QĐND Online - Chợ phiên ở xã Lũng Phìn, huyện Mèo Vạc (Hà Giang) còn được gọi là “chợ lùi”, bởi lẽ chợ họp luân phiên một tuần một lần và tuần sau lùi lại một ngày so với tuần trước. Đây được xem là một trong những chợ phiên độc đáo nhất ở vùng cực Bắc Tổ quốc.
Từ mờ giờ sáng, bà con từ các bản làng dẻo cao xa xôi đã nô nức cùng nhau xuống chợ. Người đi ngựa, đi xe máy, xe đò và phần nhiều là đi bộ nhưng vẫn đến chợ đúng giờ. Đồng bào xuống chợ như đi hội với “bộ cánh” đẹp nhất trong trang phục truyền thống của dân tộc mình và thồ sau lưng những sản vật nhà làm ra mang bán. Từ con dao, cái cuốc, củ khoai, củ sắn cho đến con trâu, bò, ngựa, gà hay đàn lợn “mán” chạy líu díu dưới chân. Họ xuống chợ không đơn thuần là mua bán mà còn đi vui chơi, uống rượu, múa khèn, thổi kèn, hát giao duyên…Trẻ con được đến chợ thỏa thích nô đùa. Có đứa túm tụm lại với đám bạn, đứa trông hàng cùng mẹ, đứa còn ẵm ngửa cũng được địu đến chợ. Đặc sắc của chợ phiên nơi đây là những sản phẩm do chính đồng bào tự chăn nuôi, lao động mà có. Tất cả những sản vật đó đã tạo nên “thương hiệu” tại các phiên chợ của vùng cao nguyên đá nơi địa đầu cực Bắc Tổ quốc. “Chợ lùi” không chỉ có xã Lũng Phìn (Mèo Vạc), mà tỉnh Hà Giang còn có ở các xã Xà Phìn, Phó Bảng và Phố Cáo (huyện Đồng Văn), nếu đi du lịch gần như ngày nào cũng có thể gặp chợ phiên và khám phá được những điều rất mới lạ, thú vị.
NGUYỄN TUẤN HUY (thực hiện)

Một góc chợ Lũng Phìn.

Đi chợ phiên, các bà các mế bán hàng còn những đứa trẻ thì được dịp vui chơi.

Công bằng trong mua bán, trao đổi.

Cánh đàn ông xem và chọn mua bò chuẩn bị cho mùa nương mới.

Đi chợ phiên, không quan trọng là có nhiều hay có ít, miễn là lợn đẹp sẽ bán được hàng.

Ánh mắt ngơ ngác và rất hồn nhiên của con trẻ.

Phong cách bán hàng rất đồng bào.

Hầu hết nhà nào cũng có một hai đôi chim, lồng chim treo trong sân hay hiên nhà. Chợ phiên là dịp để cánh đàn ông trao đổi hay mua bán những con chim rừng.

Hai vợ chồng cùng nhau bắt chú lợn vừa mới mua.

Niềm vui của chàng trai bản khi mua được đôi lợn đẹp.

Đi chợ từ sáng sớm, nên một gia đình đã quyết định thưởng thức bữa sáng trong chợ.

Tan chợ đồng bào trở về bản với những món hàng thiết yếu.