Say mê nhịp trống hội

Nhắc tới nghệ thuật trình diễn trống hội, đặc biệt là trống đại, người ta thường nghĩ đến nam giới, với vóc dáng cao lớn, tràn đầy nhiệt huyết. Thế nhưng, Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) Nguyễn Thị Minh Tám (sinh năm 1942, tại phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội) lại khiến không ít người ngạc nhiên. Ở tuổi xế chiều, bà vẫn dẻo dai, linh hoạt, say sưa với từng nhịp trống hội.

NNƯT Nguyễn Thị Minh Tám (thứ 2 từ phải sang) dạy trống cho các thành viên Câu lạc bộ trống hội phường Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy, Hà Nội). 

Nữ nghệ nhân cho biết, bà sinh ra tại xã Nguyên Xá (huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) - mảnh đất có truyền thống múa rối nước và chèo cổ lâu đời. Lớn lên trong  gia đình với bố mẹ, anh chị đều là nhạc công, từ nhỏ, cô bé Minh Tám đã sớm say mê từng lời hát, điệu múa, ngấm trong máu từng nhịp phách, nhịp trống của âm nhạc dân gian.

NNƯT Minh Tám (ngoài cùng bên trái) thường xuyên đi diễn trống tại các lễ hội. Ảnh: NVCC

“Khi các nhạc công nghỉ ngơi, tôi lại mượn trống để gõ thử. Ban đầu chỉ là nghịch ngợm, nhưng gõ mãi thành quen, tiếng trống dần tròn đều, có nhịp điệu hơn, khiến người lớn cũng bất ngờ. Từ đó, tôi lắng nghe, ghi nhớ rồi tự học đủ loại: Trống hội, trống rước, trống lân...”, bà kể.

Không chỉ say mê trống hội, bà còn tự học theo các điệu múa cổ như: Múa cờ, múa quạt, múa chén, múa sinh tiền, múa trống cơm…; các làn điệu chèo, cải lương, ca trù,...

NNƯT Nguyễn Thị Minh Tám cùng các thành viên CLB trống hội phường Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy, Hà Nội) tập luyện cho phần trình diễn Nhã nhạc và múa cung đình. 

Năm 1962, nhờ tài năng nghệ thuật được nuôi dưỡng từ nhỏ, Minh Tám trở thành diễn viên của Đoàn Chèo 2 (nay là Nhà hát chèo Việt Nam). “Khi ấy, dù được đứng biểu diễn trên sân khấu, sống với đam mê nghệ thuật từ thuở nhỏ nhưng tôi vẫn cảm thấy chưa trọn vẹn. Có lẽ là bởi duyên nợ với tiếng trống hội vẫn âm ỉ trong tôi”, nữ NNƯT nhớ lại.

Bước ngoặt đến với bà Tám vào năm 1993, khi nhà nước cho khôi phục đình,  chùa, các lễ hội truyền thống cũng dần được tái lập. Nhận thấy đây là cơ hội để trở lại với trống hội, bà tìm đến nhiều địa phương, theo dõi các buổi diễn, tỉ mỉ ghi chép từng nhịp trống để nghiên cứu và học hỏi. NNƯT Nguyễn Thị Minh Tám cho biết: “Trong các loại hình nghệ thuật, trống hội mang âm hưởng riêng bởi nó rộn rã, sôi động nhưng cũng uyển chuyển, nhịp nhàng. Âm thanh ấy không chỉ khuấy động không gian lễ hội trong chốc lát mà còn lắng đọng, tạo nên dư âm khó phai cho người nghe, người diễn”.

Đến nay, NNƯT Nguyễn Thị Minh Tám thành thạo hơn 40 bài trống, mỗi bài kéo dài 7-8 phút. Với múa cổ, bà nắm vững hầu hết các bài múa trong nghi thức tế, lễ tại các hội, hè. 

Để tiếng trống hội mãi âm vang

Gắn bó với trống hội càng lâu, bà Tám càng trăn trở về việc gìn giữ và lan tỏa loại hình nghệ thuật này. “Năm 2010, khi chứng kiến dàn trống hội hàng trăm chiếc, vang lên hào hùng trong Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, tôi ao ước có một đội trống riêng, để đưa nghệ thuật này đến với nhiều người hơn”, bà nhớ lại.

Nghĩ là làm, bà Nguyễn Thị Minh Tám bắt tay vào vận động mọi người tham gia thành lập CLB. Những ngày đầu, việc tìm thành viên không hề dễ dàng, bởi nhiều người e ngại vì chưa từng tiếp xúc với loại hình này. Không nản lòng, bà kiên trì thuyết phục, linh hoạt trong cách dạy để khơi dậy niềm yêu thích của học viên.

Khi chưa có trống, bà hướng dẫn mọi người cầm dùi bằng đũa, gõ xuống đất, trên ống bơ, mặt bàn để làm quen với nhịp điệu. Từng động tác nhỏ dần kết nối, hình thành bài trống hoàn chỉnh, kết hợp biểu diễn theo nhịp điệu, khiến người tập từ chỗ ngại tham gia trở nên say mê tập luyện. Năm 2010, CLB trống hội phường Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy, Hà Nội) được thành lập.

Các học viên hào hứng tập luyện cùng NNƯT Nguyễn Thị Minh Tám. 

Bà Tám cho biết, ở thời điểm đó, bên cạnh nhân lực, kinh phí mua trống cũng là điều khó khăn. Để có đủ 9 trống cái, 20 trống con và đôi đầu lân, ngoài tự bỏ tiền, bà phải vận động sự đóng góp từ học viên và những người yêu mến bộ môn này. Khi dàn trống được hoàn thiện, với tinh thần luyện tập hăng say, đội trống hội ngày càng lớn mạnh, được mời biểu diễn tại nhiều sự kiện trong nước như: Hà Nội, Huế... và ngoài nước như: Trung Quốc, Lào, Thái Lan...

Chị Hà Thị Hải (sinh năm 1971, tại quận Cầu Giấy, Hà Nội), thành viên trong lớp học trống hội của bà Tám, chia sẻ: “Cô Tám không chỉ dạy kỹ thuật đánh trống, mà còn khơi dậy trong chúng tôi ý thức gìn giữ nghệ thuật trống hội. Nhìn cô say sưa hướng dẫn, tận tâm với từng nhịp trống, tôi hiểu rằng thế hệ trẻ không chỉ học để biết, mà còn phải tiếp nối, lan tỏa để tiếng trống hội mãi âm vang”.

Chị Hà Thị Hải (bên trái) chụp ảnh cùng người thầy của mình - NNƯT Minh Tám. Ảnh: NVCC 

Cùng với sự lớn mạnh của đội trống, bà Tám được nhiều nơi mời về truyền dạy. Đến nay, bà đã hướng dẫn hàng chục đội trống tại Hà Nội như: Đội trống đình Nam Đồng (quận Đống Đa), đình Võng Thị (quận Tây Hồ), đền Quán Đôi (quận Cầu Giấy) và nhiều địa phương khác. Không chỉ dạy các bài trống hội, bà còn hướng dẫn kỹ thuật: Trống tế, trống rước, trống đi, trống lễ, trống dâng..., mỗi loại mang sắc thái biểu diễn riêng. Ngoài ra, nữ NNƯT cũng mở lớp trực tuyến miễn phí, giúp học viên trên khắp cả nước được tiếp cận và hiểu hơn về loại hình nghệ thuật này.

NNƯT Nguyễn Thị Minh Tám coi việc truyền dạy nghệ thuật trống hội là sứ mệnh của đời mình.

“Chỉ cần có người muốn học, tôi sẵn sàng đến dạy, chẳng ngại xa xôi. Nhiều người thắc mắc vì sao tôi dành bao công sức mà không nhận thù lao. Nhưng với tôi, còn được cống hiến, còn có người trân trọng và lắng nghe, đó đã là niềm hạnh phúc lớn nhất. Chỉ khi nào tay không còn vung nổi dùi trống, tôi mới dừng lại”, bà bộc bạch.

Hiện nay, NNƯT Nguyễn Thị Minh Tám là Chủ nhiệm Đoàn nghệ thuật Trống hội Thăng Long. Bên cạnh đó, với vai trò là Phó ban Văn hóa của Trung tâm UNESCO Phát triển Văn hóa và Thể thao, bà còn tham gia cố vấn, hỗ trợ chuyên môn, dìu dắt các CLB, đoàn nghệ thuật trực thuộc trung tâm.

Năm 2022, bà Nguyễn Thị Minh Tám vinh dự được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú bởi thành tích cống hiến xuất sắc trong việc bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật trống hội dân gian. Ảnh: NVCC

Soạn giả, nhà báo Mai Văn Lạng, Trưởng phòng Dân ca và Nhạc cổ truyền, Đài Tiếng nói Việt Nam, chia sẻ: “NNƯT Minh Tám là người có tình yêu đặc biệt với trống hội, tình yêu ấy càng mãnh liệt theo năm tháng. Ở tuổi 83, bà vẫn đều đặn biểu diễn, dạy trống hội và không ngại đường xa để lan tỏa giá trị nghệ thuật này. Tuy nhiên, lớp trẻ hiện nay chưa mấy chú trọng đến trống hội dân gian, nhiều người nghĩ chỉ cần gõ thành tiếng là đủ. Nhưng đây là một nghệ thuật đầy cảm xúc, khi trầm, bổng, lúc lại hùng tráng, ngân nga. Vì thế, rất mong các bạn hãy quan tâm, tìm hiểu và trân trọng hơn loại hình nghệ thuật này”.

Hơn nửa cuộc đời gắn bó với nghệ thuật dân gian, bà Tám luôn tâm niệm: Nghệ thuật chỉ thực sự tồn tại khi được trao truyền và tiếp nối. Vì vậy, nhiều năm qua, khoảng sân nhỏ trước nhà bà Tám trở thành nơi ươm mầm cho những tâm hồn yêu nghệ thuật truyền thống. Mỗi buổi chiều, tiếng trống, tiếng ca lại vang lên, hòa cùng nhịp gõ đều đặn của bà và các học trò.

Căn phòng tràn ngập những tấm bằng khen, huy chương của NNƯT Nguyễn Thị Minh Tám. 

Trong căn phòng nhỏ của bà, những tấm huân chương, bằng khen được bà trân trọng treo khắp nơi. Có tấm đã phai màu, có bức ảnh với nét chữ mờ nhòe theo năm tháng, nhưng với bà, đó không chỉ là dấu ấn một thời tuổi trẻ đầy nhiệt huyết mà còn là lời nhắc nhở bản thân phải tiếp tục cố gắng, để thế hệ mai sau cảm nhận trọn vẹn tình yêu với nghệ thuật dân gian.

Trước khi trở thành 1 nghệ nhân trống hội nổi tiếng, bà Nguyễn Thị Minh Tám từng là 1 nữ dân quân gương mẫu, trách nhiệm. Năm 1958, khi gia đình chuyển đến xã Nghĩa Đô (huyện Từ Liêm, Hà Nội), nay là phường Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy, Hà Nội) sinh sống, với tài năng âm nhạc và nghệ thuật biểu diễn của mình, bà tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, phong trào thanh niên, công tác đoàn tại địa phương, dần khẳng định vai trò trong cộng đồng. Ghi nhận những đóng góp ấy, năm 1964, bà được địa phương tin tưởng giao nhiệm vụ Trung đội trưởng Trung đội I tự vệ xã Nghĩa Đô.

Khi Hà Nội hứng chịu mưa bom, bão đạn trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam lần thứ nhất (1965-1968) và lần thứ hai (1972) của Mỹ, bà cùng đồng đội kiên cường bám trụ, bảo vệ xóm làng. Không chỉ trực tiếp chỉ huy chiến đấu, bà còn mang lời ca, tiếng hát, cổ vũ tinh thần cho lực lượng dân quân tự vệ. Với những cống hiến trong kháng chiến, năm 1987, bà được Chủ tịch nước Trường Chinh trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng Ba. Năm 2001, bà được Ban liên lạc truyền thống Chiến sĩ Quyết tử Liên khu I – Trung đoàn Thủ đô tặng Kỷ niệm chương “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”.

Bài và ảnh: HẢI LY

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Cuộc thi viết "Những tấm gương bình dị mà cao quý" xem các tin, bài liên quan.