Cháy bỏng tình yêu với nghề giáo

“Những ngày lên lớp khiến tôi bận tối mắt tối mũi, nhưng đó là khoảng thời gian mang đến nhiều niềm vui, hạnh phúc. Mỗi dịp nghỉ hè, tôi cảm thấy thời gian rất dài vì nhớ trường, nhớ lớp, nhớ các con học sinh chăm ngoan”, cô giáo Hà Thị Huyền mở đầu câu chuyện.

Cô giáo Huyền sinh năm 1981. Ngày ấy, Thượng Bằng La là một xã nghèo vùng đồng bào dân tộc. Cũng như nhiều bạn bè cùng trang lứa, Huyền bữa no, bữa đói đến trường. Thoáng mỉm cười, cô giáo Huyền chia sẻ: "Tâm lý của một số học sinh xem việc học tập là “lao động khổ sở”.

Ngày ấy, việc bỏ học của học sinh đồng bào dân tộc ở Thượng Bằng La là chuyện bình thường. Nhiều khi cha mẹ còn vui vì có người ở nhà là có thêm lao động. Đã có lúc em nảy sinh ý định theo các bạn bỏ học, nhưng lời khuyên bảo của các thầy cô rằng "phải cố mà học tập tốt. Vì học được cái chữ sẽ giúp các con được ăn no, ăn ngon, có quần áo mới để mặc và giúp những người thân trong gia đình có cái ăn, cái mặc”, lại thúc giục em đến trường, đến lớp".

 Cô giáo Hà Thị Huyền (ngoài cùng, bên phải) và Triệu Thị Trang (mặc áo dài).

Chính vì vậy, trong khi đa số bạn bè đều nghỉ học khi học hết cấp 2 ở Thượng Bằng La, Huyền vẫn tiếp tục theo học cấp 3 cách nhà gần 20km. Vì trường xa nên Huyền phải học nội trú. Sáng thứ hai hằng tuần, khi trời mới tờ mờ sáng, Huyền đã đạp xe theo con đường mòn lởm chởm đá to, đá nhỏ chở theo gạo, rau, muối từ nhà đến trường. Còn chiều thứ bảy lại đạp xe trở về. “Nhiều khi đi đường xe bị thủng lốp hoặc bị hỏng bất chợt, tôi phải dắt bộ đến trường, rồi lại dắt xe từ trường về nhà”, cô giáo Huyền cười tươi tâm sự.

- Cơ duyên nào đưa cô đến với nghề giáo? - tôi hỏi.

- Tôi thấy nếu mình theo đuổi nghề khác thì chỉ giúp bản thân hoặc gia đình mình có cuộc sống tốt hơn. Còn nếu làm giáo viên thì sẽ giúp được nhiều trẻ em được học con chữ, tức là sẽ có nhiều người có cuộc sống tốt đẹp hơn - cô giáo Huyền trả lời.

Ước mơ làm giáo viên đã nâng đỡ Huyền trên hành trình tri thức. “Học hết cấp 3, tôi tự đi thi và đỗ vào Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật (nay là Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật và du lịch, phường Yên Bái, tỉnh Lào Cai). Ngày ấy, phần vì hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, phần vì nếp suy nghĩ của đồng bào Tày là con gái chỉ cần học hết cấp 3 là xong, ở nhà lấy chồng, sinh con nên ban đầu bố mẹ cũng không muốn cho tôi theo học. Tôi phải xin bố mẹ mãi và còn hứa sẽ ăn ít đi để đỡ làm ảnh hưởng đến gia đình. Thương con nên bố mẹ đồng ý cho tôi tiếp tục theo học trung cấp”, cô giáo Huyền chia sẻ.

Những ngày theo đuổi ước mơ, Huyền vừa học vừa phải tranh thủ đi làm thêm để phụ giúp gia đình kinh phí ăn học. Bằng quyết tâm, ý chí, Huyền đã thực hiện được ước mơ làm giáo viên và bắt đầu gắn bó với những điểm trường ở bản làng xa xôi của tỉnh Lào Cai để giúp đỡ các học sinh trên hành trình tri thức.

Tấm lòng mẹ Huyền

“Con chào mẹ, cháu chào các chú”, câu chuyện của chúng tôi bị tiếng chào của cháu Triệu Thị Trang cắt ngang.

Qua giới thiệu, chúng tôi được biết, Trang được cô giáo Huyền nhận làm con nuôi và nuôi dạy cháu từ nhỏ đến nay. Khi biết chúng tôi là nhà báo, muốn tìm hiểu về nghề giáo viên của mẹ Huyền, cháu Trang tâm sự: "Mẹ Huyền là cô giáo tốt lắm! Con nhớ hồi con còn nhỏ, mẹ Huyền đến xã Mỏ Vàng dạy học. Hằng ngày, mẹ đều để dành phần đồ ăn để chia thêm cho các bạn học sinh. Nhiều khi do mưa bão, một số bạn học sinh không về nhà được nên phải ở lại trường vào cuối tuần, mẹ đều chia sẻ cơm, rau cho các bạn".

Sau câu chuyện, Trang xin phép mọi người vào bếp phụ giúp mẹ chuẩn bị đồ nấu bữa cơm trưa. Vừa nhìn Trang bằng ánh mắt trìu mến, cô giáo Huyền vừa kể:

- Cách đây 16 năm (năm 2009), tôi ra trường và được phân công lên công tác tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học xã Mỏ Vàng. Trên địa bàn của trường ngày ấy chưa có điện lưới. Ngày ngày, nhiều trẻ em phải kéo mảng tre vượt suối Ngòi Thia, vượt núi, băng rừng để đến lớp. Nơi đây, con em đồng bào Tày, Dao, Mông ở các bản xa được nhà trường nuôi dạy bán trú, bố mẹ thường đón con vào chiều thứ sáu, đưa đến trường vào sáng sớm thứ hai hoặc chiều chủ nhật.

Những ngày nghỉ cuối tuần, do đường núi rất khó đi, nhất là khi mưa lũ, tôi thường ở lại trường dạy các bài hát, điệu múa cho các em học sinh. Nghe tiếng nhạc, tiếng hát, các cháu nhỏ ở gần khu trường thường tìm đến xem. Năm 2013, trong số các cháu nhỏ thường xuyên đến tập múa, hát, có một bé gái với đôi mắt rất sáng, thân hình bé nhỏ, gầy gò, tiếng phổ thông cũng chưa sõi, luôn đến sớm và về sau cùng, không có ai đưa đón.

Cô bé khiến tôi có sự quan tâm đặc biệt, đó là cháu Triệu Thị Trang, nhà ở bản Tặng Chan, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Không biết mặt bố từ khi mới lọt lòng, chỉ có mẹ bên Trang trong căn nhà dựng tạm liêu xiêu ven suối. Mẹ cháu đau ốm, trí nhớ giảm sút nhưng vẫn cố gắng đi làm thuê, kiếm bữa qua ngày. Chia sẻ khó khăn trong cuộc sống của hai mẹ con, tôi dành thời gian nấu những bữa cơm, mua những tấm áo, chiếc quần ấm cho bé Trang.

Ngày qua ngày, tình thương yêu của cô giáo Huyền dành cho bé Trang càng thêm khăng khít. Tuy cuộc sống của cô giáo vùng cao nhiều vất vả, hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn, chồng công tác ở xa, bản thân cũng có con nhỏ phải chăm sóc, nhưng cô Huyền vẫn dành sự quan tâm cho Trang giống như con đẻ của mình. Cô giáo Huyền tâm sự với chồng về chuyện của Trang, mong muốn được nhận Trang làm con nuôi và được anh ủng hộ.

Sau khi được sự đồng ý của mẹ đẻ cháu Trang cũng như chính quyền địa phương, năm 2014, gia đình cô giáo Huyền có Triệu Thị Trang là thành viên mới. Năm 2018, khi Trang học hết tiểu học, vì xã Mỏ Vàng chưa có trường THCS, cô Huyền xin phép và được sự chấp thuận từ mẹ đẻ của Trang nên đã đưa cháu về xã Cát Thịnh ở cùng gia đình để cháu theo học tại Trường THCS Cát Thịnh. Năm 2020, cô giáo Huyền được chuyển về dạy học tại Trường THCS Cát Thịnh, thuận tiện hơn trong việc chăm sóc, dạy dỗ 3 con.

Đối với Trang, ngày được nhận làm con nuôi cũng là ngày cháu có thêm một mái ấm gia đình. Nhà cách trường hơn một cây số, Trang được bố mẹ mua cho xe đạp để thuận tiện đến trường, còn vào những ngày mưa gió thì được bố mẹ đưa đón như bao đứa trẻ khác. Bố mẹ cũng là thầy cô kèm cặp, bù đắp kiến thức, kỹ năng còn thiếu, nhất là sự tự tin để Trang vươn lên trong học tập. 

Cô giáo Huyền tươi cười: "Trong gia đình, tôi luôn đối xử công bằng với các con. Nếu mua cho các con cái gì, từ quần áo, đồ ăn, đồ chơi đến cái dây buộc tóc thì đều mua đủ cho cả 3 đứa, chưa bao giờ có ý nghĩ phân biệt con nuôi hay con đẻ. Tôi dạy các con rằng “chị Trang lớn nhất có nhiệm vụ bảo ban các em; các em thì phải nghe lời chị”. Vợ chồng tôi cũng luôn nhắc Trang phải nhớ về cội nguồn của mình và đưa con về thăm họ hàng".

“Vừa rồi, cháu Trang thi tốt nghiệp THPT. Cháu bảo cũng làm tốt các bài thi. Mong muốn sau cùng của vợ chồng tôi là tất cả các con có cuộc sống tốt đẹp. Trang có mong ước trở thành cô giáo, trở về quê hương dạy các em học sinh. Dù cuộc sống gia đình còn khó khăn, nhưng hai vợ chồng tôi sẽ cố gắng nuôi các con khôn lớn, trưởng thành”, cô giáo Hà Thị Huyền tâm sự.

Bài và ảnh: NGỌC GIANG - ĐỨC KIÊN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Cuộc thi viết "Những tấm gương bình dị mà cao quý lần thứ 16" xem các tin, bài liên quan.