Đó chính là chuyện về chiến công thầm lặng của ngành tình báo. Công lao của họ, nói như Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh, “không thể có chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không" nếu không có đóng góp của tình báo quân sự”. Còn theo đánh giá của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Đánh B-52, chúng ta như nằm trong Bộ Tổng tham mưu của địch”…

Chúng ta đã biết về B-52 từ năm 1960

Thiếu tướng Vũ Thắng từng được giao làm Trưởng phòng Điệp báo của Cục 2. Đến năm 1966, ông trên cương vị Phó cục trưởng, được giao phụ trách xây dựng lực lượng điệp báo để nắm địch. Thiếu tướng Vũ Thắng kể: “Đầu những năm 60 của thế kỷ trước, chúng tôi nghiên cứu khá sâu về khối Seato, nhất là Thái Lan và Phi-líp-pin vì ở đó có các căn cứ chiến lược, các sân bay B-52, khi đó Mỹ vừa xây dựng thêm 7 sân bay ở khu vực này. Ngoài những sân bay tiêm kích, cường kích còn có sân bay B-52 ở U-ta-pao và quân cảng Sa-ta-íp ở Thái Lan. Ở Phi-líp-pin họ xây dựng một sân bay B-52 và quân cảng. Qua đó cho thấy ý đồ của Mỹ là sẽ mở rộng chiến tranh ở Việt Nam. Vì căn cứ của Mỹ chủ yếu ở Gu-am. Như vậy ý đồ dùng B-52 đánh vào Việt Nam không còn phải nghi ngờ gì nữa. Tổng Tham mưu trưởng đã chỉ đạo chúng tôi phải nắm cho được việc này”.

Thiếu tướng Vũ Thắng, nguyên Phó cục trưởng Cục 2-người từng tổ chức lực lượng nắm thông tin về B-52 từ nước ngoài.

 

Trước đó, khi học ở Học viện Tình báo Liên Xô từ năm 1960, ông Vũ Thắng đã được tìm hiểu rất kỹ về tính năng B-52 và có nhiều tài liệu về “siêu pháo đài bay” này. Tuy nhiên, để nắm được thông tin về việc Mỹ sử dụng B-52 ở Việt Nam như thế nào lại là một bài toán không hề đơn giản khi mà quan hệ ngoại giao thời chiến vô cùng khó khăn. Ta chủ yếu quan hệ với các nước XHCN, khối Đông Nam Á chỉ có Lào, Cam-pu-chia…Vì vậy, việc nắm địch và nắm về B-52 phải bằng nhiều con đường khác nhau, thậm chí là “đường vòng”... Riêng ở Thái Lan, ta có tin tức rất tốt. “Một trong những “đòn” đầu tiên có tính chất “tiên phát chế nhân” với âm mưu dùng B-52 là ta đã phát hiện việc Mỹ cho xây dựng một căn cứ phỉ ở Lào, lập đài chỉ huy để điều hành máy bay. Ta đã lấy được cả bản đồ chuyển về trong nước cho Bộ tư lệnh Không quân ném bom “tan tành” căn cứ đó. Phi công Phạm Ngọc Lan là một trong những người thực hiện nhiệm vụ này”-Thiếu tướng Vũ Thắng nhớ lại.

Thực hiện chỉ đạo của Bác Hồ và Tổng Quân ủy, nhiệm vụ nắm B-52 ngày càng sâu, càng kỹ. “Chìa khóa” đầu tiên để mở nhiệm vụ này chính là… tiếng Anh. Ngày đó, số người giỏi tiếng Anh ở miền Bắc rất hiếm nên lãnh đạo Cục 2 đã báo cáo cấp trên, xin gửi 6 cán bộ đi học tiếng Anh tại Trường Đại học Ngoại ngữ. Rồi 6 người này lại trở thành “thầy”, đứng lớp đào tạo thêm hơn 40 đồng chí để chi viện tiếp cho miền Nam. Họ tham gia trinh sát kỹ thuật để nắm không quân Mỹ. Mỗi lần máy bay Mỹ cất cánh, ta đều nghe qua điện đài, nắm được mọi thông tin, biết máy bay xuất phát từ đâu, đội hình như thế nào. Ta thường biết trước từ 4 đến 7 tiếng, đúng hướng, đúng giờ. Sau này, phi công nói lóng với nhau nhưng thông qua hỏi cung tù binh và các kênh khác, ta vẫn “giải mã” được hết.

Ở miền Nam, ta cũng có lực lượng nắm B-52 ngay trong chiến trường, sử dụng máy móc thu tin và thường báo cho bộ đội trước 3-4 tiếng, thường là bộ đội di chuyển rồi B-52 mới đến nên đã tránh và giảm được đáng kể thương vong. Đại tá Vũ Đình Hòe, nguyên Phó cục trưởng Cục 2,thời điểm ấy là Trưởng phòng Trinh sát, kể lại: “Từ những năm 1966-1967, khi B-52 còn “lộng hành” ở phía Nam, chúng tôi đã nắm được và báo ngay cho các quân khu ngày giờ B-52 đánh phá rõ đến từng tọa độ. Nhiều khi, một sư đoàn đang họp có tin báo là sơ tán hết, sau đó nửa tiếng đồng hồ B-52 ném bom đúng vào nơi vừa họp. Ông Hoàng Văn Thái từ Khu 4 ra rất khen ngợi tin tức của Cục 2. Hàng trăm lần B-52 giội bom xuống các vùng căn cứ của ta nhưng lần nào chúng tôi cũng biết trước và thông báo chính xác!”.

Ở nhiều nước trên thế giới, chúng ta đã tranh thủ được sự ủng hộ của các lực lượng tiến bộ để có nhiều tin tức quý giá. Chẳng hạn như ở Lào, một cơ sở mật của ta rất giỏi tiếng Anh, tiếng Pháp, quen rất nhiều nhà báo Anh, Pháp, Mỹ, Úc nên đã thông qua các nhà báo vừa từ miền Nam trở ra, nắm được nhiều tin tức quý giá về B-52... Chính một số thượng nghị sĩ Mỹ bất đồng chính kiến cũng là một “kênh” đưa nhiều thông tin hiệu quả cho ta. Ở Anh, một cơ sở mật của ta được nhiều trí thức quý mến, trong đó có nhà bác học Bê-ta-răng Hu-xen đã mở một tòa án để xử Mỹ. Ông này rất căm thù Mỹ ném bom Việt Nam nên chủ động thu thập nhiều thông tin về máy bay Mỹ, về B-52 cung cấp cho ta.

Từ những kênh thông tin đa dạng đó, ta đã phân tích và đi đến kết luận âm mưu, thủ đoạn dùng B-52 tấn công Hà Nội của địch.

Thiếu tướng Tống Trần Thuật, nguyên Phó cục trưởng Cục 2 là người tổng hợp tin tức về B-52 của Cục 2 để báo cáo lên Bộ Tổng tham mưu, Quân ủy Trung ương cho biết: Tháng 7-1972, khi ta mở các chiến dịch lớn gây thiệt hại nặng nề cho địch cũng là lúc tình báo của ta nắm được nhiều nguồn tin về việc Mỹ có kế hoạch dùng B-52 đánh vào Hà Nội. Trinh sát kỹ thuật của ta cũng nắm được địch tập kết B-52 ở đảo Gu-am. Tuy nhiên, thời gian đánh lúc nào thì còn chưa rõ. Từ đó, Cục 2 đã báo cáo lên trên về tình hình địch có kế hoạch đánh B-52 vào Hà Nội. Bộ Tổng tham mưu và Quân ủy Trung ương thấy tin tình báo là có cơ sở cho nên triệu tập ngay hội nghị để bàn về việc đối phó với B-52. Bản báo cáo dài 30 trang về B-52 do Trung úy Phan Mạc Lâm thay mặt Cục 2 trình bày tại hội nghị này đã tạo cơ sở cho hội nghị thảo luận.

“Lưới mắt” cùng “lưới lửa” canh trời

Năm 1966, khi Trung đoàn 238 vượt hơn 600km vào miền Trung tìm cách đánh B-52 cũng là lúc những người lính trinh sát kỹ thuật tình báo lên đường theo dấu chân tên lửa làm nhiệm vụ. Đại tá Vũ Đình Hòe cho biết, để đánh B-52, cùng với những trận địa phòng không, còn có hàng trăm, hàng nghìn “trận địa” quân báo nhân dân, theo dõi từng chiếc máy bay của địch.

Để đánh được B-52, cần “xử lý” lũ máy bay chiến thuật bảo vệ xung quanh. Các chiến sĩ trinh sát kỹ thuật bằng kinh nghiệm chiến trường đã phát hiện ra nhiều quy luật của chúng bằng… mắt. Khi đến gần vùng biên của ta, chúng thường hạ thấp độ cao đường bay. Có lần đi trinh sát ở Quân khu 1, ông Hòe tận mắt thấy máy bay tiêm kích của địch bay dưới ngọn núi. Lại có lần thấy chúng bay ven sông Hồng rất thấp để ra-đa của ta không phát hiện được, nhưng mắt thường lại nhìn thấy rất rõ.

Mạng lưới quân báo nhân dân lập tức được khôi phục. Nhiều trạm quan sát mặt đất từ xa, kết hợp tin tức trinh sát kỹ thuật ra đời. Ta thường biết trước đi kèm theo B-52 có bộ phận không quân chiến thuật nào, bộ phận nào nhằm vào các trận địa tên lửa, sân bay của ta nên dọc đường đi của chúng đều có các trạm quan sát. Từ khi có lực lượng này, hầu như không máy bay nào của địch oanh tạc, hay phóng tên lửa vào trúng trận địa pháo của ta trước khi ta khai hỏa, có khi đánh trúng nhưng ta đã chuyển rồi. Trong chiến dịch 12 ngày đêm, không một chiếc máy bay nào lọt ra khỏi tầm ngắm của mạng lưới trinh sát đó. Không chỉ ban ngày ta nhìn rõ máy bay của địch mà ban đêm cũng nhìn thấy vì chúng phải sử dụng đèn.

Mạng lưới quân báo nhân dân cũng vô cùng phong phú, vừa theo dõi địch vừa không rời tay cày, tay cuốc, tay búa, tay máy. Từ tin báo của trinh sát kỹ thuật, cho biết mấy giờ B-52 cất cánh, đi theo hướng nào, hàng nghìn con mắt nhân dân như thiên la địa võng chờ chúng, đưa tin kịp thời để các trận địa phòng không xoay nòng súng đón đợi…

Ghi chép của NGUYÊN MINH