QĐND Online - Tân Trào với những địa danh nổi tiếng như: Lán Nà Nưa, cây đa Tân Trào, đình Tân Trào, đình Hồng Thái… đã đi vào lịch sử và là niềm vinh dự, tự hào của nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang và đồng bào cả nước.
Tháng 5-1945, Tân Trào được chọn làm căn cứ địa cách mạng, là nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh để chuẩn bị lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa trong toàn quốc. Hiện nay dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, nhân dân các dân tộc tại địa phương đang ra sức xây dựng quê hương giàu đẹp. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trân trọng gửi đến bạn đọc một số hình ảnh về Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào.
VIỆT CƯỜNG - DIỆU THÚY và CTV (thực hiện)

Hàng cây duối hai bên đường vào Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào.

Cây đa Tân Trào nằm ở đầu làng Tân Lập, tại đây, chiều 16-8-1945, thi hành mệnh lệnh của Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc, đồng chí Võ Nguyên Giáp đọc bản Quân lệnh số 1 hạ lệnh xuất quân tiến sang giải phóng Thái Nguyên và tiến về giải phóng Thủ đô Hà Nội.

Nha Thông tin - nhiệm vụ chủ yếu là khai thác, nghiên cứu, thu thập, sưu tầm tư liệu để phục vụ Bác Hồ, Trung ương Đảng, Chính phủ trong việc đề ra những quyết sách phù hợp với yêu cầu từng giai đoạn của cuộc kháng chiến.

Đình Tân Trào thuộc thôn Tân Lập, xã Tân Trào, dựng năm 1853, với lối kiến trúc theo kiểu nhà sàn miền núi. Đình dựng lên nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng và là nơi hội họp, sinh hoạt văn hóa của dân làng. Tại đây, Quốc dân đại hội đã họp thông qua lệnh Tổng khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng trong cả nước, thông qua 10 chính sách lớn của Mặt trận Việt Minh và bầu ra Ủy ban Dân tộc giải phóng, quy định Quốc kỳ, Quốc ca của nước Việt Nam.

Di tích lán Hang Bòng thuộc thôn Bòng, xã Tân Trào, nằm ở lưng chừng dãy núi Bòng. Thời gian Bác Hồ ở và làm việc tại lán Hang Bòng từ tháng 5-1951 đến cuối năm 1952. Tại đây, Người đã lãnh đạo quân và dân cả nước giành thắng lợi lớn trong giai đoạn tổng phản công chiến lược, thay đổi cục diện chiến tranh.

Căn hầm này nơi ở và làm việc của Bác Hồ trong những năm tháng cách mạng.

Hầm Trung ương Đảng, nơi diễn ra các cuộc họp quan trọng.

Hầm Chính phủ trong những ngày kháng chiến.

Lán Nà Nưa là nơi Bác Hồ ở và làm việc từ cuối tháng 5 đến cuối tháng 8-1945 để chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa. Lán được dựng bằng tre theo kiểu nhà sàn. Ngày 4-6-1945, tại nơi đây, Bác Hồ đã triệu tập Hội nghị cán bộ để chuẩn bị thành lập “Khu giải phóng, Quân giải phóng”, tiến tới Quốc dân Đại hội, Tổng khởi nghĩa. Hiện tại lán vẫn được bảo tồn và là điểm du lịch hấp dẫn du khách tham quan.

Làng Tân Lập, trước đây gọi là Kim Long, nằm ở phía Đông xã Tân Trào trong một thung lũng bốn bề núi rừng bao bọc, nơi đây có núi chắn, sông ngăn, đảm bảo an toàn bí mật, tiến có thể đánh, lui có thể giữ nên được chọn làm trung tâm thủ đô khu giải phóng.

Một góc làng Tân Lập.

Tân Trào - vùng đất rộng lớn có nhiều cảnh quan đẹp với nhiều đồi núi trùng điệp.

Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Tân Trào nằm trên địa bàn hai huyện Sơn Dương và Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.

Hòn đá thề, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc lời thề quyết tâm giành độc lập dân tộc.

Ngôi nhà của ông Nguyễn Tiến Sự - Chủ nhiệm Việt Minh làng Kim Long (nay là làng Tân Lập). Ngôi nhà ở vị trí giữa làng Tân Lập, xã Tân Trào. Đây là nơi đã từng gắn liền với quá trình hoạt động cách mạng của Bác Hồ khi Người từ Pắc Bó, Cao Bằng về Tân Trào ngày 21-5-1945. Ngôi nhà không chỉ là một di tích lịch sử cách mạng mà còn có giá trị kiến trúc nhà sàn truyền thống tiêu biểu của dân tộc Tày ở Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.