QĐND Online - Biên giới An Giang bắt đầu bước vào mùa mưa, những cơn mưa đầu mùa đến bất chợt, kèm theo giông lốc, sấm sét, gây khó khăn cho việc sinh hoạt cũng như thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ các tổ, chốt phòng, chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, dù ngày nắng đổ lửa, đêm những cơn gió lạnh như cắt da cắt thịt, điều kiện vật chất thiếu thốn nhưng người lính vẫn kiên cường giữ chắc tay súng, túc trực 24/24 ngăn chặn người nhập cảnh trái phép qua biên giới.
Một ngày cùng cán bộ, chiến sĩ các tổ, chốt tham gia phòng, chống dịch Covid-19 ở biên giới An Giang, chúng tôi hiểu được chẳng có khó khăn nào có thể làm chùn bước chân của người lính. “Giặc Covid-19” cũng vậy. Hơn một năm cắm chốt nơi biên giới, vượt lên trên vất vả, người lính tự cải thiện môi trường công tác, sinh hoạt và tìm niềm vui tinh thần cho mình, để thêm động lực công tác, chờ đợi ngày hết dịch bệnh gần nhất.
Dưới đây là một số hình ảnh mà Báo Quân đội nhân dân và cộng tác viên ghi nhận tại các tổ, chốt phòng, chống dịch Covid-19 ở biên giới An Giang:
THÚY AN-GIA KHÁNH (thực hiện)

Tình hình dịch bệnh tại Campuchia đang bùng phát mạnh trong cộng đồng ở 2 tỉnh Takeo và Kandal (tiếp giáp với An Giang). Điều này đặt ra thách thức cho toàn tỉnh nói chung và lực lượng phòng, chống dịch bệnh tại các tuyến biên giới nói riêng trước những mối hiểm họa khôn lường. Nhưng với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, cán bộ, chiến sĩ luôn xác định nêu cao trách nhiệm và ý chí sẵn sàng chiến đấu.

Giữa cánh đồng mênh mông mùa nắng cháy, lực lượng biên phòng, quân sự, công an đã dựng lên một “vành đai” để bảo vệ an toàn cho cộng đồng trước sự đe dọa của dịch Covid-19.

Những trận mưa đầu mùa, gió mạnh… một phần nào ảnh hưởng đến quá trình thực hiện nhiệm vụ. Nhưng các anh em chiến sĩ luôn động viên, hỗ trợ nhau trước mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Mặc cho ban ngày nắng như đổ lửa các cán bộ, chiến sĩ vẫn động viên nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Có những đêm mưa đường trơn trượt, đi lại khó khăn, ánh sáng đèn pin không đủ nhiều anh em bị té ngã, trầy xước nhưng vẫn tiếp tục tuần tra bởi chỉ cần lơ là các đối tượng sẽ nhập cảnh trái phép vào biên giới.

Biên giới An Phú (An Giang) cách Campuchia chỉ một con sông nhỏ, địa hình sông rạch cũng là điều kiện thuận lợi để các đối tượng xuất nhập cảnh trái phép. Vì thế các tổ, chốt phải thay nhau tuần tra xuyến suốt trên các tuyến sông.

Khu vực mà Đồn Biên phòng cửa khẩu Long Bình quản lý chỉ một bước chân đã qua biên giới. Xung quanh nhiều vườn xoài của người dân nên tầm quan sát bị hạn chế, chính vì vậy lực lượng làm nhiệm vụ phải tăng cường tuần tra, kiểm soát lưu động. Buổi tối thì tổ chức mật phục ở những nơi có khả năng các đối tượng lợi dụng để xuất, nhập cảnh trái phép.

Khó khăn lớn nhất hiện nay của chốt là nguồn nước khan hiếm. Nắng nóng, nhu cầu sử dụng nước của cán bộ, chiến sĩ tăng cao, mỗi ngày từ 1-2 bình. Đường sá khó đi, người bán cũng ngại vận chuyển vào. Xung quanh vắng người sinh sống, qua lại, thi thoảng mới có vài người dân đến đây làm ruộng. Vì vậy, mọi người đặt mua bình nước 20 lít, rồi thay phiên nhau vác từ ngoài bờ đê vào chốt.

Xác định cuộc chiến lâu dài, những người lính lính tự cải thiện môi trường công tác, sinh hoạt và tìm niềm vui tinh thần cho mình, để thêm động lực công tác, chờ đợi ngày hết dịch bệnh gần nhất.

Một cách “tăng gia” rất độc đáo của chốt phòng, chống dịch số 6 (Đồn Biên phòng Nhơn Hội). Tận dụng bình nước đã qua sử dụng, cùng ý tưởng thân thiện môi trường, cán bộ chiến sĩ vừa có hành để ăn, vừa tạo điểm nhấn vui mắt xung quanh chốt.